/ Trao đổi - Ý kiến
/ Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đề xuất tất cả người dân bị thu hồi đất phải được bố trí tái định cư mà không phân biệt loại đất

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đề xuất tất cả người dân bị thu hồi đất phải được bố trí tái định cư mà không phân biệt loại đất

08/03/2023 08:40 |

(LSVN) - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa qua đã ghi nhận nhiều điểm mới so với Luật Đất đai năm 2013. Theo đó đã có nhiều đột phá trong các quy định mới như khi thu hồi đất phải đảm bảo chỗ ở mới phải tốt hơn hoặc bằng chỗ ở cũ; giá đất đảm bảo giá thị trường;… Có thể thấy, dự thảo lần này đã đảm bảo khoa học, tiến bộ, đáp ứng được yêu cầu của xã hội, đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, để hoàn thiện, Nhà nước cần tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân về dự thảo luật. Trên tinh thần đó, tác giả nhận thấy dự thảo Luật Đất đai lần này vẫn còn tồn đọng một số vấn đề và có ý kiến đóng góp.

Ảnh minh họa.

1. Về nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Dự thảo Luật Đất đai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã bổ sung nhiều điểm mới, quy định chi tiết hơn so với Luật cũ.

1.1. Nguyên tắc lập quy hoạch (Khoản 1 Điều 60)

Dự thảo quy định  nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất) đảm bảo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải phù hợp, thống nhất. Tuy nhiên, thế nào là quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất lại không được quy định. Các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất gồm ngành nào, lĩnh vực nào, căn cứ cơ sở xác định các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất. Cần có quy định cụ thể về vấn đề này để tránh sự chồng chéo trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

1.2. Việc lấy ý kiến quy hoạch kế hoạch sử dụng đất (Điều 68)

Dự thảo quy định việc lấy ý kiến đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện ngoài lấy ý kiến các cơ quan ban ngành còn lấy ý kiến của “cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” (quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 68).

Việc quy định việc lấy ý kiến cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là khá chung chung không thấy rõ được yếu tố “Nhân dân”, cần đặt Nhân dân vào vị trí trung tâm để lấy ý kiến khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bởi việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đất tác động chính tới Nhân dân, làm thay đổi hiện trạng sinh sống của người dân nên người đầu tiên phải xin ý kiến là Nhân dân. Tuy nhiên, trong dự thảo quy định việc lấy ý kiến lại không đưa Nhân dân vào vị trí trung tâm. Do đó, cụm từ “cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” nêu trong điểm a khoản 1, điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 68 dự thảo cần thay thành “Nhân dân vùng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” để đảm bảo việc lấy ý kiến người dân tại các vùng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

1.3. Về rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 71)

Khoản 2 Điều 71 dự thảo quy định một trong các căn cứ điều chỉnh quy hoạch gồm: Do biến động bất thường của tình hình kinh tế - xã hội làm hạn chế nguồn lực thực hiện quy hoạch sử dụng đất (điểm đ); do sự phát triển của khoa học, công nghệ làm thay đổi cơ bản việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất (điểm e). Tác giả cho rằng căn cứ này là mơ hồ, bởi biến động bất thường của tình hình kinh tế xã hội rất khó lý giải, còn khoa học công nghệ phát triển hàng ngày, hàng giờ. Nếu không có lý do nào khác thì rất có thể lý do này sẽ được ra để điều chỉnh quy hoạch (vì lý do này mơ hồ không xác định chính xác được), điều này dẫn đến hệ quả là nếu 5 năm điều chỉnh một lần vì những lý do này thì quy hoạch sử dụng đất sẽ bị phá nát trong khi đó tầm nhìn quy hoạch 30 -50 năm. Do đó, để khắc phục vấn đề này, tác giả đề xuất xoá bỏ 02 căn cứ nêu tại điểm đ, điểm e khoản 2 Điều 71 dự thảo.

