Giải quyết xung đột lợi ích trong hành nghề Luật sư (Phần 2)

19/09/2022 07:39 | 1 năm trước

(LSVN) - Trước đó, tại Phần 1 của chủ đề này [1], tác giả đã phân tích định nghĩa “xung đột lợi ích” và những yêu cầu về hành vi ứng xử cơ bản của Luật sư để giải quyết xung đột lợi ích theo Quy tắc 15.1 và 15.2 trong Bộ Quy tắc [2]. Tại Phần 2 dưới đây, tác giả sẽ phân tích những tình huống điển hình về xung đột lợi ích mà Luật sư phải giải quyết trong khi hành nghề. 

Ảnh minh họa.

Phân loại xung đột lợi ích

Quy tắc 15.3 liệt kê 7 trường hợp điển hình của xung đột lợi ích mà về nguyên tắc Luật sư không được nhận hoặc tiếp tục thực hiện dịch vụ pháp lý, phân thành 2 nhóm: 

- Nhóm thứ nhất tập hợp các xung đột giữa quyền lợi của các khách hàng với nhau, bao gồm: Giữa các khách hàng hiện tại trong cùng vụ việc (Quy tắc 15.3.1), giữa các khách hàng hiện tại trong các vụ việc khác nhau (Quy tắc 15.3.2), giữa khách hàng hiện tại với khách hàng cũ (Quy tắc 15.3.3).

- Nhóm thứ hai tập hợp các xung đột giữa quyền lợi của khách hàng với quyền lợi của cá nhân Luật sư và nghĩa vụ khác của Luật sư, bao gồm: Đối lập giữa quyền lợi của khách hàng với quyền lợi của Luật sư và người thân (Quy tắc 15.3.4 và 15.3.6), xung đột lợi ích của Luật sư khác làm việc cùng tổ chức hành nghề Luật sư (Quy tắc 15.3.7), đối lập giữa quyền lợi của khách hàng với nghĩa vụ của Luật sư đối với bên thứ ba (Quy tắc 15.3.5).

Đối lập quyền lợi giữa các khách hàng hiện tại trong cùng vụ việc 

Quy tắc 15.3.1. Vụ việc trong đó các khách hàng có quyền lợi đối lập nhau;

Thông thường, các bên đối kháng trong cùng một vụ việc đương nhiên có quyền lợi đối lập nhau. Ví dụ: Nguyên đơn và bị đơn trong cùng vụ án dân sự, bị cáo và bị hại trong cùng vụ án hình sự,… Đây là loại xung đột điển hình, rõ ràng và có mức độ xung đột cao nhất do tính chất đối kháng trực tiếp giữa hai hay nhiều bên. Trong các hoạt động ngoài tố tụng thì hai bên đối kháng có thể là bên mua và bên bán trong giao dịch mua bán cổ phần công ty, chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng trong giao dịch hợp đồng xây dựng…

Pháp luật về Luật sư và pháp luật tố tụng đã có quy định rõ ràng cấm Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho những bên có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án, vụ việc. Với mặt bằng chung về hiểu biết của khách hàng thì trên thực tế khó xảy ra việc một Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho cả hai phía đối kháng, nhất là trong hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, không phải chỉ các bên đối kháng mới có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án, vụ việc. Trong một vụ án hình sự, giữa các bị cáo cũng có thể có quyền lợi đối lập nhau khi xét đến vai trò của mỗi bị cáo và tình tiết trong vụ án để xác định trách nhiệm hình sự.

Ví dụ: Trong vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", Luật sư nhận bào chữa cho một bị cáo là bên đi vay ký hợp đồng tín dụng và một bị cáo khác là cán bộ tín dụng của ngân hàng. Việc Luật sư hỏi và bào chữa tại phiên toà cho bị cáo này để làm rõ tình tiết nhằm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo có thể làm xấu đi tình trạng của bị cáo kia. Tương tự, trong vụ án dân sự kiện đòi bồi thường tai nạn giao thông đối với hai bị đơn (một người là lái xe, người kia là phụ xe trực tiếp điều khiển phương tiện gây tai nạn), nếu Luật sư nhận bảo vệ cho cả 2 bị đơn thì để bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của bị đơn này thì Luật sư có thể không tránh khỏi gây bất lợi cho bị đơn kia. 

