Mở đầu
Bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân; vì vậy, tiếp công dân được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Do vậy, thực hiện công tác tiếp công dân có hiệu quả chính là thể hiện tốt quan điểm “dân là gốc” của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân có ý nghĩa quan trọng hạn chế khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, kéo dài thông qua làm việc trực tiếp và tìm hiểu thông tin giữa công dân và người tiếp công dân.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về hoạt động tiếp công dân. Tuy nhiên, một số quy định pháp luật về tiếp công dân vẫn chưa đồng bộ, chưa phù hợp với việc thực hiện trên thực tế, chưa có quy định về một số tình huống hay phát sinh trên thực tế về hoạt động tiếp công dân.
Bài viết này tập trung phân tích một số bất cập trong pháp luật tiếp công dân để làm cơ sở đưa ra giải pháp hoàn thiện pháp luật tiếp công dân ở Việt Nam hiện nay.
Những bất cập trong quy định pháp luật về tiếp công dân
Thứ nhất, về đối tượng tiếp công dân.
Điều 4 Luật Tiếp công dân năm 2013 và Điều 2 Thông tư số 04/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân quy định các cơ quan đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tiếp công dân. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị không có chức năng quản lý Nhà nước hoặc có nhưng thực tế không phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nên khó khăn khi duy trì thực hiện tiếp công dân thường xuyên.
Bên cạnh đó, pháp luật tiếp công dân chưa có sự đồng nhất với Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo khi quy định về quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Ví dụ, Điều 7 Luật Tiếp công dân quy định người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh xuất trình giấy tờ ủy quyền (nếu có), tuy nhiên, Luật Tố cáo quy định người tố cáo không được ủy quyền tố cáo. Do vậy, việc quy định chung về quyền và nghĩa vụ của người được tiếp gây khó khăn khi triển khai thực hiện trên thực tế.
Thứ hai, chưa có sự đồng bộ trong quy định pháp luật tiếp công dân về hoạt động “tiếp công dân” và “giải quyết đơn thư”.
Ban Tiếp công dân huyện thực hiện tiếp nhận đơn và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật; đồng thời, Ban tiếp công dân huyện chỉ có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra huyện giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện kiểm tra, đôn đốc việc tiếp nhận đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các cơ quan có trách nhiệm giải quyết đơn mà không tham gia vào việc giải quyết vụ việc theo đơn. Theo đó, công dân gửi đơn tại Trụ sở Ban tiếp công dân, nhận kết quả xử lý đơn do Ban Tiếp công dân tham mưu xử lý, nhưng lại nhận kết quả giải quyết tại cơ quan được giao xem xét, giải quyết đơn. Điều này dẫn tới bất cập là trong quá trình giải quyết đơn, người tiếp công dân không thể trả lời cho công dân về việc giải quyết đơn đang được thực hiện ở giai đoạn nào, bao lâu thì có kết quả giải quyết.
Hoạt động tiếp công dân và giải quyết kiến nghị, phản ánh có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định về thời hạn, quy trình giải quyết kiến nghị, phản ánh. Điều này dẫn đến việc thời hạn giải quyết các vụ việc kiến nghị, phản ánh rất lâu, quy trình giải quyết không rõ ràng gây bức xúc cho người dân, từ đó, xuất hiện tình trạng người dân tiếp tục kiến nghị, phản ánh kéo dài, vượt cấp hoặc khiếu nại hành vi hành chính do chậm trễ giải quyết vụ việc, tố cáo cơ quan, đơn vị, cá nhân giải quyết vụ việc chậm trễ, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Thứ ba, pháp luật tiếp công dân chưa quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật tiếp công dân.
