Ảnh minh họa.
Đặt vấn đề
Phương thức giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước bằng hòa giải (gọi tắt là “hòa giải đầu tư”) đang nhận được ngày càng nhiều sự quan tâm(1). Hòa giải đầu tư hứa hẹn là một phương thức giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước (Investor- State Dispute Settlement - ISDS) có tính hiệu quả cao, thân thiện và ít tốn kém(2). Một trong những ưu thế quan trọng của hòa giải là tính bảo mật, giúp các bên giữ kín được thông tin, hạn chế các áp lực từ bên ngoài và nhờ đó đạt được thỏa thuận hòa giải dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tính bảo mật trong ISDS vốn lại là một trong những vấn đề gặp phải nhiều sự chỉ trích. Vấn đề là do tranh chấp giữa nhà đầu nước ngoài và Nhà nước không chỉ liên quan tới lợi ích của các bên tranh chấp mà còn ảnh hưởng tới lợi ích công cộng, quyền lợi của người dân. Chính vì vậy, xu thế hiện nay trong ISDS là tăng cường minh bạch hóa quá trình giải quyết tranh chấp thông qua công khai thông tin, cho phép sự tham gia của các bên thứ ba…
Sự mâu thuẫn giữa nhu cầu minh bạch hóa trong ISDS và tính bảo mật vốn có của hòa giải đặt ra thách thức lớn đối với sự phát triển của hòa giải đầu tư. Việc xây dựng một sự cân bằng hợp lý giữa bảo mật và minh bạch là điều cần thiết để nâng cao sự chấp nhận từ công chúng và tăng cường tính chính đáng của phương thức này.
Mâu thuẫn giữa bảo mật và minh bạch trong hòa giải đầu tư
Dưới góc nhìn của Nhà nước là một bên trong tranh chấp đầu tư, bảo mật được xem là điều kiện tiên quyết để lựa chọn đưa tranh chấp ra hòa giải. Nguyên nhân là bởi, khi tham gia quá trình hòa giải, nếu thông tin bị tiết lộ ra ngoài thì Nhà nước có thể gặp một số bất lợi do áp lực từ phương tiện truyền thông hoặc tạo ra tiền lệ cho các nhà đầu tư khác đưa ra các yêu cầu, đòi hỏi tương tự. Khi đó, việc thỏa thuận về các khoản bồi thường tự nguyện (nếu có) trong quá trình hòa giải cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều do áp lực từ phía với người dân(3). Đặc biệt với những tranh chấp về các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có yếu tố văn hóa, chính trị, tôn giáo… thì tính bảo mật trong hòa giải đầu tư là yếu tố quyết định khả năng đạt được một thỏa thuận hòa giải thành(4).
Tuy nhiên, điểm nghịch lý là tính bảo mật cũng là một nhược điểm của hòa giải trong việc giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư và Nhà nước. Nhiều học giả cho rằng sự bảo mật tuyệt đối trong hòa giải là không phù hợp vì điều này gây đe dọa tới quyền dân chủ, quyền được biết của người dân về các vấn đề liên quan tới chính sách quốc gia và việc thực thi pháp luật của chính phủ(5). Thật khó để người dân có thể chấp nhận việc chính phủ của họ tìm kiếm một “thỏa thuận ngầm” với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có thể có những khoản tiền bồi thường được trả bằng tiền thuế của người dân hoặc những quyền lợi dành riêng cho nhà đầu tư. Đây cũng chính là những lập luận được đưa ra để yêu cầu cải cách cơ chế trọng tài đầu tư theo hướng minh bạch hơn. Trong khi UNCITRAL đã đưa ra những quy tắc riêng về minh bạch hóa thông tin trong trọng tài đầu tư (Quy tắc minh bạch UNCITRAL), vấn đề này hầu như còn bỏ ngỏ đối với phương thức hòa giải đầu tư.
