/ Kết nối
/ Hoạt động chứng thực trong bối cảnh chuyển đổi số từ thực tiễn UBND phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP. Hà Nội

Hoạt động chứng thực trong bối cảnh chuyển đổi số từ thực tiễn UBND phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP. Hà Nội

13/03/2025 18:43 |1 tháng trước

(LSVN) - Hoạt động chứng thực là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức, đảm bảo tính pháp lý trong các giao dịch hành chính, dân sự. Trong bối cảnh chuyển đổi số, Uỷ ban nhân dân (UBND) phường Ngọc Lâm, quận Long Biên tích cực triển khai chứng thực điện tử nhằm đơn giản hóa thủ tục, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cũng gặp khó khăn như lỗi kỹ thuật, phần mềm và hạn chế trong tiếp cận của người dân, đặc biệt là người cao tuổi. Do đó, nghiên cứu về hoạt động chứng thực trong chuyển đổi số tại UBND phường Ngọc Lâm có ý nghĩa quan trọng trong việc đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực tiễn.

Đặt vấn đề

Hoạt động chứng thực đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, giúp đảm bảo tính pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế và hành chính. Các loại giấy tờ như căn cước công dân, hộ khẩu, giấy phép lái xe, bằng cấp, hợp đồng… thường chỉ được cấp một bản chính thức, trong khi nhu cầu sử dụng chúng nhiều lần là rất lớn. Vì vậy, chứng thực bản sao, xác nhận chữ ký và hợp đồng là nhu cầu thiết yếu đối với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Nhận thức rõ điều này, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện quy trình chứng thực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Hiện nay, Nhà nước đang tích cực thúc đẩy cải cách toàn diện nền hành chính theo hướng minh bạch, hiện đại và hiệu quả nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Trong đó, cải cách tư pháp được xem là nhiệm vụ trọng tâm, với cải cách hoạt động chứng thực là một phần quan trọng trong tiến trình này. Việc đổi mới hoạt động chứng thực nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về chứng thực. Để đáp ứng nhu cầu chứng thực ngày càng gia tăng, Nhà nước đã không ngừng sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này như Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ: Quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ: Quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; Nghị định 07/2025/NĐ-CP quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; Công văn số 1520/HTQTCT-CT: Hướng dẫn việc xác nhận Sơ yếu Lý lịch. Các văn bản này đã chi tiết hóa các thủ tục chứng thực, tạo điều kiện thuận lợi cho người làm công tác chứng thực và công dân trong thực hiện. 

Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chứng thực ngày càng được đẩy mạnh, đặc biệt là chứng thực điện tử qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tại UBND phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, hoạt động chứng thực được triển khai đồng bộ, giúp đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn như lỗi kỹ thuật, hạn chế trong tiếp cận công nghệ của một bộ phận người dân. Do đó, việc nghiên cứu thực tiễn hoạt động chứng thực tại UBND phường Ngọc Lâm trong bối cảnh chuyển đổi số là cần thiết để đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Thực trạng chứng thực tại UBND phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP. Hà Nội

Tình hình hoạt động chứng thực tại UBND phường Ngọc Lâm, quận Long Biên

Ngay từ khi Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, UBND phường đã ban hành các văn bản để thi hành Nghị định; Định kỳ hàng năm, UBND phường đều ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch công tác Tư pháp, cụ thể: Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 07/4/2015 về thực hiện Nghị định số 23/NĐ-CP; Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 15/2/2016 về triển khai công tác Tư pháp năm 2016; Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 17/01/2017 về trọng tâm nhiệm vụ công tác Tư pháp năm 2017; Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 23/01/2018 về trọng tâm nhiệm vụ công tác Tư pháp năm 2018; Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 29/01/2019 về trọng tâm nhiệm vụ công tác Tư pháp năm 2019; Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 31/01/2020 về trọng tâm nhiệm vụ công tác Tư pháp năm 2020; Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 14/01/2021 về trọng tâm nhiệm vụ công tác Tư pháp năm 2021. (Nguồn: UBND phường Ngọc Lâm)

