/ Tin tức
/ Góp ý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT: Cần khung pháp lý để các cơ sở y tế sử dụng chung kết quả xét nghiệm

Góp ý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT: Cần khung pháp lý để các cơ sở y tế sử dụng chung kết quả xét nghiệm

29/10/2024 09:57 |

(LSVN) - Liên quan đến một số các vướng mắc bất cập cần sửa đổi bổ sung đối với Luật BHYT, Luật Khám chữa bệnh, Luật gia Phạm Văn Học đề xuất Bộ Y tế cần sớm ban hành khung pháp lý về chuẩn chất lượng dịch vụ để các cơ sở khám chữa bệnh sử dụng chung kết quả xét nghiệm, tránh việc phải thục hiện lặp lại các kỹ thuật cận lâm sàng, gây tốn kém và phiền hà cho người bệnh.

Ông Phạm Văn Học và Bệnh viện đa khoa Hùng Vương Gia Lai.

Ông Phạm Văn Học và Bệnh viện đa khoa Hùng Vương Gia Lai. 

Phóng viên:Ông cho biết một số vướng mắc về thanh quyết toán chi phí KCB – BHYT cần được sửa đổi bổ sung trong luật?

Ông Phạm Văn Học: Về thanh quyết toán kinh phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT được quy định tại Điều 32 Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và rất cần được sửa đổi bổ sung bởi tồn tại nhiều vướng mắc bất cập. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Luật BHYT, vào đầu mỗi quý cơ quan BHXH sẽ tạm ứng cho cơ sở khám bệnh chữa bệnh 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo số liệu đề nghị thanh toán quý trước liền kề. Việc tạm ứng trên thực tế đã được thực hiện, về cơ bản không có vướng mắc lớn, tuy nhiên 20% còn lại chưa quy định cụ thể thời gian quyết toán, thanh toán. Hiện nay công tác chi trả thanh toán khoản chi 20% (còn lại) thường bị kéo dài sau nhiều quý thậm chí nhiều năm khiến các cơ sở khám bệnh chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể tiềm ẩn nguy cơ xuất toán.

Hiện nay các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cả nhà nước và tư nhân đều tự chủ, tự hạch toán tài chính toàn bộ hoặc một phần. Kinh phí thu được từ thanh toán tiền BHYT được sử dụng vào các mục đích chi thường xuyên nhằm duy trì hoạt động, trong đó có các khoản chi cố định, thường xuyên như: Tiền đóng BHXH, BHYT bắt buộc cho người lao động, tiền thuế và tiền lãi Ngân hàng... Các khoản chi này nếu không được thanh toán đúng thời hạn sẽ bị xử phạt rất nặng thậm chí bị truy tố và gây ra những hệ lụy khó lường. Tuy nhiên trên thực tế do nhiều vướng mắc khác nhau hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đều chậm nhận được hết các khoản kinh phí đã phải chi cho công tác khám bệnh chữa bệnh mặc dù người dân đã được thụ hưởng, cơ quan bảo hiểm đã giám định, quyết toán. Cá biệt có những khoản chi phí tồn đọng rất nhiều năm mà cơ sở khám bệnh chữa bệnh vẫn không được giải quyết .

Từ thực tế nêu trên, xét thấy, nếu chỉ quy định các nguyên tắc thanh quyết toán trong một điều luật sẽ không thể bao hàm hết các nội dung, khi thực tế phát sinh những vướng mắc sẽ rất khó và rất chậm điều chỉnh, sửa đổi. Với nội dung thanh quyết toán chi phí BHYT, ngoài các nguyên tắc cơ bản được quy định tại điều 32, Luật sửa đổi bổ sung cần quy định thêm: Chính phủ quy định chi tiết nội dung này và như vậy khi xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện luật, Chính phủ sẽ có những quy định cụ thể, chi tiết, làm rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của ba chủ thể tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh BHYT bao gồm: Cơ quan BHXH - cơ sở khám bệnh chữa bệnh - cơ quan quản lý trực tiếp đối với công tác khám bệnh chữa bệnh (Sở Y tế địa phương, Bộ Y tế) và cũng cần quy định rõ trách nhiệm của các bên, khi cơ quan BHXH chậm thanh toán các khoản kinh phí cho cơ sở khám bệnh chữa bệnh thì cơ quan BHXH phải chi trả lãi xuất cho các cơ sở KBCB .

Hệ thống phần mềm lưu trữ, xử lý và truyền tải hình ảnh y tế PACS tại hệ thống y tế Hùng Vương.

Hệ thống phần mềm lưu trữ, xử lý và truyền tải hình ảnh y tế PACS tại hệ thống y tế Hùng Vương.

Phóng viên:Hiện nay dự thảo của Bộ Y tế đang bổ sung quy định, đối với một số bệnh hiểm nghèo, người bệnh được đi thẳng lên tuyến cao hơn mà không cần giấy chuyển tuyến, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phạm Văn Học: Trước hết, khi đã áp dụng thông tuyến tỉnh toàn quốc thì không cần quy định về đăng ký khám chữa bệnh ban đầu vì người có thẻ BHYT có thể thực hiện khám chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào có đủ điều kiện trong cả nước.

Còn quy định đối với một số bệnh hiểm nghèo, người bệnh được đi thẳng lên tuyến cao hơn mà không cần giấy chuyển tuyến, là không khả thi. Bởi vì người bệnh chưa thể biết được cơ thể có mang trọng bệnh hay không? Bệnh viện tuyến trên khi chưa thăm khám, điều trị thì cũng không thể biết bệnh nhân có mắc bệnh hiểm nghèo hay không để áp dụng chế độ, quyền lợi BHYT.

Ngoài ra cần mở rộng, linh hoạt trong việc chuyển người bệnh theo nhiều hướng khác nhau, từ tuyến dưới lên trên và ngược lại, chuyển ngang cấp và cần quy định trình tự, thủ tục và các điều kiện bắt buộc đi kèm, như kèm theo giấy chuyển viện là hồ sơ bệnh án (tóm tắt), các kết quả cận lâm sàng để tuyến nhận người bệnh, thuận lợi trong việc tiếp nhận, điều trị và tránh làm những xét nghiệm mà bệnh viện đang điều trị người bệnh đã làm trước đó. Để tạo hành lang pháp lý, đã đến lúc Bộ Y tế cần ban hành quy định chuẩn chất lượng dịch vụ và buộc các cơ sở khám bệnh chữa bệnh sử dụng chung kết quả xét nghiệm, tránh việc người bệnh phải làm nhiều kỹ thuật cận lâm sàng lặp lại, vừa gây mất thời gian và lãng phí tiền bạc của người dân.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

TẢ THANH THIÊN

Các tin khác