Ảnh minh họa.
Trong bài viết này, tác giả đi sâu phân hiệu lực của hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; đồng thời, nêu ra những bất cập của pháp luật hiện hành về hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Từ thực trạng đó, tác giả đã đề xuất một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về hiệu lực của hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
1. Hiệu lực của hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Gia đình là nền tảng của xã hội và khi một chế độ về gia đình phù hợp và vững mạnh sẽ là nền tảng để thúc đẩy xã hội vươn lên tốt đẹp. Xét về mặt pháp lý, gia đình là một tổ hợp các quan hệ pháp luật có nguồn gốc từ hôn nhân và quy tắc pháp luật. Quan hệ pháp luật trong lĩnh vực gia đình có hai loại gắn kết với nhau khó có thể tách bạch hoàn toàn về phương diện xử lý các tranh chấp. Đó là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã thừa nhận chế độ tài sản vợ chồng đa nguồn gốc và đa hướng, trong đó có tài sản riêng của vợ, chồng. Đồng thời với việc xác lập nền tảng đó, Luật này cũng có quy định về trường hợp có thể xảy ra trong đời sống vợ chồng - đó là trường hợp họ cùng nhau thỏa thuận chia tài sản chung của mình để biến chúng thành tài sản riêng của vợ, chồng. Đây là một bước tiến bộ đáp ứng các yêu cầu của một xã hội hiện đại, văn minh, mà trong đó lợi ích của con cái, lợi ích chung của gia đình và giải phóng phụ nữ được chú trọng. Tuy nhiên, các quy định về hợp đồng này trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 vẫn có nhiều bất cập và thiếu đầy đủ, chưa xem xét tới những đặc thù của hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, cũng như tính hệ thống của pháp luật trong những tranh luận pháp lý về hiệu lực của loại hợp đồng này.
Hiện nay, nhiều luật gia Việt Nam khi nói tới hiệu lực của hợp đồng là chỉ đề cập đến điều kiện, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng và hợp đồng vô hiệu, mà ít khi nói tới nội dung hiệu lực của hợp đồng[1]. Tác giả Vũ Văn Mẫu viết về phạm vi hiệu lực của hợp đồng như sau: “1. Người thụ trái bị khế ước thúc buộc tới mức nào? Đây là vấn đề hiệu lực thúc buộc của nghĩa vụ. 2. Khế ước phải giải thích như thế nào? 3. Ai có thể xin thi hành nghĩa vụ và ai phải thi hành? Nói một cách khác, ai là những người bị nghĩa vụ thúc buộc? Đây là vấn đề hiệu lực tương đối của nghĩa vụ”[2]. Theo quan niệm này, hiệu lực của nghĩa vụ hẹp hơn so với hiệu lực của hợp đồng, nên khi nghiên cứu hiệu lực của nghĩa vụ, người nghiên cứu chỉ cần xác định ai bị nghĩa vụ thúc buộc phải thi hành. Còn hợp đồng là một căn cứ làm phát sinh ra nghĩa vụ, nên cần phải hiểu hợp đồng có hay không phát sinh ra nghĩa vụ và nghĩa vụ đó là nghĩa vụ gì. Vì vậy, về phương diện hiệu lực, thì khái niệm hiệu lực của hợp đồng rộng hơn khái niệm hiệu lực của nghĩa vụ.
Có lẽ, xuất phát từ các câu hỏi nghiên cứu chung về nội dung hiệu lực của hợp đồng là hợp đồng ràng buộc ai, ràng buộc cái gì và ràng buộc như thế nào[3], tác giả Ngô Huy Cương chia khái niệm hiệu lực của hợp đồng thành hai loại rộng và hẹp khác nhau, đồng thời, nghiên cứu rộng về hiệu lực của hợp đồng phải bao quát các vấn đề như thi hành các hợp đồng, giải thích cho ý chí của các bên tham gia quan hệ hợp đồng và kiềm chế hoặc bảo đảm cho việc biểu lộ ý chí. Còn nghiên cứu hiệu lực của hợp đồng theo nghĩa hẹp phải bao trùm vấn đề thi hành các hợp đồng và giải thích cho ý chí của các bên tham gia quan hệ hợp đồng[4].