Việc đưa ra những quy định về mức độ minh bạch (hay bảo mật) trong hòa giải đầu tư đóng vai trò vô cùng quan trọng. Có học giả cho rằng để có thể tích hợp cơ chế hòa giải trong giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước, và để hòa giải đầu tư có thể là một phương thức thay thế cho trọng tài đầu tư, không có lựa chọn nào khác ngoài việc đạt được sự cân bằng giữa bảo mật và minh bạch(6). Trước hết, đối với những tranh chấp đầu tư có liên quan tới lợi ích cộng đồng thì các bên liên quan không chỉ có nhà đầu tư và Nhà nước. Do đó, với những vấn đề này, các bên và rộng hơn là công chúng có quyền được tiếp cận thông tin để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chính họ. Thứ hai, mức độ minh bạch hợp lý cũng có thể củng cố niềm tin cho nhà đầu tư trong việc thi hành thỏa thuận hòa giải, từ đó khuyến khích nhà đầu tư sẵn sàng tham gia hòa giải. Ngoài ra, một số vụ tranh chấp về các vấn đề môi trường tại Hoa Kỳ cho thấy rằng việc minh bạch thông tin có thể giúp quá trình hòa giải và thực thi thỏa thuận hòa giải gặp nhiều thuận lợi hơn. Cụ thể, một vụ hòa giải công khai liên quan đến 150.000 khiếu nại về quyền khai thác mặt nước tại lưu vực sông Snake ở Hoa Kỳ đã được tiến hành vào năm 1987(7). Các bên tranh chấp gồm chính quyền liên bang và các bộ tộc da đỏ, chủ yếu tranh chấp về việc thực thi các đạo luật về môi trường do chính quyền ban hành trong khi có nhiều bên cùng sử dụng mặt nước. Các bên tham gia hòa giải bao gồm Công ty Điện lực Idaho và rất nhiều cơ quan liên bang khác bao gồm Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp, Bộ Năng lượng, Cục Các vấn đề người da đỏ, Hội đồng Chất lượng môi trường, cá và động vật hoang dã(8). Điều này cho thấy rằng hòa giải không nhất thiết phải luôn luôn bảo mật, đặc biệt là trong hòa giải đầu tư.
Bởi vậy, thay vì quy định cứng nhắc về tính bảo mật tuyệt đối trong hòa giải, các bên có thể tìm kiếm một sự cân bằng hợp lý giữa minh bạch và bảo mật, từ đó tạo ra sự linh hoạt trong áp dụng. Những nguyên tắc và quy định rõ ràng không chỉ giảm thiểu mâu thuẫn giữa các bên trong quá trình hòa giải mà còn giúp quá trình thực thi thỏa thuận hòa giải (nếu hòa giải thành công) dễ dàng hơn. Đây là những yếu tố cần thiết để có thể mở rộng khả năng áp dụng phương thức hòa giải với các tranh chấp đầu tư.
Bảo mật trong hòa giải đầu tư theo các quy tắc hòa giải
Với sự phát triển rộng rãi của hòa giải, các tổ chức cũng đưa ra các quy tắc hòa giải riêng để hỗ trợ các bên và hòa giải viên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Nghiên cứu này tập trung vào một số quy tắc hòa giải đang có hiệu lực và được áp dụng phổ biến trong hòa giải đầu tư, bao gồm:
(i) Quy tắc hòa giải của ICSID năm 2022 (Quy tắc hòa giải ICSID);
(ii) Quy tắc hòa giải của UNCITRAL Conciliation Rules năm 1980 (Quy tắc hòa giải UNCITRAL);
(iii) Quy tắc hòa giải tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước của IBA năm 2012 (Quy tắc hòa giải IBA);
(iv) Quy tắc hòa giải của ICC năm 2014 (Quy tắc hòa giải ICC);
(v) Quy tắc hòa giải của AIAC năm 2018 (Quy tắc hòa giải AIAC). Nói chung, tất cả các quy tắc hòa giải trên đều có một số quy định tương tự để duy trì bảo mật trong và sau khi hòa giải. Những nội dung này bao gồm: các tài liệu và thông tin dùng cho mục đích hòa giải phải được giữ bí mật(9) và các tài liệu, thông tin liên quan đến quá trình hòa giải không được sử dụng trong bất kỳ tố tụng pháp lý nào(10). Ngoài ra, cũng có một số sự khác biệt giữa các quy tắc liên quan tới nghĩa vụ bảo mật thông tin. Ví dụ, Quy tắc hòa giải ICSID và Quy tắc hòa giải UNCITRAL quy định khá chung chung về tiêu chuẩn bảo mật, trong khi ba quy tắc hòa giải còn lại đưa ra quy định rất chi tiết. Quy tắc hòa giải ICSID (Quy tắc 10) quy định về bảo mật thông tin trong hòa giải như sau: “Tất cả thông tin liên quan đến phiên hòa giải, và tất cả các tài liệu được tạo ra hoặc có được trong quá trình hòa giải, sẽ được bảo mật, trừ khi: các bên có thỏa thuận khác; thông tin hoặc tài liệu có sẵn một cách độc lập; việc tiết lộ thông tin được yêu cầu bởi pháp luật.
Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, việc các bên đang hòa giải hoặc đã hòa giải sẽ được giữ bí mật”. Quy tắc 11 về sử dụng thông tin trong các thủ tục tố tụng khác quy định: “Một bên không được sử dụng bất kỳ quan điểm, thừa nhận hoặc thỏa thuận hòa giải, hoặc góc nhìn của bên kia hoặc của hòa giải viên trong quá trình hòa giải vào bất kỳ thủ tục tố tụng nào khác, trừ khi các bên có thỏa thuận khác”.
Có thể thấy, khác với các quy tắc còn lại, Quy tắc hòa giải ICSID quy định rằng thông tin về việc các bên tham gia vào hòa giải phải được giữ bí mật(11). Thực tế, bản dự thảo ban đầu của Quy tắc hòa giải ICSID đã quy định ngược lại rằng: “Việc các bên đang hòa giải hoặc đã hòa giải không phải là bí mật”, tuy nhiên, phiên bản mới nhất cho thấy ICSID đã chọn một cách tiếp cận thận trọng hơn đối với hòa giải so với những bộ quy tắc khác. Nhiều học giả cho rằng quy định này là đi ngược với xu hướng hiện nay về tăng cường minh bạch trong hòa giải đầu tư(12).
Về điểm này, Quy tắc hòa giải của IBA và Quy tắc hòa giải AIAC cho thấy những điểm tiến bộ so với các bộ quy tắc còn lại. Quy tắc hòa giải IBA là bộ quy tắc đầu tiên được soạn thảo riêng biệt cho hòa giải đầu tư, trong khi đó, Quy tắc hòa giải AIAC là bộ quy tắc đầu tiên của một tổ chức hòa giải trong khu vực Đông Nam Á xây dựng dựa trên Quy tắc hòa giải IBA. Cả hai bộ quy tắc này đều cho phép các bên được tiết lộ về các điều kiện trong thỏa thuận hòa giải(13). Điều 10 (tính riêng tư và bảo mật) của Quy tắc hòa giải IBA quy định nghĩa vụ bảo mật tại Điều 10(2) sẽ không áp dụng cho các điều khoản của thỏa thuận hòa giải hoặc thỏa thuận hòa giải một phần, trừ khi và trong phạm vi mà các bên có thỏa thuận khác bằng văn bản.
Lý do của các quy định này, theo giải thích của Anna Joubin-Bret và Barton Legum - người chủ trì nhóm biên soạn dự thảo Quy tắc hòa giải IBA là để duy trì sự cân bằng giữa bảo mật và minh bạch trong hòa giải đầu tư(14).
Bên cạnh đó, một điểm chung giữa các bộ quy tắc hòa giải là quy định về nghĩa vụ bảo mật không mang tính tuyệt đối và tồn tại một số ngoại lệ. Theo đó, các trường hợp hòa giải đầu tư có thể không áp dụng nguyên tắc bảo mật bao gồm: khi các bên có thỏa thuận khác(15); khi thông tin đã được công bố ra công chúng(16); nghĩa vụ cung cấp thông tin theo luật định(17), theo yêu cầu của Tòa án hoặc các yêu cầu tương tự(18).
