(LSVN) - Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị, công tác xây dựng pháp luật, thực hiện cải cách tư pháp theo chiến lược phát triển đến năm 2020 đã thu được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.
Theo Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, nền tư pháp nước ta trong những năm qua đã có bước phát triển quan trọng, đạt nhiều kết quả tích cực. Chủ trương cải cách tư pháp của Ðảng đã thật sự đi vào đời sống, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp. Hoạt động tư pháp đã góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.
Bên cạnh những hạn chế đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, nhìn từ góc độ hoạt động nghề nghiệp, chúng tôi nhận thấy hiện nay cơ chế bảo đảm tính phản biện trong hoạt động tố tụng chưa được hoàn thiện, có thể làm ảnh hưởng tính độc lập, thực hiện theo pháp luật và theo chức năng của các cơ quan tố tụng, hạn chế khả năng tiếp cận công lý của người dân, tổ chức. Chế định bổ trợ tư pháp chưa ngang tầm với chủ trương cải cách tư pháp cả về vị thế và tố chất nội lực, chuyên môn. Nhận thức của một số cơ quan nhà nước, cơ quan và người tiến hành tố tụng về vị trí, vai trò của Luật sư trong đời sống và trong hoạt động tư pháp còn hạn chế, làm ảnh hưởng việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể xã hội. Chưa có cơ chế giám sát, kiểm tra và bảo đảm thực thi nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, phán quyết của Tòa án phải xuất phát từ kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa theo quy định tại khoản 5 Ðiều 103 Hiến pháp năm 2013 và Ðiều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Tiến độ điều tra, truy tố và xét xử một số vụ đại án trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai… bị kéo dài, phải chia tách thành nhiều giai đoạn, dẫn đến các bị cáo bị bất lợi khi tổng hợp hình phạt, một số trường hợp đã ảnh hưởng việc đánh giá sự thật khách quan của vụ án. Một số vụ việc tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, khiếu nại bồi thường oan, sai kéo dài tới hàng chục năm, làm phát sinh chi phí tố tụng rất lớn, ảnh hưởng nguồn lực của người dân. Hoạt động giám định tư pháp (đặc biệt là giám định tài chính, kế toán, giám định thiệt hại, định giá tài sản) còn nhiều bất cập về cơ chế, tổ chức, thẩm quyền, chức năng và phương pháp, căn cứ xác định thiệt hại. Vẫn còn tình trạng không thống nhất về thời điểm xác định thiệt hại (thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, thời điểm khởi tố, truy tố, xét xử…).
Luật sư với vai trò là người bảo vệ, giúp đỡ về mặt pháp lý cho người dân, đang thực hiện chức năng xã hội cao quý nhằm thực hiện một trong những quyền cơ bản của con người là quyền tự bào chữa và nhờ Luật sư, người khác bào chữa cho mình. Ðây chính là vấn đề quyền con người được bảo đảm bằng pháp luật, bởi không thể nói đến dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nếu không đề cập đến một trong những chủ thể đóng vai trò quan trọng trong thể chế xã hội và hoạt động tư pháp - đó là đội ngũ Luật sư.
Hiện nay, kể từ khi được thành lập vào năm 2009, Liên đoàn Luật sư Việt Nam trở thành mái nhà chung của hơn 14 nghìn Luật sư trong cả nước, tập hợp, đoàn kết đội ngũ Luật sư trong việc cùng nhau góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, xây dựng, phát triển đội ngũ Luật sư về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng, góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế và yếu kém của đội ngũ Luật sư, tổ chức xã hội nghề nghiệp Luật sư.
