Ảnh minh họa.
Chào bán chứng khoán riêng lẻ (private placement) nói chung và chào bán cổ phiếu riêng lẻ nói riêng là một hoạt động mang tính chiến lược được các công ty đại chúng niêm yết sử dụng để thực hiện mục tiêu kép quan trọng là tăng vốn điều lệ cho hoạt động của công ty và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho các kế hoạch phát triển đề ra trong tương lai. Chính những hiệu quả của phương án tăng vốn này mà ngày càng nhiều công ty đại chúng niêm yết lựa chọn chào bán cổ phiếu riêng lẻ để vừa khơi thông nguồn vốn hoạt động, vừa gia tăng năng lực cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường. Phụ thuộc vào lĩnh vực, triết lý, chiến lược kinh doanh của từng công ty trong từng thời kỳ mà họ đưa ra những tiêu chí riêng để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược phù hợp với mình. Trong khi đó, mặt trái của vấn đề dần được bộc lộ ở một số công ty đại chúng niêm yết có hoạt động quản trị yếu kém, xung đột lợi ích nhóm hoặc đang bí bách dòng tiền đã dẫn đến việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ một cách tùy tiện với mức giá chiết khấu rất cao, đối tượng chào bán không phải là nhà đầu tư chiến lược và không minh bạch thông tin gây ra thiệt hại to lớn cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn không có quyền quyết định trong hoạt động này.
“Bảo đảm quyền của cổ đông, đối xử bình đẳng giữa các cổ đông” là một trong những nguyên tắc quản trị quan trọng của công ty đại chúng được ghi nhận tại khoản 3 Điều 40 của Luật Chứng khoán năm 2019. Thế nhưng, trên thực tế không phải công ty nào cũng tuân thủ tối đa nguyên tắc này khi thực hiện hoạt động chào bán cổ phiếu riêng lẻ, kể cả những công ty có vốn hóa tương đối lớn và uy tín lâu năm trên thị trường chứng khoán Việt Nam, điển hình là phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ đã gây sóng gió dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng khi mà các phương án chào bán gây bất lợi và thiệt hại cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhưng lại không có cơ chế phù hợp để bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ trước ưu thế quá lớn của cổ đông lớn và các lãnh đạo công ty.
1. Thực trạng chào bán cổ phiếu riêng lẻ gây bất lợi cho nhà đầu tư nhỏ lẻ của công ty đại chúng niêm yết
1.1. Giá chào bán cổ phiếu thấp hơn rất nhiều với thị giá giao dịch hiện tại và tiềm năng tăng trưởng của công ty trong tương lai
Năm 2021 chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường chứng khoán Việt Nam khi giá trị giao dịch và thị giá cổ phiếu của các công ty được đẩy lên ở mức cao. Trong bối cảnh đó, nhiều công ty đã tính đến chuyện tăng vốn điều lệ bằng việc lựa chọn các phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chiết khấu để nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được hưởng lợi từ làn sóng tăng trưởng của thị trường thì ở chiều ngược lại không ít công ty lại lựa chọn phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược. Điều khó hiểu hơn là giá chào bán lại rất thấp so với thị giá cổ phiếu đang giao dịch gây hoang mang cho nhà đầu tư dẫn đến làn sóng bán tháo cổ phiếu làm cho giá trị cổ phiếu sụt giảm liên tục, gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Điển hình là trường hợp của cổ phiếu GIx - một trong những công ty có tốc tăng tưởng tốt về cả doanh thu và lợi nhuận trên ttck việt nam trong trong thời gian qua khi mà lợi nhuận sau thuế năm 2020 gấp 03 lần kế hoạch đề ra và tiếp tục tăng trưởng mạnh với lợi nhuận sau thuế quý 1 năm 2021 tăng trưởng 65.8% so với cùng kỳ giúp cho giá cổ phiếu này tăng lên mức 80.000 đồng/cổ phiếu (ngày 13/5/2021), thì bất ngờ giá cổ phiếu lao dốc không phanh khi công ty có tờ trình chào bán 16,8 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 35.000 đồng/cổ phiếu (tức chỉ bằng 43.75% giá trị cổ phiếu đang giao dịch). Tờ trình này cũng đã được đại hội đồng cổ đông của công ty thông qua theo nghị quyết số 01 ngày 21/5/2021.