Việc xác định trường hợp ngoại lệ đầu tiên không quá phức tạp. Trong trường hợp đồng ý công bố thông tin được bảo mật, các bên tranh chấp có thể cùng xác lập một văn bản đồng thuận về việc công bố thông tin, trong đó ghi rõ tên thông tin, tài liệu đồng ý công bố.
Đối với ngoại lệ thứ hai, việc xác định thông tin đã được công bố ra công chúng (public domain) không phải lúc nào cũng rõ ràng. Theo góc nhìn của trọng tài thương mại, thông tin công khai về công ty trong các báo cáo tài chính thường niên, thông tin được niêm yết công khai trên các sàn giao dịch chứng khoán có thể được coi là thông tin đã được công bố ra công chúng(19). Trong thực tiễn xét xử tại trọng tài đầu tư, cụ thể tại vụ việc Gramercy. v. Peru(20), khi đưa ra quyết định về việc bảo mật một loại văn bản (tài liệu gramercy) do nguyên đơn đệ trình, hội đồng trọng tài đã lập luận rằng vì lý do: (i) nguyên đơn đã liên tục nhấn mạnh rằng văn bản này cần được bảo mật do có chứa thông tin thương mại có thể gây ra thiệt hại nếu công khai; (ii) không có bằng chứng cụ thể trong hồ sơ bác bỏ tính chất “bảo mật” của tài liệu đó, tức là tài liệu đó không thuộc phạm vi đã được công bố ra công chúng, do đó hội đồng trọng tài kết luận rằng tài liệu gramercy cần được bảo mật.
Đối với ngoại lệ thứ ba, nội dung còn mơ hồ ở đây là nghĩa vụ cung cấp thông tin theo luật định (law). Cụ thể, các bên tranh chấp có thể tranh cãi về việc luật áp dụng ở đây mở rộng tới luật quốc gia hay chỉ giới hạn trong hiệp định đầu tư. Đây cũng chính là nội dung khiến các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Togo, Argentina, Armenia, Costa Rice và Gieorgia tranh luận tại bản dự thảo Quy tắc hòa giải ICSID thứ 3. Theo đó, Singapore và Gieorgia cho rằng việc xác định nghĩa vụ cung cấp thông tin theo luật định ở đây cần tuân theo Điều 7.2.c Quy tắc minh bạch UNCITRAL. Theo đó, thông tin được bảo mật hoặc bảo vệ bao gồm: “Thông tin được bảo vệ khỏi việc công bố tới công chúng, trong trường hợp là thông tin của quốc gia bị đơn, sẽ theo luật pháp của quốc gia bị đơn, và trong trường hợp là thông tin khác, sẽ theo bất kỳ luật hoặc quy tắc nào được hội đồng trọng tài xác định là luật áp dụng cho việc công bố thông tin đó”.
Những phân tích trên cho thấy mặc dù có một số điểm tương đồng, mỗi bộ quy tắc lại có cách tiếp cận khác nhau với tiêu chuẩn bảo mật trong hòa giải đầu tư. Nếu như Quy tắc hòa giải của ICSID có hướng tiếp cận tương đối bảo thủ và cẩn trọng thì Quy tắc hòa giải của IBA và AIAC hướng tới một tiêu chuẩn minh bạch cao hơn. Một mặt, sự tồn tại đa dạng các quy tắc hòa giải cho phép các bên có nhiều lựa chọn linh hoạt hơn khi tiếp cận hòa giải đầu tư. Mặt khác, các bên cũng cần chú ý những điểm khác nhau này để lựa chọn áp dụng quy tắc hòa giải phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của tranh chấp của mình.
Quy định về bảo mật trong hòa giải đầu tư theo các hiệp định đầu tư
Phần lớn các hiệp định đầu tư quốc tế đề cập ngắn gọn về hòa giải như một phương pháp giải quyết tranh chấp ISDS mà không nói rõ về quy trình hòa giải(21), hoặc chỉ đưa ra quy định chung chung về nghĩa vụ bảo mật trong quá trình hòa giải như sau: “Các thủ tục liên quan đến (...) hòa giải và các quan điểm của các bên trong những thủ tục này, sẽ được giữ bí mật và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bất kỳ bên nào trong bất kỳ thủ tục tiếp theo nào”(22).
