Ảnh minh họa.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Về mặt khách quan, đồng phạm là phải có từ hai người trở lên tham gia cùng một tội phạm. Nếu thiếu yếu tố này thì không có đồng phạm, nếu chỉ có một người phạm tội thì không thể là đồng phạm. Về mặt chủ quan, những người đồng phạm thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Một số vấn đề cần lưu ý khi giải quyết vụ án đồng phạm
Chủ thể đặc biệt trong đồng phạm
Trong một số tội phạm đòi hỏi chủ thể đặc biệt thực hiện hành vi phạm tội, nếu không có đặc điểm này, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không thể trở thành chủ thể của tội phạm đó được. Trường hợp này chỉ cần người thực hành có những đặc điểm của chủ thể đó còn những người đồng phạm khác không nhất thiết phải có những đặc điểm của chủ thể đặc biệt.
Ví dụ, trong vụ án tham ô tài sản, người thực hành là người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến tài sản, còn những người đồng phạm khác (tổ chức, xúi giục, giúp sức) có thể là bất cứ người nào.
Xác định giai đoạn thực hiện tội phạm trong đồng phạm
Nếu những người đồng phạm không thực hiện tội phạm được đến cùng do những nguyên nhân khách quan thì người thực hành thực hiện tội phạm đến giai đoạn nào thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn đó. Nếu người bị xúi giục không nghe theo sự xúi giục thì chỉ riêng người có hành vi xúi giục phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đã xúi giục ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.
Người giúp sức có hành vi giúp sức cho người khác để thực hiện tội phạm, nhưng người này đã không sử dụng sự giúp sức đó hoặc sử dụng vào việc thực hiện một tội phạm khác, thì người có hành vi giúp sức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định giúp sức.
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
Nếu người thực hành tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì các điều kiện đặt ra như trường hợp phạm tội riêng lẻ. Những người đồng phạm khác phải chịu trách nhiệm hình sự về tội người thực hành đã thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt, tuỳ thuộc vào thời điểm người thực hành tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Đối với người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội khi thoả mãn các điều kiện sau:
- Về thời điểm: Phải dừng lại việc thực hiện tội phạm trước khi người thực hành bắt tay vào việc thực hiện tội phạm.
- Phải có hành vi tích cực làm mất tác dụng của những hành vi trước đó để ngăn chặn tội phạm như: báo cho người bị hại để phòng ngừa; giao, nộp súng cho cơ quan chức năng…
Trường hợp người thực hành có hành vi vượt quá
Mỗi người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá của những người đồng phạm khác. Trong đó, hành vi vượt quá của người đồng phạm được hiểu là hành vi vượt ra ngoài ý định chung của những người đồng phạm và hành vi này có thể cấu thành tội phạm khác hoặc thỏa mãn dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng.
Ví dụ: A. và B. bàn bạc với nhau sẽ trộm cắp tài sản nhà ông H. Trong khi A. đứng gác, B. lẻn vào nhà ông H, sau đó, B. đã bị ông H. phát hiện, bắt giữ. Sau đó, B. đánh ông H. bị thương để tẩu thoát. Việc B. đánh ông H. là nằm ngoài kế hoạch ban đầu. Hành vi gây thương tích của B. có thể cấu thành tội độc lập là tội cố ý gây thương tích hoặc thỏa mãn dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng của tội trộm cắp nhưng A. không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá này của B.
Một số sai sót thường gặp
Thứ nhất, xác định đồng phạm với vai trò người giúp sức còn nhầm lẫn
Trong thực tiễn giải quyết vụ án có đồng phạm, cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định không đúng vai trò đồng phạm, dẫn đến đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội không chính xác.
Ví dụ: Nguyễn Đình A. và Trần Đức Đ. là những đối tượng chuyên đi đòi nợ thuê. Đầu tháng 7/2015, Trần Văn H. . đã thuê Nguyễn Đình A. và Trần Đức Đ. đến nhà chị Phạm Thị T., để đòi nợ số tiền 172 triệu đồng cho mình. Trần Văn H. đi cùng A. và Đ. Tại nhà chị T., do chị T. chưa có tiền trả, xin khất nợ, nên Trần Văn H. đồng ý. Vì có ý định chiếm đoạt tài sản của chị T. nên ngày hôm sau A. và Đ. hai lần đến nhà chị T., A. bóp cổ chị T. và đe dọa với lời lẽ hung hãn, yêu cầu chị T. phải trả 20 triệu đồng trong vòng 10 ngày, nếu không chúng sẽ bắn chết. Vì sợ những lời đe dọa trên, nên ngày 18/7/2015, chị T. đã giao cho A. và Đ. số tiền 20 triệu đồng. Số tiền này A. và Đ. không giao cho H. mà tiêu xài hết.
