(LSVN) - Trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện tổng kết 02 nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết 48 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020; và Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp, cần có những đánh giá tổng quát về thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, từ đó thấy được những thành quả cũng như xác định những mục tiêu, định hướng mang tính chiến lược cho việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới.
Hệ thống pháp luật Việt Nam trong tiến trình đổi mới và phát triển đất nước
Có thể khái quát ba giai đoạn, tương ứng với ba cấp độ phát triển, hoàn thiện của hệ thống pháp luật Việt Nam như sau: giai đoạn thứ nhất từ 1986 đến 2001 - hệ thống pháp luật chuyển đổi; giai đoạn thứ hai từ 2002 đến 2013 - hệ thống pháp luật chuyển đổi và hội nhập; giai đoạn thứ ba từ 2014 đến nay và cho tương lai - hệ thống pháp luật hội nhập và kiến tạo phát triển.
Hệ thống pháp luật chuyển đổi là hệ thống pháp luật Việt Nam thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới, bắt đầu từ năm 1986. Hệ thống pháp luật thời kỳ này được chi phối bởi các quan điểm, chính sách của những năm đầu thời kỳ đổi mới được ghi nhận trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII và đặc biệt là sự ra đời của Hiến pháp năm 1992. Tư tưởng chủ đạo của đổi mới thời kỳ này chủ yếu là đổi mới kinh tế, là chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, hệ thống pháp luật của chúng ta thời kỳ này mang nặng dấu ấn của hệ thống pháp luật chuyển đổi, từng bước xóa bỏ cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, chuyển nền kinh tế sang sản xuất hàng hóa với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Trong giai đoạn 40 năm, từ năm 1946 đến năm 1986, Quốc hội từ Khóa I đến Khóa VII chỉ ban hành tổng số 32 đạo luật. Trong giai đoạn 15 năm từ 1987 đến 2001, Quốc hội các khóa VIII, IX và X đã ban hành 108 đạo luật, khởi đầu là Luật Đất đai, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 và sau đó là sự ra đời của một loạt các đạo luật quan trọng trong lĩnh vực kinh tế như: Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam, luật các Tổ chức tín dụng, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước năm, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm và các luật chuyên ngành khác… đã đặt những viên gạch đầu tiên, tạo lập nền móng cho việc hình thành thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cho những giai đoạn tiếp theo.
Hệ thống pháp luật chuyển đổi và hội nhập là hệ thống pháp luật giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2013, sau khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đến khi ban hành Hiến pháp năm 2013. Tư tưởng chủ đạo của xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của giai đoạn này được ghi nhận trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 vào năm 2001, đó là: “xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động hội nhập quốc tế; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Hệ thống pháp luật trong giai đoạn này có thể coi là thế hệ thứ hai của hệ thống pháp luật thời kỳ đổi mới và cũng là thế hệ thứ hai của hệ thống pháp luật chuyển đổi. Dòng chính trong sự phát triển của hệ thống pháp luật giai đoạn này vẫn tiếp tục mang dấu ấn của thời kỳ chuyển đổi nhưng chú trọng nhiều hơn đến hội nhập quốc tế. Theo đó, hệ thống pháp luật thời kỳ này tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để chuyển đổi, xóa bỏ về cơ bản các tàn tích của cơ chế quản lý cũ, xác lập đồng bộ cơ chế quản lý mới, đặc biệt là hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; từng bước tiệm cận đến thông lệ quốc tế, đặc biệt là việc ký kết Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ năm 2000 và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2006. Đây cũng là lần đầu tiên trong Hiến pháp Việt Nam xuất hiện cụm từ “kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” và được ghi nhận là một trong những “thành phần kinh tế” trong cơ cấu nền kinh tế đất nước. Tuy vậy, hội nhập quốc tế trong giai đoạn này vẫn được tiến hành từng bước, thận trọng và diễn ra trong lĩnh vực kinh tế là chủ yếu.
Hệ thống pháp luật hội nhập và kiến tạo phát triển là hệ thống pháp luật trong giai đoạn hiện nay, bắt đầu từ sau sự ra đời của Hiến pháp năm 2013 và sẽ là tư tưởng, định hướng cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong những thập kỷ tới. Hệ thống pháp luật này được coi là thế hệ thứ ba của hệ thống pháp luật thời kỳ đổi mới. Theo đó, hệ thống pháp luật sẽ được xây dựng và hoàn thiện theo hướng: phục vụ mục tiêu kiến tạo phát triển, tạo dựng hành lang pháp lý an toàn cho phát triển và hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới cả về kinh tế, chính trị và văn hóa như đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 là: “xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và tiếp tục khẳng định xây dựng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”.
Về định hướng xây dựng và hoàn tiện hệ thống pháp luật Việt Nam
Theo Nghị quyết số 48-NQ/TW về việc chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 do Bộ Chính trị ban hành thì định hướng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm những nội dung sau đây:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hoá - thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em và chính sách xã hội.
Thứ năm, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Thứ sáu, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hội nhập quốc tế.
Giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam
Về tư tưởng, đường lối
Cần xây dựng một “Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn 2045” hoặc “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn 2045” bằng một Nghị quyết của Bộ chính trị hoặc có thể cần một Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Việc Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết này thể hiện vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền giai đoạn mới. Muốn xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền, trong đó đặc trưng cơ bản là Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và kiến tạo phát triển bằng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân thì phải lấy pháp luật làm trung tâm; nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế phải luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Tầm nhìn đến năm 2045 có thể là tương đối dài và khó dự báo, nhưng đó là cột mốc vô cùng quan trọng khi chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước và cũng là chặng đường 60 năm của công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Trong bối cảnh thế giới có rất nhiều biến động, đặc biệt là tác động vô cùng to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà tại thời điểm hiện nay chúng ta chưa thể lường hết được thì không thể trong một vài năm có thể xây dựng được một Chiến lược có tầm nhìn dài hạn như nêu trên. Do vậy, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 48 và Nghị quyết 49 nên cân nhắc trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận về việc tiếp tục thực hiện có bổ sung các quan điểm, định hướng về hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp của Nghị quyết 48 và Nghị quyết 49 cho giai đoạn 2021– 2025; đồng thời giao Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng “Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn 2045”; hoặc cũng có thể là “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn 2045”.
Về tư duy chiến lược
Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng: xây dựng một hệ thống pháp luật hội nhập và kiến tạo phát triển. Hệ thống pháp luật Việt Nam kể từ thời điểm đổi mới đất nước năm 1986 đến nay đã phát triển không ngừng và đang trong giai đoạn hoàn thiện và sẽ còn phải tiếp tục hoàn thiện. Với mục tiêu xây dựng một Nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện đại, một nước Việt Nam hùng cường, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, hệ thống pháp luật cho tương lai cần phải được xây dựng thành một hệ thống pháp luật có đặc trưng chủ đạo là hội nhập và kiến tạo phát triển.
Thứ nhất, cần có một chủ thuyết trong nghiên cứu khoa học pháp lý cũng như trong xây dựng pháp luật. Trong nghiên cứu khoa học pháp lý ở Việt Nam hiện nay, xét về mặt học thuật, chúng ta không có một chủ thuyết, hay theo đuổi một trường phái pháp luật nào thật sự rõ nét.
Thứ hai, cần chuyển đổi từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo phát triển trong xây dựng pháp luật. Vấn đề trước nhất trong đổi mới tư duy làm luật hiện nay theo chúng tôi đó là, cần chuyển đổi từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo phát triển. Một Nhà nước kiến tạo phát triển cần phải tạo lập cho được hai hệ thống hạ tầng thiết yếu sau: là hệ thống thể chế, pháp luật; hệ thống cơ sở vật chất nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, như hệ thống giao thông, sân bay, bến cảng, thông tin truyền thông, quy hoạch không gian phát triển, sử dụng nguồn lực…
Cần đổi mới quy trình làm luật
Thứ nhất, quy trình cắt khúc trong quá trình soạn thảo và trình luật. Đó là quy trình mà cơ quan soạn thảo và trình luật chỉ có trách nhiệm soạn thảo và trình dự án luật ra Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất, sau đó Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ là cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ hai để xem xét, thông qua. Tuy nhiên, trên thực tế, một Ủy ban của Quốc hội sẽ lĩnh trách nhiệm tiếp quản dự án luật đó để chủ trì nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý. Vấn đề là ở chỗ, ủy ban đó lại chính là ủy ban vừa được phân công và có báo cáo thẩm tra dự án luật trước Quốc hội. Về nguyên tắc, nếu một ủy ban của Quốc hội soạn thảo và đệ trình luật thì sẽ có các ủy ban khác của Quốc hội thẩm tra. Tuy nhiên, trong quy trình này, ủy ban của Quốc hội lại lấy dự án luật do chính mình thẩm tra để tiếp thu và trình thông qua mà không có ủy ban nào của Quốc hội thẩm tra lại. Trong khi đó, cơ quan chủ trì soạn thảo và trình luật bị mất vai trò và không còn tiếng nói bảo vệ quan điểm cũng như các định hướng chính sách đã được cân nhắc và lựa chọn, không thể bảo vệ và chịu trách nhiệm đến cùng.
Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi quy trình này. Theo đó, cơ quan trình dự án luật phải được quyền chủ trì và bảo vệ quan điểm của mình trong toàn bộ quá trình soạn thảo và trình thông qua dự án luật. Còn cơ quan thẩm tra, dù đó là các ủy ban của Quốc hội hay Uỳ ban thường vụ Quốc hội phải làm đúng chức năng của cơ quan thẩm tra, giúp Quốc hội xem xét, thậm chí có thể đề nghị Quốc hội không thông qua một dự án luật là điều hoàn toàn có thể xẩy ra nhưng không nên làm thay và tước đi quyền của cơ quan soạn thảo dự án luật.
Thứ hai, quy trình một dự án luật phải được trình tại hai kỳ họp Quốc hội. Mặc dù Điều 73 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định rõ Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết tại một hoặc hai kỳ họp Quốc hội; trường hợp dự án luật lớn, nhiều điều, khoản có tính chất phức tạp thì Quốc hội có thể xem xét, thông qua tại ba kỳ họp. Tuy nhiên, trên thực tế thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngay từ khi ban hành Nghị quyết về triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm đều xác định trước là hầu hết các dự án luật đều được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại hai kỳ họp.
_________________________________ DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. http://quochoi.vn/viennghiencuulapphap/lapphap/Pages/nghien-cuu-chuyen-de.aspx?ItemID=213; 2. http://dangcongsan.vn/phap-luat/hoan-thien-he-thong-phap-luat-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-kinh-te--xa-hoi-538167.html; 3. http://www.lapphap.vn/Pages/TinTuc/210462/He-thong-phap-luat-Viet-Nam-trong-tien-trinh-doi-moi-va-phat-trien-dat-nuoc.html. |
NGỌC ANH(t/h)