/ Trao đổi - Ý kiến
/ Hành vi không khai báo y tế có thể bị xử lý hình sự

Hành vi không khai báo y tế có thể bị xử lý hình sự

01/02/2021 08:46 |

(LSVN) – Trước diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, trong những ngày qua, Việt Nam liên tục ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương,... Các bệnh nhân nhiễm Covid-19 đều có lịch trình di chuyển phức tạp. Tuy nhiên, bên cạnh những người có ý thức đi khai báo y tế, chung tay cùng cộng đồng thì vẫn tồn tại nhiều cá nhân không tự giác đi khai báo y tế theo quy định.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Y tế, F0, F1, F2 không tự giác khai báo, cần cộng đồng phát hiện bất thường và báo tin trực tiếp cho Chính phủ. Việt Nam rơi vào đợt bùng dịch thứ 3, biết bao tổn thất không thể kể được bằng con số. Trong hoàn cảnh đó, có tới 20% các F0 (bệnh nhân mắc Covid-19), khi được phát hiện và liên hệ đã không hợp tác với cơ quang chức năng. Cá biệt có ca mắc, hàng trăm F1 đã không chủ động khai báo tình thế nguy cấp, từ chối giao tiếp với lý do “tôi rất khoẻ, tôi có làm sao đâu".

Để giúp nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, Chính phủ cần người dân chung tay: Quan sát địa bàn sinh sống; nếu phát hiện bất thường, truy cập antoancovid.vn/khaibao để báo tin ngay cho tổ thông tin.

Báo tin khi: Nghi ngờ bản thân (hoặc người thân trong gia đình) đã nhiễm Covid-19, biết người đã tiếp xúc gần với F0, F1, F2.

Biết người vượt biên trái phép hoặc người đi từ vùng tâm dịch về nhưng không cách ly. Biết một sự kiện đông người có nguy cơ lây nhiễm.

Muốn thông báo một nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khác các lựa chọn trên.

Những nội dung được nhân dân báo về sẽ được xác minh ngay lập tức bởi hàng nghìn tình nguyện viên, được tổng hợp và chuyển đến đầu mối theo đúng quy trình truy vết F0, F1, F2 đã vận hành hiệu quả trong gần một năm qua.

Vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi không khai báo y tế sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, đối với hành vi cố ý trốn tránh không khai báo y tế sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt vi phạm hành chính: Hành vi không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối là hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Căn cứ khoản 7 Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì đây là hành vi bị nghiêm cấm.

Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, theo đó, từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Sở Y tế Hà Nội vừa ra thông báo khẩn tìm tài xế đã chở ca Covid-19 là bệnh nhân 1694 đi từ quận Nam Từ Liêm đến Thái Bình. 
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội thông báo tìm lái xe ôtô 7 chỗ, màu bạc, đã nhận chở thuê 7 người, trong đó có bệnh nhân Covid-19 N.Q.M., nam, 40 tuổi (BN1694), đi từ địa chỉ 479 đường Phúc Diễn, tổ 1, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đến Thụy Việt, Thái Thụy, Thái Bình ngày 24/01.
Tài xế cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ phòng chống bệnh Covid-19 hoặc gọi đến số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch: 0969.082.115 hoặc 0949.396.115.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự, trước đó, để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngày 30/3/2020 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn 45/TANDTC-PC hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện hành vi không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người":

Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Làm chết người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
b) Làm chết 02 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội "Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người" theo quy định tại Điều 295:

Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người
1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật sư Tùng cũng nêu quan điểm, công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh cần phải tiến hành chặt chẽ hơn nữa. Cần phải tiến hành xử lý nghiêm khắc các hành vi không khai báo y tế của những người vi phạm để răn đe, cảnh tỉnh cho người dân.

Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần, mọi người hãy cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân để bảo vệ sức khoẻ cho chính mình và gia đình. Tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế, các quá trình kiểm tra, trung thực cung cấp lộ trình và tình trạng sức khỏe của bản thân để chung tay góp sức vào cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh. 

Để sống chung an toàn với đại dịch Covid-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế:
- Khẩu trang
- Khử khuẩn
- Khoảng cách
- Không tụ tập
- Khai báo y tế

THANH THANH

Bảo vệ công lý trong cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay
 

Lê Minh Hoàng