Việc công ty chấp nhận chào bán cho nhà đầu tư chiến lược với mức giá chiết khấu 5-10% để đổi lấy sự hợp tác, công nghệ, thế mạnh của nhà đầu tư chiến lược là đều không hiếm lịch sử thị trường. Tuy nhiên, hiện tượng của GIx là hy hữu và không thể chấp nhận được khi bỏ mặc quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ lẻ - những người gánh chịu thiệt hại rất lớn khi đã trót đầu tư vào giá trị tăng trưởng của công ty và niềm tin với ban lãnh đạo công ty. Đây thực sự là một tiền lệ xấu về việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ trên thị trường chứng khoán Việt Nam và là minh chứng điển hình nhất cho những bất lợi mà nhà đầu tư nhỏ lẻ phải gánh chịu; quyền lợi nhà đầu tư trên thị trường đã bị xâm phạm một cách công khai và trực diện.
1.2. Số lượng cổ phiếu chào bán chiếm tỉ lệ quá cao so với tổng số cổ phiếu đang lưu hành của công ty tại thời điểm chào bán
Trở lại với tỉ lệ phát hành cổ phiếu riêng lẻ của GIx, DIx, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy là tỉ lệ chào bán rất cao, đơn cử như trường hợp của GIx thì tỉ lệ cổ phiếu chào bán lên đến 46.67% tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm thực hiện chào bán. Điều này gây bất lợi rất lớn cho nhà đầu tư nhỏ lẻ khi mà giá trị cổ phiếu bị pha loãng đáng kể, thị giá giảm sút là điều gần như chắc chắn xảy ra; và thiệt hại này sẽ càng trầm trọng hơn nếu như tỉ lệ cổ phiếu chào bán càng cao và giá chào bán càng giảm. Tuy nhiên, bởi vì nhà đầu tư nhỏ lẻ không thể thay đổi được cục diện chào bán và thiếu cơ chế pháp lý kiểm soát những bất cập này nên họ chỉ còn biết cách chấp nhận thiệt hại về phía mình.
1.3. Đối tượng chào bán là lãnh đạo công ty, cổ đông lớn của công ty
Ngày 18/5/2021, DIx thông qua nghị quyết số 139 của Hội đồng quản trị về việc việc triển khai phương án chào bán 75 triệu cổ phiếu riêng lẻ (đã được đại hội cổ đông thường niên năm 2021 thông qua theo nghị quyết số 02 ngày 28/01/2021), giá chào bán 20.000 đồng/cổ phần (tương đương mức chiết khấu 28,6%), thời gian hạn chế chuyển nhượng là 01 năm kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là 3/6 nhà đầu tư được chào bán là lãnh đạo công ty đã đăng ký mua 25 triệu cổ phiếu (chiếm 33.3% số cổ phiếu phát hành) và cổ đông lớn đăng ký mua là 38 triệu cổ phiếu (chiếm 50.7% số cổ phiếu phát hành), còn lại là các cá nhân, tổ chức khác. Phương án chào bán này đã khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ bức xúc vì DIx đã phớt lờ quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện hữu, để việc chào bán chủ yếu phục vụ cho nhu cầu gia tăng tỉ lệ sở hữu của lãnh đạo công ty và cổ đông lớn với giá chiết khấu rất cao. Trong khi lúc bấy giờ, DIx đang sở hữu rất nhiều quỹ đất lớn, tình hình kinh doanh ngày càng khả quan và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai là điều mà bất kỳ nhà đầu tư nào trên thị trường chứng khoán cũng thấy được khi quyết định trở thành cổ đông của DIx. Do đó, việc công ty chào bán cho lãnh đạo và cổ đông lớn trong trường hợp này là một điểm bất hợp lý, buộc nhà đầu tư nhỏ lẻ phải đặt ra nghi vấn có hay không việc chào bán mang tính phục vụ lợi ích nhóm. Câu hỏi đặt ra là vì sao DIx không thực hiện chào bán công khai cho cổ đông hiện hữu? Khi mà những đối tượng được chào bán cũng không phải là những nhà đầu tư chiến lược mới có tiềm năng đúng ý nghĩa, mục tiêu của việc chào bán để có thể mang lại sự bức phá cho DIx trong tương lai. Ngược lại, những đối tượng này lại được mua lượng cổ phiếu với giá thấp trong khi trên thị trường chứng khoán thị giá DIx liên tục tăng sau khi chào bán, có thời điểm chạm mức 32.650 đồng/cổ phiếu (ngày 04/6/2021).