Xét riêng trong khu vực châu Á thì chỉ có một số hiệp định đầu tư có quy định cụ thể về quy trình và thủ tục hòa giải. Thay vì đưa ra các quy định riêng, hầu hết các hiệp định này dẫn chiếu tới việc áp dụng các quy tắc hòa giải đã có sẵn. Ví dụ nổi bật có thể kể tới như Hiệp định đầu tư ASEAN - Ấn Độ (2014)(23) và Hiệp định BIT Austria - Hàn Quốc (1991)(24) - cả hai hiệp định này đều chỉ đến quy tắc hòa giải theo Công ước ICSID. Trong khi đó, Hiệp định đầu tư song phương giữa Việt Nam và Singapore năm 1992 thì dẫn chiếu tới Quy tắc hòa giải của UNCITRAL(25).
Ngoại lệ đáng chú ý là Hiệp định bảo hộ đầu tư EU-Singapore năm 2018 (EUSIPA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam năm 2019 (EVIPA). Hai hiệp định này đưa ra những quy định khá chi tiết và cụ thể về quy trình hòa giải, cũng như tiêu chuẩn về bảo mật hay minh bạch trong quá trình giải quyết tranh chấp hòa giải đầu tư. Đây được coi là những hiệp định “tiến bộ” nhất trong đó hòa giải đầu tư được quy định thành một chương riêng(26). Tương tự như phần lớn các quy tắc hòa giải đã phân tích ở trên, cả EVIPA và EUSIPA đều quy định nguyên tắc bảo mật trong các bước hòa giải, ngoại trừ thông tin về việc thủ tục hòa giải đang được tiến hành giữa các bên(27).
Tuy nhiên, EUSIPA và EVIPA cũng có một số điểm khác biệt trong quy định về việc công bố thỏa thuận hòa giải thành. EVIPA cho phép thỏa thuận của các bên có thể được công bố, nhưng quyền quyết định việc công khai thông tin như vậy được trao cho Nhà nước - quốc gia đang tham gia tranh chấp mà không hề đề cập đến nhà đầu tư. Điều 4.6 Phụ lục 10 Hiệp định EVIPA quy định: Liên minh châu Âu, một quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu hoặc Việt Nam, khi đóng vai trò là một bên trong thủ tục hòa giải, có thể công khai thỏa thuận hòa giải thành, phụ thuộc vào việc bảo mật các thông tin được chỉ định là bí mật hoặc được bảo vệ.
Nói cách khác, đây là đặc quyền dành riêng cho Nhà nước và nhà đầu tư không được phép tiết lộ thỏa thuận hòa giải.
Trong khi đó, EUSIPA cho phép thỏa thuận hòa giải có thể được công bố bởi nhà đầu tư hoặc Nhà nước, tuy nhiên, bản được tiết lộ cho công chúng không được chứa bất kỳ thông tin nào mà một bên tranh chấp đã chỉ định là bí mật. Điều 4.6 Phụ lục 6 EUSIPA quy định: Thỏa thuận hòa giải thành sẽ được công khai. Tuy nhiên, bản Tóm tắt quy định về mức độ bảo mật trong hòa giải đầu tư theo một số quy tắc công khai cho công chúng không được chứa các thông tin mà một bên tranh chấp đã chỉ định là bí mật hoặc được bảo vệ.
Các quy định này mặc dù có thể khá “mới” trong hòa giải đầu tư, nhưng trên thực tiễn, không ít trường hợp các bên khi tham gia hòa giải đã thỏa thuận cụ thể về các quy tắc công bố thông tin hoặc lựa chọn một kênh thông tin chính thống để cập nhật thông tin (ở mức độ hợp lý đã thống nhất trước) cho công chúng hoặc các bên liên quan trong quá trình hòa giải đầu tư(28).
