/ Trao đổi - Ý kiến
/ Giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai tại Khánh Hòa: Thực trạng và các giải pháp

Giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai tại Khánh Hòa: Thực trạng và các giải pháp

04/07/2022 23:47 |

(LSVN) - Trong thời gian gần đây, số lượng vụ án hành chính trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày càng gia tăng, cùng với đó là tính chất của các vụ án cũng phức tạp hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Các cơ quan tư pháp nổi bật là Tòa án đã góp phần tích cực bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tăng cường hiệu quả bảo vệ xã hội. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, so với các lĩnh vực như hình sự, dân sự thì trong lĩnh vực hành chính, số lượng vụ việc đã được giải quyết tại Tòa án còn hạn chế và chưa đáp ứng được các yêu cầu hiện tại của xã hội. Từ đó đặt ra cho các cấp chính quyền và các cơ quan liên quan một thách thức là cần phải có các giải pháp nâng cao hiệu quả hơn trong giải quyết các vụ án hành chính nói chung và các vụ án liên quan đến đất đai nói riêng.

Ảnh minh họa.

1.Thực trạng giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai

Hiện nay, các khiếu kiện hành chính thuộc nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước, bên cạnh một số lĩnh vực thường xảy ra nhiều tranh chấp như lĩnh vực xây dựng (cấp giấy phép xây dựng, buộc tháo dỡ công trình xây dựng…), lĩnh vực thuế, hải quan (thu thuế, truy thu thuế, thu tiền sử dụng đất, áp giá hàng hóa nhập khẩu) thì trong thời gian gần đây các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai (Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký cập nhật biến động về nhà đất…) không chỉ diễn biến phức tạp hơn về nội dung, tính chất mà còn gia tăng đáng kể về mặt số lượng. Vì sự gia tăng đột ngột về số lượng khiếu kiện nên công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính nói chung và trong lĩnh vực đất đai nói riêng hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, bên cạnh đó là còn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc do vậy dẫn đến số lượng vụ án hành chính được xử lý cũng chưa thực sự cao, cụ thể:

Thứ nhất, về việc hợp tác giải quyết vụ án và công tác tống đạt các văn bản tố tụng.

- Người bị kiện là UBND hay Chủ tịch UBND các cấp, thông thường người bị kiện ít khi trực tiếp tham gia tố tụng mà ủy quyền cho cấp phó trực tiếp tham gia tố tụng hoặc yêu cầu xét xử vắng mặt. Đây là một trong những khó khăn thấy rõ nhất khi giải quyết án hành chính nói chung và trong lĩnh vực đất đai nói riêng.

- Việc tống đạt các văn bản tố tụng đối với đối tượng trên thường thực hiện thông qua bộ phận văn thư, nhận đơn của cơ quan. Đôi khi họ không đồng ý ký tên vào biên bản tống đạt dẫn đến nhiều trường hợp tống đạt không hợp lệ.

- Đối với trường hợp phải tống đạt tại địa phương khác ngoại tỉnh, do không thể trực tiếp tống đạt đến các đương sự nên đa số phải qua hình thức gửi thư bảo đảm. Điều này cũng gặp rất nhiều rủi ro về tính pháp lý, thời gian giao nhận và các vấn đề khác không nằm trong kiểm soát của Tòa án.

Thứ hai, về vấn đề thi hành bản án. Sau khi có hiệu lực pháp luật, việc thi hành các bản án hành chính liên quan đến đất đai thường khó và chậm thi hành. Các cơ quan thực hiện còn phụ thuộc lẫn nhau dẫn đến hiệu quả thi hành không cao.

Thứ ba, tâm lý e ngại thường thấy đối với các Thẩm phán khi giải quyết vụ án hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai vẫn còn tồn tại.

-  Đối với lĩnh vực hành chính liên quan đến đất đai thường xảy ra ở các dự án thường có trường hợp là trong cùng một dự án với các hồ sơ pháp lý giống nhau, bản án có hiệu lực pháp luật lại bị kháng nghị giám đốc thẩm. Do đó, khi giải quyết các vụ tương tự, các Thẩm phán thường e ngại, nể nang, kéo dài thời gian giải quyết để đợi kết quả xét xử giám đốc thẩm. Với các hồ sơ pháp lý giống nhau nhưng kết quả xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm của Tòa án lại khác nhau cũng làm cho các Thẩm phán không yên tâm khi gặp phải trường hợp này.

- Đối với việc xét xử liên quan đến các quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của lãnh đạo các cơ quan hành chính nhà nước (nhất là các Thẩm phán mới được điều động, phân công xét xử án hành chính). Do Toà án được tổ chức theo cấp hành chính nên có lúc, có nơi nguyên tắc độc lập xét xử của Toà án đã ít nhiều không được thực hiện triệt để; đã xảy ra hiện tượng một số vụ án xét xử bị ảnh hưởng của cấp ủy và chính quyền địa phương, thậm chí có trường hợp can thiệp sâu vào hoạt động xét xử của Tòa án, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, vị thế của Toà án bị xâm hại, lòng tin của nhân dân đối với nền công lý xã hội bị suy giảm.

Thứ tư, trong lĩnh vực đất đai được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, đặc biệt là các quy phạm pháp luật về đất đai có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ đòi hỏi cần có nhiều thời gian tập hợp, tìm hiểu, trao đổi, nghiên cứu, cập nhật liên tục.