Về nguyên tắc, hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân chỉ có hiệu lực khi hôn nhân có hiệu lực, tức là hiệu lực của hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có hiệu lực phụ thuộc. Diễn giải pháp luật dưới các chế độ cũ ở Việt Nam, tác giả Trần Văn Liêm nói: “Sự vô hiệu của hôn thú dẫn theo nhiều hậu quả, mà trong đó có hậu quả là các thỏa ước về tài sản do hai vợ chồng thảo ra để quy định chế độ tài sản đều vô hiệu. Các sự tặng dữ của đệ tam nhân cho hai vợ chồng sẽ bị hủy bỏ; các sự tặng dữ giữa hai vợ chồng với nhau cũng vậy”[5]. Có thể hiểu đơn giản rằng, nếu không có hôn nhân, thì không thể có quan hệ vợ chồng, không thể có tài sản chung vợ chồng, do vậy, không thể có hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Lập luận này không bàn tới hôn nhân đó là hôn nhân hợp pháp hay hôn nhân thực tế. Nếu pháp luật thừa nhận để giải quyết hậu quả của hôn nhân thực tế, thì về thực chất, pháp luật đã cho phép có tài sản chung và có sự chia chác tài sản chung đó. Việc thừa nhận hôn nhân thực tế để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ đó không ngoài mục đích bảo vệ cho người thứ ba (trong đó có cả con) và lợi ích chính đáng của các bên. Vì vậy, các quy định liên quan của pháp luật cũng phải được áp dụng một cách thích hợp trong những trường hợp cụ thể.
Hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có hiệu lực ràng buộc với cả vợ và chồng. Kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng này, cả vợ và chồng chấm dứt quan hệ đồng sở hữu đối với toàn bộ hoặc một phần khối tài sản chung mà hợp đồng đem ra chia. Nếu hợp đồng chia tài sản cho vợ và cho chồng thì phần tài sản được chia thuộc quyền sở hữu riêng của vợ và thuộc quyền sở hữu riêng của chồng, tức là, kể từ thời điểm đó, vợ hay chồng có toàn quyền quyết định đối với khối tài sản được chia, tuy nhiên, còn phụ thuộc vào quy chế pháp lý đối với từng tài sản cụ thể được phân chia.
Trong khoa học pháp lý, nghĩa vụ có ba loại đối tượng chủ yếu là chuyển giao tài sản, làm một công việc hay không làm một công việc nào đó[6]. Hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là loại hợp đồng làm phát sinh ra nghĩa vụ chuyển giao tài sản. Nhưng vấn đề cần phải xác định trong nghĩa vụ theo hợp đồng này là: Ai là người có nghĩa vụ và ai là người có quyền yêu cầu, bởi nghĩa vụ là mối quan hệ pháp lý giữa một bên có quyền yêu cầu và một bên có nghĩa vụ. Khi không xác định được các chủ thể của quyền và chủ thể của nghĩa vụ như trên, thì không thể xác định được sự ràng buộc của nghĩa vụ. Hợp đồng này cũng có thể xếp vào loại hợp đồng có nghĩa vụ chuyển giao vật, nhưng có nhiều điểm đặc trưng so với những loại hợp đồng khác cũng có nghĩa vụ chuyển giao vật kể cả có đền bù hay không có đền bù.
Trước hết, hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân khác với hợp đồng tặng cho, bởi hợp đồng tặng cho được thiết lập giữa người tặng và người được tặng, mà hai người này có lợi ích trái ngược. Bên tặng cho chịu thiệt để làm lợi cho bên được tặng và không nhận lại được một lợi ích nào. Hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân cũng khác với hợp đồng mua bán. Tác giả Nguyễn Ngọc Điện phân tích hiệu lực của hợp đồng mua bán như sau: “Nghĩa vụ của người bán được xếp thành hai nhóm tương ứng với hai giai đoạn thực hiện hợp đồng: (i) Giai đoạn bán, người bán có nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu, nghĩa vụ giao vật và nghĩa vụ cung cấp thông tin và hướng dẫn cách sử dụng; (ii) Giai đoạn sau khi bán, người bán có nghĩa vụ bảo đảm sự an toàn của người mua trong việc sử dụng tài sản, nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu của người mua đối với tài sản mua, nghĩa vụ bảo đảm chất lượng của tài sản mua bán và nghĩa vụ bảo hành”[7]. Điều này không phù hợp trong mối quan hệ pháp luật phân chia tài sản chung vợ chồng và dẫn đến các bất cập đi từ quy định của pháp luật hiện hành.