Trong cả hai ví dụ trên, Luật sư đã ở vào tình trạng có xung đột lợi ích vì “có khả năng bị hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng” do ảnh hưởng từ nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng khác. Đối với những trường hợp xung đột phát sinh khi cùng lúc đảm nhận vụ việc cho nhiều khách hàng, Luật sư cần nhận biết ngay trước khi nhận để có cách giải quyết phù hợp với Quy tắc 15.

Khi Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho các khách hàng khác nhau liên quan đến cùng một đối tượng giao dịch, đối tượng tranh chấp thì có thể xem là cùng vụ việc. Ví dụ: Khi Luật sư đang giúp khách hàng A đàm phán thuê dài hạn căn nhà của B thì được khách hàng C đến nhờ Luật sư đàm phán với B để mua chính căn nhà này. Nếu Luật sư nhận lời C thì sẽ phát sinh xung đột lợi ích, vì quyền lợi của C (được mua căn nhà) mâu thuẫn với quyền lợi của A (được thuê căn nhà).

Ngoài ra, không nhất thiết Luật sư phải thực hiện cùng loại công việc dịch vụ pháp lý thì mới làm phát sinh xung đột. Ví dụ: Luật sư tư vấn pháp luật cho bên này đồng thời tham gia tố tụng bảo vệ cho bên kia có quyền lợi đối lập trong cùng vụ việc thì cũng vẫn có thể phát sinh xung đột.

Cũng có trường hợp Luật sư nhận cung cấp dịch vụ pháp lý cho nhiều khách hàng trong cùng vụ việc, giữa các khách hàng này ban đầu có chung mục đích và chung quyền lợi và sự mâu thuẫn về quyền lợi giữa họ chỉ phát sinh trong quá trình luật sự thực hiện vụ việc. Ví dụ: Trong tố tụng dân sự, Luật sư nhận đại diện cho nhiều đồng thừa kế cùng là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế. Trong quá trình giải quyết vụ việc, giữa các nguyên đơn này phát sinh bất đồng với nhau về phần chia di sản giữa họ. Ví dụ tương tự trong hoạt động ngoài tố tụng: Sau khi đã nhận tư vấn pháp luật và thực hiện dịch vụ soạn thảo giấy tờ pháp lý (Điều lệ, Thỏa thuận cổ đông,…) cho khách hàng các cổ đông sáng lập để thành lập một công ty cổ phần, Luật sư nhận được yêu cầu của một số những khách hàng này đề nghị tư vấn về việc xác định phạm vi quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của đại diện theo pháp luật công ty do một trong những thành viên sáng lập đảm nhiệm. Khi đó, đã bắt đầu phát sinh vấn đề khác biệt về quyền lợi giữa những khách hàng này.

Trong cả hai ví dụ, Luật sư mặc dù vẫn có thể nhận vụ việc từ đầu cho nhiều khách hàng vì chưa phát sinh xung đột, nhưng cần lưu ý giải thích với những khách hàng này về khả năng phát sinh xung đột trong tương lai. Về phía Luật sư, khi phát sinh xung đột, Luật sư cần có cách giải quyết phù hợp theo Quy tắc 15: Tiếp tục thực hiện vụ việc nếu có sự đồng ý của các khách hàng (xem Quy tắc 15.4), hoặc chấm dứt thực hiện công việc đối với một hoặc tất cả khách hàng trong vụ việc (xem Quy tắc 15.2).

Đối lập quyền lợi giữa các khách hàng hiện tại trong các vụ việc khác nhau

Quy tắc 15.3.2. Vụ việc trong đó khách hàng mới có quyền lợi đối lập với khách hàng hiện tại; vụ việc khác của khách hàng là người đang có quyền lợi đối lập với khách hàng hiện tại trong vụ việc Luật sư đang thực hiện.

 

Khác với trường hợp trong Quy tắc 15.3.1, khách hàng trong Quy tắc 15.3.2 vừa là bên đối lập nhưng không trong cùng vụ việc mà trong những vụ việc khác nhau. Hai trường hợp của Quy tắc 15.3.2 khác nhau về thời điểm khách hàng hiện tại trở thành bên đối lập: 

- Trường hợp thứ nhất: Khách hàng hiện tại sẽ trở thành bên đối lập nếu Luật sư nhận vụ việc mới.

