/ Dọc đường tố tụng
/ Giám đốc thẩm để làm gì?

Giám đốc thẩm để làm gì?

29/11/2021 09:09 |

(LSVN) - Tạp chí Luật sư Việt Nam số tháng 6/2020 có đăng bài: “Bao nhiêu năm chờ đợi để tiếp cận công lý” của Thạc sĩ Ma Thị Thúy. Bài báo phản ánh quá trình hơn 20 năm đi tìm công lý của bị đơn trong vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng dịch vụ - hứa thưởng, đã qua cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm lần đầu, nhưng lại quay về điểm xuất phát. Bài báo có 2 tít phụ gây chú ý, là: “Mòn mỏi chờ tiếp cận công lý” và “Lại mừng hụt”. Toàn bộ nội dung bài báo toát lên một điều: Giám đốc thẩm chẳng để làm gì?

Ảnh minh họa. 

Các đạo luật, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hành chính đều đã có riêng 1 chương quy định về chế định này. Theo đó, đây là một trình tự đặc biệt, nhằm xét lại các bản án, quyết định có sai phạm của Tòa án, bao gồm:

- Việc ra bản án, quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án;

- Có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng;

- Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng.

Luật tố tụng quy định giám đốc thẩm là để sửa sai đối với việc ra bản án, quyết định của Tòa án. Nhưng thực tế, trong một số vụ án, giám đốc thẩm không những không sửa sai, mà còn lặp lại sai lầm tại các cấp sơ thẩm và phúc thẩm, mà bài viết đăng trên Tạp chí Luật sư Việt Nam nêu trên đây chỉ là một ví dụ.

Theo bài báo của Thạc sĩ Ma Thị Thúy đã đăng ngày 15/7/1998, ông Nguyễn Văn Ta ký Bản thỏa thuận với Hợp tác xã (HTX) nhà ở Tín Nhiệm, trụ sở đặt tại 43 Trần Qúy Cáp, phường 12, quận Bình Thạnh, do ông Khuất Duy Thuận, Chủ nhiệm HTX đứng tên đại diện về dịch vụ lo thủ tục xác lập chủ quyền đất đai đối với khu đất của gia tộc để lại. Điều 5 của thỏa thuận này yêu cầu ông Khuất Duy Thuận tự bỏ kinh phí để làm dịch vụ và được hưởng tiền công và trả thưởng khi có kết quả sau cùng bằng quyền sử dụng 3.500m2 đất trong tổng số 15.000m2 đất gia tộc của ông Nguyễn Văn Ta. Khi đó, trong số hơn 15.000m2 này đã có 2 người khác, không phải là ông Nguyễn Văn Ta, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 10.370m2.

Văn bản thỏa thuận về dịch vụ lo thủ tục xác lập chủ quyền đất đai được ông Khuất Duy Thuận tiến hành ròng rã nhiều năm, bỏ ra rất nhiều chi phí để làm mọi thủ tục, với 8 văn bản gia hạn ủy quyền, gia hạn thực hiện thỏa thuận và cam kết trả công và hứa thưởng, với hàng loạt văn bản trả lời và xử lý của nhiều cơ quan nhà nước hữu quan, từ UBND các cấp đến Tổng Cục Địa chính, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên & Môi trường…

Cuối cùng, ngày 03/9/2014, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 4381/QĐ-UBND về việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định giải quyết khiếu nại số 5917/QĐ-UBND ngày 29/11/2004 của Chủ tịch UBND thành phố. Phần trung tâm của Quyết định số 4381/QĐ-UBND nêu rõ: “Trên có sở hòa giải thành giữa các bên liên quan: ông Nguyễn Văn Ta và ông Lê Văn Tươi thống nhất giao lại 5.138.5m2 đất cho ông Nguyễn Văn Hoàng và ông Nguyễn Văn Lộc sử dụng, phần còn lại 10.265,5m2/15.405m2 đất do ông Ta và ông Tươi sử dụng. Ông Hoàng và ông Lộc đồng ý nhận 5.138,5m2 đất nêu trên và cam kết chấm dứt khiếu kiện”.

