Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, từ thực tiễn áp dụng BLTTHS năm 2015, chúng tôi nhận thấy nổi lên một số vướng mắc, bất cập liên quan đến hoạt động “bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự” cần phải sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn để bảo đảm cho hoạt động bình thường của người bào chữa, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam, của bị hại, đương sự cũng như việc áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng được thống nhất. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin nêu 05 vấn đề tồn tại xung quanh các quy định về bào chữa quy định tại Chương V, BLTTHS 2015.
Vấn đề thứ nhất: Về việc gửi văn bản thông báo bào chữa
Đăng ký bào chữa là thủ tục đầu tiên để người bào chữa tham gia tố tụng. Với văn bản thông báo người bào chữa, người bào chữa chính thức được tham gia tố tụng, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa theo quy định của pháp luật.
Thủ tục đăng ký bào chữa được quy định tại Điều 78, BLTTHS 2015 cũng như Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng CAND trong việc thực hiện các quy định của BLTTHS năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (Thông tư 46).
Theo quy định tại khoản 4, Điều 78, BLTTHS năm 2015 thì trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký bảo chữa, Cơ quan tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo bào chữa cho người đăng ký bảo chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản. Thông tư 46 cũng quy định thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký bào chữa được thực hiện theo quy định tại khoản 4, Điều 78, BLTTHS 2015. Ngoài quy định về thời hạn gửi văn bản thông báo bào chữa cho người đăng ký bào chữa, BLTTHS 2015 cũng như Thông tư 46 hoặc các Thông tư Liên tịch khác đều không có quy định chế tài đối với hành vi vi phạm thời hạn gửi văn bản thông báo bào chữa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thực tế, cơ quan tiến hành tố tụng – chủ yếu là Cơ quan điều tra- thường không thực hiện đúng quy định về thời hạn gửi thông báo; văn bản thông báo đăng ký bào chữa, khi tới tay Luật sư thường phải mất thời gian dài, có nhiều trường hợp mất đến vài tháng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của Luật sư trong hoạt động hành nghề và quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Ngoài ra, tình trạng này còn có nguyên nhân từ các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không tuân thủ nghiêm chỉnh quy định về thời hạn gửi văn bản thông báo đăng ký bào chữa; nguyên nhân từ phương thức gửi văn bản thông báo đăng ký bào chữa hiện nay chủ yếu là qua dịch vụ bưu chính mà chưa áp dụng các tiến bộ của công nghệ số...
Để khắc phục bất cập nói trên, chúng tôi đề xuất một số nội dung sau:
a) Bổ sung nguyên tắc áp dụng chế tài đối với người tiến hành tố tụng có hành vi vi phạm quy định về thời hạn gửi văn bản thông báo đăng ký bào chữa;
b) Ngoài văn bản giấy, cần bổ sung hình thức văn bản thông báo đăng ký bào chữa là các tệp dữ liệu điện tử;
c) Bên cạnh việc gửi văn bản (giấy) qua dịch vụ bưu chính, cần bổ sung thêm phương thức gửi văn bản qua mạng Internet, như gửi email hoặc các phương thức giao tiếp điện tử khác như Zalo, Mesenger, Viber… Việc đa dạng hóa hình thức văn bản và phương thức gửi văn bản không chỉ bảo đảm được thời hạn gửi văn bản quy định tại khoản 4 Điều 78 BLTTHS 2015 mà còn giúp cơ quan tiến hành tố tụng thuận tiện trong việc thống kê, tra cứu, theo dõi việc đăng ký bào chữa.
Vấn đề thứ hai: Về việc chấm dứt hoặc thay đổi người bào chữa
Theo quy định tại khoản 6, Điều 78, BLTTHS 2015 thì: “Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ các trường hợp:
a) Người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa;
b) Người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 76 của Bộ luật này từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa...”.
Theo quy định này thì trường hợp đã có văn bản thông báo người bào chữa nhưng xảy ra các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, khoản 6, Điều 78, BLTTHS 2015 nói trên thì văn bản thông báo người bào chữa sẽ không còn giá trị. Tuy nhiên, BLTTHS 2015 lại không có quy định khi xảy ra các trường hợp dẫn đến việc văn bản thông báo người bào chữa không còn giá trị thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xử lý như thế nào? Có cần ra văn bản thông báo hay không? Theo chúng tôi, trong trường hợp sau khi cấp văn bản thông báo người bào chữa mà người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa... thì cơ quan tiến hành tố tụng phải ra thông báo chấm dứt hoặc thông báo thay đổi người bào chữa.
Để khắc phục bất cập nói trên, chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 6, Điều 78, BLTTHS như sau:
“6. Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng. Trong các trường hợp sau đây thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ra thông báo chấm dứt hoặc thay đổi người bào chữa:
a) Người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa;
b) Người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 76 của Bộ luật này từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa...”.