1.4. Về công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 73)

Hiện tại dự thảo quy định việc công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên công thông tin điện tự và trụ sở chính quyền địa phương. Tuy nhiên, quy định này chưa đảm bảo người dân có thể tiếp cận được, bởi thực tế Luật cũ đã có quy định tương tự nhưng phần lớn người dân đều không biết đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Không có cơ chế kiểm soát việc công khai của các cấp chính quyền, một bộ phận người dân chưa tiếp cận được với công nghệ thông tin, đặc biệt các vùng nông thôn. Do đó, cần quy định quyền tiếp cận các thông tin này cho người dân trong nội dung Điều 73, theo đó bổ sung thêm Điều 73 nội dung: “các cấp chính quyền có trách nhiệm công khai, cung cấp các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khi người dân có yêu cầu”. Đồng thời, cần có nghị định quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin cho người dân bằng các phương thức gửi thư điện tử hoặc bản giấy trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

1.5. Các chế định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa giải quyết được những quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gây ảnh hưởng đến người dân

Dự thảo Luật Đất đai, các chế định về quy hoạch chưa giải quyết được vấn đề bức xúc trong Nhân dân. Đặc biệt là những quy hoạch treo, dự án kéo dài hàng chục năm, người dân vùng quy hoạch bị tác động trực tiếp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ không được giải quyết. Đời sống người dân rất vất vả họ không thể thực hiện bất kỳ hoạt động gì đối với nhà đất của mình vì những quy hoạch treo, nhà cửa hư hại xuống cấp thậm chí nguy cơ đến tính mạng nhưng không được sửa chữa, không thể thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng,…

Do đó, cần bổ sung thêm điều khoản trong phần quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để giải quyết quyền lợi cho người dân tại vùng quy hoạch. Cụ thể, tác giả kiến nghị bổ sung những quy định như sau: Đối với những quy hoạch ảnh hưởng đến đời sống người dân mà phải thay đổi chỗ ở thì kể từ thời điểm phê duyệt quy hoạch thì phải hoàn thành việc bồi thường, tái định cư đảm bảo ổn định đời sống Nhân dân trong thời hạn 05 năm. Hết thời hạn không thực hiện được quy hoạch thì điều chỉnh lại quy hoạch theo hướng đảm bảo ổn định nơi ở người dân.

2. Về nội dung thu hồi đất

2.1. Thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng (Điều 78)

Khoản 2 điều 78 dự thảo quy định các dự án công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng, trong đó có liệt kê Dự án đô thị sử dụng các loại đất không là đất ở; Dự án khu dân cư nông thôn sử dụng các loại đất không phải là đất ở. Thực tế cho thấy các dự án này đem lại lợi ích cho nhà đầu tư nhiều hơn so với lợi ích quốc gia công cộng. Những dự án này được xây dựng và tung ra thị trường các căn hộ, khu nhà liền kề hoặc biệt thự,… với mức giá mà người thu nhập thấp hoặc trung bình khó có thể mua được. Những người có nhu cầu thực sự lại không thể mua nhà, không đáp ứng được nhu cầu chỗ ở thực sự đông đảo người dân. Theo đó, nhiều người có điều kiện lại dư thừa về chỗ ở, mua nhà để trống dẫn đến có những khu đô thị vắng vẻ không thể phát triển được các tiện ích, dịch vụ xung quanh do không có dân ở. Như vậy, lợi ích công cộng không đạt được.

Do đó, cần điều chỉnh lại tên điều luật bỏ cụm từ “vì lợi ích quốc gia công cộng”. Theo đó tên điều luật điều chỉnh thành “Thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội”.

Đối với dự án chỉnh trang đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn đã được dự thảo quy định rất rõ gồm: Dự án để cải tảo, xây dựng lại chung cư cũ, khu dân cư bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân; hoặc để di dời các công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc trường hợp phải di dời do ô nhiễm môi trường theo quy định hoặc để bố trí tái định cư; khu dân cư bị xuống cấp nghiêm trọng về hạ tầng và không phù hợp với quy hoạch.

Trong các dự án này, cần lưu ý đối với Dự án cải tạo, xây dựng lại khu dân cư bị xuống cấp nghiêm trọng về hạ tầng và không phù hợp với quy hoạch. Với nội dung này dự án phải đảm bảo 2 yếu tố “xuống cấp nghiêm trọng về hạ tầng” và “không phù hợp với quy hoạch”. Như vậy, nếu chỉ có một yếu tố “xuống cấp nghiêm trọng về hạ tầng” mà phù hợp với quy hoạch thì không thu hồi để thực hiện việc cải tạo xây dựng lại sẽ có những nguy cơ không đảm bảo an toàn. Do đó, không cần đưa yêu tố “không phù hợp với quy hoạch” trong trường hợp này. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể rõ ràng về mức độ xuống cấp nghiêm trọng.