Cùng với các lời cam kết của bên ủy quyền – gia hạn hợp đồng dịch vụ này “cho đến khi hoàn tất công việc” đến 2014 đã có kết quả cuối cùng là quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn Ta được xác lập nhờ vào sự nỗ lực không mệt mỏi gần hai chục năm của bên nhận ủy quyền.

Song, bên ủy quyền đã không thực hiện nghĩa vụ, dẫn đến vụ án “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ, hợp đồng ủy quyền và hợp đồng hứa thưởng” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Ta (chết năm 2013), do những người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng gồm: bà Trần Thị Đẹp, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, ông Nguyễn Như Sang, bà Nguyễn Thị Thanh Loan với bị đơn là HTX nhà ở Tín Nhiệm và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Khuất Duy Thuận. 

Đây là vụ án tranh chấp giữa nguyên đơn là người thuê làm dịch vụ với bị đơn là người bỏ công sức và tiền bạc ra làm dịch vụ theo hợp đồng hứa thưởng quy định tại Bộ luật Dân sự.

Hành trình tố tụng bất thường

Tại cấp sơ thẩm, ngày 22/8/2018, Tòa án nhân dân (TAND) quận Bình Thạnh đã ra Bản án số 1577/2018/DS-ST tuyên hợp đồng dịch vụ, hợp đồng ủy quyền, hứa thưởng giữa ông Nguyễn Văn Ta và HTX Tín Nhiệm, ông Khuất Duy Thuận là vô hiệu. 

Ngày 17/4/2019, TAND TP. Hồ Chí Minh ra Bản án phúc thẩm số /2019/DS-PT cũng tuyên hợp đồng dịch vụ, hợp đồng ủy quyền, hứa thưởng giữa ông Nguyễn Văn Ta và HTX Tín Nhiệm, ông Khuất Duy Thuận là vô hiệu.

Như vậy, thực tế trong vụ án này hai bên đã tự nguyện ký hợp đồng dịch vụ với nội dung ủy quyền và hứa thưởng theo quy định của Bộ luật Dân sự. Theo hợp đồng, bên nhận ủy quyền tự bỏ công sức, tiền bạc làm dịch vụ lo thủ tục xác định quyển sử dụng đất cho bên ủy quyền để được được hưởng tiền công và trả thưởng khi có kết quả sau cùng bằng quyền sử dụng 3.500m2 đất. Sau 20 năm, khi có kết quả cuối cùng xác lập được quyền sử dụng đất thì cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên hợp đồng này là vô hiệu.

Bởi sự bất ổn này, ngày 24/7/2019, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 105/QĐKNGĐT-VKS-DS, với nội dung đề nghị hủy cả Bản án phúc thẩm số 317/2019/DS-PT ngày 17/4/2019 và Bản án dân sự sơ thẩm số 1577/2018/DS-ST ngày 22/8/2018 đã tuyên hợp đồng dịch vụ, hợp đồng ủy quyền, hứa thưởng giữa ông Nguyễn Văn Ta và HTX Tín Nhiệm, ông Khuất Duy Thuận là vô hiệu.

Thế nhưng, ngày 07/10/2019 Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh lại ra Quyết định giám đốc thẩm số 204/2019/DS-GĐT tuyên:

1. Không chấp nhận Kháng nghị số 105/QĐKNGĐT-VKS-DS ngày 24/7/2019 của Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ, hợp đồng ủy quyền và hợp đồng hứa thưởng” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Ta (chết năm 2013), do những người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng gồm: bà Trần Thị Đẹp, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, ông Nguyễn Như Sang, bà Nguyễn Thị Thanh Loan với bị đơn là HTX nhà ở Tín Nhiệm và  nguời có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Khuất Duy Thuận;

2. Giữ nguyên Bản án phúc thẩm số 317/2019/DS-PT ngày 17/04/2019 của TAND TP. Hồ Chí Minh với nội dung đã tuyên hợp đồng dịch vụ, hợp đồng ủy quyền, hứa thưởng giữa ông Nguyễn Văn Ta và HTX Tín Nhiệm, ông Khuất Duy Thuận là vô hiệu.