Tóm lại, quy định về mức độ bảo mật trong hòa giải đầu tư theo các Quy tắc hòa giải và hiệp định đầu tư (IIA) có một số khác biệt đáng kể. Bảng dưới đây tóm tắt các nhóm quy định về bảo mật và nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hòa giải đầu tư theo một số IIA và quy tắc hòa giải phổ biển:
Tóm tắt quy định về mức độ bảo mật trong hòa giải đầu tư theo một số:
Minh bạch hay bảo mật: Nhu cầu thiết lập sự cân bằng
Ngày càng có nhiều ý kiến và tranh luận liên quan tới mâu thuẫn giữa bảo mật và minh bạch trong hòa giải đầu tư. Bản dự thảo hướng dẫn của UNCITRAL về hòa giải đầu tư khuyến nghị các bên xem xét mức độ bảo mật mong muốn trước khi bắt đầu hòa giải, song song với đó cũng cần chú ý đến các yêu cầu về minh bạch có thể phát sinh từ phía công chúng(29).
Hòa giải đầu tư nên được tiến hành ở mức độ bảo mật như thế nào? Đây là câu trả lời không hề dễ dàng, đặc biệt đối với Nhà nước khi tham gia vào hòa giải đầu tư. Trong hệ thống pháp luật nội địa đều tồn tại những quy định về nghĩa vụ của chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước về minh bạch thông tin và bảo
đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân. Vì vậy, điều đầu tiên mà chính phủ cần nghĩ tới trước khi bắt đầu hòa giải là liệu các quy tắc hòa giải dự kiến áp dụng có cho phép họ thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin theo pháp luật nội địa hay không. Một số khuyến nghị là quy tắc hòa giải hoặc các quy định về hòa giải trong IIA cần làm rõ điều khoản minh bạch trong và sau quá trình hòa giải đầu tư. Ngoài ra, cần ghi nhận các ngoại lệ cho phép các bên cung cấp thông tin liên quan tới tranh chấp và tiến trình hòa giải trong trường hợp bắt buộc theo luật định. Về vấn đề này, bản hướng dẫn của UNCIAL có đưa ra một số ví dụ về các quy định pháp luật nội địa có liên quan bao gồm “các đạo luật nội địa điều chỉnh quan hệ đối tác công tư, các quy định về quản lý tài chính công, luật minh bạch ngân sách hoặc đạo luật về tự do thông tin”.
Ngoài ra, các quốc gia cũng có thể xem xét việc áp dụng một số quy định trong Quy tắc minh bạch của UNCITRAL. Theo bộ Quy tắc minh bạch UNCITRAL, để tăng cường tính minh bạch trong giải quyết tranh chấp đầu tư tại trọng tài thì các thông tin sau phải được công bố trong quá trình tranh chấp: tên của các bên tranh chấp; các bài đệ trình bằng văn bản của các bên tranh chấp, chuyên gia, nhân chứng, người thứ ba, các bên không tranh chấp; quyết định và phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp; các phiên xét xử.
Mặc dù bộ Quy tắc của UNCITRAL điều chỉnh trọng tài đầu tư, một số nội dung có thể được áp dụng tương tự đối với hòa giải đầu tư. Thực tế, ngoại trừ các tài liệu và phiên tòa được yêu cầu phải giữ bí mật, yêu cầu về minh bạch theo Quy tắc hòa giải IBA gần như tương tự với Quy tắc minh bạch UNCITRAL. Chính vì vậy, một lựa chọn khác cho các bên là có thể lựa chọn tham chiếu trực tiếp đến Quy tắc hòa giải IBA trong quy trình hòa giải để tiết kiệm thời gian và chi phí đàm phán.
Thêm nữa, trong quá trình đàm phán và ký kết IIA, các quốc gia khi quy định về hòa giải đầu tư nên làm rõ quy trình, thủ tục hòa giải cũng như các quy định về nghĩa vụ bảo mật trong quá trình hòa giải. Hiện nay, chỉ một số rất ít IIA có quy định về vấn đề này (ví dụ như EVIPA hoặc EUSIPA). Việc bỏ ngỏ các quy định này có thể gây khó khăn cho quá trình hòa giải, làm mất thời gian của các bên, hoặc thậm chí là cản trở khả năng đạt được thỏa thuận hòa giải.