UBND phường Ngọc Lâm đã có những bước triển khai cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chứng thực tại địa phương. Phường đã phân công một công chức Tư pháp – Hộ tịch trực tiếp tiếp nhận và giải quyết hồ sơ chứng thực tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo quá trình xử lý diễn ra nhanh chóng, chính xác. Bên cạnh đó, UBND phường cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị như máy tính, máy in, máy photocopy…nhằm hỗ trợ tối đa cho hoạt động chứng thực, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Song song với đó, UBND phường đã quán triệt và chỉ đạo các bộ phận chuyên môn thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực trong thủ tục hành chính, góp phần giảm bớt phiền hà cho người dân. Công tác quản lý sổ chứng thực được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo tính khoa học và thuận tiện trong tra cứu hồ sơ. Hàng tháng, sổ chứng thực được kết xuất, chốt sổ, in và lưu trữ theo đúng quy định; hồ sơ chứng thực chữ ký cũng được bảo quản đầy đủ, đáp ứng tiêu chuẩn ISO.

Đặc biệt, UBND phường thực hiện nghiêm túc quy định về thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực. 100% số phí thu được đều nộp vào ngân sách Nhà nước, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ các quy định pháp luật. Những biện pháp trên không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chứng thực mà còn thúc đẩy quá trình cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục liên quan.

Về công tác thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia: Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của các cấp, UBND quận Long Biên đã ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 07/01/2021 của UBND thành phố Hà Nội; Quyết định số 1287/QĐ-UBND ngày 07/3/2024 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của phòng Tư pháp cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội tới phòng Tư pháp quận và UBND 14 phường ( trong đó có UBND phường Ngọc Lâm). UBND phường đã hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp trong việc đăng ký tài khoản và thực hiện dịch vụ công tại Bộ phận một cửa phường, tại các tổ dân phố bằng nhiều hình thức như: Hỗ trợ trực tiếp; hỗ trợ qua các nhóm zalo hỗ trợ; thành lập các đội hỗ trợ người dân tại tổ dân phố. Đồng thời, UBND quận Long Biên rà soát, cung cấp đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hạ tầng mạng, các thiết bị cần thiết để thực hiện dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Thay mới các trang thiết bị đã cũ, không thể đáp ứng được nghiệp vụ chứng thực điện tử cho các cán bộ, công chức được phân công nhiệm vụ thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên địa bàn quận. Trong đó, tại Bộ phận một cửa UBND phường Ngọc Lâm được trang bị 04 máy tính; 02 máy Scan; 01 máy in đảm bảo thuận tiện cho người dân thực hiện việc chứng thực điện tử hoặc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Kết quả đạt được trong hoạt động chứng thực tại UBND phường Ngọc Lâm

Bảng 2.1. Tổng hợp kết quả cấp bản sao từ sổ gốc tại UBND phường.

NămCấp bản sao từ sổ gốc (Bản)Cấp bản sao điện tử từ sổ gốc (Bản)
20225.8400
20235.790100
20244.380638

Nguồn: Phòng Tư pháp UBND phường Ngọc Lâm.

Bảng 2.1 trên đã phản ánh kết quả cấp bản sao từ sổ gốc tại UBND phường Ngọc Lâm trong giai đoạn 2022 - 2024, bao gồm hai hình thức: cấp bản sao giấy và cấp bản sao điện tử. Dữ liệu cho thấy xu hướng giảm dần của việc cấp bản sao giấy, trong khi cấp bản sao điện tử lại có sự gia tăng rõ rệt.

Qua nghiên cứu số liệu có thể thấy, số lượng bản sao giấy từ sổ gốc giảm dần qua từng năm, từ 5.840 bản năm 2022 xuống 5.790 bản năm 2023 và chỉ còn 4.380 bản vào năm 2024. Điều này có thể phản ánh sự chuyển dịch dần sang phương thức điện tử hoặc tác động từ các biện pháp cải cách hành chính giúp tối ưu hóa quy trình cấp bản sao.