Pháp luật tiếp công dân chưa quy định chế tài xử lý với người lợi dụng quyền dân chủ, khiếu nại, tố cáo để kích động, xúi giục, lôi kéo người khác khiếu nại, tố cáo trái pháp luật, kiến nghị, phản ánh đông người, vượt cấp, gây rối trật tự công cộng tại địa phương; đặc biệt là các đoàn đông người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mà không cử người đại diện, gây mất an ninh, trật tự tại địa điểm tiếp công. Do chưa có cơ sở pháp lý cũng như các văn bản hướng dẫn thực hiện các biện pháp xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật tiếp công dân nên vẫn còn nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo trái pháp luật đã được cơ quan Nhà nước giải thích, giải quyết theo quy định nhưng vẫn tiếp tục kiến nghị, phản ánh kéo dài, vượt cấp, chưa thể giải quyết dứt điểm việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
Bên cạnh đó, pháp luật tiếp công dân chưa quy định chế tài xử lý đối với người tiếp công dân vi phạm pháp luật tiếp công dân. Do vậy, trên thực tế một số công chức, viên chức thực hiện tiếp công dân thường xuyên vi phạm pháp luật tiếp công dân mà cơ quan tiếp công dân không có chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm này. Điều này dẫn tới tình trạng nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chậm thời gian giải quyết, giải quyết không đúng quy định pháp luật dẫn đến bức xúc trong nhân dân. Một số người tiếp công dân có hành vi ứng xử, thái độ chưa phù hợp, việc hướng dẫn, giải thích chung chung, không rõ ràng trong quá trình tiếp công dân làm mất niềm tin công dân vào cơ quan giải quyết, dẫn tới việc đơn thư vượt cấp nhiều, phức tạp, tình hình an ninh xã hội tại địa phương không được ổn định.
Thứ tư, pháp luật về tiếp công dân và Luật Thanh tra chưa có sự thống nhất.
Vẫn còn chồng chéo trong việc xác định trách nhiệm về xử lý đơn giữa Ban Tiếp công dân huyện và Thanh tra huyện. Luật Thanh tra quy định Thanh tra huyện giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện quản lý Nhà nước về công tác tiếp công dân và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân mà theo Luật Tiếp công dân thì Ban tiếp công dân huyện tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và Ban Tiếp công dân huyện trực thuộc Văn phòng HĐND-UBND huyện.
Điều này dẫn tới việc tổ chức và hoạt động tiếp công dân tại Ủy ban nhân dân cấp huyện không thống nhất theo quy định pháp luật. Từ đó sẽ đặt ra vấn đề việc tổ chức và hoạt động tiếp công dân tại Ủy ban nhân dân huyện sẽ được thực hiện như thế nào? Do cơ quan nào thực hiện, theo dõi và báo cáo? Bên cạnh đó, thực tế cho thấy hiệu quả tiếp công dân sẽ giảm xuống nếu việc xử lý đơn của Ban Tiếp công dân huyện không gắn với công tắc theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn của Thanh tra huyện.
Một só giải pháp hoàn thiện pháp luật tiếp công dân
Thứ nhất, về đối tượng tiếp công dân.
Cần có quy định cụ thể về việc tiếp công dân của một số cơ quan, đơn vị không có chức năng quản lý Nhà nước hoặc có nhưng thực tế không phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nên khó khăn khi duy trì thực hiện tiếp công dân thường xuyên. Quy định pháp luật về tiếp công dân tại các cơ quan, đơn vị này cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản hóa hơn so với việc tiếp công dân tại các cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước hay phát sinh nhiều ý kiến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Theo đó, chỉ cần quy định tiếp công dân khi có công dân đến trình bày ý kiến của mình mà không cần phải cử người trực tiếp công dân hàng ngày trong thời gian làm việc của cơ quan, đơn vị. Người phụ trách tiếp công dân có thể là công chức, viên chức văn phòng tại cơ quan đó, hoặc trực tiếp lãnh đạo cơ quan, đơn vị đó là những người thường trực tại cơ quan, đơn vị thực hiện tiếp công dân nhằm đảm bảo việc tiếp công dân được kịp thời, đồng thời phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đó.
Pháp luật tiếp công dân cần có hướng dẫn, quy định cụ thể hơn việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản; phát huy cơ chế phản biện, cơ chế phối hợp và huy động hiệu quả các nguồn lực; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, pháp luật tiếp công dân cần hướng dẫn bổ sung quy định về trường hợp người có thẩm quyền tự mình rà soát, sửa đổi quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có sai sót nhằm kịp thời khắc phục sai sót, từ đó hạn chế việc khiếu nại, tố cáo của công dân. Nâng cao trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu có ý nghĩa quan trọng trọng việc bảo đảm hoạt động tiếp công dân được thực hiện đúng quy định, đồng thời góp phần hạn chế số lượng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân ngay từ cơ sở, từ đó giảm đơn thư vượt cấp.