2. Những bất cập của pháp luật hiện hành về hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Xây dựng nền kinh tế thị trường, xã hội đã có những thay đổi, đòi hỏi một chế độ hôn sản thích hợp khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thừa nhận chế độ tài sản riêng của vợ, chồng. Hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân xuất hiện. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có các quy định về loại hợp đồng này, tuy nhiên, còn nhiều bất cập. Qua nghiên cứu lịch sử cũng như pháp luật về hôn nhân gia đình, thì pháp luật về hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có những bất cập chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, nền tảng pháp lý chủ yếu để xây dựng chế định hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là chế định ly thân không được chấp nhận đưa vào Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Vì vậy, mục đích tồn tại của hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và các quy định liên quan trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 bị thiếu sót và rời rạc.
Thứ hai, hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thiếu sự gắn kết với các quy định khác về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2015, làm cho các quy định pháp luật về hợp đồng thiếu tính hệ thống. Không chỉ vậy, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thiếu nhiều quy định liên quan tới hiệu lực của hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, nhất là các quy định về sự vô hiệu của hợp đồng, nội dung hiệu lực của hợp đồng.
Thứ ba, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân với thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn.
Những bất cập của pháp luật về vấn đề này xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau:
Một là, do chúng ta đang thiếu những nghiên cứu cơ bản về tài sản, chế độ hôn sản trong nền kinh tế thị trường, đồng thời, thiếu những nghiên cứu hữu ích về lịch sử và tổng kết kinh nghiệm liên quan tới hôn nhân, gia đình và hôn sản.
Hai là, Việt Nam vẫn theo quan điểm tách Luật Hôn nhân và gia đình ra khỏi luật dân sự, nên đã pháp điển hóa riêng rẽ các luật này. Trong khi Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nền tảng pháp lý cho tất cả các luật trong hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự theo nghĩa rộng, thì Bộ luật này lại thông qua sau Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 một năm. Vì vậy, tính thứ bậc, trên dưới và tính hệ thống, thống nhất chưa thực sự hợp lý.
Ba là, Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện nay chưa tiếp thu được tối đa những truyền thống của người Việt Nam, nhất là trong việc gắn các quy định về hôn sản với các quan hệ về nhân thân trong gia đình.
3. Khuyến nghị hoàn thiện pháp luật về hiệu lực của hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và phát triển kinh tế tư nhân, chế độ về gia đình cần sự thay đổi thích hợp. Bản thân các quan hệ gia đình đã bị thay đổi nhiều bởi các tác động xã hội, dẫn tới lĩnh vực pháp luật hôn nhân và gia đình cần sự thay đổi. Mỗi người trong quan hệ vợ chồng có quyền tự do nghề nghiệp, tự do phấn đấu cho sự tiến bộ của bản thân và để tránh những trục lợi trong quan hệ hôn nhân, thừa nhận quyền của cá nhân đối với tài sản riêng đã đòi hỏi pháp luật về hôn nhân và gia đình phải cải cách theo hướng thừa nhận chế độ tài sản riêng của vợ, chồng. Trong cuốn sách nói về khát vọng Việt Nam đến năm 2035 biên soạn bởi Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã xác định: “Một xã hội hiện đại, sáng tạo và dân chủ với vai trò làm động lực thúc đẩy phát triển trong tương lai. Trọng tâm là hình thành một môi trường mở và tự do để khuyến khích mọi công dân học hỏi và sáng tạo. Mọi người dân được đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển và được tự do theo đuổi nghề nghiệp, đồng thời phải hoàn thành trách nhiệm của mình mà không coi nhẹ lợi ích của dân tộc và cộng đồng”[8].
Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nhằm tới việc củng cố cho một xã hội văn minh, hiện đại, sáng tạo. Với sự cần thiết như vậy, việc hoàn thiện pháp luật phải theo các định hướng sau đây:
Thứ nhất, cần gắn gia đình với xã hội và bảo đảm cho sự phát triển xã hội bằng sự ổn định từ trong gia đình. Định hướng này đòi hỏi phải nghiên cứu thấu đáo về mặt pháp lý, trước hết bằng biện pháp bảo đảm để việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không ảnh hưởng tới sự ổn định của gia đình.