Năm 2022, UBND phường Ngọc Lâm chưa triển khai dịch vụ cấp bản sao điện tử từ sổ gốc, thể hiện qua số liệu bằng 0 trong bảng thống kê. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc hệ thống dịch vụ công trực tuyến chưa được hoàn thiện để hỗ trợ chứng thực điện tử, đồng thời, các quy định pháp lý và hướng dẫn thực hiện chưa được ban hành đầy đủ để áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Trước năm 2023, việc chứng thực chủ yếu vẫn dựa vào phương thức truyền thống là cấp bản sao giấy từ sổ gốc tại UBND cấp xã, phường theo Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Dù Nghị định số 45/2020/NĐ-CP đã đặt nền móng cho việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, nhưng quá trình triển khai cần có thời gian để hoàn thiện hệ thống kỹ thuật, đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin đủ điều kiện vận hành ổn định.Việc thực hiện cấp bản sao điện tử từ sổ gốc bắt đầu được triển khai vào năm 2023 với 100 bản và tăng mạnh lên 638 bản vào năm 2024. Sự gia tăng đáng kể này cho thấy hiệu quả của quá trình chuyển đổi số trong thủ tục hành chính cũng như sự thay đổi trong thói quen của người dân khi dần tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Tuy nhiên, dù số lượng bản sao điện tử đang tăng lên, bản sao giấy vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chứng tỏ người dân vẫn có thói quen sử dụng bản giấy hoặc chưa tiếp cận đầy đủ với dịch vụ chứng thực điện tử. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của bản sao điện tử, đồng thời cải tiến quy trình để đảm bảo thuận tiện, dễ dàng hơn cho người dân. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng cần được nghiên cứu và áp dụng nhằm giảm sự phụ thuộc vào bản giấy, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính.

Nguồn: Phòng Tư pháp UBND phường Ngọc Lâm.

 Nguồn: Phòng Tư pháp UBND phường Ngọc Lâm.

Dựa vào bảng tổng hợp kết quả chứng thực tại UBND phường Ngọc Lâm giai đoạn 2022-2024, có thể thấy rõ xu hướng thay đổi trong hoạt động chứng thực. Số lượng chứng thực bản sao (bản giấy) có xu hướng giảm dần qua các năm, từ 25.351 bản vào năm 2022 xuống còn 24.319 bản vào năm 2023 và giảm mạnh xuống 14.163 bản vào năm 2024. Điều này có thể phản ánh sự gia tăng của các dịch vụ chứng thực điện tử hoặc sự thay đổi trong nhu cầu sử dụng bản sao giấy. Trong khi đó, số lượng chứng thực chữ ký có sự biến động nhẹ, tăng từ 1.758 việc vào năm 2022 lên 1.922 việc vào năm 2023, sau đó giảm nhẹ xuống còn 1.804 việc vào năm 2024, cho thấy mức độ ổn định trong nhu cầu chứng thực loại hình này.

Đáng chú ý, chứng thực hợp đồng, giao dịch không được thực hiện tại cấp phường trong cả ba năm, có thể do người dân chủ yếu thực hiện các giao dịch này tại phòng công chứng nhà nước hoặc văn phòng công chứng tư nhân. Bởi lẽ, căn cứ Khoản 4 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Điều này có nghĩa là việc chứng thực tại UBND cấp xã/phường chỉ xác nhận về mặt hình thức, bao gồm thời gian, địa điểm ký kết, năng lực hành vi dân sự, sự tự nguyện và chữ ký của các bên, chứ không đảm bảo tính hợp pháp của nội dung hợp đồng, giao dịch. Trong khi đó, công chứng tại Phòng công chứng nhà nước hoặc Văn phòng công chứng tư nhân không chỉ xác nhận những yếu tố trên mà còn kiểm tra tính hợp pháp của nội dung hợp đồng, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, người dân thường lựa chọn công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng thay vì chứng thực tại cấp xã, phường.