Xét về nguyên tắc, lẽ ra DIx nên ưu tiên thực hiện phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu để đảm bảo sự bình đẳng quyền lợi giữa các cổ đông thay vì chào bán riêng lẻ cho một số đối tượng mà suy cho cùng cũng là cổ đông hiện hữu của công ty. Điều này, thể hiện sự đối xử không công bằng đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ của công ty khi họ đã mất đi quyền lợi cơ bản mà đúng ra cổ đông phải được hưởng. Nếu xét về khía cạnh thông lệ chung bảo vệ quyền lợi cổ đông tốt nhất, thì DIx đã đi ngược lại với xu hướng chào bán cho cổ đông hiện hữu của các công ty khác trên thị trường chứng khoán Việt Nam lúc bấy giờ. Cuối cùng nhà đầu tư nhỏ lẻ của DIx chính là những người bị thiệt hại về quyền lợi.
1.4. Thời gian công bố thông tin gấp ráp và liên tục thay đổi nội dung liên quan đến phương án chào bán
Nhà đầu tư nhỏ lẻ là những người phản ứng rất nhanh nhạy với thông tin của thị trường chứng khoán. Trong khi, phương án chào bán có ý nghĩa rất lớn đối với sự tăng/giảm giá trị của một công ty niêm yết nên pháp luật chứng khoán quy định công ty phải có trách nhiệm công bố thông tin minh bạch chính xác và kịp thời; đảm bảo quyền lợi được tiếp cận thông tin của nhà đầu tư để họ có thể nhận định, đánh giá và thực hiện hành vi của mình một cách khách quan và tự chịu trách nhiệm với rủi ro. Nếu như không được tiếp cận thông tin kịp thời và chính xác thì những sai sót trong hành vi đầu tư dẫn đến thiệt hại cho nhà đầu tư là rất lớn. Câu hỏi đặt ra là: có hay không có hành vi ngầm trục lợi từ việc công bố thông tin liên quan đến hoạt động chào bán trong những trường hợp cụ thể được dẫn chiếu dưới đây:
- Trường hợp thứ nhất: thay đổi nội dung chào bán nhanh chóng của DXx : Chỉ trong một tuần (từ ngày 4 đến 11/6/2021), DXx thay đổi nhiều lần thông cáo báo chí thay đổi nội dung tờ trình họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 về phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ mà không đưa ra bất kỳ lý do giải thích nào với nhà đầu tư và được xem là chưa từng có tiền lệ. Nội dung tờ trình sau có lợi hơn hẳn đối với cổ đông hiện hữu của công ty, khi thêm phương án phát hành 77,7 triệu cổ phiếu thưởng, tỉ lệ 15% và bổ sung phương án phát hành cổ phiếu esop giá chào bán 10.000 đồng thay vì 0 đồng như tờ trình trước đó. Đồng thời, phương án chào bán 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ cũng chỉnh sửa mức chiết khấu giá chào bán thấp hơn. Kết quả: sau khi công bố lần đầu, trong 04 ngày (từ ngày 07/6/2021), thị giá cổ phiếu DXx mất 16% và bất ngờ quay đầu tăng trần sau khi nội dung tờ trình thay đổi ngày 11/6/2021 được công bố. Giả thuyết đặt ra là cá nhân/tổ chức nào đó biết được thông tin này trước khi nó được công bố để thực hiện các giao dịch thiếu công bằng trên thị trường chứng khoán thì sẽ hưởng lợi rất lớn từ việc lướt sóng cổ phiếu DXx và chắc chắn nhà đầu tư nhỏ lẻ của dxg là những người thiệt hại nặng nề nhất.
- Trường hợp thứ hai: bổ sung phương án chào bán phút chót của GIx: trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 gửi cho cổ đông GIx không hề có phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên, đến ngày 19/5/2021 thì xuất hiện nhiều thông tin lan truyền ra bên ngoài là Hội đồng quản trị trình phương án chào bán 16.8 triệu cổ phiếu với giá 35.000 đồng/cổ phiếu. Ngay lập tức thông tin này bị bác bỏ từ phía nhà đầu tư, bởi lẽ phương án này không có trong tờ trình và giá cổ phiếu GIx hiện đang giao dịch là 80.000 đồng/cổ phiếu nên không thể có chuyện chào bán với giá 35.000 đồng/cổ phiếu. Ngày 20/5/2021 giá cổ phiếu GIx tiếp tục giảm sàn. Ngày 21/5/2021, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua phương án này tại đại hội và cổ phiếu GIx tiếp tục giảm sàn một lần nữa trước sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ. Sự thật này, một lần nữa minh chứng cho những bất lợi và những thiệt hại mà nhà đầu tư nhỏ lẻ phải gánh chịu từ sự mập mờ và lượn sóng của vấn đề công bố thông tin.
