1. Quy định pháp luật đối với xe ô tô nói chung
Hiện nay, pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt (viết tắt là “TTĐB”) với tiêu chuẩn phương tiện giao thông đường bộ (ô tô) có sự không thống nhất: Theo pháp luật thuế TTĐB có quy định đối tượng chịu thuế là “xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng”, trong khi Tiêu chuẩn TCVN 7271: 2003 không có khái niệm, không có phân loại “xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng”. Bên cạnh đó, 02 đặc điểm nhận diện của “xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng” quy định tại pháp luật thuế TTĐB không chỉ được mô tả tại 01 kiểu ô tô, mà còn được mô tả ở nhiều kiểu loại ô tô khác như ô tô PICK UP cabin kép chở người và VAN chở người, ô tô tải thông dụng; ô tô PICK UP chở hàng cabin kép; ô tô tải VAN (ô tô tải thùng kín có khoang chở hàng liền khối với khoang người ngồi) và Xe chở hàng loại khác (ứng với xe chở tiền) của TCVN 7271: 2003.
- Các loại ô tô này theo TCVN có mục đích sử dụng chính hoàn toàn khác nhau, xe chở người là chính (ô tô chở người) và xe chở hàng là chính (ô tô tải) nhưng theo mô tả của luật thuế TTĐB chúng đều có chung các đặc tính (đặc tính chung là: 2 hàng ghế, có vách ngăn và đặc biệt xe nào cũng đồng thời chở cả người và cả hàng chỉ khác tỷ lệ tải hàng/tải người khác nhau, tải người tính bằng số chỗ nhân với 65 kg, tải hàng do nhà sản xuất thiết kế quy định). Vì vậy, muốn phân loại theo mục đích vừa chở người, vừa chở hàng (một loại ô tô nằm giữa ô tô chở người và ô tô chở hàng) thì bắt buộc phải dựa vào tỷ lệ tải trọng người/tải trọng hàng và những khái niệm hiện có trong tiêu chuẩn TCVN 7271: 2003 để phân biệt. Ví dụ có thể định nghĩa trong các quy định của thuế như sau: “ô tô vừa chở người, vừa chở hàng là loại ô tô chở người hoặc ô tô tải có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng, có tỷ lệ tải trọng người/tải trọng hàng nằm trong giới hạn từ 1.25-1.8 theo tiêu chuẩn quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định”. Nếu các văn bản quy phạm pháp luật về thuế có quy định rõ ràng như ví dụ trên thì các khái niệm trong các quy định của các ngành nghề khác vẫn giữ nguyên, và giải quyết được vấn đề mâu thuẫn, dễ gây nhầm lẫn như các phân tích ở trên.
2. Vướng mắc pháp lý đối với dòng xe ô tô chở tiền
Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7271: 2003, ô tô chở tiền thuộc danh mục ô tô chở hàng khác (ôtô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở hàng). Sở dĩ, có sự phân loại này là bởi vì ban đầu xe chở tiền chủ yếu được sản xuất trên khung xe cơ sở là xe tải thông dụng. Đối tượng sử dụng chính là Ngân hàng nhà nước Việt Nam, có nhu cầu chuyên chở số lượng tiền mặt lớn. Nhưng trên thực tế theo nhu cầu thị trường, sau này xe chở tiền được sản xuất từ 3 loại xe cơ sở khác nhau như mô tả dưới đây:
Một là, xe ô tô chở tiền hay xe ô tô thiết kế chở tiền là loại xe ô tô được lắp đặt thêm két sắt và một số thiết bị báo động, báo cháy theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Các loại xe cơ sở để sản xuất xe chở tiền ở Việt Nam hiện nay gồm 3 loại: xe ô tô tải; xe ô tô pick up chở hàng và Van chở hàng (xe vừa chở người vừa chở hàng hay gọi là xe bán tải);xe ô tô con loại dưới 9 chỗ (xe con).
Hai là, xe chở tiền sản xuất từ xe ô tô tải và xe bán tải chở được nhiều hàng hóa hơn (tải trọng và khoang chở hàng lớn) có giá thành rẻ hơn lên mục đích sử dụng chính là chở tiền, chứng từ, tài sản có giá trong hoạt động của Ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Xe này có tải trọng lớn (trên 600 kg) và chở tiền (coi như một loại hàng) là chính.