Ví dụ: Luật sư đang giúp công ty A đàm phán hợp đồng mua cổ phần của doanh nghiệp B (vụ việc 1) thì được người lao động C của công ty A nhờ bảo vệ quyền lợi trong vụ án tranh chấp lao động với công ty A (vụ việc 2). Nếu Luật sư nhận vụ việc 2 thì có cơ sở rõ ràng và hợp lý để cho rằng Luật sư sẽ không làm hết trách nhiệm với C trong vụ việc 2 vì quan hệ của Luật sư với A trong vụ việc 1. Mặt khác, A cũng có thể sẽ thiếu tin cậy đối với Luật sư trong vụ việc 1 khi thấy Luật sư bảo vệ C trong vụ việc 2.

- Trường hợp thứ hai: Bên đối lập sẽ trở thành khách hàng hiện tại nếu Luật sư nhận vụ việc mới.

Ví dụ: Luật sư đang đại diện cho nguyên đơn A trong vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà với bị đơn B (vụ việc 1) thì được B nhờ tư vấn pháp luật trong vụ việc ly hôn của B (vụ việc  2). Nếu Luật sư nhận vụ việc 2 thì sẽ có cơ sở rõ ràng và hợp lý để nghi ngờ rằng Luật sư sẽ không làm hết trách nhiệm với A trong vụ việc 1 vì quan hệ của Luật sư với B trong vụ việc 2.

Trong cả 2 ví dụ nêu trên, mặc dù vụ việc 1 và vụ việc 2 đều không liên quan đến nhau nhưng sẽ phát sinh xung đột lợi ích nếu Luật sư nhận vụ việc 2, vì có cơ sở rõ ràng và hợp lý để cho rằng Luật sư sẽ không bảo vệ được tốt nhất quyền lợi của khách hàng do sự chi phối, tác động của nghĩa vụ của Luật sư đối khách hàng hiện tại trong vụ việc khác. 

Đối lập quyền lợi giữa khách hàng hiện tại với khách hàng cũ 

Quy tắc 15.3.3. Vụ việc trong đó khách hàng mới có quyền lợi đối lập với khách hàng cũ trong cùng một vụ việc hoặc vụ việc khác có liên quan trực tiếp mà trước đó Luật sư đã thực hiện cho khách hàng cũ.

Theo Quy tắc 7, Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng ngay cả sau khi kết thúc dịch vụ pháp lý. Hơn nữa, để giữ gìn danh dự, nhân cách và uy tín nghề nghiệp, xứng đáng với niềm tin của khách hàng và cộng đồng xã hội (theo Quy tắc 3), Luật sư sau khi kết thúc dịch vụ pháp lý cũng không được gây bất lợi cho khách hàng cũ đối với kết quả công việc mà mình đã thực hiện cho khách hàng cũ. Hai yêu cầu này dẫn đến nghĩa vụ của Luật sư tránh xung đột lợi ích đối với khách hàng cũ theo Quy tắc 15.3.3. Mặt khác, Luật sư luôn có nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp đối với khách hàng hiện tại. Nghĩa vụ này có thể bị hạn chế bởi những nghĩa vụ nêu trên của Luật sư đối với khách hàng cũ trong trường hợp khách hàng hiện tại có quyền lợi đối lập với khách hàng cũ. Như vậy, nếu Luật sư nhận vụ việc của khách hàng mới có quyền lợi đối lập với khách hàng cũ trong cùng vụ việc hoặc vụ việc khác có liên quan trực tiếp, thì cùng lúc Luật sư có khả năng bị hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ của Luật sư cho cả hai phía khách hàng: khách hàng cũ và khách hàng hiện tại.

Ví dụ: Luật sư đã tư vấn pháp luật cho A trong giai đoạn bắt đầu phát sinh tranh chấp hợp đồng với B. Sau khi chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý cho A, Luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi cho B là bị đơn trong vụ án tranh chấp hợp đồng mà A là nguyên đơn. Như vậy, xung đột về lợi ích phát sinh khi Luật sư nhận bảo vệ quyền lợi cho B (khách hàng hiện tại) vì B có quyền lợi đối lập với A (khách hàng cũ) trong cùng vụ việc mà trước đó Luật sư đã tư vấn pháp luật cho A.