Tuy nhiên, sự thay đổi đáng kể nhất là ở lĩnh vực chứng thực điện tử. Nếu như năm 2022 chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào thì đến năm 2023 đã có 150 bản được chứng thực điện tử. Đặc biệt, con số này tăng mạnh lên 2.012 bản vào năm 2024, cho thấy sự chuyển đổi số đang dần phát huy hiệu quả và được người dân tiếp nhận nhiều hơn. Có thể thấy, chứng thực điện tử dù là thực hiện thông qua hình thức trực tuyến, tuy nhiên vẫn là do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm bảo thực hiện, có giá trị pháp lý. Đồng thời, theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 45/2020/NĐ-CP thì các thủ tục hành chính được thực hiện, thao tác, tiến hành trên môi trường điện tử cũng có giá trị pháp lý như các hình thức thủ tục hành chính khác theo quy định pháp luật. Cụ thể, khoản 3 Điều 10 Nghị định 45/2020/NĐ-CP quy định Bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính dạng văn bản giấy theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nhìn chung, hoạt động chứng thực tại UBND phường Ngọc Lâm đang có sự dịch chuyển từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ số. Sự gia tăng nhanh chóng của chứng thực điện tử phản ánh những nỗ lực trong cải thiện hạ tầng công nghệ, nâng cao hiệu quả dịch vụ công và thúc đẩy thói quen sử dụng dịch vụ trực tuyến của người dân. Tuy nhiên, sự sụt giảm của chứng thực bản sao và mức độ ổn định của chứng thực chữ ký cũng cho thấy những thách thức nhất định trong việc mở rộng ứng dụng chứng thực điện tử trên diện rộng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động chứng thực, dù theo phương thức truyền thống hay trong bối cảnh chuyển đổi số, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục cụ thể như sau:

Một là, việc thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến mục tiêu đạt tỷ lệ 100% theo Chương trình hành động số 04/CTr-UBND ngày 14/3/2024 của UBND thành phố Hà Nội. Một trong những vấn đề lớn là tốc độ xử lý của hệ thống chưa ổn định, đôi lúc chậm, gây mất thời gian cho người dân và cán bộ trong quá trình thao tác, hướng dẫn, thực hiện và xử lý hồ sơ. Ngoài ra, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đôi khi gặp lỗi kết nối plugin, driver USB ký số, chứng thư số, làm chậm tiến độ giải quyết thủ tục.

Hai là, nhu cầu chứng thực bản sao điện tử từ bản chính chưa cao, phần lớn người dân chưa có tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và chưa nhận thức rõ lợi ích của việc chứng thực điện tử. Việc tiếp nhận hồ sơ điện tử chưa được triển khai đồng bộ tại tất cả các cơ quan, đơn vị, chỉ một số cơ quan như bảo hiểm xã hội, thuế, hải quan đã áp dụng. Trong khi đó, các doanh nghiệp và tổ chức ngoài nhà nước chưa phổ biến hình thức này, khiến người dân chưa có động lực sử dụng. Đặc biệt, một bộ phận người dân lớn tuổi gặp khó khăn trong việc sử dụng thiết bị điện tử để đăng ký hồ sơ. Việc tạo tài khoản công dân trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng không hề đơn giản, do nhiều người gặp trở ngại khi thay đổi căn cước công dân hoặc số điện thoại liên kết.

Ba là, chứng thực các hợp đồng giao dịch chủ yếu được thực hiện tại các phòng công chứng nhà nước và hệ thống công chứng tư nhân, trong khi ở cấp phường hầu như không tiếp nhận các trường hợp này. Đáng chú ý, dù thủ tục chứng thực hợp đồng giao dịch liên quan đến thừa kế đã được đơn giản hóa, nhưng để đảm bảo tính chính xác, nhiều cơ quan vẫn yêu cầu bổ sung một số loại giấy tờ như giấy khai sinh, hộ khẩu để xác minh mối quan hệ giữa các bên.