2.2. Thẩm quyền thu hồi đất (Điều 82)

Dự thảo quy định UBND cấp huyện ban hành quyết định thu hồi đất đối với cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư,…giống như Luật Đất đai 2013. Điều này dẫn đến những bất cập trong thực tiễn. Nếu vẫn để UBND huyện thu hồi đất thì tới đây tiếp tục sẽ có nhiều bức xúc trong Nhân dân. Vì việc thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân đều giao cho cấp huyện, mà hộ gia đình cá nhân. Họ là những người dễ bộc lộ tâm tư, bức xúc hơn so với tổ chức.

Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ kiện liên quan đến đất đai là thu hồi đất. Theo đó, nếu UBND huyện thu hồi thì các khiếu kiện của người dân được thực hiện tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong địa bàn tỉnh, kết quả giải quyết thường chính quyền, cơ quan trong cùng địa phường bảo vệ nhau, không đảm bảo quyền lợi cho Nhân dân. Hơn nữa, UBND cấp huyện không phải ở địa phương nào cũng có kinh nghiệm trong hoạt động thu hồi đất, một số yếu tố chủ quan khách quan như năng lực cán bộ, nguồn lực không đảm bảo. Do đó, cần giao thẩm quyền thu hồi đất cho UBND cấp tỉnh để đảm bảo tính thống nhất cũng như quyền lợi cho Nhân dân khi phát sinh khiếu kiện.

2.3. Thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Điều 85)

Điểm b khoản 3 Điều 85 dự thảo quy định: “Cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Ủy ban Nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất”. Cần quy định rõ cơ quan có thẩm quyền thẩm định là cơ quan nào, cơ quan này phải đảm bảo có đủ chức năng, chuyên môn để đảm bảo việc thẩm định phương án bối thường, hỗ trợ, tái định cư đúng luật, khách quan, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

3. Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

3.1. Nguyên tắc bồi thường (Điều 89)

Điều 89 dự thảo quy định nguyên tắc bồi thường đã có nhiều điểm có lợi cho người dân theo đó phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, cần phải xây dựng cơ chế xác định “điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” để đảm bảo quyền lợi cho người dân, tránh tình trạng tranh cãi giữa người dân và chính quyền, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường về vấn đề này.

Do đó, tác giả đề xuất việc xác định “điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” bằng việc Mặt trận tổ quốc chủ trì tiến hành kiểm tra nơi ở mới của người dân. Việc kiểm tra phải đánh giá đầy đủ các tiêu chí về  vị trí, diện tích, môi trường sống, cơ sở hạ tầng, tiện ích xung quanh đảm bảo việc ăn ở, sinh hoạt, học tập và làm việc của người dân,… để đưa ra kết luận nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Sau khi kiểm tra, nếu thấy một số tiều chí chưa đạt mà người dân có thể chấp nhận được thì bồi thường bổ sung bằng tiền, trường hợp thiếu sót nhiều tiêu chí không đảm bảo được “điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thì xem xét bố trí tái định cư nơi khác đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Khoản 3 Điều 89 quy định: “Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban Nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.”. Việc bồi thường cần thiết phải được bồi thường bằng đất không thể bồi thường bằng tiền vì lý do không có quỹ đất. Điều này mâu thuẫn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch nhà nước cần phải đảm bảo quỹ đất để bố trí cho người dân vùng quy hoạch bị thu hồi, không thể xây dưng quy hoạch chỉ phục vụ cho một đối tượng nào đó mà bỏ qua quyền lợi của Nhân dân bị tác động bởi quy hoạch.

Do đó, tác giả kiến nghị sửa khoản 3 Điều 89 như sau: “Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì phải giải trình với Mặt trận tổ quốc địa phương và người dân vùng dự án”.