Pháp luật tiếp công dân cần sửa đổi quy định về quyền, nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo hướng quy định riêng quyền, nghĩa vụ của người đến khiếu nại với người đến tố cáo và người đến kiến nghị, phản ánh để phù hợp với Luật Tố cáo và Luật Khiếu nại. Bởi bản chất, trình tự, thủ tục thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo là khác nhau, bên cạnh đó, pháp luật cũng chưa quy định về trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị, phản ánh. Nếu quy định chung chung về quyền và nghĩa của người được tiếp thì sẽ có vướng mắc khi thực hiện. Vì vậy, cần thiết để sửa đổi quy định về quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
Cần quy định cụ thể về số lượng, chuyên môn của người tiếp công dân thường trực tại Trụ sở Tiếp công dân cấp huyện. Bởi lẽ, thành viên Ban Tiếp công dân cấp huyện chủ yếu là công chức của các cơ quan chuyên môn và kiêm nhiệm công việc khác tại cơ quan chuyên môn mà Ban Tiếp công dân cấp huyện trực thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân cấp huyện. Do vậy, cần quy định ít nhất 01 công chức thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân cấp huyện là thành viên của Ban tiếp công dân cấp huyện thực hiện tiếp công dân thường trực tại Trụ sở Tiếp công dân nhằm đảm bảo thực hiện theo dõi, đôn đốc giải quyết đơn thư; tổng hợp, báo cáo kết quả tiếp công dân và xử lý đơn thư. Bên cạnh đó, cần quy định rõ về trình độ chuyên môn của người tiếp công dân thường xuyên để việc giải thích, hướng dẫn pháp luật được thực hiện có hiệu quả, nâng cao chất lượng tiếp công dân.
Thứ hai, giải pháp hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động tiếp công dân.
Cần có sự đồng bộ trong quy định pháp luật tiếp công dân về hoạt động “tiếp công dân” và “giải quyết đơn thư” theo hướng Ban Tiếp công dân cấp huyện thực hiện tiếp nhận đơn thư và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật; đồng thời, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc tiếp nhận đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các cơ quan có trách nhiệm giải quyết đơn. Bên cạnh đó, cũng cần quy định các cơ quan có trách nhiệm giải quyết đơn cần phải thông báo thường xuyên quá trình giải quyết đơn tới Ban Tiếp công dân để Ban Tiếp công dân có cơ sở giải thích, hướng dẫn pháp luật cho công dân được hiểu quả, nâng cao trách nhiệm giải quyết đơn thư của các cơ quan, đơn vị.
Cần quy định thống nhất về trách nhiệm tiếp công dân giữa pháp luật về tiếp công dân và Luật Thanh tra theo hướng sửa đổi, bổ sung Luật tiếp công dân năm 2013, cần tổ chức Ban tiếp công dân cấp huyện cho phù hợp với Luật thanh tra năm 2022. Khi Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực, cơ quan thanh tra cấp huyện sẽ chính thức thực hiện thêm một lĩnh vực là quản lý Nhà nước về tiếp công dân. Do vậy, nên phân công công chức chuyên trách thực hiện thường trực tiếp công dân là công chức thuộc Thanh tra huyện, giao Ban Tiếp công dân cấp huyện về Thanh tra huyện quản lý nhằm bảo đảm hiệu quả công tác theo dõi, đôn đốc giải quyết đơn thư; tổng hợp, báo cáo kết quả tiếp công dân và xử lý đơn thư theo quy định pháp luật. Có như vậy việc quản lý Nhà nước về công tác tiếp công dân sẽ dễ dàng, hiệu quả và mang lại hiệu quả cao khi thực hiện trên thực tế.
