Ảnh minh họa.
Quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành
Điều 183 BLTTHS năm 2015 về hỏi cung bị can quy định:
Về thủ thục hỏi cung bị can: Việc hỏi cung bị can do điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Trước khi hỏi cung bị can, điều tra viên phải thông báo cho kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung. Khi xét thấy cần thiết, kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung bị can; trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu, điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật này. Việc này phải ghi vào biên bản. Trường hợp vụ án có nhiều bị can thì hỏi riêng từng người và không để họ tiếp xúc với nhau. Có thể cho bị can viết bản tự khai của mình; không hỏi cung bị can vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản; kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết. việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Về nguyên tắc hỏi cung bị can: Quá trình tiến hành hỏi cung bị can phải bảo đảm nguyên tắc tuyệt đối khách quan, thận trọng; nguyên tắc pháp chế; nguyên tắc bảo đảm tính toàn diện, đầy đủ, bí mật thông tin. Điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên, kiểm tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Một trong những điểm mới nổi bật của BLTTHS năm 2015 đó là việc hỏi cung bị can phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Để quy định này được thực hiện thống nhất, liên ngành tư pháp trung ương đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Theo khoản 1, khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch nói trên thì, ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ghi lại âm thanh hoặc hình ảnh có âm thanh trong quá trình hỏi cung bị can; lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội; lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đương sự; đối chất; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là phương tiện, thiết bị ghi âm thanh hoặc ghi hình có âm thanh gồm: thiết bị thu hình ảnh, âm thanh, đầu ghi hình, máy chủ, các phương tiện thiết bị kỹ thuật khác sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định của Thông tư liên tịch này.
Thực tiễn áp dụng
BLTTHS quy định, khi điều tra viên tiến hành hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra bắt buộc phải thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh. Theo đó, đối với các vụ án có bị can tạm giam hoặc bị can được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác (không phải biện pháp ngăn chặn khác), khi điều tra viên thực hiện việc hỏi cung bị can tại nhà tạm giữ, trại tạm giam (đối với bị can bị tạm giam) và tại trụ sở cơ quan điều tra đều phải thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; nếu điều tra viên không thực hiện quy định này là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Khi tiếp cận các vụ án cụ thể cho thấy, cơ quan điều tra đã thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, dữ liệu ghi âm khi hỏi cung bị can được lưu trữ trong các USB cho vào bì thư có đóng dấu niêm phong kèm theo hồ sơ vụ án và được bảo quản chặt chẽ.
Tuy nhiên, qua khảo sát, tìm hiểu được biết, khó khăn của các cơ quan điều tra khi thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh đó là: một số cơ quan điều tra công an cấp huyện chưa được trang bị bất cứ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nào sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, như: thiết bị thu hình ảnh, âm thanh, đầu ghi hình, máy chủ, các phương tiện thiết bị kỹ thuật khác…; chưa được xây dựng phòng ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại cơ sở giam giữ, trụ sở cơ quan điều tra…
Nhìn từ góc độ lý luận và một số vấn đề cần lưu ý
Khoản 2 Điều 183 BLTTHS năm 2015 quy định: Trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu, điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật này.
BLTTHS năm 2015 và 2003 đều quy định về giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can là việc làm bắt buộc của điều tra viên trước khi tiến hành hỏi cung bị can. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2003 yêu cầu ở tất cả những lần hỏi cung, bị can phải được giải thích về quyền và nghĩa vụ mình, trong khi BLTTHS năm 2015 chỉ yêu cầu giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can khi tiến hành hỏi cung bị can lần đầu tiên.
Từ quy định này, qua thực tiễn áp dụng một số quan điểm cho rằng: so với quy định của BLTTHS năm 2003 thì quy định mới có phần bó hẹp về số lần giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can, với nhận thức rằng điều tra viên chỉ cần giải thích cho bị can lần đầu là bị can đã hiểu và nắm được quyền và nghĩa vụ của mình, những lần hỏi cung sau không cần giải thích. Vấn đề đặt ra, đối với những bị can có nhận thức cơ bản tốt thì khi giải thích lần đầu có thể đã hiểu và nắm vững ngay được quyền của mình; còn những bị can có nhận thức chưa tốt, tư duy hạn chế và trong hoàn cảnh bị hỏi cung lần đầu tâm lý không vững vàng, trạng thái tinh thần chưa ổn định thì việc giải thích lần đầu (có thể là lần duy nhất) như vậy đã bảo đảm việc họ nắm vững quyền và nghĩa vụ của mình hay chưa. Quy định mới của BLTTHS năm 2015 có phần bất lợi và hạn chế quyền của bị can so với BLTTHS năm 2003.
Qua nghiên cứu, tác giả thấy rằng quy định của BLTTHS năm 2015 không phải là quy định gây bất lợi và hạn chế quyền của bị can so với BLTTHS năm 2003. “Trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu, điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định...” không đồng nghĩa với việc điều tra viên chỉ tiến hành giải thích quyền và nghĩa vụ đối với lần hỏi cung đầu tiên và mặc nhiên các lần sau đó không tiến hành giải thích nữa. Mục đích nhà làm luật quy định như khoản 2 Điều 183 BLTTHS nhằm bảo đảm việc hỏi cung được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian... Tuy nhiên, về nhận thức pháp luật, không phải bị can nào cũng như nhau, có trường hợp chỉ cần giải thích một lần, cũng có trường hợp phải giải thích nhiều lần thì họ mới hiểu. Do vậy, nếu bị can chưa nắm vững quyền và nghĩa vụ của mình thì khi họ có yêu cầu, điều tra viên cần phổ biến lại cho họ mới đúng tinh thần quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của bị can.
Về kết cấu của điều luật, đoạn cuối khoản 1 quy định “Kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung khi xét thấy cần thiết” và quy định tại khoản 4 “Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết”. Xét về tính logic, tại khoản 4 đã quy định cụ thể các trường hợp kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung bị can nên việc quy định thêm tại đoạn cuối khoản 1 là thừa và không cần thiết.
Một số biện pháp bảo đảm quyền của bị can trong hỏi cung
Thứ nhất, đối với quy định tại khoản 2 Điều 183 BLTTHS năm 2015 “Trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu, điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật này”. Nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất quy định này cũng như bảo đảm quyền của bị can trong quá trình hỏi cung, cần bổ sung thêm cụm từ như sau: “Trong các lần hỏi cung tiếp theo, nếu bị can chưa nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình theo Điều 60 BLTTHS thì điều tra viên có trách nhiệm phổ biến lại để họ hiểu và nắm vững”.
Thứ hai, đối với các địa phương chưa được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh cần khẩn trương kiện toàn bảo đảm việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong quá trình hỏi cung bị can được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm quyền con người của bị can, tránh để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao trình độ nghiệp vụ của đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên về công tác hỏi cung, kiểm sát việc hỏi cung bị can là yêu cầu cấp thiết. Điều tra viên và kiểm sát viên phải nắm vững được quy định về quyền và nghĩa vụ của bị can khi tham gia hoạt động tố tụng hình sự. Đồng thời phải đổi mới nhận thức về bị can, phải tôn trọng và có biện pháp bảo đảm quyền của họ được thực hiện hiệu quả nhất, đây cũng là trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp hiện nay.
PHÙNG HOÀNG
Tòa án quân sự Quân khu 1
Bộ Y tế hướng dẫn khám, chữa bệnh cho người dân hậu Covid-19