Cụ thể, các biện pháp ngưng cung cấp dịch vụ liên quan đối với công trình vi phạm không được Quốc hội thông qua nên vẫn còn một bộ phận người dân cố tình gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.
Việc áp dụng cưỡng chế thi hành biện pháp phạt tiền còn bất cập, do đối tượng vi phạm không hợp tác, không cung cấp thông tin về số tài khoản ngân hàng, đối tượng vi phạm không có tài khoản ngân hàng hoặc có tài khoản nhưng là tài khoản rỗng.
Bên cạnh đó, phía cơ quan chức năng không có cơ quan chuyên môn về xây dựng cùng cấp để thực hiện việc thẩm định phương án, giải pháp tháo dỡ công trình; không đảm bảo đầy đủ các điều kiện và thành phần tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trên địa bàn thành phố (lực lượng đảm bảo an ninh trật tự trong và sau khi thực hiện cưỡng chế, phòng cháy chữa cháy, y tế, dân vận…), dẫn đến việc lập, thẩm định, phê duyệt phương án và tổ chức tháo dỡ công trình vi phạm không phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, còn chồng chéo về thẩm quyền gây chậm trễ trong công tác xử lý vi phạm hành chính. Đó là chưa kể đến tình trạng ở một số địa phương, cán bộ chính quyền cấp cơ sở không nắm vững quy định của pháp luật dẫn đến việc xử lý các công trình vi phạm một cách nóng vội, chủ quan, trái pháp luật, dẫn đến khiếu nại phức tạp.
Đơn thư ông Phí Bá Trường (sinh năm 1970, thường trú tại thôn 2, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) gửi đến Tòa soạn.
Đơn cử như, mới đây Tạp chí Luật sư Việt Nam nhận được đơn thư của ông Phí Bá Trường (sinh năm 1970, thường trú tại thôn 2, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) với nội dung:
Gia đình ông có một thửa đất ruộng phần trăm tại khu Đồng Thông, thuộc Thôn 2, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội, có diện tích là 204 m2, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 724/2000, ngày 03/12/2009 được sự chuyển nhượng từ ông Nguyễn Công Bằng, nguyên Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn. Đất đã bỏ hoang 30 năm, không trồng trọt, chăn nuôi và xung quanh đã có nhà xưởng xây dựng. Gia đình ông có quây hàng rào, đào ao để chăn nuôi từ đó đến nay.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất trên.
Vào ngày 20/12/2023, trong lúc ông đang đi khám bệnh thì UBND xã Chàng Sơn cho người đến đập, phá tháo dỡ. Sự việc này dẫn đến những thiệt hại nặng nề về tài sản như: Hàng rào, mái tôn, chuồng trại bị hư hỏng, gia cầm vật nuôi nháo nhác không tìm được, tổng thiệt hại được ông Trường ước tính là 60.000.000 đồng.
Phiếu khám chữa bệnh của ông Phí Văn Trường vào ngày 20/12/2023, đúng ngày UBND xã Chàng Sơn tiến hành phá dỡ công trình.
Theo ông Trường cho biết, mặc dù công trình bị phá dỡ tan hoang nhưng ông không nhận được bất kỳ văn bản, hồ sơ nào liên quan đến việc thông báo vi phạm, yêu cầu tự tháo dỡ, cũng như văn bản đề nghị cưỡng chế... của UBND xã Chàng Sơn.
Ngay sau đó, ngày 22/12/202, ông Phí Bá Trường đã làm đơn gửi UBND huyện Thạch Thất tố cáo hành vi của Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn và một số cán bộ tổ chức tham gia việc phá dỡ, về hành vi phá dỡ, hủy hoại tài sản của công dân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của gia đình ông và được bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, thành viên Ban Tiếp công dân tiếp nhận đơn.
Sáng ngày 27/12/2023, ông Phí Bá Trường tiếp tục có đơn tố giác đến Công an huyện Thạch Thất. Chiều cùng ngày, Công an huyện Thạch Thất đã có buổi làm việc với ông Trường và ghi nhận thực tế tại hiện trường.
Ông Trường bất bình khi đi chữa bệnh về thì công trình của mình bị phá tan hoang.
Tại buổi làm việc chiều ngày 02/01/2024 với cơ quan báo chí, ông Nguyễn Trần Vượng, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn cho biết: “Công tác quản lý cấp cơ sở phức tạp, chế độ chính sách thấp, không xử lý thì người dân nhắn tin, gọi điện phản ánh. Chúng tôi không muốn làm, vất vả, va chạm, tốn kém. Người dân làng nghề cố chấp, không chấp hành pháp luật. Ngày 28/12/2024, chúng tôi kiểm tra trên hiện trạng thực tế gần 60m2, nhà anh Trường làm nhà xưởng, dựng khung sắt, mái tôn, phía trong nhà anh Trường vi phạm rất tiếc không có hồ sơ. Vi phạm phải xử lý, sẽ giao cán bộ lập biên bản vi phạm tính từ ngày hôm nay, hoàn thiện hồ sơ và đối tượng vi phạm…".
Ông Nguyễn Trần Vượng, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn cho biết “Đây không phải là cưỡng chế mà ngăn chặn vi phạm phát sinh, áp dụng biện pháp ngăn chặn kịp thời”. Mặc dù vậy cả công trình được xây dựng cách đây hàng chục năm bị phá dỡ tan hoang không thể sử dụng.
Hơn 200m3 hàng rào, mái tôn, chuồng trại bị đập phá tan hoang không còn khả năng sử dụng những vị Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đây không phải là cưỡng chế mà ngăn chặn vi phạm phát sinh, áp dụng biện pháp ngăn chặn kịp thời, chúng tôi có lập biên bản hiện trạng ngay sau đó…”.
Ông Nguyễn Trần Vượng, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn (giữa) cung cấp thông tin trên báo chí.
Khi được phóng viên đặt câu hỏi trước lúc tiến hành phá dỡ công trình, phía UBND đã từng ra thông báo về việc vi phạm hành chính; đã có thông báo yêu cầu tự tháo dỡ; quyết định cưỡng chế; văn bản thành lập hội đồng cưỡng chế… thì ông Nguyễn Trần Vượng né tránh không trả lời.
Nhiều người dân địa phương tỏ ra bất ngờ và bất bình trước sự phá dỡ đột ngột trên.
Trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: Ngày 20/12/2023, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn có lập biên bản yêu cầu gia đình ông Phí Bá Trường dừng thực hiện hành vi vi phạm và phải tự tháo dỡ công trình vi phạm là phù hợp với Điều 55 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020.
Tuy nhiên, ngay sau khi có biên bản này, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn lại cho lực lượng phá dỡ công trình vi phạm mà không để người vi phạm có thời gian tự tháo dỡ là trái với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về thủ tục xử phạt hành chính. Luật Xử lý vi phạm hành chính không có quy định nào cho phép người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phá dỡ ngay công trình xây dựng trái phép khi chưa thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục theo qui định của pháp luật. Vì vậy, việc phá dỡ công trình vi phạm của ông Phí Bá Trường do Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn là trái pháp luật.
PV