/ Nghề Luật sư
/ Hiểu thế nào về quy tắc Luật sư bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng

Hiểu thế nào về quy tắc Luật sư bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng

26/12/2023 11:40 |

(LSVN) - Nguyên đơn thuê Luật sư bảo vệ cho mình trong vụ án dân sự, tại cấp sơ thẩm nguyên đơn bị bác yêu cầu khởi kiện. Tại cấp phúc thẩm, nguyên đơn tiếp tục thuê một Luật sư khác bảo vệ cho mình và được Tòa án cấp phúc thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Vậy phải chăng Luật sư tham gia tại cấp sơ thẩm trong vụ án này đã không bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng được quy định tại Quy tắc 5, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, Bộ Quy tắc quy định: “Quy tắc 5. Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Luật sư có nghĩa vụ tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng theo quy định của pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam”.

Phải khẳng định ngay rằng, Bộ Quy tắc quy định Luật sư có nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng chứ Bộ Quy tắc không quy định Luật sư có nghĩa vụ mang lại nhiều lợi ích nhất cho khách hàng. Bởi lẽ, hoạt động Luật sư là hoạt động tư vấn, hỗ trợ, trợ giúp; hoạt động của Luật sư và người Luật sư không phải là chủ thể có quyền phán quyết, quyết định. Bản án, phán quyết của Tòa án đưa ra dựa trên nhiều nguồn chứng cứ, lập luận trong đó bao gồm nguồn chứng cứ, lập luận do Luật sư cung cấp. Chứng cứ, tài liệu Luật sư cung cấp dựa trên thực tế khách quan chứ không phải do Luật sư tạo ra hoặc làm ra. Mặt khác, phán quyết của Tòa án các cấp hoặc các cơ quan có quan điểm khác nhau về cùng một vụ án, vụ việc là điều hết sức bình thường thể hiện tính độc lập trong hoạt động tư pháp.

Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng theo Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam được quy định dưới các khía cạnh chính yếu sau:

Luật sư tận tâm với công việc của khách hàng

Bộ Quy tắc quy định trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh người Luật sư phải tận tâm với công việc, tận tâm với khách hàng. Người Luật sư luôn phải cố gắng hết khả năng, sức lực, tâm huyết, để thực hiện đến cùng công việc cho khách hàng để có thể đạt kết quả tốt nhất có thể cho khách hàng. Người Luật sư dám làm và dám chịu trách nhiệm về công việc mình đã làm cho khách hàng.

Người Luật sư thực hiện công việc cho khách hàng không chỉ với mong muốn hoàn thành công việc cho khách hàng theo Hợp đồng mà Luật sư còn cống hiến hết mình cho công việc của khách hàng. Tận tâm với công việc của khách hàng góp phần hoàn thành sứ mệnh của người Luật sư, góp phần bảo vệ công lý, công bằng.

Luật sư phát huy năng lực của mình để thực hiện công việc cho khách hàng

Năng lực của Luật sư được hiểu là kiến thức, kỹ năng, khả năng và hành vi, điều kiện chủ quan hoặc có sẵn tự nhiên của cá nhân Luật sư để thực hiện công việc cho khách hàng. Muốn có được năng lực cao, người Luật sư phải trải qua sự rèn luyện, trau dồi trong một thời gian dài, tích lũy.

Quá trình thực hiện công việc cho khách hàng, người Luật sư cần chuyên tâm để phát huy tất cả khả năng, năng lực tổng hợp của con người Luật sư phục vụ công việc của khách hàng.

Luật sư sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng

Học tập, rèn luyện, trau rồi, rèn luyện để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và sử dụng kiến thức, kinh nghiệm đó phục vụ cho khách hàng, phục vụ công việc của khách hàng. Để thực hiện công việc cho khách hàng có hiệu quả, có chất lượng người Luật sư cần cả kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Một người có kiến thức chuyên môn cao nhưng chưa giỏi về kỹ năng nghề nghiệp, chưa nhuần nhuyễn về kỹ năng giao tiếp, quy trình xử lý công việc,… khi thực hiện công việc cho khách hàng cũng khó đảm bảo chất lượng cao nhất. Uy tín, thương hiệu của Luật sư không phải tự nhiên mà có mà cần cả quá trình trau dồi, tích lũy. 

Luật sư sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng

Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng không có nghĩa là chạy theo khách hàng, chạy theo yêu cầu, đề nghị của khách hàng bằng mọi giá. Bảo vệ cho khách hàng yêu cầu Luật sư phải sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ cho khách hàng. Bởi lẽ các quyền lợi ích của cá nhân cũng phải đặt ra trong quan hệ với quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác cũng như quyền lợi ích chung của cộng đồng.

Do đó, người Luật sư không được vì lợi ích cá nhân của khách hàng mà xâm phạm quyền lợi ích của tổ chức, cá nhân khác. Quyền lợi ích của cá nhân, tổ chức chỉ được ghi nhận và bảo đảm khi quyền lợi ích đó được Nhà nước, pháp luật công nhận, bảo hộ.

Luật sư bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng theo quy định của pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Khi thực hiện công việc cho khách hàng, Luật sư phải căn cứ, tuân thủ áp dụng quy định của pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Việc tuân thủ pháp luật và Bộ Quy tắc không phải để ràng buộc, giới hạn hoạt động của Luật sư mà buộc người Luật sư có trách nhiệm tuân thủ nội dung, trình tự, thủ tục, điều kiện, quy trình,… để thực hiện công việc cho khách hàng chu đáo, tận tâm, trách nhiệm nhất có thể.

Trách nhiệm tận tâm với công việc, nghĩa vụ tích lũy, phát huy năng lực cá nhân, tích lũy và sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cùng tất cả các biện pháp hợp pháp của Luật sư chỉ với mục đích để bảo vệ tốt nhất, mang lại lợi ích cao nhất có thể cho khách hàng chứ không phải vì phục vụ lợi ích của Luật sư, uy tín, thương hiệu của Luật sư chỉ có khi quyền lợi của khách hàng theo được bảo đảm, khi niềm tin của khách hàng với Luật sư được tăng cường, phát huy.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Cơ quan có chức năng giải thích, giải đáp nội dung Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Bùi Thị Thanh Loan