Thứ hai, bảo đảm tính hệ thống của pháp luật nhưng không thể bỏ qua các đặc thù. Định hướng này đòi hỏi cần cân nhắc kỹ lưỡng mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành để bảo đảm việc xây dựng các quy định trên nền tảng chung nhưng cũng phải bảo đảm tính đặc thù của hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Việc bảo đảm tính hệ thống trong các quy định liên quan tới hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân cần phải xét rộng trên bình diện của hệ thống pháp luật. Có hai hướng lựa chọn: (i) Tiếp cận truyền thống xem Luật Hôn nhân và gia đình không phải là ngành luật riêng biệt, mà là một chế định của luật dân sự; (ii) Vẫn giữ quan niệm Luật Hôn nhân và gia đình là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật. Theo hướng thứ nhất, đưa hầu hết các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành vào Bộ luật Dân sự và chỉ cần chú ý tới sự đồng nhất của các quy định khi sửa đổi hay bổ sung Bộ luật Dân sự hiện hành hay xây dựng mới. Theo hướng thứ hai, vấn đề xây dựng luật phức tạp hơn vì phải xây dựng hai đạo luật, nhưng phải dung hòa được các quy định của hai đạo luật đó.
Hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được xác định là một chế định của Luật Hôn nhân và gia đình, tuy nhiên, đó không phải là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật và dù có là một ngành luật độc lập với nhiều đặc thù, thì chúng ta cũng phải nhận thấy rằng, pháp luật điều chỉnh hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có nền tảng là luật dân sự bởi nó là một căn cứ làm phát sinh ra quan hệ pháp luật. Hơn nữa, đối tượng của hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là một khối tài sản mà trong đó có thể có nhiều dạng tài sản khác nhau phụ thuộc vào các quy chế pháp lý khác nhau (ví dụ như cổ phần, tiền gửi ngân hàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ...). Vì vậy, khi hoàn thiện pháp luật về hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân cần phải bảo đảm sự phù hợp với quy định của cả các đạo luật khác như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2020…
Khi nói tới hoàn thiện pháp luật về hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là nói tới tất cả các quy định pháp luật có liên quan ở bất cứ đạo luật nào. Trong sự hoàn thiện này cần phân tách rõ ràng quy định nào nên được xếp vào đạo luật nào. Tuy nhiên, trong Bộ luật Dân sự khi quy định chung về hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân cần dẫn chiếu đến các luật chuyên ngành liên quan tới các đặc thù của loại hợp đồng này. Quan niệm đơn thuần về chế độ hôn sản chỉ liên quan tới vật quyền và không có ý niệm về sản nghiệp cần phải căn chỉnh lại để hướng tới vấn đề hoàn thiện pháp luật về hôn nhân và gia đình nói chung và pháp luật về hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nói riêng. Cần đưa ra khái niệm chế độ hôn sản, theo đó có thể quy định: Chế độ hôn sản là tổng thể các vấn đề pháp lý liên quan tới tài sản của các thành viên trong gia đình, sự chuyển dịch tài sản giữa các thành viên gia đình với nhau, nghĩa vụ về tài sản của các thành viên của gia đình gắn với quan hệ nhân thân trong đời sống gia đình phát sinh từ việc chung sống của các thành viên trong gia đình với nhau, và liên quan tới các trách nhiệm về tài sản đối với các sự kiện gây thiệt hại bởi thành viên gia đình đối với người khác.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không sử dụng thuật ngữ “hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân”, mà chỉ khẳng định vợ và chồng có quyền thỏa thuận việc chia chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (Điều 38). Thỏa thuận này chính là hợp đồng bởi nó là sự thống nhất ý chí giữa các bên nhằm làm phát sinh ra, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ về tài sản ở một mức độ nào đó của các bên này cũng như những người có liên quan (nếu có). Tuy nhiên, nếu không sử dụng thuật ngữ hợp đồng sẽ thiếu đi sự xác định rành mạch và dứt khoát về hiệu lực của loại hợp đồng này và đôi khi không thấy hết mối liên hệ của nó với các quy định pháp luật nền tảng về hợp đồng. Vì vậy, kiến nghị bổ sung định nghĩa hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, chế định ly thân để tạo nên nền tảng pháp lý áp dụng trong thực tiễn. Theo đó có thể định nghĩa: Hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là sự thỏa thuận giữa vợ và chồng về tài sản chung của họ khi họ còn đang chung sống hoặc khi họ ly thân, mà theo đó toàn bộ hoặc một phần của khối tài sản chung đó được chia cho vợ và cho chồng, hoặc chia cho vợ hoặc chồng, hoặc chia cho người khác sở hữu riêng trong khi vợ và chồng vẫn còn giữ quan hệ vợ chồng ít nhất về mặt hình thức pháp lý.