Pháp luật tiếp công dân cần sửa đổi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 26 Luật Tiếp công dân năm 2013: “Trường hợp khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật thì người tiếp công dân giải thích, hướng dẫn để người đến khiếu nại, tố cáo chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo và yêu cầu công dân chấm dứt việc khiếu nại, tố cáo” theo hướng người tiếp công dân thực hiện tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo đáp ứng điều kiện theo quy định mà không yêu cầu người tiếp công dân phải tiến hành xác minh xem khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết hay chưa trong quá trình tiếp công dân. Đồng thời, trong quá trình xử lý đơn, người tiếp công dân có trách nhiệm xác minh nội dung này và tham mưu văn bản hướng dẫn công dân dừng việc khiếu nại, tố cáo và chấp hành theo các quy định pháp luật, quyết định của các cơ quan hành chính Nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Pháp luật tiếp công dân cần sửa đổi, bổ sung quy định về địa điểm tiếp công dân theo hướng quy định cụ thể về các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác tiếp công dân nhằm tạo sự đồng bộ trong xây dựng địa điểm tiếp công dân, trụ sở Tiếp công dân trên cả nước. Đối với các cơ quan, đơn vị thực hiện công việc chuyên môn, hầu như không phát sinh người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có thể bố trí thực hiện tiếp công dân tại phòng họp của cơ quan, đơn vị đó nhưng vẫn phải đảm bảo bí mật thông tin của người tố cáo.
Pháp luật tiếp công dân cần bổ sung quy định về tiếp công dân trực tuyến. Nhà nước ta đang triển khai thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan Nhà nước. Chuyển đổi số có thể hiểu là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện mô hình quản lý truyền thống snag mô hình kỹ thuật số, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý hành chính Nhà nước. Do vậy, có thể nhận định rằng việc tiếp công dân trực tuyến là một xu thế trong thời kỳ chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu của người dân được trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình qua các nền tảng online mà không cần trực tiếp tới địa điểm tiếp công dân. Có thể nói thực hiện tiếp công dân trực tuyến là một hình thức cụ thể hóa việc “chuyển đổi số” trong hoạt động quản lý Nhà nước. Việc tiếp công dân trực tuyến được thực hiện tại địa điểm tiếp công dân, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép người tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân và người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tham gia tại địa điểm khác tương tác cùng nhau nhưng vẫn phải đảm bảo trực tiếp, quá trình tiếp công dân trực tuyến phải được ghi âm, ghi hình làm tài liệu lưu trữ phục vụ công tác theo dõi tình hình, tổng kết, báo cáo về tình hình tiếp công dân. Do vậy, cần thiết để ban hành quy định về tiếp công dân trực tiếp nhằm tạo hành lang pháp lý để triển khai tiếp công dân trực tuyến trên thực tế, giúp việc tiếp công dân trở nên thuận tiện, phù hợp với chuyển đổi số của nước ta hiện nay.
Thứ ba, giải pháp hoàn thiện pháp luật tiếp công dân về xử lý vi phạm trong hoạt động tiếp công dân.
Nhà nước đặt ra pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội và Nhà nước bảo đảm thực hiện pháp luật đó bằng quyền lực của mình. Theo đó, khi có hành vi vi phạm pháp luật, Nhà nước đặt ra các biện pháp xử lý các hành vi vi phạm đó. Đối với pháp luật tiếp công dân, khi có hành vi vi phạm tiếp công dân thì cũng cần có các biện pháp xử lý các hành vi đó nhằm đảm bảo thực hiện pháp luật tiếp công dân. Điều 6 Luật Tiếp công dân năm 2013 đã quy định vụ thể các hành vi bị cấm trong quá trình thực hiện tiếp công dân của người tiếp công dân. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 30 Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định: “Trường hợp những người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có hành vi kích động, gây rối trật tự hoặc đe dọa đối với người tiếp công dân, người thi hành công vụ thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc Trưởng ban tiếp công dân, người phụ trách địa điểm tiếp công dân phải kịp thời tăng cường người tiếp công dân; yêu cầu cơ quan công an hoặc cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời”. Có thể thấy rằng pháp luật tiếp công dân đã quy định tương đối cụ thể và rõ ràng đối với các hành vi bị cấm khi tiếp công dân của người tiếp công dân tại Điều 6 Luật Tiếp công dân năm 2013 và trường hợp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh vi phạm khoản 3, Điều 30 Luật Tiếp công dân năm 2013 nhưng lại không đưa ra phương thức, biện pháp xử lý các hành vi vi phạm đó.
Do vậy, cần thiết để đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo. Theo đó, quy định cụ thể về các hành vi vi phạm pháp luật tiếp công dân của người tiếp công dân và người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và mức xử phạt vi phạm hành chính tùy theo hành vi vi phạm đó nhằm đảm bảo quyền của cá chủ thể trong quan hệ pháp luật tiếp công dân; đồng thời có ý nghĩa giáo dục, răn đe với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm. Một số trường hợp công dân cố tình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh vượt cấp; lôi kéo đông người dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, gây mất tình hình an ninh trật tự tại địa điểm tiếp công dân; lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây khó dễ cho người tiếp công dân hay một số trường hợp người tiếp công dân sách nhiễu, gây phiền hà cho người được tiếp cần xử phạt để hạn chế các tình trạng nêu trên, từ đó bảo đảm hiệu quả thực hiện pháp luật tiếp công dân trên thực tế.
Thứ tư, hoàn thiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, khiến nghị, phản ánh luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Quy trình tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được quy định cụ thể tạo nên hành lang pháp lý vững chắc nhằm giúp các hoạt động này được triển khai thực hiện tốt trên thực tế. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa quy định về quy trình giải quyết kiến nghị, phản ánh của công dân.
Đây cũng là một trong những nguyên dân ảnh hưởng tới hiệu quả tiếp công dân bởi lẽ quy trình giải quyết đơn không thống nhất tại các cơ quan, đơn vị gây lúng túng trong quá trình giải quyết kiến nghị, phản ánh; thời hạn giải quyết kiến nghị, phản ánh không được quy định dẫn tới việc giải quyết kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Điều này đã dẫn tới tình trạng công dân khiến nghị, phản ảnh kéo dài hoặc chuyển khiếu nại, tố cáo cơ quan, cá nhân do thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị, phản ánh.
Vì vậy, cần thiết để ban hành quy định pháp luật về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo để các cơ quan, đơn vị thống nhất giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật, người dân có thể theo dõi quá trình giải quyết của mình, tránh việc kiến nghị, phản ánh kéo dài, vượt cấp.
Kết luận
Mặc dù pháp luật tiếp công dân đã có nhiều sự bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện hơn qua các văn bản hướng dẫn thi hành, tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, hạn chế trong quy định tiếp công dân. Trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật về tiếp công dân và nghiên cứu, tổng hợp những khó khăn vướng mặc trong thực tiễn thực hiện pháp luật tiếp công dân, tác giả đưa ra một số giải pháp hoàn thiện pháp luật tiếp công dân. Đồng thời, trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu, phát hiện những vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về tiếp công dân để có thể đưa ra những giải pháp kịp thời nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập đó, từ đó nâng cao hiệu quả tiếp công dân trên thực tế.
Thực hiện tốt công tác tiếp công dân nhằm giúp Đảng và Nhà nước ta kịp thời tiếp nhận được các thông tin phản ánh về các quy định chưa phù hợp với thực tiễn. Đây là cơ sở để Đảng và Nhà nước ta bổ sung, điều chỉnh các quy định nhằm phù hợp với thực tiễn, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Hoạt động tiếp công dân thực sự trở thành cầu nối để Đảng và Nhà nước ta gần dân, giúp nâng cao niềm tin của nhân dân đối với công tác quản lý mọi mặt của đời sống xã hội.
Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội (2011), Luật Khiếu nại;
2. Quốc hội (2013), Luật Tiếp công dân;
3. Quốc hội (2018), Luật Tố cáo;
4. Quốc hội (2022), Luật Thanh tra;
5. TS. Nguyễn Thị Tố Uyên và TS. Bùi Mạnh Cường sưu tầm và tuyển chọn (2013), Cuốn sách Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia;
6. Thạc sỹ Nguyễn Thị Hồng (2020), Một số giải pháp nâng cao chất lượng tiếp công dân theo Luật Tiếp công dân năm 2013, Tạp chí Khoa học Kiểm sát số chuyên đề 04 (43)/2020.