Ảnh minh họa.
Thông thường, có thể căn cứ vào các giấy tờ, tài liệu như giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu, hộ chiếu. Tuy nhiên, thực tế thì không phải trường hợp nào cũng có đầy đủ các giấy tờ, tài liệu trên để làm căn cứ xác định chính xác độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại. Vì vậy, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải thống nhất cách xác định tuổi đối với người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi nhằm đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm.
Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đưa ra quy định về cách tính tuổi khác nhau giữa bị can, bị cáo và bị hại khi không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi. Nhưng đến khi BLTTHS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành thì đã có cách tính tuổi thống nhất đối với người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi.
Cụ thể, đối với trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của người bị buộc tội, người bị được xác định thông qua các cách tính:
- Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh;
- Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh;
- Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh;
- Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh (1).
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những trường hợp không xác định được năm sinh thì cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành giám định để xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại. Tuy vậy, kết quả giám định không đưa ra số tuổi cụ thể mà vẫn sẽ có sai số. Đối với kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ (2).
Ví dụ: Kết luận giám định K. có độ tuổi trong khoảng từ 13 tuổi 02 tháng đến 14 tuổi 02 tháng thì xác định tuổi của K. là 13 tuổi 02 tháng. Như vậy, theo quy định này, ngày sinh lấy làm căn cứ để xác định độ tuổi của người tham gia tố tụng sẽ là ngày sau cùng, tháng sau cùng, để họ có độ tuổi thấp nhất. Quy định này có điểm khác tương đối lớn so với quy định của BLTTHS 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hiện tại, quy định về cách tính tuổi này được ghi nhận tại Chương XXVIII, BLTTHS 2015 về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi. Như vậy, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể quy định về các tính tuổi đối với bị hại, người bị buộc tội từ đủ 18 tuổi trở lên.
Đối với các trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội mà các điều luật có quy định tình tiết định khung “phạm tội đối với người già yếu” hoặc trường hợp “người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” (tình tiết giảm nhẹ) hoặc “phạm tội đối với người từ đủ 70 tuổi trở lên” (tình tiết tăng nặng), thì việc xác định tuổi của họ chính là căn cứ để áp dụng các tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Không phải trong trường hợp cũng có thể xác định được chính xác ngày tháng năm sinh của họ thông qua các giấy tờ, tài liệu. Vì vậy, việc quy định cách tính tuổi đối với họ trong trường hợp là rất cần thiết nhằm đảm bảo sự đầy đủ, thống nhất trong quy định của pháp luật. Do BLTTHS năm 2015 chưa quy định cụ thể về cách tính tuổi đối với người bị buộc tội, bị hại từ đủ 18 tuổi trở lên dẫn đến gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Năm 2020, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã đưa ra hướng dẫn về cách tính tuổi đối với đối tượng này. Cụ thể, “người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên theo quy định tại điểm o, khoản 1, Điều 51, BLHS khi chỉ biết năm sinh, không xác định được ngày, tháng sinh theo cách lấy ngày đầu tiên, tháng đầu tiên (01/01) của năm sinh làm ngày tháng năm sinh của họ, đảm bảo theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội (3).Có thể thấy rằng, khi xác định tuổi như trên, người phạm tuổi sẽ được tính số tuổi là lớn nhất. Bởi khi áp dụng cách tính này thì họ sẽ càng có khả năng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Nhìn lại cách tính tuổi đối với người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi thì đây là hai cách tính hoàn toàn trái ngược nhau.
Từ những quy định của BLTTHS năm 2003, có hai cách tính tuổi riêng biệt cho hai đối tượng là người bị buộc tội và bị hại là người dưới 18 tuổi thì BLTTHS 2015 đã thống nhất cách tính tuổi cho cả hai đối tượng này. Tuy vậy, khi áp dụng chung một cách tính tuổi thì có những trường hợp sẽ không có lợi cho bị can, bị cáo, ví dụ như khi áp dụng cách tính này để tính tuổi cho bị hại, vì bị hại càng nhỏ tuổi thì mức độ trách nhiệm hình sự mà bị cáo phải chịu càng nghiêm trọng hơn.
Nhìn vào thực tiễn, cách tính tuổi của BLTTHS 2015 là phù hợp và cần được áp dụng thống nhất với tất cả những người tham gia tố tụng. Bởi nó đảm bảo tính thống nhất trong quy định về tố tụng. Mặt khác, quyền lợi của của các bên song hành cùng nhau, không thể vì có lợi cho một số người phạm tội mà đưa ra nhiều cách tính tuổi khác nhau, dẫn đến sự không công bằng với bị hại và những người tham gia tố tụng khác.
Tóm lại, khi không có căn cứ xác định chính xác tuổi của người tham gia tố tụng, chỉ biết năm sinh mà không biết ngày, tháng sinh thì cách tính tuổi của người từ đủ 18 tuổi trở lên cũng cần được áp dụng theo nguyên tắc giống với người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng. Cách tính tuổi này sẽ đảm bảo công bằng, mang tính thống nhất trong quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiến hành tố tụng trong quá trình áp dụng pháp luật, truy cứu trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt đối với người phạm tội.
(1) Khoản 2, Điều 417 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (2) Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 (3) Mục 13 – Tài liệu giải đáp về những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự năm 2020 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. |
Tài liệu tham khảo 1. Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017; 2. Bộ luật Tố tụng hình sự 2003; 3.Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; 4. Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân Tối cao: về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi. 5.Tài liệu giải đáp về những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự năm 2020 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. |
TRẦN DUY KHÁ
Tòa án Quân sự Quân khu 7
Tiếp tục hoàn thiện các quy định về 'Người bào chữa' trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015