Thế nào là “cùng một vụ việc”?

Trường hợp nêu trên là ví dụ về “cùng một vụ việc”. Đó là khi vụ giao dịch hoặc vụ tranh chấp là đồng nhất. Cũng có thể xem là “cùng một vụ việc” nếu đối tượng hoặc kết quả công việc dịch vụ pháp lý mà Luật sư thực hiện cho khách hàng cũ đồng nhất với đối tượng của dịch vụ pháp lý cung cấp cho khách hàng hiện tại.

Ví dụ: Một Luật sư đã giúp khách hàng A là bên cho thuê tòa nhà văn phòng soạn thảo Hợp đồng thuê mẫu để ký với các khách thuê văn phòng. Sau đó, B là một trong các khách thuê nhờ Luật sư bảo vệ quyền lợi trong vụ kiện yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê trước thời hạn với A vì lý do bất khả kháng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Nếu nhận vụ việc và để bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho B, Luật sư có thể buộc phải khai thác những điểm bất lợi cho A trong Hợp đồng thuê mà Luật sư đã soạn thảo cho A trước đây. Mặt khác, B chưa chắc có sự tin tưởng Luật sư sẽ bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình khi biết rằng để làm như vậy Luật sư buộc phải gây bất lợi cho A (khách hàng cũ) đối với kết quả công việc (Hợp đồng mẫu) mà Luật sư đã soạn thảo cho A. Như vậy, xung đột lợi ích đã phát sinh.  

Luật sư chỉ bị xem là đã thực hiện “cùng một vụ việc” cho khách hàng cũ nếu công việc mà Luật sư thực hiện có gắn với những nội dung, tình tiết cụ thể của vụ việc. Việc Luật sư chỉ tư vấn tổng quát về quy định pháp luật mà không gắn với nội dung, tình tiết cụ thể của vụ việc thì không được xem là Luật sư đã thực hiện “cùng một vụ việc”, không rơi vào tình huống có xung đột lợi ích theo Quy tắc 15.3.3 này. Tuy nhiên, nếu Luật sư tiếp tục tư vấn pháp luật cho khách hàng mà chưa chấm dứt trước khi nhận vụ việc của bên đối lập, Luật sư sẽ rơi vào trường hợp xung đột lợi ích do đồng thời nhận vụ việc của hai khách hàng có quyền lợi đối lập nhau theo Quy tắc 15.3.1 hoặc 15.3.2. 

Thế nào là “vụ việc khác có liên quan trực tiếp”?

Do nghĩa vụ chủ yếu của Luật sư đối với khách hàng cũ là “giữ bí mật thông tin”, nên “vụ việc khác có liên quan trực tiếp” trong ngữ cảnh của Quy tắc 15.3.3 cần được hiểu là vụ việc mà qua đó Luật sư có được những thông tin của khách hàng cũ có thể đem lại lợi thế cho khách hàng hiện tại so với khách hàng cũ.

Ví dụ: Một Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân trong quá trình làm việc cho công ty A theo hợp đồng lao động đã tham gia vào một vụ thương lượng để bồi thường thiệt hại cho B do lỗi sản phẩm của A (vụ việc 1). Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động với A, Luật sư nhận làm đại diện cho khách hàng C để đòi A bồi thường thiệt hại cho C với cùng nguyên nhân do lỗi sản phẩm của A (vụ việc 2). Như vậy, thông tin mà Luật sư có từ vụ việc 1 có thể được sử dụng để tạo lợi thế cho C trong vụ việc 2, nên sẽ có xung đột lợi ích phát sinh khi Luật sư nhận vụ việc của C. 

Đối lập giữa quyền lợi của khách hàng với quyền lợi của Luật sư và người thân 

Quy tắc 15.3.4. Vụ việc của khách hàng có quyền lợi đối lập với quyền lợi của Luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của Luật sư.