Khi giải quyết vụ án, Viện kiểm sát và Tòa án đã thống nhất nhận định Nguyễn Đình A. là người chịu trách nhiệm chính trong vụ án, Trần Đức Đ. là đối tượng tham gia với vai trò giúp sức, cùng Nguyễn Đình A. đã có hành vi bóp cổ và đe dọa với lời lẽ hung hãn và lấy tiền từ chị T. Tác giả cho rằng nhận định của các cơ quan tiến hành tố tụng như vậy là không đúng, bởi lẽ, trong vụ án này, nếu thấy rằng Đ. tham gia ít tích cực hơn so với A, như A. thể hiện thái độ hung hãn hơn, là người trực tiếp lấy tiền từ chị T. Trường hợp này chỉ có thể nhận định vai trò của Đ. trong vụ án có phần hạn chế hơn so với A. để áp dụng một mức hình phạt nhẹ hơn, chứ không thể cho rằng Đ. tham gia vụ án với vai trò giúp sức. Trong vụ án này, Đ. là người cùng với A. đe dọa, chiếm đoạt tài sản của chị T. nên phải xác định Đ. tham gia với vai trò người thực hành, chứ không phải là người giúp sức.
Thứ hai, định tội danh trong trường hợp người thực hành có hành vi vượt quá còn chưa thống nhất, còn bất cập trong thực tiễn
So với quy định của đồng phạm trong Bộ luật Hình sự năm 1999 thì đây là quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, phù hợp với đặc điểm của tội phạm, bởi trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội trong đồng phạm sẽ có những người có các hành vi vượt quá hành vi của những người thực hành khác, nên quy định này là hoàn toàn hợp lý để khi quyết định hình phạt, tạo nên sự công bằng của pháp luật. Hành vi vượt quá chỉ so sánh với hành vi của người thực hành, bởi trong vụ án đồng phạm vai trò của người thực hành là rất quan trọng.
Ví dụ: Do có thù tức với Đặng Văn H., nên Trần Tuấn A., Phạm Quốc B. và Nguyễn Hồng C. bàn bạc tìm H. để đánh cho H. một trận. Khi gặp H., cả ba tên lao vào dùng chân tay đấm đá cho tới khi H. ngã gục. Thấy vậy, B. và C. nói: “Thôi thế là đủ đừng đánh nữa không thì nó chết mất”, rồi B. và C. bỏ đi. Nhưng Trần Tuấn A. vẫn ở lại tiếp tục dùng gót chân thúc mạnh vào hai mạng sườn và dậm lên ngực H. cho tới khi H. bất tỉnh mới thôi. Hậu quả là H. bị chết. Kết quả giám định kết luận H. bị chết là do bị vỡ lá lách, chảy máu trong, phổi xung huyết mất máu cấp. Với hành vi phạm tội như trên các cơ quan tiến hành tố tụng đều xác định Trần Tuấn A., Phạm Quốc B. và Nguyễn Hồng C. phạm tội “Giết người”.
Trong vụ án này, tác giả cho rằng Trần Tuấn A. phạm tội “Giết người” còn Phạm Quốc B. và Nguyễn Hồng C. không phạm tội “Giết người” mà chỉ phạm tội “Cố ý gây thương tích” vì xác định hành vi của Trần Tuấn A. là hành vi vượt quá nên B. và C. không phải chịu về hậu quả do hành vi vượt quá của A. gây ra. Sau khi B. và C. dừng lại và can ngăn, Trần Tuấn A. vẫn ở lại tiếp tục dùng gót chân thúc mạnh vào hai mạng sườn và dậm lên ngực H. cho tới khi H. bất tỉnh mới thôi và kết quả giám định kết luận H. bị chết là do bị vỡ lá lách, chảy máu trong, phổi xung huyết mất máu cấp; nên hành vi của Trần Tuấn A. được xác định là hành vi vượt quá, là nguyên nhân gây nên cái chết cho nạn nhân. Trong vụ án này, hành vi vượt quá của Trần Tuấn A. đã cấu thành tội phạm khác (tội giết người) nhưng hành vi này cùng tính chất với hành vi của những người đồng phạm khác (cùng đấm đá, cùng xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của con người). Đây là trường hợp vượt quá về số lượng hành vi là trường hợp người thực hành trong vụ án có đồng phạm thực hiện hành vi vượt quá, mà hành vi đó cùng tính chất với hành vi phạm tội mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện. Về lý luận cũng như thực tiễn giải quyết loại vượt quá này rất khó xác định cho nên không ít trường hợp rõ ràng là người thực hành trong vụ án có đồng phạm có hành vi vượt quá nhưng những người đồng phạm khác vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá đó.
Thứ ba, áp dụng nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự còn chưa chính xác
Cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm là việc tách biệt từng người một trong vụ án đồng phạm để xem xét tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia của từng người trong vụ án để từ đó quyết định hình phạt cho phù hợp. Vì vậy, trong mỗi vụ án cần xác định mức độ tham gia của người đồng phạm, đánh giá tính chất của hành vi phạm tội để cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm.
