/ Luật sư - Bạn đọc
/ Hành vi quay, phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội về phiên tòa bị xử lý thế nào?

Hành vi quay, phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội về phiên tòa bị xử lý thế nào?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Có thể thấy, gần đây có rất nhiều phiên toà, vụ việc mà các youtuber quay và phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội. Vậy, hành vi này có vi phạm các quy định pháp luật không và hành vi này bị xử lý thế nào?

Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H cho biết, theo quy định tại khoản 4 Điều 234 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 4 Điều 153 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về nội quy phiên tòa quy định: “Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ”.

Tại điểm c khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 23 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng số 02/2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định các hành vi: “Ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính, không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự” sẽ bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Đây là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Ngoài ra, các hành vi vi phạm này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh.

Mặc dù, pháp luật không có quy định trực tiếp về việc xử phạt hành vi phát trực tiếp (livestream) phiên tòa. Tuy nhiên, bản chất thì việc livestream cũng là hành vi ghi âm lời nói và ghi hình ảnh phiên tòa, cũng như lời nói và hình ảnh của Hội đồng xét xử, các đương sự, và những người tham gia tố tụng khác. Do đó, hành vi này vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật như đối với việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Các hành vi livestream phiên tòa vẫn có thể bị xử phạt tương tự như đối với các hành vi vi phạm việc ghi âm lời nói và ghi hình ảnh tại phiên tòa đã được quy định tại khoản 4 Điều 23, khoản 5 và khoản 6 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng số 02/2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu trên.

TIẾN HƯNG

Bàn về xác định lại thành phần đương sự và đưa bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ra khỏi vụ án dân sự

Lê Minh Hoàng