Ba là, xe chở tiền sản xuất từ xe con dưới 9 chỗ (thường là loại SUV 7 chỗ) bằng cách tháo 2 hàng ghế cuối kết hợp cốp sau xe tạo khoang chở hàng, làm thêm vách ngăn giữa khoang lái và khoang chở hàng, đặt thêm két tiền kích thước nhỏ vào khoang chở hàng. Xe này có tải trọng rất thấp (dưới 300kg) và chở người là chính (chở được từ 5-6 người).
Thực tế ở Việt Nam hiện nay, xe chở tiền sản xuất trên nền xe con chiếm số lượng lớn và được sử dụng chính trong hệ thống ngân hàng thương mại, xe chở tiền trên nền xe tải và xe bán tải chiếm số lượng nhỏ hơn được ngân hàng nhà nước sử dụng là chính.
Đối chiếu tiêu chuẩn và nghiên cứu nhận định của các cơ quan quản lý nhà nước thì: Thứ nhất, xe chở tiền không phải là ô tô chuyên dụng vì: nó không được xếp loại vào mục 3 của TCVN 7271: 2003 và không phù hợp định nghĩa xe chuyên dùng tại Thông tư 91/2015/TT-BGTVT. Cho đến nay, Bộ Tài chính chưa có bất cứ hướng dẫn nào xếp xe chở tiền là xe chuyên dụng không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mà chỉ có Công văn số 65/BTC-CST ngày 03/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn xe chở tiền vẫn thuộc loại chịu thuế TTĐB nên nó không phải là loại hàng hóa không chịu thuế theo quy định của khoản 4 Điều 3 Luật Thuế TTĐB; Thứ hai, đối với xe chở tiền sản xuất từ xe ô tô tải, xe ô tô Pick up và ô tô VAN thì các cơ quan tài chính và kỹ thuật đều thống nhất phân loại là xe chở hàng (hoặc vừa chở người và chở hàng) từ trước đến nay mà không có sự thay đổi; Thứ ba, riêng đối với xe chở tiền sản xuất từ xe ô tô con thì có thể hiểu là có sự thay đổi về việc phân loại (tương đối rõ ở quy định về kỹ thuật), cụ thể như sau:
- Trước thời điểm 08/11/2010 khi chưa sửa TCVN 7271: 2003 thì xe con chở tiền được phân loại là xe van chở hàng hoặc xe chở hàng loại khác (nó có hình dạng, cấu tạo của van chở hàng khi đó không xét yêu cầu về tải trọng và diện tích khoang chở hàng).
- Từ sau thời điểm 08/11/2010 sau khi có Quyết định số 2431/QĐ-BKHCN sửa TCVN 7271: 2003 thì xe con chở tiền được hiểu như sau: Theo quy định về kỹ thuật thì từ 8/11/2010 cho đến nay: xe con chở tiền không đạt các tiêu chí về tải trọng nên nó phải quay về phân loại là xe chở người. Theo quy định về thuế thì trước ngày 01/01/2016 (là ngày Nghị định số 108/NĐ-CP hướng dẫn thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực) không dẫn chiếu đến quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ về tải trọng và diện tích khoang chở hàng của xe con chở tiền thì theo hướng dẫn của Công văn số 65/BTC-CST ngày 03/01/2013, xe con chở tiền là xe vừa chở người, vừa chở hàng.
- Nhưng sau ngày 01/01/2016, tất cả cách phân loại xe (kể cả theo cách hiểu để tính thuế) được dẫn chiếu về quy định của TCVN do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành thì xe con chở tiền không đạt tiêu chuẩn tải trọng, có kết cấu trang bị chở người là chính lên sẽ là loại xe con chở người dưới 9 chỗ.
Hiện nay, việc nhận định xe chở tiền sản xuất trên nền xe con là xe chở người còn được các cơ quan khác xác định như sau: Cơ quan đăng kiểm khi cấp chứng nhận kiểm định, không quy định niên hạn sử dụng đối với các xe này (xe tải, xe Pickup, xe Van chở hàng có niên hạn sử dụng). Cơ quan công an khi cấp biển kiểm soát cho xe con chở tiền cũng là xe chở người (biển số xe tải và bán tải sau mã số định danh tỉnh bắt đầu bằng các chữ cái C và D, xe con chở tiền không mang biển C và D).