2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật để bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ trước hoạt động chào bán cổ phiếu riêng lẻ gây bất lợi của công ty đại chúng niêm yết
2.1. Định mức giá và giới hạn chiết khấu giá chào bán cổ phiếu riêng lẻ
Không thể phủ nhận việc tìm kiến nhà đầu tư chiến lược là yếu tố tiên quyết thúc đẩy hoạt động chào bán cổ phiếu riêng lẻ thấp hơn thị giá cổ phiếu của công ty nhằm mục đích bổ sung nguồn lực, nâng cao năng lực tài chính, công nghệ của công ty và tận dụng được hệ sinh thái của đối tác chiến lược để phát triển hoạt động kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các công ty đại chúng niêm yết được phép lạm dụng quyền tự quyết của mình để chào bán cổ phiếu với giá thấp hơn thị giá giao dịch một cách bất hợp lý như trường hợp của GIx chào bán với mức giá chỉ bằng 43.75% giá trị cổ phiếu đang giao dịch gây bất lợi quá lớn cho nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường chứng khoán. Bởi lẽ, chúng ta cần phải nhận thức được rằng, công ty đại chúng khi đã niêm yết giao dịch trên thị trường chứng khoán thì quy mô về số lượng nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ cổ phiếu công ty sẽ vượt xa tính chất cô đặc của một công ty nội bộ hoặc một công ty đại chúng chưa niêm yết nên mọi quyết định gây bất lợi sẽ mang đến thiệt hại không thể lường trước được cho rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường. Do đó, pháp luật chứng khoán cần phải có những quy định bảo vệ tối đa quyền lợi của họ trước những phương án chào bán giá thấp gây bất lợi của công ty đại chúng niêm yết để tránh sự lạm dụng chào bán cổ phiếu riêng lẻ phục vụ lợi ích nhóm cổ đông lớn hoặc lãnh đạo công ty.
Tác giả cho rằng bất cập ở đây chính là việc “không có quy định về giá chào bán cổ phiếu riêng lẻ” tại Điều 31 của Luật Chứng khoán năm 2019 nên các công ty đại chúng niêm yết được phép chào bán với giá chiết khấu rất cao so với thị giá đang giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung, miễn sao không thấp hơn mệnh giá cổ phiếu (10.000 đồng) để không phải đáp ứng điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ thấp hơn mệnh giá theo quy định tại Điều 17 và Điều 44 của Nghị định số 155/2020/NĐ/CP ngày 31/12/2020 của chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán. Dù biết rằng, pháp luật không nên can thiệp quá mức hoạt động quản trị của doanh nghiệp, nhưng câu hỏi đặt ra là: có hay không có việc thao túng hoạt động chào bán riêng lẻ để phục vụ lợi ích nhóm cổ đông lớn và lãnh đạo công ty như trường hợp lựa chọn chào bán cho chủ tịch Hội đồng quản trị, phó chủ tịch Hội đồng quản trị, phó Tổng Giám đốc và cổ đông lớn hiện hữu của DIx với giá chiết khấu cao? Câu trả lời là có thể có hoặc có thể không vì nhà đầu tư nhỏ lẻ không thể nào biết được, họ không phải là những người tham gia quản lý công ty. Nhưng chắc chắn một điều là những hành vi chào bán với giá quá thấp đã đi ngược lại với thông lệ bảo vệ tốt nhất cho nhà đầu tư nhỏ lẻ của công ty đại chúng niêm yết và đó cũng chính là điểm bất cập của pháp luật chứng khoán việt nam hiện hành khi chưa mang trạng thái của công ty đại chúng thoát ra khỏi công ty cổ phần hoặc công ty nội bộ. Kỹ thuật lập pháp chúng ta đang theo hướng Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyền lực cao nhất của công ty và có quyền quyết định mọi vấn đề, không cần cơ chế kiểm soát giới hạn trong vấn đề này, nhưng nó chỉ đúng ở công ty cổ phần/công ty nội bộ còn với tính chất của một công ty đại chúng niêm yết thì nó không hề phù hợp, không đảm bảo hài hoà lợi ích với nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường.