Ví dụ: Ngày 20/5/2017, Nguyễn Thanh Q. và Phan Văn M. uống cafe gần nhà Q. thì Q. nảy sinh ý định đi trộm xe máy của cửa hàng xe E. Q. đề xuất và lôi kéo M. cùng tham gia với mình và M. đồng ý. Sau đó, Q. và M. đi xe máy đến cửa hàng E, Q. và M. phá khóa cửa sau đó dắt 1 xe Wave Alpha màu trắng ra ngoài. Đi được 200m thì bị bảo vệ của cửa hàng bắt được. Các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng, trong vụ án này, Nguyễn Thanh Q. và Phan Văn M. đồng phạm về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, Q. là người đề xuất, lôi kéo đồng bọn và Tòa án đã chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát, xử phạt Nguyễn Thanh Q. và Phan Văn M. cùng mức án 18 tháng tù.
Tác giả cho rằng cần áp dụng trách nhiệm hình sự nặng hơn đối với Nguyễn Thanh Q. vì Q. người đề xuất, khởi xướng, rủ rê, lôi kéo đồng bọn, là người giữ vai trò chính trong vụ án, tham gia trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội rất tích cực nhằm chiếm đoạt tài sản của cửa hàng E. Việc áp dụng trách nhiệm hình sự nặng hơn đối với Q. phù hợp với chính sách hình phạt của nhà nước ta là “nghiêm trị kết hợp với khoan hồng”. Đó là “nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối… khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội..” (điểm d khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017).
Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Các ví dụ nêu trên là những ví dụ thực tiễn mà các cơ quan tiến hành tố tụng (chủ yếu là Viện kiểm sát và Tòa án) đều có nhận định thống nhất với nhau. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những sai sót nêu trên, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Thứ nhất, chưa có văn bản hướng dẫn về “hành vi vượt quá”
Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa đưa ra khái niệm và cách thức xác định “Hành vi vượt quá” của người thực hành. Điều này gây khó khăn cho việc xác định hành vi của người thực hành đã thực hiện trong vụ án đồng phạm có phải là hành vi vượt quá hay không gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, cần quy định tại khoản 4 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015: “Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành”. Cụ thể hơn, cần có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán quy định về “hành vi vượt quá” của người thực hành, có thể theo hướng “hành vi vượt quá là việc người thực hiện hành vi phạm tội tự ý thực hiện hành vi phạm tội mà người đồng phạm khác không biết, không mong muốn”.
Thứ hai, chưa có quy định cụ thể về “người đồng phạm có vai trò không đáng kể”
Điểm b khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 2015 về khiển trách được áp dụng với “Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án” nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội, hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ; tại khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể” nhưng chưa có quy định cụ thể về “người đồng phạm có vai trò không đáng kể” dẫn tới khó khăn trong việc áp dụng pháp luật, có thể dẫn tới sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật của Hội đồng xét xử, có thể dẫn tới không bảo đảm tính công bằng giữa các vụ án cùng hành vi với nhau hay có thể là nguồn gốc phát sinh các tiêu cực trong thực tiễn xét xử. Vì vậy Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành Nghị quyết hoặc văn bản hướng dẫn theo hướng “người có vai trò hạn chế nhất có thể được xét xử ở mức án thấp hơn nhiều so với các loại đồng phạm khác”.
Thứ ba, văn bản hướng dẫn pháp luật còn chưa đầy đủ và kịp thời
Từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 có hiệu lực cho đến nay là Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có một văn bản hướng dẫn nào liên quan đến chế định về người tổ chức trong đồng phạm. Trong thực tiễn xét xử hình sự ở nước ta hiện nay, về người tổ chức trong đồng phạm, các nhà hoạt động áp dụng pháp luật vẫn phải sử dụng văn bản hướng dẫn của Bộ luật Hình sự năm 1985 là Nghị quyết số 02/88/HĐTP ngày 16/11/1988 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn bổ sung Nghi ̣quyết số 02/86/ HĐTP ngày 05/01/1986 trong đó có hướng dẫn như thế nào thì coi là phạm tội có tổ chức và có nêu ra ba dạng thể hiêṇ của hình thức phạm tội này. Tiếp đến là Nghi ̣quyết số 01/89/HĐTP ngày 19/4/1989 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn bổ sung Nghị quyết số 02/86/ HĐTP ngày 05/01/1986 trong đó có giải thích cu ̣thể như thế nào thì được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội đối với người tổ chức. Những văn bản này đã được ban hành từ rất lâu, cần có văn bản mới hướng dẫn thay thế. Do đó, cần ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về tính chất hành vi của những loại người đồng phạm quy định tại khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015, đặc biệt là hướng dẫn về hành vi của “người giúp sức” để xác định vai trò và trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm trong vụ án.
VĂN LINH
Tòa án quân sự Khu vực Hải quân
TP. Hồ Chí Minh tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg