/ Luật sư - Bạn đọc
/ Căn cứ pháp lý xử lý xe hết thời hạn tạm giữ

Căn cứ pháp lý xử lý xe hết thời hạn tạm giữ

16/02/2024 15:34 |

(LSVN) - Luật sư cho hay, theo quy định của pháp luật khi hết thời hạn bị tạm giữ xe do vi phạm nồng độ cồn, người vi phạm có trách nhiệm nhận lại xe; nếu không đến lấy xe, phương tiện có thể bị tịch thu sung công quỹ.

Ảnh minh họa.

Hàng vạn xe bị tạm giữ vì vi phạm nồng độ cồn gây áp lực lên các bãi giữ xe

Theo Cục CSGT (Bộ Công an), 07 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2024 (từ ngày 08/02/2024 đến ngày 14/02/2024, lực lượng CSGT đường bộ đã kiểm tra, xử lý 71.382 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; nộp Kho bạc Nhà nước hơn 182 tỉ đồng.

Trong 07 ngày nghỉ lễ, cơ quan chức năng đã tạm giữ 35.684 phương tiện (trong đó, 1.463 xe ôtô, 34.082 xe máy, 140 phương tiện khác). Cơ quan Công an cũng đã tước 18.899 giấy phép lái xe; trong đó vi phạm nồng độ cồn có 29.099 trường hợp, vi phạm về tốc độ 16.756 trường hợp, vi phạm ma túy 114 trường hợp, vi phạm quá khổ, quá tải trọng 162 trường hợp và phương tiện vi phạm chở quá số người quy định là 689 trường hợp.

Từ đó, với hơn 35.000 phương tiện sẽ gây một áp lực lớn lên các bãi đỗ xe vi phạm vốn đã quá tải tại các tỉnh, thành phố, nhất là các thành phố lớn như: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Trước đó, thông tin tới báo chí tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội do Bộ Công an tổ chức ngày 11/01/2024, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó phòng Tham mưu, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2023, CSGT mở nhiều đợt xử lý vi phạm nồng độ cồn nên lượng xe bị tạm giữ gia tăng.

Năm 2023, Cảnh sát xử lý hơn 651.000 trường hợp, trong đó vi phạm nồng độ cồn có gần 130.000 trường hợp, chiếm 19,7% tổng số vi phạm về giao thông. Tổng số lượng môtô và ôtô bị tạm giữ là hơn 150.000 phương tiện, trong đó có hơn 1.500 ôtô vi phạm bị tạm giữ.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng cho hay, do mức phạt các lỗi này tương đối cao, đôi khi cao hơn giá trị phương tiện vi phạm và có hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe, thế nên, không ít người vi phạm đã bỏ phương tiện vi phạm, điều đó đã làm gia tăng số lượng phương tiện vi phạm hành chính ở các kho bãi tạm giữ. Đồng thời, Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng cho biết, nếu thực hiện đúng quy định về khoảng cách, còn thiếu 10.000m2 làm kho bãi.

Trường hợp không đến lấy xe, phương tiện có thể bị tịch thu

Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã có quy định về việc xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề hết thời hạn tạm giữ. Trong đó, đối với phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì được xử lý như sau:

Căn cứ theo quy định tại khoản 4, Điều 126, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Điều 17, Nghị định 138/2021/NĐ-CP về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.

Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 02 lần.

Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.

Hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. 

Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện.

Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.

Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 125, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.

Như vậy, theo quy định của pháp luật khi hết thời hạn bị tạm giữ xe do vi phạm nồng độ cồn, người vi phạm có trách nhiệm nhận lại xe. Nếu không đến lấy xe, phương tiện có thể bị tịch thu sung công quỹ.

TRẦN QUÝ

Việc mua bán, sử dụng pháo phải tuân thủ theo đúng quy định

Nguyễn Hoàng Lâm