Trên thực tế, nhà đầu tư sẽ không bao giờ chấp nhận mua số lượng lớn cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 01 năm mà thị giá, thanh khoản cổ phiếu giao dịch đang giảm sâu và tình hình kinh doanh không có khả năng tăng trưởng trong tương lai nên việc mặc nhiên cho rằng họ chịu nhiều rủi ro nên cần chiết khấu giá bán là không khách quan. Ở chiều ngược lại, việc mua được một lượng lớn cổ phiếu riêng lẻ để có thể trở thành cổ đông lớn với mức giá chiết khấu là có lợi cho nhà đầu tư thay vì phải mua gom lượng lớn cổ phiếu trên sàn (đẩy giá lên cao). Vì vậy, tác giả kiến nghị bổ sung thêm quy định điều kiện chào bán giá thấp của công ty đại chúng niêm yết tại khoản 1 Điều 31 của Luật Chứng khoán năm 2019 như sau:
Giá chào bán cổ phiếu riêng lẻ không được thấp hơn giá giao dịch của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trong trường hợp chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược thì mức chiết khấu giá chào bán không được vượt quá 10%. Giá trị trường được xác định là trung bình giá tham chiếu của cổ phiếu trên sở giao dịch chứng khoán việt nam trong 30 ngày giao dịch liên tiếp liền trước ngày chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến hoặc họp đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành.
2.2. Hạn chế về đối tượng được chào bán liên quan đến cổ đông lớn và lãnh đạo công ty đại chúng niêm yết
Mục đích của việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ không chỉ là để tăng vốn hoạt động như các phương án tăng vốn điều lệ khác mà còn có ý nghĩa khác biệt trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược ngoài những cổ đông đang hiện hữu. Do đó, nên chăng cần phải cân nhắc vấn đề chào bán cho cổ đông lớn hiện hữu và lãnh đạo của công ty? Nếu mục đích của việc chào bán riêng lẻ chỉ để tăng vốn hoạt động thì công ty đại chúng niêm yết hoàn toàn có thể lựa chọn nhiều phương án huy động vốn khác như: chào bán cho cổ đông hiện hữu, chia cổ tức bằng cổ phiếu, trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi sẽ phù hợp hơn mà vẫn đảm bảo được tối đa quyền lợi của cổ đông hiện hữu, thay vì chỉ chào bán cổ phiếu riêng lẻ với giá chiết khấu cho cổ đông lớn và lãnh đạo công ty. Vậy nên, cần phải hạn chế đối tượng chào bán riêng lẻ đối với cổ đông lớn và lãnh đạo công ty trong trường hợp này để phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ trở thành động lực trong việc tìm kiếm nhà nhà đầu tư chiến lược thật sự nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty và cũng nhằm hạn chế thấp nhất khả năng lợi ích nhóm cổ đông trong việc thâu tóm công ty. Để kiểm soát vấn đề này và đảm bảo tính đại chúng ở mức cao nhất, tác giả kiến nghị tại Điều 31 của Luật Chứng khoán năm 2019 nên bổ sung thêm quy định:
Công ty đại chúng niêm yết không được chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông lớn và người giữ chức danh quản lý công ty quá 10% của một đợt chào bán.
2.3. Giới hạn về số lượng cổ phiếu được chào bán riêng lẻ và tăng thời gian giữa các đợt chào bán
Đa phần khi thực hiện phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, thì các công ty đại chúng niêm yết sẽ có chiết khấu về giá bán nếu chào bán với số lượng lớn cổ phiếu dẫn đến sự pha loãng giá trị cổ phiếu rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nếu để tình trạng không có quy định hạn chế về số lượng cổ phiếu của mỗi đợt chào bán riêng lẻ tiếp diễn như hiện nay thì khó tránh khỏi khả năng nhà đầu tư nhỏ lẻ tiếp tục bị thiệt hại trong tương lai, khi mà sự lạm dụng phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ ngày càng được các công ty đại chúng niêm yết ưa chuộng. Mặt khác, tại điểm d khoản 1 Điều 31 của Luật Chứng khoán hiện hành quy định các đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ cách nhau 06 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất cũng là chưa phù hợp vì 06 tháng là khoản thời gian quá ngắn để công ty có thể bố trí sử dụng hiệu quả hết nguồn vốn vừa phát hành và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho đợt chào bán kế tiếp. Xét từ góc độ tài chính, thì một cổ phiếu cần phải có thời gian để tích lũy nội lực để có thể phục hồi sau quá trình bị pha loãng bởi đợt chào bán trước đó, nên cần phải tránh trường hợp công ty phát hành số lượng lớn cổ phiếu mà mỗi đợt chỉ cách nhau 06 tháng. Từ đó, tác giả kiếm nghị nên sửa đổi, bổ sung quy định diểm d khoản 1 Điều 31 của Luật Chứng khoán năm 2019 như sau:
Các đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ không được vượt quá 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành và phải cách nhau 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất.