Theo yêu cầu tại Quy tắc 15.1, Luật sư không được để quyền lợi của Luật sư làm hạn chế nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng, tức là gây bất lợi cho khách hàng. Khi có sự đối lập với quyền lợi của khách hàng thì quyền lợi cá nhân và mối quan hệ thân thích của Luật sư đối với các thành viên gia đình có thể trở thành yếu tố chi phối, tác động đến nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền lợi và nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng, gây bất lợi cho khách hàng. Trong các trường hợp có tranh chấp giữa khách hàng với chính Luật sư hoặc với thành viên gia đình của Luật sư thì vấn đề xung đột lợi ích trở nên khá rõ ràng. Khách hàng hoàn toàn có khả năng nhận biết về xung đột nên trên thực tế khó xảy ra trường hợp khách hàng nhờ chính Luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình.

Tuy nhiên, trong các vụ việc ngoài tố tụng (ví dụ như các giao dịch, hợp đồng…) thì không phải lúc nào xung đột cũng được nhận biết rõ ràng. Việc đồng thời là Luật sư của khách hàng trong giao dịch mà Luật sư hoặc thành viên gia đình của Luật sư cùng tham gia với khách hàng tạo ra cho những người này lợi thế so với khách hàng.

Ví dụ: Luật sư thực hiện công việc tư vấn pháp luật và soạn thảo hợp đồng cho khách hàng để thành lập một doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư, trong đó Luật sư hoặc thành viên gia đình của Luật sư là một bên tham gia đầu tư. Khi đó, quyền lợi và nghĩa vụ với tư cách là một bên tham gia đầu tư có thể ảnh hưởng đến nghĩa vụ Luật sư bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng khi thực hiện công việc tư vấn pháp luật, soạn thảo hợp đồng, và từ đó phát sinh xung đột lợi ích. Để thực hiện công việc này, Luật sư cần phải giải thích cho khách hàng nhận thức được xung đột để khách hàng có sự cân nhắc, tham vấn ý kiến của bên thứ ba (có thể là Luật sư khác) nếu thấy cần thiết, và phải được sự đồng ý của khách hàng theo Quy tắc 15.4. 

Quy tắc 15.3.4 và Bộ Quy tắc nói chung không ngăn cấm hoặc hạn chế việc Luật sư tham gia giao dịch với khách hàng. Luật sư hoặc thành viên gia đình của Luật sư vẫn có thể tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ,… với khách hàng nếu những điều khoản của giao dịch này được áp dụng chung như đối với những đối tác khác của khách hàng. Khi đó, không có xung đột phát sinh do Luật sư hoặc thành viên gia đình của Luật sư không có được lợi thế với tư cách làm Luật sư cho khách hàng trong giao dịch.

Ví dụ: Luật sư soạn thảo hợp đồng mẫu mua bán căn hộ chung cư cho khách hàng là chủ đầu tư chung cư. Sau đó, Luật sư hoặc thành viên gia đình của Luật sư mua căn hộ do chủ đầu tư này bán theo hợp đồng như những người mua căn hộ khác. Quy tắc 15.3.4 chỉ lưu ý và hạn chế Luật sư lạm dụng vị thế Luật sư của khách hàng để hưởng lợi không chính đáng hoặc gây thiệt hại quyền lợi của khách hàng.

Do đó, Luật sư cần thận trọng cân nhắc khi tham gia giao dịch với khách hàng, có cách giải quyết đúng đắn, phù hợp nếu phát sinh xung đột lợi ích.

Quy tắc 15.3.6. Vụ việc của khách hàng do cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của Luật sư đang cung cấp dịch vụ pháp lý có quyền lợi đối lập với khách hàng của Luật sư.

Tương tự như trường hợp tại Quy tắc 15.3.4, quyền lợi và mối quan hệ thân thích của Luật sư đối với các thành viên gia đình có thể trở thành yếu tố chi phối, tác động đến nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền lợi và nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng, gây bất lợi cho khách hàng của Luật sư. Khi Luật sư có quan hệ thân thích với Luật sư của bên đối lập, có cơ sở rõ ràng và hợp lý để cho rằng Luật sư có thể bị tác động để gây bất lợi hoặc chí ít không bảo vệ tốt nhất quyền lợi khách hàng của mình, hoặc tiết lộ bí mật của khách hàng cho Luật sư bên đối lập.

