/ Hoạt động Luật sư
/ Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thực tập các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp  

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thực tập các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp  

23/05/2022 09:12 |

(LSVN) - Chiều ngày 11/5/2022, tại Học Viện Tư pháp, Trung tâm Đào đạo bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Học Viện Tư pháp tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thực tập các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp”.

Các đại biểu tham dự hội thảo. 

Tham dự hội thảo có PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp; Tiến sĩ, Luật sư Phạm Văn Đàm, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Hội thảo còn có sự tham gia của các giảng viên, Luật sư, chuyên gia pháp lý đang công tác tại Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, các tổ chức hành nghề Luật sư, tổ chức hành nghề công chứng.

Các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến chuyên môn sâu sắc và giá trị vào thực trạng thực tập hành nghề Luật sư, công chứng ở nước ta hiện nay.

Các đại biểu tham dự hội thảo nhận định rằng, giai đoạn thực tập có ý nghĩa then chốt quyết định đến kết quả tốt nghiệp của học viên. Tuy nhiên, một thực trạng là giai đoạn này đang tồn tại nhiều bất cập cần tháo gỡ. Theo thiết kế chương trình đào tạo nghiệp vụ Luật sư, công chứng, học viên sau thời gian đào tạo lý thuyết trên Học viện Tư pháp thì phải đăng ký thực tập tại tổ chức hàng nghề, thời gian thực tập kéo dài 1 tháng. Quá trình thực tập là giai đoạn cầu nối giúp các học viên tiếp xúc, làm quen với môi trường hành nghề Luật sư, qua đó có điều kiện để hoàn thiện các kỹ năng đã được đào tạo.

Phần lớn các học viên đều nghiêm túc thực tập và hoàn thành tốt thời gian thực tập, các học viên cũng thu nhận được nhiều kiến thức thực tiễn. Tuy nhiên, do thời gian thực tập ngắn nên việc thực tập vẫn chưa thực sự phát huy được tối đa. Các học viên chưa có nhiều cơ hội để tiếp xúc nghiên cứu hồ sơ vụ việc thực tế, chưa có nhiều trải nghiệm với thực tiễn hành nghề. Bên cạnh đó các Luật sư, công chứng viên hướng dẫn thường bận giải quyết công việc chuyên môn, hoặc tâm lý ngại giao việc các thực tập sinh vì sợ ảnh hưởng tiến độ công việc, bảo mật thông tin nên việc tiếp cận giải quyết hồ sơ, vụ việc thực tế của các học viên bị hạn chế. Việc giám sát thực tập cũng chưa được thực hiện đầy đủ, còn có hiện tượng học viên “đánh trống ghi tên” điểm danh ở một tổ chức hành nghề Luật sư, tổ chức hành nghề công chứng mang tính chất đối phó thi tốt nghiệp.  

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. 

Phát biểu tham luận, Tiến sĩ, Luật sư Phạm Văn Đàm, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu quan điểm: Riêng đối với hoạt động thực tập của học viên Luật sư hiện nay bị chi phối bởi quy định của Luật Luật sư, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (Quy tắc 7 về giữ bí mật thông tin) và các văn bản khác của pháp luật. Người tập sự hành nghề Luật sư được giúp Luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp; không được nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Vì vậy đã giới hạn cách khả năng tiếp cận của các học viên với thực tiễn hành nghề, đây là thiệt thòi cho các học viên

Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thực tập các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp” là vô cùng cần thiết và bổ ích, đáp úng kịp thời giai đoạn hiện nay và định hướng cho giai đoạn tới trong việc giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thực tập trong các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp.

HƯNG NGUYÊN

Vai trò của Luật sư trong vụ án ly hôn và nguyên tắc tự định đoạt của đương sự

Nguyễn Mỹ Linh