(LSO) - Cần xem xét trách nhiệm của các cá nhân, cán bộ trong việc kê khai không đúng quy định, làm rõ mục đích của việc này có dấu hiệu trục lợi không để có căn cứ xử lý theo đúng quy định.
Trong khi cấp tiền hỗ trợ của Chính phủ theo gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng, tỉnh Thanh Hóa liên tục lộ ra những chuyện lùm xùm, như hộ cận nghèo có nhà tiền tỉ, dồn nhân khẩu vào hộ nghèo để đạt chuẩn nông thôn mới... Việc làm này gây thất thoát cho nhà nước trong việc hỗ trợ cũng như gây mất niềm tin cho người dân, có dấu hiệu lợi dụng việc này để trục lợi cá nhân.
Tiêu chí xác định
Việc xác định tiêu chí đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo để làm cơ sở xác minh nhằm hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng là hết sức cần thiết. Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 1, Điều 2 Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 thì các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 bao gồm:
1. Các tiêu chí về thu nhập: a) Chuẩn nghèo: 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị; b) Chuẩn cận nghèo: 1.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.300.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. 2. Tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản: a) Các dịch vụ xã hội cơ bản (05 dịch vụ): y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; thông tin; b) Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (10 chỉ số): tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Quy định cụ thể chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 như sau: 1. Hộ nghèo a) Khu vực nông thôn: là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: - Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; - Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. b) Khu vực thành thị: là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: - Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; - Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. 2. Hộ cận nghèo a) Khu vực nông thôn: là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. b) Khu vực thành thị: là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. 3. Hộ có mức sống trung bình a) Khu vực nông thôn: là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng. b) Khu vực thành thị: là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.300.000 đồng đến 1.950.000 đồng. |
Như vậy, theo quy định trên thì điều kiện chính để xác định hộ nghèo và hộ cận nghèo đó chính là mức thu nhập bình quân trên tháng và mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản đối với các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở; nước sạch và vệ sinh; thông tin.
Hộ cận nghèo có nhà tiền tỉ, họ hàng với cán bộ?
Tại xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, người dânxôn xao về việc gia đình bà Lê Thị Thọ và gia đình ông Lê Ngọc Lâm (thôn Tu Mục1, xã Yên Thọ) xuất hiện trong danh sách hộ cận nghèo.
Bà Thọ hiện đang sống tại ngôi nhà khang trang, kiên cố. BàThọ là chị gái của bà Lê Thị Chung, Bí Thư chi bộ thôn Tu Mục 1.
Còn gia đình ông Lâm làm nghề kinh doanh rau quả, hải sản cóthu nhập ổn định, có ôtô tải để vận chuyển hàng hóa. Ngôi nhà của gia đình ôngLâm cũng thuộc diện tiền tỉ, to đẹp so với nhiều nhà dân ở vùng quê này.
Ông Lâm là con cô ruột của ông Hồ Xuân Bình, Chủ tịch UBNDxã Yên Thọ.
Tuy nhiên, hai gia đình vẫn được UBND xã đưa vào hộ cậnnghèo để hưởng chính sách của Nhà nước, có trong danh sách nhận tiền hỗ trợ.Nhiều người dân tại xã này rất bất ngờ bởi trong xã còn nhiều hộ thực sự khókhăn nhưng không thuộc diện cận nghèo.
Sau khi có phản ảnh của người dân, ngày 16/5, hai gia đình có đơn gửi UBND xã xin rút khỏi danh sách hộ cận nghèo.
Tại các huyện Tĩnh Gia, Thiệu Hóa cũng xuất hiện nhiều hộ cậnnghèo nhưng ở nhà lầu, cuộc sống dư dả.
Tại thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, có 76 hộ cậnnghèo được lập danh sách để nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ, nhưng trong đó nhiềugia đình được bình xét hộ cận nghèo lại ở nhà tiền tỉ.
Trong khi đó, tại huyện Thiệu Hóa nhiều cán bộ chủ chốt của xã Thiệu Thành có vợ, con "lọt" vào danh sách hộ cận nghèo: các thành viên gia đình ông Hách Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa, gồm: vợ, con trai, con dâu, cháu; các thành viên gia đình ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch MTTQ xã. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Giảng, Bí thư Đoàn xã Thiệu Thành, có chồng và 2 con gửi vào hộ cận nghèo của gia đình khác.
Vụ việc bị bại lộ, UBND huyện Thiệu Hóa ngày 15/5 đã xác định 12 người không thuộc diện hộ cận nghèo nhưng có tên trong danh sách hộ cận nghèo. Trong đó, có 8 người trong gia đình cán bộ xã, 4 người còn lại là người dân.
Có dấu hiệu trục lợi?
Điều đáng nói, những hộ dân này “đi lạc” vào danh sách hộnghèo, cận nghèo từ thời điểm nào? Tại sao khi báo chí vào cuộc phản ánh các cấpchính quyền nơi đây mới đi xác minh, việc bình xét, nắm bắt chẳng lẽ các cấp quảnlý không nắm được?
Luật sư Cường cho rằng, đây là một sự việc bất thườngvà cần phải xác minh làm rõ. Cụ thể, phải rà soát lại danh sáchcác hộ cận nghèo và hộ nghèo tại địa phương này để xác định cáctrường hợp không đúng quy định và thu hồi các khoản hỗ trợ trái quyđịnh nếu có. Đồng thời, cần xem xét trách nhiệm của các cá nhân,cán bộ trong việc kê khai không đúng quy định, làm rõ mục đích củaviệc này có dấu hiệu trục lợi không để có căn cứ xử lý theo đúngquy định.
Hiện nay, việc xác định các quy định về chuẩn nghèo không hợp lý, dẫn đến tình trạng lén lút “phá rào”, đưa những gia đình thu nhập “trên chuẩn” vào danh sách hộ nghèo có thể gây thất thoát cho nhà nước, gây nhiều bất ổn trong xã hội, khiến người dân bức xúc.
Nguyên nhân của việc này không chỉ xuất phát từ việc nhận thức, trình độ của đội ngũ cán bộ, người dân mà có thể vì mục đích trục lợi mà các cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn đưa họ hàng và người có quan hệ thân thiết không đáp ứng tiêu chuẩn vào danh sách nhận hỗ trợ. Do đó, đối các vụ việc có dấu hiệu bất thường như vậy thì cần phải xác minh, làm rõ và xử lý kịp thời nếu phát hiện sai phạm, trong trường hợp có yếu tố trục lợi đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể khởi tố vụ án, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, cán bộ có liên quan vì gây thất thoát cho nhà nước.
Bên cạnh đó, đối với việc kê khai các hộ chuẩn nghèo thì các địa phương cần công khai chính xác của kết quả điều tra, rà soát; cải thiện cơ chế xác định hộ nghèo thì mới có thể để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách thật sự còn gặp nhiều khó khăn có thể tiếp cận được các sự hỗ trợ từ nhà nước.
LÊ MINH