3.2. Bồi thường đối với cây trồng

Điểm d khoản 1 Điều 100 dự thảo quy định: “Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại”. Thiệt hại thực tế được xác định đến thời điểm nào cần quy định rõ để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Nếu thiết hại tính đến thời điểm di chuyển và trồng lại là chưa tính toán đầy đủ đến những thiệt hại có khả năng người dân phải gánh chịu. Vì ở thời điểm này các chi phí bỏ ra chỉ dừng lại ở chi phí di chuyển và chi phí trồng lại. Tuy nhiên, đối với cây trồng việc chuyển dịch, trồng lại cần một thời gian nhất định để đảm bảo thích ứng với nơi trồng mới duy trì sự sống. Trường hợp sau trồng lại cây trồng chết thì thiệt hại này mới là thiết hại lớn cần tính toán đến đảm bảo cho người nông dân.

3.3. Về tái định cư (Điều 107)

Khoản 1 Điều 107 dự thảo quy định: “Hộ gia đình, cá nhân có đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất đủ điều kiện được bồi thường về đất ở thì được bố trí tái định cư”. Như vậy, việc bố trí tái định cư khi thu hồi đất chỉ được đảm bảo khi người dân đủ điều kiện được bồi thường về đất. Quy định không khác gì với luật cũ và bất lợi cho người dân làm tăng cao tình trạng “vô gia cư” của người dân.

Trong thời gian vừa qua, phần lớn đất thu hồi của người dân là đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có đất lấn chiếm vì vướng quy hoạch nên người dân không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Và họ đã sinh sống, ở đó qua vài thế hệ. Khi không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận tức là không đủ điều kiện bồi thường về đất ở. Như vậy, nếu đặt quy định phải đủ điều kiện bồi thường về đất ở thì mới bố trí tái định cư đã đẩy người dân vào tình trạng vô gia cư. Trước thu hồi đất người dân đang có chỗ ở ổn định, sau thu hồi do không đảm bảo điều kiện trên nên họ không được tái định cư, người dân trở nên mất nhà không nơi ở. Điều này khiến việc thu hồi đất vô tình khiến người dân trở nên bần cùng hoá.

Vì vậy, tác giả đề xuất 100% người dân bị thu hồi đất phải được bố trí tái định cư mà không phân biệt loại đất và phải đảm bảo điều kiện về diện tích bố trí tái định cư cho người dân. Theo đó, điều luật cần được sửa đổi như sau: “Hộ gia đình, cá nhân có đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam đang sinh sống tại vùng dự án có thu hồi đất, khi Nhà nước thu hồi đất được bố trí tái định cư. Về diện tích tái định cư phải đảm bảo chuẩn về nhà ở theo quy định qua các thời kỳ tương ứng”.

Việc quy định về diện tích đảm bảo chuẩn về nhà ở theo quy định tương ứng để đảm bảo quyền lợi về chỗ ở cho người dân. Ví dụ theo Quyết định 2161/QĐ-TTG phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó diện tích nhà bình quân đầu người phấn đầu 27 m2 sàn/người trong đó diện tích bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26 m2 sàn/người. Và việc tái định cư cần phải đảm bảo diện tích tối theo quy định từng thời kỳ tương ứng.

4. Về giá đất

4.1. Nguyên tắc định giá đất

Dự thảo đã quy định nguyên tắc tính giá đất phải phù hợp với giá phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường (điểm c khoản 1 Điều 153). Tuy nhiên, thuật ngữ “phù hợp” không mang tính định lượng. Do đó, cần sửa lại điểm c khoản 1 điều 153: “Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường” thành “Theo giá thị trường tại thời điểm định giá”;

Điểm đ khoản 1 Điều 153 quy định: “Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định”. Quy định này thì ngoài cơ quan định giá vẫn còn cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định về giá. Điều này là không cần thiết vì chỉ cần việc định giá đảm bảo đúng nguyên tắc đã đưa ra là đáp ứng được yêu cầu, không cần phải thêm 2 lần thẩm định và quyết định giá gây mất thời gian, rườm rà trong công tác ban hành giá.

Tại khoản 2 Điều 153 quy định giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường được xác định bằng bình quân của các mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường xuất hiện với tần suất nhiều nhất thông qua thống kê tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định, không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác. Tuy nhiên, quy định này không cần thiết, chỉ cần ghi nhận “Theo giá thị trường”, còn giá thị trường như thế nào thì đã được định nghĩa trong Luật Giá.