2.4. Cần có những chế tài phù hợp và nghiêm khắc điều chỉnh hoạt động công bố thông tin chào bán cổ phiếu riêng lẻ nhằm nâng cao tính minh bạch, chuẩn mực trong hoạt động quản trị công ty đại chúng niêm yết
Ngoài những điểm bất cập của quy định pháp luật nêu trên dẫn đến các hoạt động chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng gây bất lợi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán; thì nguyên nhân khác dẫn đến thực trạng này là do chế tài pháp luật hiện hành chưa phù hợp và thiếu sự nghiêm khắc. Đơn cử như trường hợp thay đổi nội dung phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ chỉ trong vài ngày đã gây xáo trộn tâm lý nhà đầu tư của DXx, gây thiệt hại rất lớn cho họ, nhất là những ai đã bán cổ phiếu DXx vào các phiên phiên giảm sàn và chứng kiến cổ phiếu mình vừa bán bất ngờ tăng trần sau khi thay đổi thông tin công bố (hai nghị quyết của hđqt gần như trái ngược nhau hoàn toàn). Thậm chí DXx đã không đưa ra được một lý do nào để giải thích hợp lý chó vấn đề này. Tuy nhiên, hành vi này lại không được định nghĩa một cách chính xác, cũng như chưa có bất kỳ quy định xử phạt nào được nêu trong Điều 8 và Điều 42 của Nghị định số 156/2020/NĐ/CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Tác giả cho rằng cần phải xem hành vi này là: “thay đổi phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ trong thời gian ngắn làm ảnh hưởng lớn đến giá trị và thanh khoản của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán” và bổ sung vào các quy định của nghị định nêu trên. Trường hợp chứng minh được các cá nhân, tổ chức liên quan có hành vi trục lợi từ thông tin chào bán cổ phiếu riêng lẻ thì cần phải xem các hành vi này là thao túng thị trường chứng khoán hoặc giao dịch nội gián để xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Phần kết luận
Chúng ta phải thừa nhận một cách không tranh cãi rằng định hướng quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất và đảm bảo hài hoà lợi ích của các cổ đông nhỏ lẻ là một phần của hành động mang đến sự phát triển bền vững cho các công ty đại chúng niêm yết trong tương lai. Nếu các hoạt động chào bán cổ phiếu riêng lẻ xuất phát từ mục tiêu thuần chiến lược của công ty và không gây ra những bất lợi cho cổ đông nhỏ lẻ sẽ được nhà đầu tư ủng hộ và củng cố thêm niềm tin vào cổ phiếu của công ty và thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển. Theo khuyến nghị của chuyên gia từ ngân hàng thế giới (WB) là nên sửa đổi và tăng cường các quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Cần phải thắt chặt các điều kiện phải đáp ứng khi chào bán riêng lẻ như là: quy định hạn chế chuyển nhượng chứng khoán chào bán riêng lẻ và hạn chế đối tượng tham gia đợt chào bán riêng lẻ. Do đó, để ngăn ngừa các hoạt động chào bán cổ phiếu riêng lẻ đi ngược lại với lợi ích của nhà đầu tư nhỏ lẻ, thiết nghĩ pháp luật chứng khoán nên được rà soát và hoàn thiện các nội dung về: (i) cần phải giới hạn giá, số lượng cổ phiếu và đối tượng được chào bán riêng lẻ; (ii) nghĩa vụ công bố và sử dụng thông tin; (iii) nâng cao chế tài đối với công ty và người quản lý khi xảy ra những sai phạm, thiếu minh bạch trong hoạt động chào bán; (iv) cần có cơ chế kiểm soát và chế tài chặt chẽ đối với các giao dịch nội gián, giao dịch thiếu công bằng liên quan đến hoạt động này.