Để đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp nhằm khắc phục những yếu kém, những "lỗ hổng" về chuyên môn, những biểu hiện trái với đạo đức nghề nghiệp Luật sư, phấn đấu xây dựng đội ngũ Luật sư Việt Nam có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn ngang tầm với Luật sư khu vực và thế giới. Do đó, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với đánh giá, kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, nhất là nâng cao vị thế, tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp, chú trọng đào tạo đội ngũ Luật sư đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ chuyên sâu trong lĩnh vực pháp luật quốc tế để tham gia giải quyết các vụ việc tranh chấp có yếu tố nước ngoài, bảo vệ hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Hoạt động tư pháp hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển các mặt của đời sống xã hội của đất nước. Mỗi vụ việc oan, sai, những hạn chế, vi phạm trong hoạt động tư pháp có thể làm xói mòn lòng tin của người dân vào công lý, ảnh hưởng đến uy tín của Ðảng, Nhà nước, làm tổn thương hòa khí của đất nước, hạn chế thành quả phát triển kinh tế - xã hội, là yếu tố tiềm ẩn gây bất ổn xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm coi "Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân"[1], hay "Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người"[2]. Do đó, theo thiển ý của chúng tôi, hoạt động tư pháp nói chung và chủ trương cải cách tư pháp nói riêng cần thấm nhuần tư tưởng nhân nghĩa trong lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông ta và pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh nêu trên. Mục tiêu của nền tư pháp suy cho cùng là bảo đảm sự công bằng, dân chủ, nghiêm minh, một nền tư pháp phục vụ nhân dân, mang đậm tính nhân dân.
Do đó, để góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương cải cách tư pháp, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đổi mới phương thức quản lý nhà nước đối với các hoạt động Luật sư, kết hợp quản lý nhà nước với sự tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư. Trong định hướng đổi mới quản lý nhà nước về hoạt động Luật sư, Bộ Tư pháp đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ quan giúp cho Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động này, làm cho tổ chức và hoạt động Luật sư có được vị trí đích thực trong hoạt động tư pháp, phục vụ cho mục tiêu chung của toàn bộ hệ thống tư pháp.
Nói tới đổi mới quản lý nhà nước đối với hoạt động Luật sư cũng có nghĩa là tạo những điều kiện thuận lợi về các mặt định hướng, quản lý và tổ chức, cơ chế quản lý, thủ tục tố tụng và giải quyết các khiếu nại, tố cáo; đồng thời nâng cao hiệu quả của công tác giám sát của hệ thống các cơ quan quyền lực, các tổ chức xã hội và nhân dân đối với hoạt động Luật sư. Trên tinh thần đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về Luật sư, tăng cường khả năng cho người dân tiếp cận với công lý, xác định rõ phạm vi nội dung quản lý nhà nước bảo đảm không làm thay công việc của tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư, bảo đảm các thiết chế và thủ tục quản lý theo hướng giảm bớt sự rườm rà, nhiều tầng nấc quan liêu, làm bất lợi cho vai trò tự quản và hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư.
Mặt khác, việc tuân thủ và bảo đảm thực thi trên thực tế các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, trong đó có nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, phán quyết của Tòa án phải xuất phát từ kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thời điểm hiện nay. Nói tới "cải cách tư pháp" còn được hiểu là làm sao bảo đảm tiến trình dân chủ hóa hoạt động tố tụng, tôn trọng pháp luật, giữ trật tự kỷ cương, xử lý quan hệ phối hợp đúng đắn giữa các cơ quan chức năng và tố tụng, đơn giản hóa thủ tục, bảo đảm tính minh bạch. Do đó, cải cách tư pháp trong một chừng mực nào đó phải làm sao cho "kinh tế", giảm thiểu chi phí tố tụng và nguy cơ làm tổn hại nguồn lực, chi phí còn hạn hẹp của người dân hiện nay.
Luật sư, Tiến sĩ PHAN TRUNG HOÀI Ủy viên Đảng Đoàn Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam (Theo Báo Nhân dân điện tử, ngày 01/11/2020) |
[1]: Hồ Chí Minh - Toàn tập - Nhà xuất bản CTQG - Sự Thật - Hà Nội 2011 - Tập 10- tr. 457. [2]: Hồ Chí Minh - Nhà nước và pháp luật - Nhà xuất bản Pháp lý- Hà Nội 1985- tr. 187. |