Do đó, Luật sư về nguyên tắc không được nhận hoặc tiếp tục vụ việc trong trường hợp có xung đột tại Quy tắc 15.3.6. Nếu muốn nhận hoặc tiếp tục vụ việc, Luật sư cần phải thông báo để khách hàng biết và nhận được sự đồng ý của khách hàng theo Quy tắc 15.4.

Đối lập giữa quyền lợi của khách hàng với nghĩa vụ của Luật sư đối với bên thứ ba 

Quy tắc 15.3.5. Vụ việc mà Luật sư đã tham gia giải quyết với tư cách người tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức khác trong cơ quan nhà nước, trọng tài viên, hòa giải viên.

Tương tự Quy tắc 15.3.3 về vụ việc của khách hàng cũ, trong trường hợp tại Quy tắc 15.3.5, để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng hiện tại, Luật sư có thể sẽ phải đưa ra ý kiến, bảo vệ quan điểm khác biệt hoặc trái ngược với nội dung, kết quả của công việc đã tham gia giải quyết với tư cách người tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức, trọng tài viên, hòa giải viên… Nội dung, kết quả đó bao gồm ý kiến, kết luận, nội dung quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định tố tụng, bản án, phán quyết trọng tài… Đây là những nội dung, kết quả được mặc định là đã tuân theo các nguyên tắc độc lập, tuân theo pháp luật, khách quan, vô tư, công bằng… mà Luật sư đó trước đây khi ở vị trí công vụ có nghĩa vụ thực hiện theo quy định pháp luật hoặc theo các quy tắc ứng xử nghề nghiệp có liên quan (ví dụ quy tắc ứng xử của thẩm phán, của trọng tài viên, hòa giải viên…).

Như vậy, Luật sư sẽ ở vào tình thế chịu sự chi phối, ảnh hưởng của những nội dung, kết quả nói trên để không thể thực hiện được nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Do đó, xung đột lợi ích phát sinh.

Ví dụ: Một Luật sư nguyên là thẩm phán tham gia hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự thì không được nhận vụ việc tư vấn pháp luật và giúp cho đương sự trong vụ án đó đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án.

Mặt khác, Quy tắc 15.3.5 này còn nhằm mục đích ngăn ngừa Luật sư tận dụng lợi thế không chính đáng do có được thông tin và vị thế vì đã tham gia giải quyết vụ việc với một trong những tư cách nêu trên, đi ngược với những nguyên tắc độc lập, khách quan, vô tư, công bằng, tuân theo pháp luật của những người đảm nhiệm vị trí công vụ theo quy định pháp luật và các quy tắc ứng xử nghề nghiệp. Đồng thời, Quy tắc 15.3.5 cũng nhằm tránh gây ra sự ngộ nhận của khách hàng về việc Luật sư có thể tạo ra lợi thế cho khách hàng do có được thông tin, vị thế nói trên, gây ra nhầm lẫn cho khách hàng về chức năng và công việc của Luật sư. 

Hạn chế trong Quy tắc 15.3.5 chỉ áp dụng đối với người đã từng tham gia giải quyết, quyết định trực tiếp về nội dung của vụ việc. Ví dụ: Thư ký phiên tòa, Thẩm phán tham gia Hội đồng xét xử ra bản án, công chức đưa ra ý kiến tham mưu cho người đứng đầu cơ quan nhà nước ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Những người đã từng tham gia về trình tự, thủ tục nhưng không  “giải quyết” về nội dung thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quy tắc 15.3.5. Ví dụ: Người làm công tác văn thư, người có thẩm quyền phân công cán bộ, công chức thụ lý giải quyết vụ việc nhưng không trực tiếp giải quyết về nội dung…

Ảnh hưởng từ xung đột lợi ích của Luật sư khác làm việc cùng tổ chức hành nghề

Quy tắc 15.3.7. Trường hợp Luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc cho khách hàng quy định tại Quy tắc 15.3 này, Luật sư khác đang làm việc trong cùng tổ chức hành nghề Luật sư cũng không được nhận hoặc thực hiện vụ việc, trừ trường hợp tại Quy tắc 15.3.4 và 15.3.6.