Thứ năm, công tác đối thoại tại Tòa án không đạt hiệu quả như mong muốn. Bởi vì người bị kiện thường không trực tiếp tham gia hoặc ủy quyền cho cấp phó trực tiếp tham gia, đôi khi còn không trả lời ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, do vậy, Tòa án không thể tiến hành đối thoại được dẫn đến thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài rất lâu. Tòa án vẫn phải tiến hành theo thủ tục để rồi tiến hành xét xử vắng mặt nên người khởi kiện thường có thái độ bức xúc và không đồng tình với hướng giải quyết của Tòa.

Thứ sáu, đạo đức của công chức, viên chức nói chung và trong ngành tư pháp nói riêng là một vấn đề nhạy cảm nhưng rất quan trọng hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 76/SL ngày 20/5/1950 ban hành Quy chế công chức Việt Nam. Với văn bản này có thể nói, đây là lần đầu tiên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành một hệ thống các quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh, làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng đội ngũ công chức. Tại Điều 2 của Quy chế quy định: “Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy nhà nước. Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng lồng ghép quy định nhằm tránh các lỗ hổng pháp lý và nghiêm ngặt hơn trong quản lý công chức. Tuy nhiên, vấn nạn tham nhũng và vi phạm đạo đức xảy ra ở nhiều cán bộ, công chức, viên chức. Đối với lĩnh vực đất đai, thực trạng này diễn biến khá phức tạp, dẫn đến nhiều sai phạm nghiêm trọng và hậu quả đáng tiếc.

2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai

- Tăng cường sự giám sát, chỉ đạo khắt khe hơn từ cấp trên đối với các đối tượng chịu trách nhiệm thi hành các bản án, quyết định sau khi giải quyết xong. Pháp luật cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn liên quan đến cưỡng chế thi hành để hoạt động thi hành án được hiệu quả.

- Áp dụng mô hình phân chia thành các tổ Thẩm phán, thư ký, từ đó mỗi tổ đi sâu nghiên cứu và thực hiện việc giải quyết vụ án theo từng lĩnh vực của quản lý nhà nước bị khiếu kiện trong đó có lĩnh vực đất đai. Với mô hình này, các tổ chuyên môn này sẽ cùng nhau họp bàn, trao đổi tìm ra hướng giải quyết khi gặp các vướng mắc. Trong trường hợp vẫn còn khó khăn thì cùng trao đổi với lãnh đạo Tòa hoặc Ủy ban Thẩm phán để tháo gỡ.

- Tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn với báo cáo viên là các thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo Tòa Hành chính và các chuyên gia thuộc các cơ quan chuyên môn để bồi dưỡng thêm kiến thức cho các thẩm phán, thư ký và cùng trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp thắc mắc. Thường xuyên cập nhật những hướng dẫn, thay đổi của pháp luật hiện hành để kịp thời áp dụng trong quá trình xử lý các vụ án.

- Cập nhật thường xuyên tiến độ giải quyết vụ án của các thẩm phán vào hệ thống Cổng thông tin điện tử của Tòa án, các Thẩm phán linh hoạt theo dõi tiến độ vụ án không để vụ án bị quá hạn cũng như đẩy nhanh tiến độ, tránh tình trạng trễ nải, kéo dài thời gian giải quyết. Từ đó, phân công hồ sơ, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở một cách khoa học trên cơ sở số liệu, thông tin được thể hiện trên hệ thống.

- Tổ chức các buổi làm việc, tọa đàm với UBND các cấp, các sở, ban ngành để cùng trao đổi, góp ý về các hạn chế, thiếu sót, khó khăn, vướng mắc của Tòa án khi tiến hành tố tụng và của UBND thành phố, UBND cấp huyện và các sở, ban ngành khi tham gia tố tụng. Từ đó, có những giải pháp để hoàn thiện, khắc phục.

- Tập trung quán triệt Thẩm phán, thư ký Tòa án phải nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Các trường hợp chậm giải quyết vụ án, có án bị hủy, sửa với lỗi chủ quan đều phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định.

- Tăng cường công tác đối thoại để giảm bớt áp lực cho Tòa án trong việc xét xử. Cơ chế đối thoại ngày càng phát triển trên thế giới và đã bước đầu đạt được những hiệu quả nhất định trong thời gian gần đây tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Qua nghiên cứu và tìm hiểu, việc giải quyết các vụ án hành chính liên quan đến đất đai ở Khánh Hòa hiện đang đứng trước những khó khăn và hạn chế nhất định. Bên cạnh hiệu quả thi hành án sau khi xét xử còn khá chậm thì chúng ta cũng cần ghi nhận những thành quả mà toàn bộ hệ thống tư pháp tỉnh nhà nổi bật là TAND tỉnh Khánh Hòa đã đạt được.

Sự nỗ lực giải quyết các vụ án hành chính về đất đai của cơ quan này đã góp phần nâng cao vai trò của pháp luật trong đời sống và được sự tin tưởng nhiều hơn từ nhân dân.

Do đó, cần hơn nữa sự quan tâm sâu sắc, tạo điều kiện và hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn trong thời gian tới, tạo niềm tin để tiếp thêm động lực cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh.

Giảng viên NGUYỄN THỊ NAM GIANG

Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Cần nâng cao hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số

Lê Minh Hoàng