Cuối cùng, khi phát sinh nhu cầu sử dụng hòa giải đầu tư, các bên trong tranh chấp nên kiểm tra các quy định về bảo mật thông tin theo IIA đã ký kết. Nếu IIA không có hoặc không quy định rõ, các bên nên thỏa thuận để thống nhất mức độ bảo mật mà các bên mong muốn hoặc dẫn chiếu tới một quy tắc hòa giải phù hợp. Điều này bảo đảm quá trình hòa giải được diễn ra suôn sẻ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan tới các thông tin cung cấp trong hòa giải cũng như hỗ trợ quá trình thực thi thỏa thuận hòa giải (nếu hòa giải thành).
Kết luận
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của phương thức hòa giải đầu tư, các quy định về quy trình và thủ tục hòa giải cũng ngày càng được hoàn thiện. Trong đó, các quy định liên quan tới minh bạch và bảo mật trong hòa giải đầu tư đóng vai trò rất quan trọng tới sự thành công của một vụ việc hòa giải. Các quy tắc hòa giải gần đây như Quy tắc hòa giải IBA và Quy tắc hòa giải AIAC đã ghi nhận những bước tiến đáng chú ý trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu minh bạch và bảo mật trong hòa giải đầu tư. Các quy tắc hòa giải cũng quy định tương đối đa dạng và linh hoạt, tạo điều kiện cho các bên chủ động lựa chọn để phù hợp với nhu cầu và nội dung tranh chấp cụ thể.
Trái lại, các quy định trong IIA về vấn đề này còn tương đối mờ nhạt. Ngoại trừ một số IIA thế hệ mới như EVIPA và EUSIPA, phần lớn IIA không có quy định cụ thể về nghĩa vụ bảo mật và nghĩa vụ cung cấp thông tin trong và sau quá trình hòa giải. Điều này có thể gây ra những khó khăn nhất định cho các bên khi tham gia vào giải quyết tranh chấp trên thực tiễn.
Việc làm rõ mức độ bảo mật trong thủ tục hòa giải đầu tư là vô cùng quan trọng, tạo niềm tin cho các bên khi bắt đầu tham gia thủ tục cho tới quá trình thực thi thỏa thuận sau này. Để hòa giải đầu tư có thể phát huy hết tiềm năng như là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả thì việc bổ sung các quy định này là vô cùng cần thiết. Việc hoàn thiện các quy định này có thể tiến hành theo hai hướng. Thứ nhất, thông qua các quy định trong IIA, bổ sung hướng dẫn chi tiết về thủ tục, quy trình hòa giải đầu tư, đặc biệt là về nghĩa vụ bảo mật và nghĩa vụ cung cấp thông tin trong các trường hợp ngoại lệ. Thứ hai, thông qua hoàn thiện các quy tắc hòa giải, qua đó tạo ra khung quy định rõ ràng hơn cho các bên. Sự bổ sung và hoàn thiện các quy định này sẽ giúp phát triển hòa giải đầu tư, củng cố niềm tin của các bên và mở rộng khả năng áp dụng hòa giải đầu tư trong tương lai.
