Ảnh minh họa.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện đang tiếp tục được lấy ý kiến sâu rộng các tầng lớp Nhân dân. Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), tác giả xin tham gia một số ý kiến như sau:
Về nguyên tắc áp dụng luật: Điều 4 dự thảo Luật quy định, trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này và luật khác thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai. Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.
Như vậy, quy định tại Điều 4 dự thảo Luật là chưa phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có quy định khác nhau về cùng một vấn đề quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Đề nghị Ban Soạn thảo điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo về nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Về khái niệm người sử dụng đất là hộ gia đình (khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật), đề nghị giữ nguyên như quy định tại khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013. Nếu bỏ nội dung: “đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất” thì có thể tại thời điểm đó có thành viên Hộ gia đình đã định cư ở nơi khác thậm chí định cư ở nước ngoài hoặc có thành viên đang ở nơi khác về sống chung với hộ gia đình.
Đề nghị bỏ đoạn “trừ trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền đổi thửa theo quy định của luật này" tại điểm a, khoản 1 Điều 49 dự thảo Luật. Lý do là khi người sử dụng đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất thì theo quy định của luật này các giao dịch trên đều bắt buộc phải được công chứng. Do vậy, nếu chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không thực hiện được các giao dịch theo trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Công chứng hiện hành.
Về xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc kiểm điếm (Điều 85), thực tế triển khai thì còn thiếu nội dung: “xác định giá đất cụ thể và phù hợp với thực tế nhằm phục vụ bồi thường đất”. Vì vậy, cần bổ sung thêm nội dung này sau khi thông báo thu hồi đất, đo đạc địa chính khu đất và tiến hành trước thời điểm họp dân kiểm đếm. Thông thường, khi tiến hành kiểm đếm thì người dân luôn đòi hỏi chính sách bồi thường, trong đó người sử dụng đất quan tâm nhất là giá bồi thường đất có phù hợp với thị trường và tiền bồi thường cho họ có đảm bảo cuộc sống ở nơi mới không.
Khoản 2 Điều 94 dự thảo Luật quy định: “Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác thì được Nhà nước bố trí tái định cư thông qua hình thức bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất và được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền mua nhà ở theo quy định của pháp luật”. Trong quá trình áp dụng, người dân có đất bị thu hồi thường đề nghị tái định cư nếu được vì cấp đất tái định cư có giá hợp lý hơn nên người dân vẫn thích đất tái định cư cho dù vẫn còn thửa đất khác có thể xây dựng nhà ở. Ngoài ra, thửa đất thứ hai có thể ở tại nơi có đất bị thu hồi nhưng cũng có thể ở địa phương khác. Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về thửa đất thứ hai là ở đâu. Trường hợp người sử dụng đất vi phạm do khai báo không trung thực để hưởng chính sách tái định cư hoặc cơ quan thực hiện bồi thường tái định cư do sơ suất để xảy ra sai phạm thì chế tài xử lý như thế nào? Khắc phục ra sao khi để xảy ra sai phạm?...
Bên cạnh đó, tác giả đề nghị bổ sung nội dung về chính sách ưu đãi khi giao đất, cho thuê đất như: Nhà nước ưu đãi khi giao đất cho tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, có thể giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc giảm 50-70% mức giá đất (hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể mức giá giao đất và cho thuê đất). Vì đây là 3 đối tượng cần được quan tâm đặc biệt, hoạt động trong 2 lĩnh vực quốc sách hàng đầu, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và sản phẩm công nghệ cao cho công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Giá đất là một trong những nội dung được toàn xã hội quan tâm, vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước, tổ chức kinh tế và người dân. Việc bỏ khung giá đất trong dự thảo Luật là đúng vì nó kìm hãm việc khai thác nguồn lực từ đất đai gây thất thu cho Nhà nước, tạo kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai. Việc quy định ban hành bảng giá đất hàng năm sát với giá thị trường là một quy định đúng đắn và phù hợp. Tuy nhiên, việc xây dựng được bảng giá đất như vậy là rất khó khăn. Do vậy, cần quy định trong dự thảo Luật một cơ quan chuyên biệt chuyên làm nhiệm vụ khảo sát, đánh giá, so sánh…giữa biến động giá của thị trường với bảng giá đất do Nhà nước quy định để đề xuất điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với thực tế.
Nông lâm trường là đơn vị kinh tế nhà nước (quốc doanh) được hình thành và phát triển từ lâu qua nhiều thời kỳ. Hiện nay, việc đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng ở nhiều lâm, nông trường chưa thực hiện được. Hiện tượng lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích hoặc các nông lâm trường giao cho công nhân của mình quản lý, sử dụng, cho thuê, cho mượn…khá phổ biến. Do vậy, dự thảo Luật cần quy định chế tài để xử lý việc xâm lấn, tranh chấp, sử dụng không đúng mục đích đối với các nông, lâm trường. Mặt khác, trên cơ sở ngành nghề kinh doanh của các nông lâm trường nhà nước cần giao lại đất đai cho phù hợp. Thu hồi diện tích đất mà các nông lâm trường quản lý không hiệu quả, không phù hợp để giao lại cho địa phương quản lý phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như giải quyết về chính sách đất đai của Nhà nước, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo quy định tại Điều 224 dự thảo Luật, hòa giải tranh chấp đất đai là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp được Nhà nước khuyến khích. Tuy nhiên, dự thảo Luật chỉ quy định việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, có cơ chế giải quyết giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại. Cơ chế giải quyết bằng hòa giải thương mại sẽ được sử dụng nếu pháp luật có quy định. Do đó, đề nghị bổ sung hòa giải thương mại có thể được sử dụng trong hòa giải tranh chấp đất đai để tăng lựa chọn, hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp đất đai bằng hòa giải.
ĐỖ VĂN NHÂN
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần hoàn thiện quy định về hòa giải tranh chấp đất đai