Bên cạnh những kiến nghị nêu trên, thiết nghĩ cần phải có hiệp hội bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường chứng khoán việt nam và cho phép hiệp hội được quyền thay mặt nhà đầu tư để khởi kiện đối với các công ty đại chúng niêm yết có hành vi chào bán cổ phiếu riêng lẻ gây bất lợi làm thiệt hại cho nhà đầu tư nhỏ lẻ; nhằm đảm bảo tiếng nói chung và vai trò kiểm soát hoạt động quản trị của nhà đầu tư nhỏ lẻ một cách hiệu quả.
(1) https://www.gilimex.com/wp/content/uploads/2021/05/1./BBH/DHDCD/THUONG/NIEN/21052021/Final.pdf; https://cafef.vn/gilimex/gil/co/phieu/phan/ung/cuc/manh/truoc/thong/tin/phat/hanh/gia/re/chi/35000/dong/cp/ban/lanh/dao/noi/gi/20210525100715904.chn (2) https://vietnamfinance.vn/dic/corp/chao/ban/rieng/le/75/trieu/co/phieu/chu/yeu/danh/cho/ban/lanh/dao/va/co/dong/lon/20180504224253248.htm (3) https://ndh.vn/doanh/nghiep/chuyen/phat/hanh/o/dat/xanh/1293123.html . (4) Bản nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế Luật về Chứng khoán và Thị trường Chứng khoán (hồ sơ dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi) / Bộ Tài chính, tr15. |
Tài liệu tham khảo 1. Luật doanh nghiệp 2014; 2. Luật chứng khoán 2006 (sửa đổi, bổ sung 2010, 2018); 3. Luật chứng khoán 2019; 4. Luật doanh nghiệp 2020; 5. Nghị định số 155/2020/NĐ/CP ngày 31/12/2020 của chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật chứng khoán; 6. Nghị định số 156/2020/NĐ/CP ngày 31/12/2020 của chính phủ quy định định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; 7. Nghị định số 47/2021/NĐ/CP ngày 01/4/2021 của chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật doanh nghiệp; 8. Thông tư số 96/2020/TT/BTC ngày 16/11/2020 của bộ trưởng bộ tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán; 9. Thông tư số 118/2020/TT/BTC ngày 31/12/2020 của bộ trưởng bộ tài chính hướng dẫn một số nội dung về chào bán, phát hành chứng khoán, chào mua công khai, mua lại cổ phiếu, đăng ký công ty đại chúng và hủy tư cách công ty đại chúng; 10. Bộ tài chính, 2019. Bản nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán (thuộc hồ sơ dự thảo luật chứng khoán sửa đổi); 11. Phan Phương Nam, 2020. Pháp luật về chào bán trái phiếu riêng lẻ: bất cập và kiến nghị hoàn thiện. Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 21(421), tháng 11/2020; 12. Https://tapchitaichinh.vn/kinh/te/vi/mo/quy/dinh/phap/luat/ve/cong/ty/dai/chung/tai/mot/so/quoc/gia/va/viet/nam/142792.html, truy cập ngày 26/7/2023; 13. https://ndh.vn/doanh/nghiep/chuyen/phat/hanh/o/dat/xanh/1293123.html , truy cập ngày 25/7/2023; 14. Https://vneconomy.vn/novaland/chao/ban/7766/trieu/co/phieu/gia/59200/dong/co/phieu.htm, truy cập ngày 25/7/2023; 15. Https://baodautu.vn/phat/hanh/co/phan/rieng/le/doi/ben/cung/co/loi/d134329.html, <truy cập ngày 25/7/2023; 16. Https://cafef.vn/gilimex/gil/bat/ngo/trinh/phuong/an/chao/ban/rieng/le/168/trieu/co/phieu/voi/gia/35000/dong/cp/bang/nua/gia/thi/truong/20210521101116616.chn, truy cập ngày 26/7/2023; 17. Https://vietnamfinance.vn/dic/corp/chao/ban/rieng/le/75/trieu/co/phieu/chu/yeu/danh/cho/ban/lanh/dao/va/co/dong/lon/20180504224253248.htm,truy cập ngày 26/7/2023. |
ThS. QUÁCH MINH TRÍ
ThS. TRẦN MINH PHÁP
Công ty Luật TNHH Passio Lawyers
Cách xác định tuổi của người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015