(1) James M. Claxton, Compelling Parties to Mediate Investor-State Disputes- No Pressure, No Diamonds, Kobe University Social Science Research Paper Series (2019), tr.2. (3) James M. Claxton, tlđd, tr.8. Catherine Kessedjian, Anne van Aaken, Runar Lie, Loukas Mistelis, Jose’ Maria Reis, “Mediation in Future Investor-State Dispute Settlement”, Journal of International Dispute Settlement (2023), số 4, tập 2, tr.204. (4) Shahla Ali, “Prospects of Utilizing Investor-state Mediation and UNCITRAL Rules on Transparency for Polycentric Environmental Disaster-Related Disputes: The Case of Vattenfall v. Germany” trong Muruga Perumal Ramaswamy & Jodo Ribeiro, Trade Development Through Harmonization Of Commercial Law 2015, tr.137. (5) Catherine Kessedjian, Anne van Aaken, Runar Lie, Loukas Mistelis, Jose’ Maria Reis, tldd, tr.205. (6) Fan Xiaoyu, The Confidentiality and Transparency Debate Under Investor-State Mediation, Journal of International Law (2022), số 9, tập 2, tr.328. (7) Francis E. McGovern, Mediation of the Snake River Basin Adjudication, Idaho Law Review (2006), số 42, tr.547. (8) Shahla F. Alt and Odysseas G. Repousis, Investor-State Mediation and the Rise of Transparency in International Invesment Law: Opportunity or Threat?, Denver Journal of International Law and Policy (2017) số 45, tập 2, tr.246-248. (9) Điều 10.1 Quy tắc hòa giải ICSID; Điều 9.1 Quy tắc hòa giải ICC; Điều 10.2 Quy tắc hòa giải IBA; Điều 14 Quy tắc hòa giải UNCITRAL. (10) Điều 9.2, Điều 11 Quy tắc hòa giải ICSID; Điều 10.2 Quy tắc hòa giải IBA; Điều 20 Quy tắc hòa giải UNCITRAL. (11) Điều 10.2 Quy tắc hòa giải ICSID. (12) Fan Xiaoyu (2022), tlđd, tr.347. (13) Điều 9.1.b Quy tắc hòa giải ICC; Điều 10.1 Quy tắc hòa giải ICSID; Điều 14 Quy tắc hòa giải UNCITRAL (14) A Set of Rules Dedicated to Investor-State Mediation- The IBA Investor-State Mediation Rules, tr.23. (15) Điều 10.1.a Quy tắc hòa giải ICSID; Điều 9.1 Quy tắc hòa giải ICC. (16) Điều 10.1.b Quy tắc hòa giải ICSID; Điều 10.3.c.vii Quy tắc hòa giải IBA. (17) Điều 10.1.c Quy tắc hòa giải ICSID; Điều 9.2 Quy tắc hòa giải ICC. (18) Điều 10.3.c.v Quy tắc hòa giải IBA. (19) Ileana M. Smeureanu, Confidentiality in International Commercial Arbitration, International Arbitration (2011) số 22, tr.111. (20) Gramercy v. Peru, Procedural Order No. 7 (http://icsidfiles.worldbank.org/icsid/icsidblobs/OnlineAwards/C7291, ngày 08/8/2023). (21) ICSID Overview of Investment Treaty Clauses on Mediation (https://icsid.worldbank.org/sites/default/files/publications/ Overview_Mediation_in_Treaties, ngày 01/8/2023). (22) Điều 107.1 Chương 9 Hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và Costa Rica FTA (2010). (23) Điều 20.7 Hiệp định đầu tư ASEAN- India (2014). (24) Điều 8.2 Hiệp định đầu tư song phương giữa Austria và Hàn Quốc (1991). (25) Điều 13 Hiệp định đầu tư song phương Việt Nam - Singapore (1992). (26) Catherine Kessedjian, Anne van Aaken, Runar Lie, Loukas Mistelis, Jose’ Maria Reis, tlđd, tr.193. (27) Điều 6.3 Phụ lục 10 Hiệp định EVIPA; Điều 6.3 Phụ lục 6 Hiệp định EUSIPA. 28) Possible reform of investor-State dispute settlement (ISDS): Mediation and other forms of alternative dispute settlement, Note by the Secretariat (https://uncitral.un.org/sites/uncitral.un.org/files/media-documents/uncitral/en/draft_clauses_on_ mediation.pdf, ngày 08/8/2023). (29) UNCITRAL (2023), Draft UNCITRAL guidelines on investment mediation (https://uncitral.un.org/sites/uncitral.un.org/files/ media-documents/uncitral/en/draft_guidlines_advance_copy.pdf, tr.9). |
Luật sư VÕ PHƯƠNG THẢO
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
ĐÀO KIM ANH
Trường Đại học Ngoại Thương