Định nghĩa này khi được bổ sung cần kèm theo các quy định liên quan tới các đặc điểm của loại hợp đồng này, vì việc xác định các đặc điểm của loại hợp đồng này cho chúng ta thấy cần giải thích cho loại hợp đồng này ra sao, quy chế pháp lý liên quan tới hiệu lực của nó như thế nào. Các đặc điểm của hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là hợp đồng trọng hình thức; là hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba trong trường hợp người thứ ba được chia tài sản từ khối tài sản chung của vợ chồng (ví dụ trong hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân trong đó có quy định tất cả hoa lợi, hoặc lợi tức hoặc một phần hoa lợi hoặc lợi tức phát sinh từ tài sản được chia của một bên hoặc cả hai bên dành cho con đang học tập ở nước ngoài); là hợp đồng phụ thuộc vào quy chế pháp lý điều chỉnh từng loại tài sản cụ thể đem chia. Ngoài ra, còn một số đặc điểm khác mang tính học thuật như đặc điểm hợp đồng làm phát sinh quan hệ đối nhân, hay biểu lộ ý chí đồng hướng thì có thể được giải thích trong những trường hợp tranh chấp cụ thể. Việc đưa ra định nghĩa trên có liên quan tới nguyên nhân mục đích của hợp đồng trong trường hợp vợ chồng ly thân. Vì vậy, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cần bổ sung chế định ly thân để tạo nên nền tảng pháp lý thực sự trong một số trường hợp cho hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Cuối cùng, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không có quy định liên quan tới lừa dối hay bạo lực và ảnh hưởng xấu tới nghĩa vụ cấp dưỡng trong gia đình là vô hiệu tuyệt đối. Do tính chất đặc biệt liên quan tới hiệu lực đối với người thứ ba của hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân mà gây ảnh hưởng tới quyền lợi của những người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng thì hợp đồng bị xem là vô hiệu tuyệt đối. Việc quy định vô hiệu tuyệt đối hữu ích ở chỗ bất kỳ ai có lợi ích liên quan đều có thể nại ra sự vô hiệu, Tòa án có thể tự nại ra sự vô hiệu và không áp dụng thời hiệu đối với việc tuyên vô hiệu đó.
[1]. Ngô Huy Cương (2018), “Sự phân biệt giữa luật công và luật tư” (tr. 21 - 39), Đồng bộ hóa luật tư ở Việt Nam hiện nay, Nguyễn Mạnh Thắng chủ biên, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội. [2]. Vũ Văn Mẫu (1963), Việt Nam Dân Luật lược khảo, Quyển II - Nghĩa vụ và khế ước, Phần thứ nhất - Nguồn gốc của nghĩa vụ, In lần thứ nhất, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, tr. 242. [3]. Vũ Văn Mẫu (1970), Luật Gia đình lược giảng, Đại học Sài Gòn, Sài Gòn. [4]. Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình luật hợp đồng phần chung (Dùng cho đào tạo sau đại học), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 366. [5]. Trần Văn Liêm (1974), Dân luật, Quyển II, Luật gia đình, Đại học Luật khoa Sài Gòn, tr. 85. [6]. Vũ Văn Mẫu (1963), Việt Nam Dân Luật lược khảo, Quyển II - Nghĩa vụ và khế ước, Phần thứ nhất - Nguồn gốc của nghĩa vụ, In lần thứ nhất, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, tr. 14. [7]. Nguyễn Ngọc Điện (2001), Bình luận các hợp đồng thông dụng trong luật dân sự Việt Nam, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr. 122. [8]. Ngân hàng Thế giới & Bộ Kế hoạch - Đầu tư (2016), Việt Nam 2035 - Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ - Báo cáo tổng quan, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. |
VŨ THỊ THANH HUYỀN
Khoa Luật, Đại học Lao động - Xã hội Hà Nội