Giữ gìn hình ảnh nghề nghiệp

14/04/2022 17:37 | 2 năm trước

(LSVN) - Đi giày vào chỗ không được (theo quy ước hoặc quy định) đi giày thì có thể là vô ý, có thể theo thói quen (không tháo giày khi đi vào bất cứ chỗ nào), có thể là tự cho đó là việc nhỏ, không cần thiết phải bỏ giày,… nhưng dù về lý do gì, hành vi này biểu hiện ý thức và thái độ tôn trọng người khác và không thể phủ nhận là nó làm xấu đi hình ảnh nghề nghiệp mà mình phụng sự, đặc biệt nghề nghiệp đó đòi hỏi phải ứng xử chuẩn mực và gương mẫu trong mọi hoàn cảnh.

Hình ảnh các lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội vào kiểm tra một lớp Mầm non đã thực sự gây nên một cơn bão mạng. Không có gì to tát cả, chỉ là các vị này đi giày vào trong lớp học, vốn không ai được đi giày dép vào đây và thật tương phản (phản cảm nữa) với các cô giáo và học sinh của lớp đều chân trần khiêm nhường đón tiếp lãnh đạo.

Vâng, chỉ thế thôi mà dư luận không tiếc lời chỉ trích, chê bai và cho đó là hành vi thiếu ý thức của những người đứng đầu ngành Giáo dục Thủ đô.

Tại một diễn biến khác cũng gây ồn ào dư luận vừa xảy ra là việc VTV1 vinh danh và quảng bá cho một thương hiệu của một doanh nhân nhiều tai tiếng. Rất nhiều người lên tiếng phản đối chương trình này và cho rằng, đã có sự khuất tất và rất thiếu tôn trọng khán giả. Đồng thời, những lời quảng cáo quá lố, sản phẩm quá đắt, cùng những vi phạm của thương hiệu này và nhứng ứng xử thiếu văn hóa của bà chủ nó cũng bị giới truyền thông phanh phui. Một sự trùng hợp rất đáng chú ý là ngay sau được VTV1 vinh danh và quảng bá, thương hiệu này đã bị cơ quan chức năng xử phạt 65 triệu đồng vì vi phạm các quy định về quảng cáo.

Đi giày vào chỗ không được (theo quy ước hoặc quy định) đi giày thì có thể là vô ý, có thể theo thói quen (không tháo giày khi đi vào bất cứ chỗ nào), có thể là tự cho đó là việc nhỏ, không cần thiết phải bỏ giày,… nhưng dù về lý do gì, hành vi này biểu hiện ý thức và thái độ tôn trọng người khác và không thể phủ nhận là nó làm xấu đi hình ảnh nghề nghiệp mà mình phụng sự, đặc biệt nghề nghiệp đó đòi hỏi phải ứng xử chuẩn mực và gương mẫu trong mọi hoàn cảnh.

Còn chương trình của VTV1 thì hiển nhiên đã là quá lố và tự đánh mất đi hình ảnh của mình. Đó cũng là biểu hiện coi thường khán giả và dư luận, cố ý làm cái việc cổ súy cho các loại “thần y” và “thần dược” lên ngôi, nhằm mục đích móc túi đồng bào. “Định hướng dư luận” kiểu đó là “lấy đá ghè chân mình”, có những khán giả thẳng thừng bày tỏ ý kiến của mình cho rằng đó là sự tiếp tay cho lừa dối và cả các nghệ sỹ tham gia chương trình này cũng bị dư luận chê bai và chỉ trích.

Tôn trọng người khác cũng chính là sự tôn trọng mình và giữ gìn hình ảnh cá nhân mình cũng chính là bảo vệ hình ảnh tốt đẹp của nghề nghiệp mà mình theo đuổi, phục vụ. Nếu khác đi, ắt nhận búa rìu từ dư luận và đánh mất đi những sự quý giá mà lẽ ra phải trân trọng, giữ gìn.

NHỊ NGỌC

Mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng là cấp thiết!