/ Góc nhìn
/ 'Hôi của' - Vấn đề đạo đức và pháp lý

'Hôi của' - Vấn đề đạo đức và pháp lý

02/02/2021 10:42 |

(LSVN) - “Hôi của” - một hành vi lấy cắp đồ của người khác do nhiều người thực hiện cùng lúc. Hành vi xấu này xảy ra khi chủ tài sản không đủ khả năng bảo vệ tài sản của mình trước số đông nhiều người và nó là một hành vi xấu xí từ mặt trái của xã hội, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng hiện nay.

Người đi đường xúm lại "lượm tiền" của cô gái thay vì trả lại. ẢNH: CẮT TỪ CLIP.

Những ngày gần đây, vụ việc cô gái bị “hôi của” 30 triệu trong 15 giây đang gây xôn xao trong dư luận xã hội, cộng đồng mạng phẫn nộ, lên án gay gắt trước hành động phản cảm của người đi đường và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc.

Vụ việc trên được chia sẻ bởi Bảo Trân (25 tuổi, quê Long An) - người đã đánh rơi số tiền. Cụ thể, vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 28/01, cô gái này đã đánh rơi số tiền 30 triệu đồng trên đường D4, phường Tân Hưng, quận 7, TP. Hồ Chí Minh mà không hề hay biết.

Sau khi đi tiếp một đoạn và được người đi đường đuổi theo nhắc nhở, Bảo Trân mới phát hiện số tiền của mình bị rơi mất, đến khi quay lại thì đã không còn nữa. Xin trích xuất camera từ nhà dân, cô phát hiện số tiền 30 triệu đánh rơi của mình bị người đi đường nhặt hết, chủ nhân của số tiền đã liên hệ và khóc xin mọi người trả tiền nhưng không ai đồng ý. Riêng người bán hàng gần đó chỉ trả lại 4 triệu đồng.

Ngay sau đó, Bảo Trân đã liên hệ với phía cơ quan chức năng. Và đến trưa cùng ngày, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để giải quyết vụ việc.

Những vụ việc "hôi của" thời gian qua gây tranh cãi trong cộng đồng, khiến mọi người phải nhìn nhận, xem xét câu chuyện “hôi của” không chỉ ở góc độ đạo đức mà còn nằm ở tính pháp lý của hành vi. 

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá “hôi của” trên là hành vi không thể chấp nhận được.

Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Theo Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, cô gái trong vụ việc không chỉ đơn thuần là bị lấy đi đồ vật của mình mà nó có thể được xem là bị cướp, bởi đồ vật ở đây là tiền, là thứ có giá trị với một chủ thể. Cho nên, hành vi trên nếu đứng ở góc độ đạo đức và văn hóa nhìn vào là vô cùng xấu, vô cùng phản cảm. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ, nó là hành vi có liên quan đến giá trị vật chất, vì vậy chúng phải đứng cả ở góc độ pháp lý để nhìn nhận nó một cách rõ ràng và trực quan nhất.

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Tiến, Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty TNHH Luật Sao Sáng nhận định, hành vi nhặt được của rơi mà không trả lại người làm mất không những là hành động đáng lên án về mặt đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà theo Luật sư Hồng Dương xác định, đây là hành vi “Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác”.

“Có thể thấy, thông qua hình ảnh vụ việc được camera ghi lại, có rất nhiều người tham gia thực hiện hành vi “Hôi của”. Do đó, để xác định trách nhiệm pháp luật của từng người vi phạm, cơ quan có thẩm quyền phải xác định được đúng số tiền mà từng người đã nhặt được. Tùy vào số tiền nhặt được của mỗi người đã nhặt được, cá nhân mỗi người vi phạm có thể bị bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình căn cứ theo quy định của pháp luật”, Luật sư Hồng Dương cho hay.

Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng.

Theo đó, đối với biện pháp xử phạt hành chính, trong trường hợp người chiếm giữ số tiền dưới 10.000.000 đồng có thể bị xử phạt hành chính theo điểm e, khoản 2 và khoản 3, Điều 15, Nghị định 167/2013 quy định về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình”, cụ thể:

Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này. 

Về biện pháp xử lý hình sự, người thực hiện hành vi “Hôi của” trong vụ việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội "Chiếm giữ trái phép tài sản" như sau:

Điều 176, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã quy định về tội "Chiếm giữ trái phép tài sản" cụ thể như sau:

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Căn cứ quy định này, tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” được thể hiện thông qua các dấu hiệu sau đây:

- Chủ sở hữu đã có yêu cầu được nhận lại tài sản nhưng người chiếm giữ tài sản đó vẫn không trả lại hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản mà mình tìm được hoặc bắt được.

- Tài sản bắt được có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật.

- Tội phạm được hoàn thành từ thời điểm người chiếm giữ tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay thẳng không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản theo quy định của pháp luật.

- Tội chiếm giữ trái phép tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết tài sản đó không thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình, biết mình có nghĩa vụ phải trả lại cho chủ tài sản hoặc phải giao nộp cho cơ quan Nhà nước có trách nhiệm. Nhưng vì muốn biến tài sản đó thành tài sản của mình nên cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền về tài sản.

- Chủ thể thực hiện hành vi phạm tôi có thể là bất kỳ ai có đủ năng lực hành vi.

Ngoài ra, Luật sư Hồng Dương cũng cho biết, từ việc camera ghi lại hình ảnh một người phụ nữ chở trẻ nhỏ đến chỗ tiền rơi và cho em nhỏ này xuống nhặt, cơ quan chức năng cũng cần phải xác minh xem có hay không dấu hiệu của hành vi "Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội" của người phụ nữ trên, bởi đây là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự điểm o, khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Điều 52, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự cụ thể như sau:

1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:

o) Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;.

Như vậy, căn cứ vào các quy định của Điều 176, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 liên quan đến vụ việc nêu trên, người thực hiện hành vi “Chiếm giữ trái phép tài sản” có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm nếu người đó chiếm giữ số tiền tối thiểu 10.000.000 đồng mà không trả lại cho người phụ nữ.

Luật sư Hồng Dương cũng cho rằng, mặc dù hành vi đã xảy ra trên thực tế, nhưng để có thể giảm thiểu mọi thiệt hại cũng như những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra, Luật sư Dương mong rằng những người đã có hành vi “hôi của” sớm trả lại số tiền đã nhặt được cho người phụ nữ bất hạnh để chị sớm ổn định tâm lý và cuộc sống.

“Hành vi “hôi của” là hiện tượng rất xấu tồn tại trong xã hội, là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục và đạo đức của xã hội, cần phải lên án và bài trừ. Thiết nghĩ, bên cạnh hoạt động thường xuyên tuyên truyền vận động của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội,… mỗi người dân cũng cần phải tự rèn luyện, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, sống có văn hóa và đạo đức”, Luật sư Hồng Dương chia sẻ.

LÂM HOÀNG

Hành vi không khai báo y tế có thể bị xử lý hình sự 

Lê Minh Hoàng