Luật gia, Tiến sĩ Trần Minh Sơn.
3. Bất hợp lý trong việc kê khai và nộp thuế với các loại xe chở tiền hiện nay
Trước thời điểm có hướng dẫn của Công văn số 65/BTC-CST ngày 03/01/2013 của Bộ Tài chính, việc kê khai và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe chở tiền (chủ yếu là loại sản xuất từ xe con) không thống nhất, cơ bản là các nhà nhập khẩu kê khai và nộp thuế ở mức 0%. Sau thời điểm 03/01/2013 có hướng dẫn của Công văn 65/BTC-CST của Bộ Tài chính, việc kê khai nộp thuế đối với các loại xe chở tiền sản xuất trên nền xe con và xe bán tải (pick up và Van) là 15% (áp dụng cho xe vừa chở người vừa chở hàng thuế suất quy định mục 4d Điều 7 Luật Thuế TTĐB), xe chở tiền sản xuất trên nền xe tải là 0%.
Khi kê khai lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở tiền, thực tế cho thấy có địa phương tính là xe chở người, có địa phương tính là xe tải và có địa phương tính là xe bán tải. Tức là cơ quan thuế địa phương cũng lúng túng khi xác định xe ô tô chở tiền thuộc loại xe nào. Mặc dù luật thuế trước bạ không có khái niệm xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng và có dẫn chiếu đến các khái niệm xe pick up và xe Van tương đồng với TCVN7271.
Ngoài ra, việc đánh đồng 2 loại xe trên vào một loại vừa chở người, vừa chở hàng để nộp thuế ở mức thuế suất điểm 4d Điều 7 Luật Thuế TTĐB sẽ gây ra hệ lụy nghiêm trọng như sau:
Thứ nhất, làm giảm hiệu lực pháp lý, tính nhất quán, công bằng của các văn bản quy phạm pháp luật. Cùng một loại hàng hóa xe chở tiền sản xuất trên nền xe con, có đơn vị nhập khẩu tự đối chiếu tính năng của hàng hóa với TCVN 7271: 2003, phân loại đúng và tuân thủ pháp luật khi khai báo thuế thì áp dụng thuế suất điểm 4a Điều 7 Luật Thuế TTĐB, có những đơn vị hiểu sai hoặc cố tình không đối chiếu, cố tình khai báo thuế ở mức thuế suất thấp là điểm 4d Điều 7 Luật Thuế TTĐB thậm chí là kê khai dạng xe tải chở hàng loại khác để trốn hoàn toàn thuế TTĐB. Dẫn đến việc áp dụng, tuân thủ luật pháp không nhất quán, tùy tiện làm giảm hiệu lực, hiệu quả pháp luật, gây sự mất công bằng giữa các doanh nghiệp nhập khẩu, tạo kẽ hở cho các hoạt động trốn thuế vi phạm pháp luật.
Thứ hai, Luật Thuế TTĐB nhằm điều tiết sử dụng (kể cả trong sản xuất và tiêu dùng, không phân biệt người sử dụng) những mặt hàng đắt tiền, xa xỉ không cần thiết hoặc gây hại. Nhưng với việc nộp thuế xe chở tiền sản xuất trên nền xe con và xe bán tải (pick up và VAN) như nhau, dẫn đến người sản xuất và người tiêu dùng ưu tiên sử dụng xe con (hàng xa xỉ, có nhiều chức năng để chở người) để sản xuất xe chở tiền thay vì dùng xe bán tải (thiết thực và phù hợp chức năng chở hàng). Hơn nữa, vì phải nộp thuế TTĐB thấp nên giá thành xe con chở tiền thấp hơn xe con thông thường, trong khi xe chở tiền loại này có mẫu mã, tiện nghi không khác gì xe con chở người nên người sử dụng lạm dụng xe chở tiền vào các mục đích không phải là chở tiền (hàng) mà là chở người là chính, đây cũng là một hình thức lãng phí nguồn lực xã hội.
