Ông Trần Văn Ngọc và bà Trần Thị Mãi thừa kế thửa đất của cha mẹ là ông Trần Chương và bà Hoàng Thị Thuận, có nguồn gốc do ông cha để lại được thể hiện trên bản đồ địa chính qua các thời kỳ. Thửa đất có ký hiệu là thửa số 396, tờ bản đồ số 3, bản đồ 299 tại trang 183, quyển 04, sổ địa chính thôn Tân Tùng, xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ. Điều đáng nói là trong tờ bản đồ số 3, bản đồ 299 thôn Tân Tùng không có thửa 396 mà lại có có 02 thửa mang số 390. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên ông Trần Chương được cấp năm 1995 thể hiện 200m2 đất ở tại thửa 396 và 315m2 đất vườn thuộc thửa 397. Qua xem xét, phân tích các ô thửa trên bản đồ, so sánh với thực địa thì thửa đất số 390 có diện tích 560m2 đúng với vị trí thửa 396 mà ông Trần Chương đang sử dụng và đúng với thửa 396 thể hiện trong sổ đăng ký ruộng đất (sau đây gọi là thửa 396).
Sổ địa chính thể hiện ông Trần Chương đã đăng ký sử dụng thửa 396, tờ bản đồ 3, bản đồ 299 và đã được cấp GCNQSDĐ số G 182680 ngày 06/10/1995.
Thửa đất 390 trên tờ bản đồ số 3 (được khoanh bằng vòng tròn đỏ) thực chất là thửa 396, tờ bản đồ số 3, bản đồ 299 thôn Tân Tùng, xã Đức Tùng (nay là xã Tùng Châu) thể hiện không có con đường vào thửa 395 mà gia đình ông Trần Hồng Quân đang tranh chấp.
Thửa đất 396 có ranh giới về phía Đông và một phần phía Nam giáp với thửa 420, thửa 400 và thửa 399. Hiện trạng ranh giới là dãy tre và cây cối lâu năm.
Ông Trần Văn Ngọc bên những cây cổ thụ đã xác lập ranh giới về phía Đông thửa đất.
Giáp với thửa đất 396 (về phía Bắc) là thửa đất số 395, có nguồn gốc là đất nông nghiệp do ông Trần Giảng và ông Trần Lưu sử dụng. Năm 1990 ông Giảng, ông Lưu cho ông Trần Hồng Quân làm nhà ở. Do được gia đình ông Trần Chương (bố đẻ ông Ngọc) cho đi nhờ nên hình thành “lối đi qua” đất ông Chương vào nhà ông Quân. Hiện, ranh giới thửa đất là dãy tre và những cây cổ thụ.
Lối đi vào nhà ông Trần Hồng Quân (sau khi đã đập phá bức tường xây) hiện ranh giới đang được xác lập bằng những cây cối lâu năm do ông nội ông Trần Văn Ngọc trồng.
Bà Trần Thị Mãi cho biết: “Tuy thửa đất ông Quân sử dụng làm nhà ở có thể đi ra đường công cộng bằng 2 hướng, nhưng sau khi làm nhà ở được một thời gian, ông Quân sang nhà xin ông Chương, bà Thuận để đi chung cùng lối đi cho thuận tiện làm ăn và đã được cha mẹ tôi đồng ý. Năm 2016, ông Quân được cấp đổi GCNQSDĐ mà gia đình tôi không biết. Sau khi tài sản của gia đình tôi bị cưỡng chế phá hủy, tôi làm đơn đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai cung cấp hồ sơ cấp đổi GCNQSDĐ của ông Quân thì được trả lời là “không tìm thấy…”. Sau đó, tôi có bản mô tả ranh giới thửa đất đề nghị cấp đổi GCNQSDĐ của ông Trần Hồng Quân thể hiện ranh giới thửa đất là “mép ngoài hoặc trong hàng cây”.
Tại mục người sử dụng đất liền kề, ký, xác nhận ranh giới, ông Ngọc không ký thay cho mẹ là bà Hoàng Thị Thuận nhưng vẫn có chữ ký “Ngọc”; bà Nguyễn Thị Hai mất từ năm 2012 nhưng vẫn có chữ ký “Hai”; không có ai sử dụng đất liền kề có tên là Trần Thị Nậm (chỉ có bà Trần Thị Lậm) mà vẫn được ký tên “Sỹ”; ông Trần Quốc Việt là chủ GCNQSDĐ thửa đất liền kề chưa chuyển quyền cho ông Trần Nguyên Quang mà vẫn có chữ ký của ông Quang?!. Vào thời điểm cấp đổi GCNQSDĐ cho ông Quân, ông Nguyễn Ngọc Thơ đang đương chức là Chủ tịch xã”.
Bản mô tả chi tiết ranh giới thửa đất được tạo “dựng” chữ ký của những người sử dụng đất liền kề.
