/ Luật sư - Bạn đọc
/ Hà Nội: Nhiều vấn đề cần làm rõ xung quanh vụ chuyển nhượng thửa đất số 300 Bà Triệu

Hà Nội: Nhiều vấn đề cần làm rõ xung quanh vụ chuyển nhượng thửa đất số 300 Bà Triệu

25/01/2021 02:09 |

(LSVN) - Ủy quyền, nhờ người khác đứng tên hộ để làm thủ tục pháp lý mua bất động sản nhưng khi hoàn tất, ông Thủy không những không được trả lại tài sản mà còn bị người được nhờ đứng tên bán mất... Quá uất ức, ông Thủy viết đơn tố cáo lên công an nhưng nhiều tháng trôi qua vẫn chưa được giải quyết thấu đáo!

Nhiều vấn đề cần làm rõ xung quanh vụ chuyển nhượng thửa đất số 300 Bà Triệu.

Tòa soạn Pháp luật Plus vừa nhận được đơn của ông Nguyễn Thanh Thủy (sinh năm 1972, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội) tố cáo hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của ông L.X.H. (hộ khẩu thường trú ngõ 80 Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa) và bà N.T.L (vợ ông H.).

Theo đơn, ông Thủy cho biết, bản thân ông là chủ sử dụng hợp pháp khối tài sản gồm Quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ký hiệu lô A1.14, A1.15 thuộc dự án Khu nhà ở và công trình công cộng - thể thao tại số 671 đường Hoàng Hoa Thám (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) và Quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tại các số nhà 296, 298, 300 phố Bà Triệu (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng).

“Cuối năm 2017, trong quá trình làm ăn, tôi có quen ông L.X.H. (ông H. giới thiệu mình nguyên là cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) và bà N.T.L. để thực hiện các thủ tục chuyển đổi phần diện tích đất sử dụng chung, mua một phần nhà số 296, 298 và 300 phố Bà Triệu thuộc sở hữu của Nhà nước và làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Thuỷ cho hay.

Ông Thủy trình bày: “Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước rất khó, trong khi ông H. giới thiệu bản thân nguyên cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và bà L. là người cùng xóm hơn nữa ông H đồng ý viết cam kết xác nhận chỉ là người đứng tên hộ tài sản nên tôi đã không chút nghi ngờ mà giao toàn bộ tài sản cho ông H và bà L.

 Trong cam kết ông H. xác nhận có trách nhiệm trả lại nhà đất số 296, 298 và 300 phố Bà Triệu khi hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôi. Tôi có trách nhiệm trả tiền để mua nhà thuộc sở hữu nhà nước và đóng tiền sử dụng đất. Phí dịch vụ tôi phải trả cho ông H. để hoàn thành các công việc trên là 7 tỉ đồng”.

 Ông Thủy cũng cho biết thêm: “Để có tiền nộp chuyển đổi mục đích sử dụng đất và mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước, tôi có nhờ ông H. bán hộ tôi 2 căn nhà A1.14 và căn nhà A1.15. Để thuận lợi cho việc thực hiện tất cả các công việc trên, ông H. yêu cầu tôi phải sang tên ông H. và bà L.”.

Tuy nhiên, theo ông Thủy, “sau khi ông H. hoàn thành việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mua nhà thuộc sở hữu nhà nước và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhà 296, 298 và 300 phố Bà Triệu, ông H. và bà L. đã không chuyển trả lại cho tôi mà bán cho người khác. Số tiền bán được cũng không trả cho tôi và tôi không hề liên lạc được với vợ chồng ông H. và bà L.”.

Trước sự việc trên, ông Thủy đã làm đơn tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản và trốn thuế của ông H. và bà L. ra Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an TP. Hà Nội để được giải quyết.

Tuy nhiên, ngày 17/7/2020, Phòng PC03 Công an TP. Hà Nội đã có văn bản gửi đến ông Thuỷ thông báo không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc nói trên.

Chưa đồng tình với quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Công an TP. Hà Nội, ông Thuỷ tiếp tục làm đơn khiếu nại tố cáo lên Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan nhưng đến nay đã hơn 6 tháng vẫn chưa nhận được hồi âm từ phía cơ quan chức năng có thẩm quyền. Trong khi đó khu đất số 296, 298 và 300 Bà Triệu đã được bán cho bên thứ ba và đang tiến hành xây dựng.

Đánh giá vụ việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Tuý – Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: Căn cứ Luật khiếu nại số 02/2011/QH13, Cơ quan chức năng đã có dấu hiệu vi phạm Điều 28 quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu đối với ông Thủy.

“Về nội dung Đơn thư và lời trình bày của ông Thủy thì hành vi của ông H. và bà L. và những người có liên quan có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015: Ông H. và bà L. có được quyền sử dụng nhà đất tại số 296, 298, 300 đường Bà Triệu và nhà ký hiệu lô A1.14, A1.15 thuộc dự án Khu nhà ở và công trình công cộng - thể thao tại số 671 đường Hoàng Hoa Thám thông qua hợp đồng.

Sau khi đã hoàn thành việc chuyển nhượng nhưng ông H. đã tự nguyện cam kết xác nhận xác nhận toàn bộ tài sản nhà đất gồm số 296, 298, 300 đường Bà Triệu và nhà ký hiệu lô A1.14, A1.15 thuộc dự án Khu nhà ở và công trình công cộng - thể thao tại số 671 đường Hoàng Hoa Thám thuộc quyền sở hữu và sử dụng hợp pháp của ông Nguyễn Thanh Thủy.

Ông H. chỉ là người nhận gửi giữ tài sản hộ ông Thủy. Ông H. sẽ chuyển trả lại nhà đất tại số nhà 296, 298 và 300 đường Bà Triệu cho ông Thủy khi hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ông H. và bà L. đã không trả lại ông Thủy mà bán cho bên thứ ba để thu tiền”, Luật sư Tuý phân tích.

Điều 175 Bộ luật Hình sự quy định:

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Tuy nhiên, để xác định ông H., bà L. và những người có liên quan có vi phạm pháp luật hình sự hay không thuộc phạm vi trách nhiệm của Cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Luật sư Nguyễn Văn Túy cũng cho biết thêm: “Số tiền để chuyển mục đích sử dụng đất và mua nhà thuộc sở hữu nhà nước tại số nhà 296, 298 và 300 đường Bà Triệu là đối tượng cần thu hồi để khắc phục hậu quả của một vụ án khác. Hiện nay Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng thu hồi tài sản để nộp lại cho Nhà nước”.

THANH VÂN/PLP

Xử lý dứt điểm tòa 8B Lê Trực: Bài học cho những vụ việc tồn đọng kéo dài

Lê Minh Hoàng