Nội dung các cuộc đàm thoại giữa anh Th. và bà Uyên.
Năm 2015, anh Th. làm đơn tố cáo bà Uyên về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại Công an huyện Đan Phượng, bà Uyên thừa nhận có vay anh Th. 260 triệu đồng, nhưng phủ nhận tất cả nội dung các tin nhắn và nội dung cuộc đàm thoại do anh Th. ghi âm lúc trao đổi, đề nghị bà Uyên trả lại 260 triệu đồng. Công an huyện Đan Phượng nhiều lần yêu cầu anh Th. và bà Uyên có mặt tại cơ quan để ghi âm giọng nói phục vụ công tác điều tra, làm rõ nhưng bà Uyên đều vắng mặt.
Ngày 19/11/2016, anh Th. bất ngờ nhận được quyết định của Cơ quan CSĐT Công an huyện Đan Phượng không khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Có giao dịch nhận tiền?
Theo đơn gửi cơ quan báo chí và hồ sơ vụ việc, năm 2013 đến năm 2014, anh Th. trú tại phường Trung Đô (TP. Vinh, Nghệ An) là nhân viên thuộc Công ty cổ phần LBT Việt Nam, trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội do bà Đào Thị Uyên (SN 1969) làm Phó Giám đốc (hộ khẩu thường trú: phường Phố Mới, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai), trú tại số 7, Khu đô thị Tân Tây Đô, Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội.
Do đó khi nghe bà Uyên nói có nhiều mối quan hệ hợp đồng làm ăn và xin việc làm, anh Th. đặt vấn đề nhờ bà Uyên xin cho cháu L.A.T. (SN 1992) mới học xong đại học vào làm việc tại Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bà Uyên nhận lời, và nói với anh Th. chuyển tiền để bà lo công việc. Ngày 07/01 và 22/01/2014, anh Th. đã chuyển 70.000.000 đồng vào tài khoản bà Uyên số 1460 205 097 110 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phòng giao dịch Nam bộ, chi nhánh Nam Hà Nội. Cụ thể lần 1: 50.000.000 đồng; lần 2: 20.000.000 đồng. Ngày 24/11/2014, anh Th. chuyển tiếp số tiền 190.000.000 đồng vào tài khoản trên cho bà Uyên. Nội dung ghi: Chuyển tiền lo công việc, mục đích xin việc làm cho cháu L.A.T. Tổng số tiền mà anh Th. đã chuyển cho bà Uyên là 260 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền cho bà Uyên để xin việc không có kết quả anh Th. nhiều lần gặp, điện thoại, nhắn tin đề nghị bà Uyên trả lại toàn bộ số tiền trên, nhưng bà Uyên đưa ra nhiều lý do và không chịu trả cho anh Th. Biết bà Uyên có ý định chiếm đoạt số tiền 260.000.000 đồng, ngày 16/9/2015, anh Th. viết đơn tố cáo bà Uyên gửi Cơ quan CSĐT Công an huyện Đan Phượng, Hà Nội, kèm theo 3 phiếu chuyển tiền, một USB ghi âm nội dung cuộc trao đổi trực tiếp giữa anh Th. và bà Uyên tại nhà riêng ở Hà Nội lúc 09h06 phút ngày 14/7/2015, có thời lượng dài 17 phút (kèm theo 4 trang giấy A4 tường trình lại nội dung ghi âm liên quan đến khoản tiền 260.000.000 đồng) và 17 trang tin nhắn trao đổi giữa số điện thoại của anh Th. với số điện thoại của bà Uyên cũng liên quan đến nội dung như trên.
Ngày 25/3/2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đan Phượng, phối hợp với Viện KSND huyện cùng người có liên quan, trong đó có cháu L.A.T. cùng có mặt để làm việc. Tại đây, anh Th. khẳng định 02 nội dung thông tin tài liệu trên trên anh Th. sao chép chính xác, nếu sai anh Th. hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tuy nhiên, sau khi nghe nội dung cuộc đàm thoại dài 17 phút, đọc các trang tin nhắn, bản tường trình ghi âm, bà Uyên phủ nhận tất cả nội dung trên. “Tôi khẳng định các tài liệu trên không liên quan gì với tôi. Từ trước đến nay tôi không trao đổi gì với anh Th. về việc xin bất cứ dự án nào và và không xin việc cho bất kỳ ai cho anh Th. Tôi có vay, giao dịch dân sự với anh Th. số tiền 260.000.000 đồng để sử dụng vào việc chi tiêu cá nhân, tôi có ý kiến trả trước 50.000.000 đồng cho anh Th. vào ngày 15/4/2016 bằng tiền mặt, nhưng giao nộp cho Cơ quan điều tra. Sau đấy tôi sẽ trả thành nhiều lần tiếp theo tuy nhiên chưa ấn định được thời gian cụ thể từng lần, nhưng sẽ trả hết 260.000.000 đồng trước ngày 15/8/2016”. Anh Th. yêu cầu bà Uyên trả trước 100.000.000 đồng vào ngày 15/4/2016, số tiền còn lại anh đồng ý trả nhiều lần, nhưng phải thanh toán xong toàn bộ trước ngày 15/8/2016.