Ngày 20/6/2022, Chủ tịch UBND xã Tùng Châu Nguyễn Ngọc Thơ ký, ban hành Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biên pháp khắc phục hậu quả số 142/QĐ-CCXP và 143/QĐ-CCXP (lần 2), yêu cầu bà Trần Thị Mãi và ông Trần Văn Ngọc tháo dỡ 37,76m tường rào do có hành vi vi phạm điểm a, khoản 5, Điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Theo đó, thông báo cho ông Ngọc, bà Mãi biết thời gian tổ chức cưỡng chế sẽ bắt đầu vào hồi 14 giờ 30, ngày 04/4/2022.
Ông Trần Văn Ngọc có hành vi vi phạm ghi trong Quyết định cưỡng chế số 142 căn cứ tại “điểm a, khoản 5, Điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ”.
Tại cuộc hòa giải theo sự chỉ đạo của Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, PV đề nghị Chủ tịch UBND xã Tùng Châu cần xem xét kỹ hồ sơ, xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất để giải quyết thấu tình đạt lý và giữ được tình cảm xóm làng, anh em. Theo đó, gia đình ông Ngọc phải chấp nhận phát dọn cây cối để mở rộng lối đi theo hết khả năng có thể mà vẫn giữ nguyên bức tường do gia đình ông Ngọc đã xây. Lãnh đạo UBND huyện Đức Thọ, Công an huyện Đức Thọ và các thành viên tham gia cũng như gia đình ông Ngọc đều đồng tình với ý kiến này. Tuy nhiên, ông Trần Hồng Quân và ông Nguyễn Ngọc Thơ, Chủ tịch xã lại yêu cầu phải đập phá bức tường dài 37,76m mà gia đình ông Ngọc vừa xây xong để mở “đường giao thông” rộng 4,25m.
Chiều 04/7/2022, ông Nguyễn Ngọc Thơ tổ chức lực lượng tự vệ, Công an, cán bộ công chức xã cùng phương tiện cơ giới đến đập phá, san phẳng toàn bộ bức tường dài 37,76m để làm “đường giao thông” cho gia đình ông Quân qua đất gia đình ông Ngọc mà chưa có quyết định thu hồi, chưa có quyết định trả lời đơn khiếu nại, chưa có quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ và chưa được Tòa án thụ lý đơn.
Hình ảnh lối đi chung gia đình ông Ngọc trước khi cưỡng chế
Ông Nguyễn Ngọc Thơ, Chủ tịch UBND xã theo dõi diễn biến của vụ cưỡng chế và hiện trạng “lối đi” sau khi cưỡng chế. (Ảnh do người dân cung cấp).
Vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật
Theo các văn bản trả lời của Chủ tịch UBND xã Tùng Châu và ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Đức Thọ tại Thông báo số 982/TB-UBND ngày 26/4/2022 thì việc giải quyết nội dung đơn khiếu nại của ông Trần Hồng Quân là “tranh chấp ngõ vào” và “tranh chấp đất đai tại xã”.
Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ…. Người chủ sở hữu được hưởng quyền về lối đi chung qua bất động sản của người khác phải đền bù cho chủ sở hữu đó, trừ khi có thoả thuận khác…:nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định…”.
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, Điều 203 Luật Đất đai 2013 nêu rõ: "Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã không thành mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết”;
Mặt khác, khoản 59 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và 8 vào Điều 91, Nghị định 43/2014/NĐCP như sau:
“3. Cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không chấp hành quyết định và đã được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất tranh chấp đã vận động, thuyết phục mà không chấp hành;
b) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất tranh chấp;
c) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành;…
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế”.
Tuy nhiên, quá trình giải quyết đơn “tranh chấp lối đi qua” hay “tranh chấp ngõ đi chung” của gia đình ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Tùng Châu đã ký, ban hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; các quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, khoản 5 Điều 15 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ, tức đã coi lối đi chung, đường vào nhà ông Trần Hồng Quân là “phạm vi đất dành cho đường bộ”. Việc này là trái với Điều 43 Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008, và thuộc 1 trong 8 trường hợp phải “ban hành quyết định hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định” theo quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 13 Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ.
Việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Trần Hồng Quân với gia đình ông Trần Văn Ngọc đến nay chưa có quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, chưa được Tòa án nào thụ lý giải quyết đơn. Trong khi Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Thơ đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính; các quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trái với hành vi vi phạm như đã nêu trên có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Vì vậy, hi vọng, cơ quan có thẩm quyền tỉnh Hà Tĩnh sẽ sớm xác minh làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
CHÍ THÚC – VĂN NGUYÊN
Hà Tĩnh: Làm rõ việc giải quyết tranh chấp ‘lối đi’ ở xã Tùng Châu, huyện Đức Thọ