Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP. Hà Nội, đơn vị này đã hoàn thành dự thảo lần 3 đối với đề án quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn Hà Nội.
Cụ thể, Sở Xây dựng đã phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học, đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng vỉa hè tại 123 tuyến đường, phố do UBND 16 quận, huyện đề xuất. Trong đó, 11 quận gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên và 5 huyện gồm: Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng. Quận Hoàn Kiếm được nghiên cứu 40 tuyến phố, là địa phương có số lượng đạt tiêu chuẩn cho thuê vỉa hè lớn nhất...
Từ kinh nghiệm của một số nước đã nghiên cứu và của một số đô thị trong nước, Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra các tiêu chí để cho thuê vỉa hè như sau:
- Hè phố cho phép kinh doanh phải có vỉa hè rộng tối thiểu 3m (trừ trường hợp đặc biệt trong khu vực phố cổ ở quận Hoàn Kiếm); bề rộng hè phố đảm bảo từ 3m trở lên để đáp ứng cho người đi bộ 1,5m, bố trí hạ tầng kỹ thuật, một phần để kinh doanh và trông giữ phương tiện.
- Đối với khu phố cổ cho phép hè phố có chiều rộng nhỏ hơn 3m, được kinh doanh trong thời gian tổ chức không gian đi bộ hoặc thời gian khác do UBND quận cấp phép.
- Các tiêu chí tiếp theo là đảm bảo chỗ đỗ xe cho khách tại chỗ hoặc trong phạm vi cho phép; hoạt động kinh doanh phải đảm bảo yếu tố an toàn, văn minh; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường; hè phố tổ chức kinh doanh phải được UBND cấp quận, huyện cấp phép về thời gian và mặt hàng kinh doanh.
- Đặc biệt, đối với hộ kinh doanh di động phải được trang bị quầy bán hàng theo quy cách được UBND cấp huyện ban hành. UBND cấp quận, huyện cần lấy ý kiến của người dân trước khi tiến hành cho kinh doanh vỉa hè, đường phố hoặc trông giữ xe tạm thời nhằm tạo sự đồng thuận.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề xuất các mô hình áp dụng với vỉa hè có bề rộng mặt cắt từ tối đa 1,5m đến hơn 7,5m để kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế đô thị, tạm trông giữ phương tiện giao thông. Trong đó, mô hình 1 áp dụng với khu vực phố cổ không cho phép kinh doanh nếu chiều rộng vỉa hè chỉ đảm bảo tối đa là 1,5m. Cụ thể, nếu chiều rộng vỉa hè chỉ đạt tối đa 1,5m thì sử dụng toàn bộ không gian dành cho người đi bộ, người khuyết tật. Nếu vỉa hè rộng từ 1,5 đến 3m khoảng chiều rộng còn lại sát công trình, nhà ở được cấp phép kinh doanh; riêng 1,5m chiều rộng phần tiếp giáp lòng đường dành cho người đi bộ, người khuyết tật.
Phạm vi áp dụng đối với mô hình 1 là khu vực phố cổ trong thời gian tổ chức không gian phố đi bộ hoặc thời gian khác được UBND quận cấp phép, đồng thời phải thỏa mãn các tiêu chí cơ bản trong đề án. Các mô hình còn lại áp dụng với vỉa hè có bề rộng lớn hơn 3m đến hơn 7,5m, trong đó ưu tiên tối thiểu 1,5m bề rộng ở giữa dành cho người đi bộ, khoảng không bên trong sát nhà ở, công trình được bố trí để kinh doanh còn phần vỉa hè tiếp giáp lòng đường được cho đỗ xe đạp, xe máy nếu đảm bảo diện tích.
Dự thảo cũng đưa ra quy định khai thác, sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường để trông giữ phương tiện. Việc cấp mới, điều chỉnh, thu hồi giấy phép cho thuê hè phố để trông giữ phương tiện hoặc kinh doanh do Sở Giao thông vận tải, UBND cấp huyện thực hiện theo phân cấp.
Trong nội dung giấy phép phải quy định rõ phạm vi, thời gian, tổ chức, cá nhân được sử dụng một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ hoặc kinh doanh. Phí sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện hoặc kinh doanh được xác định theo Nghị quyết số 6 ngày 7/7/2020 của HĐND thành phố, từ 20.000 đến 40.000 đồng/m2/tháng.