4.2. Giá đất

Điều 155 dự thảo quy định giá đất được áp dụng trong một số trường hợp cụ thể trong đó có trường hợp tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Cơ quan có thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể là UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Cơ quan này vừa thu hồi đất vừa quyết định giá đất sẽ không đảm bảo tính khách quan. Trong những năm qua tình trạng áp dụng giá đất theo quyết định của UBND cấp huyện, cấp tỉnh có nhiều bất cập. Hầu hết người dân đều không đồng tình gây khiếu kiện kéo dài.

Giá đất cần đảm bảo tính độc lập về chuyên môn, kết quả định giá đất của cơ quan định giá. Do đó, việc định giá chỉ cần đơn vị định giá độc lập (theo quy định của pháp luật) mà không cần phải thông qua việc thẩm định hay quyết định về giá tại các cấp uỷ ban. Chứng thư thẩm định giá của cơ quan định giá độc lập chính là bảng giá để áp dụng vì họ là đơn vị có chuyên môn, bằng cấp chứng chỉ, được pháp luật cho phép thực hiện hoạt động định giá, việc định giá đảm bảo tính khách quan, đúng giá thị trường.

Do vậy, cần bỏ các quy định về hội đồng địnhgiá ở địa phương, cũng như các quy định về quyết định giá của UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh. Do đó, bỏ quy định tại Điều 155, 156 dự thảo thay thế vào đó là điều khoản giao việc định giá cho đơn vị định giá độc lập.

5. Về Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Dự thảo quy định các trường hợp không được cấp giấy chứng nhận tại Điều 144, đồng thời với đó có các quy định việc việc căn cứ, công nhận quyền sử dụng đất từ Điều 135, 136, 137, 138. Như vậy, vừa quy định trường hợp không cấp giấy chứng nhận vừa quy định trường hợp cấp giấy chứng nhận không đảm bảo cho quyền lợi cho người dân. Thực tế, những năm qua người dân rất vất vả trong quá trình đi xin cấp giấy chưng nhận từ cấp có thẩm quyền. Trong khi đó đất đai thuộc sở hữu của toàn dân, nhà nước chỉ thực hiện chức năng quản lý, nên việc cấp giấy chứng nhận cho người dân là nghĩa vụ của nhà nước. Do đó, chỉ cần quy định các trường hợp không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn lại tất cả các trường hợp thuộc trường hợp “không được cấp” thì sẽ được cấp giấy chứng nhận để đảm bảo quyền lợi cho người dân về đất đai.

Vì vậy, tác giả kiến nghị bổ sung thêm các trường hợp không được cấp tại Điều 144 có trường hợp “Đất có tranh chấp”, còn lại các điều khoản từ Điều 135 đến Điều 138 về điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều xoá bỏ.

6. Hệ thống thông tin đất đai

Khoản 6 Điều 161 quy định về khai thác thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Theo đó, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Người sử dụng đất được khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; tổ chức cá nhân khác thì cần phải có sự đồng ý của cơ quan quản lý dữ liệu quốc gia về đất đai chấp thuận. Quy định này giới hạn quyền tiếp cận thông tin đất đai của một số tổ chức, cá nhân.

Quy định này cần mở rộng cho các tổ chức hành nghề luật sư được khai thác thông tin này phục vụ cho quá trình giải quyết vụ việc. Trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan đến đất đai, việc luật sư khai thác các thông tin này hiện đang phụ thuộc nhiều vào ý chí của các cơ quan nhà nước, nhiều đơn vị cung cấp cũng có nhiều đơn vị không cung cấp. Nên cần có cơ chế cho các tổ chức hành nghề Luật sư được khai thác thông tin này phục vụ cho công tác bảo vệ người dân liên quan đến nhưng tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Như vậy, mặc dù dự thảo Luật Đất đai đã có nhiều thay đổi, có những quy định cụ thể và hướng tới việc sử dụng đất hiệu quả đảm bảo quyền lợi cho Nhân dân song vẫn nhiều nội dung chưa hoàn thiện. Những nội dung nêu trên là những ý kiến đóng góp của tác giả để góp phần hoàn thiện đối với dự thảo Luật Đất đai.

Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ

Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nhiều chính sách mới đột phá, tác động đến phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới

Bùi Thị Thanh Loan