Vấn đề thứ ba: Về thủ tục đăng ký hoặc cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
Chương V, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 gồm có 13 điều quy định về “bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự” nhưng dành đến 11 điều quy định về người bào chữa, chỉ có 02 điều quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Cụ thể là Điều 83, BLTTHS 2015 quy định về “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố” và Điều 84, BLTTHS 2015 quy định về “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự”. Nội dung của hai điều này chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhưng lại không quy định thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận (hoặc thông báo) người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Thiếu sót này dẫn đến việc các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng không thống nhất, có nơi thì áp dụng quy định “tương tự” về thủ tục như đối với trường hợp người bào chữa (quy định tại Điều 78, BLTTHS 2015) nhưng cũng có nơi lại đưa ra quy định riêng, nhiều trường hợp gây khó khăn cho các Luật sư đăng ký tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố hoặc của bị hại, đương sự.
Để khắc phục bất cập nói trên, chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung thêm khoản 5 vào các Điều 83, Điều 84, BLTTHS 2015. Cụ thể:
- Khoản 5, Điều 83, BLTTHS 2015 bổ sung: “Thủ tục đăng ký Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều 78, Bộ luật này”;
- Khoản 5, Điều 84, BLTTHS 2015 bổ sung: “Thủ tục đăng ký Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được thực hiện theo quy định tại Điều 78 Bộ luật này”.
Vấn đề thứ tư: Về việc người bào chữa tham gia các buổi hỏi cung, lấy lời khai
Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 73, BLTTHS 2015 thì người bào chữa có quyền: “Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can”.
Điều 11, Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an cũng quy định: “Cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc phải báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành tố tụng mà người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền tham gia tối thiểu 24 giờ đối với trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cư trú cùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc, 48 giờ đối với trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cư trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc trước ngày tiến hành hoạt động tố tụng. Trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhất trí với Điều tra viên, Cán bộ điều tra thời hạn sớm hơn thì việc thực hiện các hoạt động tố tụng được thực hiện theo thỏa thuận đó”.
Tuy nhiên, trên thực tế, Cơ quan tiến hành tố tụng ít khi chủ động thông báo cho người bào chữa tham dự các buổi hỏi cung, lấy lời khai, thậm chí có những vụ án người bào chữa có nhiều văn bản “đề nghị” cũng không được triệu tập để tham dự. Việc người bào chữa tham dự các buổi hỏi cung, lấy lời khai hiện nay thường được Cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện vào lúc vụ án đã chuẩn bị kết thúc điều tra. Đối với những vụ án người bào chữa tham dự các buổi hỏi cung, lấy lời khai thì thời gian thông báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành thường rất gấp, dẫn đến nhiều trường hợp người bào chữa không kịp sắp xếp thời gian để tham dự.
Thực trạng nói trên không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của Luật sư trong hoạt động hành nghề mà còn gây thiệt hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan thì thực trạng này còn có nguyên nhân từ việc BLTTHS 2015 không quy định về giá trị chứng cứ của những biên bản ghi lời khai khi không có sự tham gia của người bào chữa, cũng như không có quy định về chế tài đối với với hành vi vi phạm quyền “có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can” của người bào chữa.
Để khắc phục bất cập nói trên, chúng tôi đề xuất một số nội dung sau:
a) Bổ sung quy định về quyền tham gia các buổi hỏi cung, lấy lời khai theo hướng “Người bào chữa được tham gia tất cả các buổi hỏi cung, lấy lời khai kể từ thời điểm tham gia bào chữa. Những biên bản ghi lời khai kể từ thời điểm tham gia bào chữa nếu không có sự tham gia của người bào chữa thì không có giá trị chứng cứ”;
b) Bổ sung nguyên tắc áp dụng chế tài đối với người tiến hành tố tụng vi phạm quy định về việc để người bào chữa tham dự các buổi hỏi cung, lấy lời khai. Cụ thể, bổ sung thêm khoản 4 Điều 73 BLTTHS:
“4. Người tiến hành tố tụng có hành vi cản trở, hạn chế việc người bào chữa thực hiện các quyền quy định tại khoản 1. Điều này thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Vấn đề thứ năm: Về việc chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bảo vệ; người có nhược điểm về tâm thần
Điều 76, BLTTHS 2015 quy định các trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội nếu họ hoặc người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa. Trong số đối tượng được chỉ định người bào chữa này có “Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi”.
Tuy nhiên, BLTTHS 2015 lại không có quy định về việc chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bảo vệ; người có nhược điểm về tâm thần.
Đây là nhóm người có khó khăn về nhận thức, làm chủ hành vi, họ không chỉ bị thiệt hại về thể chất, tinh thần và tài sản mà hành vi phạm tội còn dễ bị tổn thương, bị tác động lớn đến tâm lý của họ về sau. Trong thực tiễn, không phải bị hại nào là người có nhược điểm về thể chất; người có nhược điểm về tâm thần cũng có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia tố tụng hay có điều kiện để nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích cho họ.
Để khắc phục bất cập nói trên, chúng tôi đề xuất một số nội dung sau:
Để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại là người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bảo vệ; người có nhược điểm về tâm thần, theo chúng tôi cần bổ sung thêm một điều khoản độc lập, quy định về việc chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bảo vệ; người có nhược điểm về tâm thần nếu họ hoặc người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bảo vệ (kết cấu và nội dung điều luật tương tự như Điều 76, BLTTHS 2015).
Thạc sĩ, Luật sư PHẠM THANH BÌNH
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Một số kiến nghị hoàn thiện tội 'Thao túng thị trường chứng khoán'