Giấy nộp tiền vào tài khoản bà Uyên của anh Th. cho bà Uyên để xin việc.
Cơ quan điều tra có bỏ lọt tội phạm?
Trong các ngày 10/8, ngày 20/9 và 18/10/2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đan phượng nhiều lần yêu cầu anh Th. và bà Uyên có mặt tại Cơ quan điều tra để thu âm giọng nói giữa hai người, phục vụ công tác điều tra, nhưng cả 3 lần bà Uyên vắng mặt, không rõ lý do.
“Điều tra viên Tạ Đức Thành yêu cầu thu âm giọng nói của riêng tôi, bà Uyên vắng mặt sẽ thu âm sau. Xét thấy việc thu âm một mình tôi là không phù hợp với file ghi âm gốc đã cung cấp cho Cơ quan điều tra, tôi không đồng ý. Ông Thành tỏ thái độ áp đặt, dọa nạt to tiếng với tôi. Tôi thấy thái độ làm việc của Điều tra viên Tạ Đức Thành đe dọa người bị hại, khuất tất trong việc điều tra vụ việc”, trích dẫn nội dung nhật ký xử lý đơn tố giác tội phạm của anh Th. gửi cơ quan chức năng.
Trong đơn gửi cơ quan báo chí, anh Nguyễn Duy Th. nêu hàng loạt câu câu hỏi: Không hiểu lý do gì mà cơ quan CSĐT Công an huyện Đan Phượng sau một thời gian điều tra xác minh tin báo tố giác tội phạm chưa làm rõ hành vi phạm tội của bà Đào Thị Uyên và những tình tiết quan trọng khác nhưng ngày 19/11/2016, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Đan Phượng - Thượng tá Nguyễn Như Thụ ký Quyết định số 02/CSĐT Quyết định không khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra năm 2014 tại Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội. Trong khi đó có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh bà Đào Thị Uyên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999 (nay là Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017). Trước đó, ngày 09/8/2016, trong “Biên bản trao đổi” giữa anh Th. cùng Điều tra viên Tạ Đức Thành và cán bộ ghi biên bản Nguyễn Ngọc Thông thể hiện nội dung được xem là mấu chốt, trong việc xác minh tố giác tội phạm, làm cơ sở khẳng định bà Uyên có tội hay không.
"Vậy, vì sao Cơ quan điều tra Công an huyện Đan Phượng không tiến hành thu âm giọng nói của tôi và bà Uyên nhưng đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; vì sao không có biện pháp điều tra khi bà Uyên phủ nhận chối bỏ các nội dung của tôi; không trưng cầu giám định giọng nói; chủ thuê bao tin nhắn đi và đến giữa số máy điện thoại của tôi và bà Uyên - có đăng ký thuê bao, hiện nay vẫn đang sử dụng?. Phải chăng do trình độ năng lực của điều tra viên, hay cố ý làm sai lệch vụ việc để bao che cho người phạm tội?.
Ngay cả khi cháu L.A.T. cùng chị gái ra Hà Nội, giao tận tay hồ sơ xin việc cho bà Uyên tại nhà riêng, minh chứng rõ ràng, nhưng việc đối chất chỉ có bà Uyên và cháu L.A.T. Lần đó bà Uyên cũng phủ nhận, khẳng định rằng không gặp cháu L.A.T., cũng không nhận hồ sơ xin việc của ai. Từ đó, cơ quan điều tra cũng không đả động đến. Ngày 01/04/2016 bà Uyên mới trả cho tôi số tiền 10 triệu đồng, đây là tiền khắc phục hậu quả chứ không thể biến hành vi hình sự thành hành vi dân sự để trốn tránh trách nhiệm pháp luật hình sự. Đến nay đã 7 năm, bà Uyên vẫn chiếm đoạt của tôi số tiền 250.000.000 đồng", anh Th. cho biết.
Luật sư Hoàng Trọng Đống, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An cho rằng, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Trong trường hợp này, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đan Phượng chưa thực hiện và thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp kiểm tra, xác minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định dẫn đến việc kiểm tra, xác minh tin báo về tội phạm của anh Th. chưa khách quan, toàn diện và đầy đủ, chưa xác định được bản chất, sự thật của vụ việc mà đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là thiếu căn cứ.
Không đồng ý với quyết định của Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT cũng như quyết định về việc giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Đan Phượng, ngày 03/10/2017, anh Th. viết đơn kiến nghị khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản gửi Viện KSND Tối cao, Bộ Công an, Ủy Ban Tư pháp của Quốc hội chỉ đạo Công an huyện Đan phượng tiến hành khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật để điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm người phạm. Tuy nhiên. đến nay vụ việc vẫn “án binh bất động”.
PV