Thật khó hiểu khi lời tuyên của các Bản án phúc thẩm số 317/2019/DS-PT lại dựa trên lập luận rằng, ngày 31/3/2008 ông Khuất Duy Thuận có đơn yêu cầu trả tiền công ủy quyền nhưng ông Nguyễn Văn Ta không đồng ý và không có thỏa thuận mới nên xem như hai bên đã chấm dứt hợp đồng. Còn quá lạ nữa vì lời tuyên này còn căn cứ vào ngày 30/5/2008, ông Nguyễn Văn Ta gửi đơn yêu cầu tuyên bố thỏa thuận giữa hai bên hết hiệu lực từ ngày có Quyết định 5917/QĐ-UB ngày 29/11/2004 của UBND TP. Hồ Chí Minh.

Ở cuối đường hầm, giám đốc thẩm lần 2

Đến nấc cao nhất, Chánh án TAND Tối cao đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 20/20/KN-DS ngày 29/4/2020, với nội dung:

1. Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định giám đốc thẩm số 204/2019/DS-GĐT ngày 07/10/2019 của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ, hợp đồng ủy quyền và hợp đồng hứa thưởng” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Ta (chết năm 2013), do những người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng gồm: bà Trần Thị Đẹp, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, ông Nguyễn Như Sang, bà Nguyễn Thị Thanh Loan với bị đơn là HTX nhà ở Tín Nhiệm và  nguời có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Khuất Duy Thuận.

2. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy Quyết định giám đốc thẩm số 204/2019/DS-GĐT ngày 7/10/2019 cuả Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, hủy Bản án phúc thẩm số 317/2019/DS-PT ngày 17/4/2019 của TAND TP. Hồ Chí Minh và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 1557/2018/DS-ST ngày 22/8/2018 của TAND quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật.

Đến đây tưởng như không có điều gì phải bàn cãi nữa. Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lại ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 58/2020/DS-GĐT ngày 22/9/2020 với nội dung chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 20/20/KN-DS ngày 29/4/2020 của Chánh án TAND Tối cao.

Nhưng, trong phần nhận định của Quyết định giám đốc thẩm số 58/2020/DS-GĐT lại có một nội dung tại trang 08: “Trong quá trình xét xử đại diện của HTX Tín Nhiệm phải có nghĩa vụ xuất trình các chứng cứ chứng minh cho các chi phí đã thực hiện”. Như thế với yêu cầu này, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chẳng khác nào đã gián tiếp bác cái cốt lõi của hợp đồng hứa thưởng là HTX nhà ở Tín Nhiệm đương nhiên được hưởng 30% kết quả đạt được mà không có nghĩa vụ chứng minh chi phí. Nói một cách khác, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chỉ chấp nhận về hình thức Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 20/20/KN-DS ngày 29/4/2020 của Chánh án TAND Tối cao, nhưng lại thực chất là bác Quyết định này về nội dung. Nội dung của Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 20/KN-DS ngày 29/4/2020 ghi rõ tại trang 08: “Căn cứ hợp đồng dịch vụ, hợp đồng ủy quyền và hợp đồng hứa thưởng thì ông Thuận, HTX Tín Nhiệm phải được trả mức thưởng là 30% diện tích đất đòi được thì mới hợp tình, hợp lý”.

Tất cả các cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm cũng như giám đốc thẩm trước đó đều phạm sai lầm là đã ra bản án, quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án ở chỗ tuyên hợp đồng này vô hiệu để triệt tiêu quyền của bên nhận thưởng. Nay đến nấc giám đốc thẩm cao nhất cũng gián tiếp triệt tiêu quyền của bên nhận thưởng, vì qua quá trình hợp 20 năm thực hiện hợp đồng thì còn đâu chứng cứ chứng minh. Thực chất, đó là một cách để tuyên hợp đồng vô hiệu, trong khi Bộ luật Dân sự quy định bên hứa thưởng mạc nhiên có nghĩa vụ trả thưởng theo đúng cam kết trong hợp đồng.

Tháng 5/2021, TAND quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh đã thụ lý vụ án để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, đã triệu tập nguyên đơn và bị đơn đến Tòa làm việc, nhưng từ đó đến nay chưa có kết quả gì!.

Luật gia PHAN VĂN TÂN

Phó Giám đốc TTTVPL Hội Luật gia Hà Nội

Nhà báo cần trọng liêm sỉ

Lê Minh Hoàng