Thứ ba, xe chở tiền sản xuất trên nền xe con có số lượng tiêu thụ hàng năm tương đối lớn (khoảng 1000 xe/năm). Trước đây đối tượng sử dụng chủ yếu là hệ thống ngân hàng do nhà nước là chủ sở hữu, thuế TTĐB với xe chở tiền không có ý nghĩa nhiều trong việc thu ngân sách. Nhưng nay, đối tượng sử dụng phần lớn là hàng trăm ngân hàng cổ phần thương mại, tổ chức tín dụng thuộc đủ mọi thành phần kinh tế, các đối tượng này là những đơn vị kinh doanh có lãi, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ thuế và đóng góp cho xã hội. Chênh lệch giữa hai dòng thuế suất là khá lớn (30-45%), nếu kê khai và nộp đúng sẽ giúp hệ thống ngân hàng đóng góp thêm nguồn lực cho xã hội, giúp nhà nước thu đúng, thu đủ ngân sách và sử dụng ngân sách để hỗ trợ những thành phần yếu thế hơn trong xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh tăng cao, nguồn thu ngân sách giảm, quá nhiều ngành nghề khác cần hỗ trợ. Nếu kê khai, nộp thuế sai nhà nước bị thất thu thuế, thậm chí nguồn tiền này chảy vào túi các nhà nhập khẩu hoặc các nhà sản xuất nước ngoài không giúp gì cho phát triển kinh tế đất nước.
Thứ tư, nếu việc kê khai, nộp thuế không đúng này tồn tại như một tiền lệ xấu, tạo kẽ hở để các đơn vị nhập khẩu đặt hàng sản xuất các loại xe vừa chở hàng, vừa chở người khác có kết cấu tương tự (có 5 chỗ ngồi, có vách ngăn khoang chở người và chở hàng nhưng không đạt chuẩn quy định, cụ thể là diện tích và tải trọng rất nhỏ, chỉ để làm hình thức) rồi khai báo thành các xe chở chứng từ có giá (chứng chỉ góp vốn, giấy tờ nhà đất..), chở vàng bạc kim cương, chở thư tín, chở điện thoại di động đắt tiền… để lách thuế, tuồn ra thị trường đủ mọi thành phần kinh tế sử dụng như một xe chở người. Theo lẽ công bằng, Ngân hàng là một ngành nghề kinh doanh như các ngành nghề kinh doanh khác như bảo vệ, vận chuyển, bưu chính, vàng bạc, kinh doanh điện thoại, bất động sản họ cũng có nhu cầu chuyển chở các hàng hóa, chứng từ có giá trị cao, Ngân hàng có quyền có xe ô tô chở hàng loại khác (ô tô chở tiền) thì các ngành nghề khác cũng có quyền có xe chở hàng loại khác theo đặc thù hàng hóa của họ (vàng bạc, đá quý, ấn chỉ in sẵn, thư tín, điện thoại di động) và chịu mức thuế TTĐB như xe chở tiền. Khi đó nhà nước có nguy cơ bị thất thu thuế và việc điều tiết sử dụng hàng hóa đắt tiền, xa xỉ, không cần thiết sẽ không có hiệu quả trên diện rộng.