Khi các Luật sư cùng hành nghề trong một tổ chức hành nghề Luật sư, giữa họ ít nhiều có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau: (1) Về quan hệ kinh tế: họ cùng chia sẻ lợi ích từ nguồn thù lao của khách hàng (tiền lương, tiền thưởng, phần chia lợi nhuận của tổ chức hành nghề Luật sư…); (2) Về quan hệ quản lý: giữa họ có sự quản lý về tổ chức, quản lý công việc dịch vụ pháp lý. Từ đó dẫn đến khả năng chia sẻ, tiết lộ thông tin giữa các Luật sư cùng tổ chức.

Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng thông qua tổ chức hành nghề Luật sư, nên những mối quan hệ phụ thuộc trong tổ chức tạo ra sự liên đới về nghĩa vụ đối với khách hàng của các Luật sư trong cùng tổ chức. Vì thế, về nguyên tắc nếu một Luật sư gặp tình huống xung đột lợi ích mà bị hạn chế không được nhận, thực hiện một vụ việc cho khách hàng thì những Luật sư khác trong cùng tổ chức cũng không được nhận, thực hiện vụ việc đó. Cũng vì sự liên đới giữa các Luật sư chỉ trong phạm vi mối quan hệ phụ thuộc trong tổ chức, nên quyền lợi cá nhân của mỗi Luật sư không chịu ảnh hưởng của Quy tắc 15.3.7 này.

Do đó, nếu một Luật sư gặp xung đột lợi ích do đối lập giữa quyền lợi của khách hàng với quyền lợi của Luật sư và người thân như các trường hợp tại Quy tắc 15.3.4 và Quy tắc 15.3.6 thì Luật sư khác trong cùng tổ chức không bị ảnh hưởng, nên vẫn được nhận, thực hiện vụ việc. 

Nghĩa vụ của một Luật sư đối với khách hàng cũ như đã phân tích về Quy tắc 15.3.3 (chủ yếu là nghĩa vụ giữ bí mật thông tin) vẫn sẽ tiếp tục cho dù Luật sư đó có thay đổi nơi hành nghề sang một tổ chức hành nghề Luật sư khác. Cho nên đối với xung đột tại Quy tắc 15.3.3 về vụ việc một Luật sư (A) đã thực hiện cho khách hàng cũ (X) trong thời gian hành nghề tại tổ chức hành nghề Luật sư trước đây (tổ chức 1), sau khi Luật sư A đã chuyển đến hành nghề cho tổ chức hành nghề Luật sư mới (tổ chức 2), Luật sư khác (B) trong tổ chức 2 cũng không được nhận vụ việc của khách hàng mới Y có quyền lợi đối lập với khách hàng X trong cùng vụ việc hoặc vụ việc khác có liên quan trực tiếp, trừ trường hợp được cả X và Y đồng ý theo Quy tắc 15.4.

Tương tự, một Luật sư khác (C) đang làm việc trong tổ chức 1 cũng không được nhận vụ việc của khách hàng Y kể cả sau khi Luật sư A đã không còn làm việc tại tổ chức 1, nếu tổ chức 1 và Luật sư C có những thông tin về vụ việc trước đây của khách hàng X có thể gây bất lợi cho khách hàng X trong vụ việc của khách hàng Y.

Tóm lại, Quy tắc 15.3 liệt kê 7 trường hợp xung đột lợi ích nhằm lưu ý những tình huống điển hình về xung đột lợi ích thường xảy ra, không phải để giới hạn xung đột lợi ích chỉ trong những trường hợp đã được liệt kê. Các tình huống xung đột lợi ích khác có thể được xác định căn cứ vào định nghĩa về “xung đột lợi ích” tại Quy tắc 15.1. 

Ngoài Quy tắc 15, trong Bộ Quy tắc còn có một số quy tắc khác chứa đựng nội dung về xung đột lợi ích cần lưu ý: Quy tắc 9.2 (Đòi hỏi khách hàng tặng cho tài sản), Quy tắc 9.2 (Nhận lợi ích từ người thứ ba), Quy tắc 9.9 (Quan hệ nam nữ với khách hàng), Quy tắc 21.2 (Thông đồng với Luật sư của khách hàng đối lập).

[1] /giai-quyet-xung-dot-loi-ich-trong-hanh-nghe-luat-su-phan-11662352520.html

[2] Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc.

 

Luật sư NGUYỄN HẢI NAM

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh

Giải quyết xung đột lợi ích trong hành nghề Luật sư (Phần 1)