Bốn là, đối với chứng thực chữ ký, theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền chỉ xác nhận chữ ký là của người yêu cầu chứng thực mà không chịu trách nhiệm về nội dung văn bản. Quy định này không gây nhiều vướng mắc nếu tài liệu được lập bằng tiếng Việt, nhưng có thể phát sinh khó khăn nếu văn bản bằng ngôn ngữ khác.

Nhìn chung, dù chứng thực điện tử là xu hướng tất yếu trong quá trình chuyển đổi số, nhưng để triển khai hiệu quả, cần giải quyết các vấn đề về hạ tầng công nghệ, nâng cao nhận thức của người dân, đơn giản hóa thủ tục và đảm bảo tính đồng bộ trong việc tiếp nhận hồ sơ điện tử giữa các cơ quan, tổ chức.

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chứng thực trong bối cảnh chuyển đổi số tại UBND phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, thành phố Hà Nội trong bối cảnh chuyển đổi số

Để nâng cao hiệu quả hoạt động chứng thực trong bối cảnh chuyển đổi số, UBND phường Ngọc Lâm cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế hiện tại, cụ thể:

Thứ nhất, cần nâng cấp hạ tầng công nghệ và tối ưu hóa hệ thống Cổng Dịch vụ công nhằm đảm bảo tốc độ xử lý nhanh, ổn định, hạn chế tối đa các lỗi kỹ thuật như kết nối plugin, driver USB ký số hay chứng thư số. Việc tăng cường tập huấn cho cán bộ và người dân về cách sử dụng hệ thống cũng rất quan trọng để nâng cao hiệu suất và giảm thiểu sai sót trong quá trình thao tác.

Thứ hai, UBND phường cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của chứng thực điện tử, khuyến khích đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Cùng với đó, việc mở rộng phạm vi tiếp nhận hồ sơ điện tử tại nhiều cơ quan, tổ chức, đặc biệt là khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, sẽ giúp tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ này. Đối với nhóm người dân lớn tuổi hoặc ít tiếp cận công nghệ, có thể hỗ trợ qua các kênh hướng dẫn trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ hoặc tổ chức các chương trình hỗ trợ đăng ký tài khoản.

Thứ ba, để giải quyết vấn đề chứng thực hợp đồng, giao dịch tại cấp phường, có thể xem xét phối hợp với các phòng công chứng nhà nước và hệ thống công chứng tư nhân, nhằm hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy trình, tránh phát sinh yêu cầu bổ sung giấy tờ không cần thiết. Đồng thời, cần rà soát và thống nhất quy trình chứng thực thừa kế để tránh gây khó khăn không đáng có cho người dân.

Thứ tư, đối với chứng thực chữ ký, cần có hướng dẫn chi tiết về cách xử lý các văn bản bằng ngôn ngữ nước ngoài, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ dịch thuật hoặc xác minh nội dung khi cần thiết. Việc cải thiện hệ thống chứng thực điện tử cần đi đôi với đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo tính đồng bộ giữa các cấp cơ quan, từ đó thúc đẩy chuyển đổi số một cách hiệu quả và bền vững.

Kết luận

Hoạt động chứng thực tại UBND phường Ngọc Lâm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là sự gia tăng mạnh mẽ của chứng thực điện tử, phản ánh xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình triển khai vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như hạ tầng kỹ thuật chưa ổn định, nhu cầu sử dụng dịch vụ chứng thực điện tử chưa cao và các khó khăn trong việc tiếp cận đối với một số nhóm đối tượng. Để khắc phục những vấn đề này, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống công nghệ, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ điện tử. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.

Chú thích:

Báo cáo kết quả thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc Gia năm 2024 của UBND phường Ngọc Lâm.

Tài liệu tham khảo:

Báo cáo số 211/BC-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2024 về kết quả thực hiện công tác Cải cách hành chính năm 2024; nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của UBND phường Ngọc Lâm.

Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ: Quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ: Quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Nghị định số 45/2020/NĐ- CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

ThS. LƯU THỊ THU HƯƠNG

Học viện Hành chính và quản trị công

TRẦN THU TRÀ

Lớp Luật 21A, Học viện Hành chính và quản trị công

Các tin khác