Thứ năm, gây bất công giữa đơn vị sản xuất hàng hóa trong nước với đơn vị kinh doanh hàng nhập khẩu, trợ giá cho hàng nhập khẩu và làm tăng giá hàng sản xuất trong nước, đi ngược với chủ trương hỗ trợ sản xuất trong nước của chính phủ. Xe chở tiền sản xuất trong nước sử dụng xe thương mại (nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước) là nguyên liệu đầu vào là xe ô tô con để sản xuất xe chở tiền, mà xe ô tô con đã nộp thuế TTĐB ở mức cao (50-60%), hiện nay chưa có cơ chế hoàn thuế TTĐB nên phải tính vào giá thành sản xuất, kết quả là xe trong nước có giá sản xuất cao hơn nhập khẩu vì phải chịu thuế cao hơn. Trong khi xe nhập khẩu chỉ kê khai và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với xe vừa chở người vừa chở hàng ở mức thấp (15%-25%). Vì vậy, cho đến nay xe con chở tiền chỉ có xe nhập khẩu là chính, xe chở tiền sản xuất trong nước đã có nhưng chủ yếu sản xuất trên nền xe tải và bán tải (Pick up và VAN). Lợi dụng kẽ hở pháp luật này, Các nhà sản xuất mở xưởng đóng xe chở tiền trên nền xe con ở nước ngoài (Thái lan, Indonexia) rồi nhập khẩu về Việt Nam, vừa đem công ăn việc làm, lợi nhuận ra nước ngoài vừa không đáp ứng được nhu cầu kịp thời, nhỏ lẻ của người sử dụng (vì hàng nhập khẩu phải đặt hàng với số lượng đủ lớn và thời gian tối thiểu 6 tháng). Trên thực tế không có xe chở tiền nhập khẩu đóng trên nền xe tải và bán tải (Pick up và Van) mà chỉ có xe chở tiền nhập khẩu đóng trên xe con, điều này càng chứng tỏ sự không rõ ràng của chính sách thuế đã bị lợi dụng, doanh nghiệp trong nước đủ sức sản xuất xe chở tiền nhưng buộc phải làm những phân khúc rẻ tiền, nhường phân khúc đắt tiền, số lượng lớn cho hàng ngoại nhập.
4. Kiến nghị và đề xuất giải pháp khắc phục
Để luật pháp được áp dụng nhất quán cho cùng một đối tượng và trên mọi lĩnh vực (kỹ thuật, tài chính), giúp các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước hiểu đúng và áp dụng đúng pháp luật, tránh tình trạng lợi dụng quy định pháp luật không rõ, dẫn đến tình trạng: thất thu ngân sách nhà nước,cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hàng nhập khẩu mà bóp nghẹt hàng sản xuất trong nước, nhất là trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế xã hội hiện nay, đề nghị:
Thứ nhất, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có văn bản hướng dẫn phân loại cụ thể các xe chở tiền hoặc chở các mặt hàng chuyên dụng khác (vàng bạc, thư tín…) được sản xuất, hoán cải trên nền 3 loại xe: i) xe con chở người; ii) xe pick up và Van chở hàng; iii) Xe tải thông dụng tương ứng là 3 loại xe: i) van chở người; ii) xe Pick up và Van chở hàng; iii) Xe chở hàng khác.
Thứ hai, Bộ Tài chính cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về xe vừa chở người vừa chở hàng quy định trong Luật Thuế TTĐB là “loại ô tô chở người hoặc ô tô tải có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng, có tỷ lệ tải trọng người/tải trọng hàng nằm trong giới hạn từ 1.25-1.8 theo tiêu chuẩn quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định”. Có văn bản hướng dẫn việc khấu trừ, hoàn thuế TTĐB đối với các loại hàng hóa mà có hàng hóa đầu vào chịu thuế suất TTĐB cao hơn thuế xuất đầu ra, tương tự như cơ chế khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng hiện nay.
Thứ ba, Tổng cục Hải quan cần hướng dẫn, cảnh báo các đơn vị nhập khẩu nghiêm túc tự đối chiếu đặc tính kỹ thuật của xe nhập khẩu với tiêu chuẩn quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành để xác định loại xe của mình có đủ điều kiện được nộp thuế theo quy định mục 4d, 4g Điều 7 Luật Thuế TTĐB hay không? Đối với những loại xe khai báo và nộp thuế theo mục 4d, 4g Điều 7 Luật Thuế TTĐB cần tăng cường hậu kiểm, tập trung kiểm tra tải trọng và diện tích khoang chở hàng có đạt tiêu chuẩn không? trừng phạt nghiêm minh và công khai những đối tượng gian lận cố tình nhập về các loại xe vừa chở người, vừa chở hàng trá hình (chở người là chính, chở hàng chỉ là hình thức) nộp thuế ở mức thấp nhưng tiêu thụ, sử dụng là xe con chở người.
Luật gia, Tiến sĩ TRẦN MINH SƠN
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Thái Bình Dương (PIAC)
Biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp: Bất cập và đề xuất hoàn thiện