Toàn cảnh Hội nghị.
Đến tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng Phòng Theo dõi công tác các cơ quan nội chính và cải cách tư pháp, Ban Nội chính Thành Ủy; bà Phạm Thị Nguyên Hạnh, Phó Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan thành phố; bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp.
Về các đơn vị tổ chức và chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND thành phố Hà Nội; ông Đào Thịnh Cường, Viện trưởng VKSND thành phố Hà Nội; Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội; Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Đoàn chủ trì Hội nghị.
Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham của các Chánh án, Phó Chánh án, Chánh tòa, Phó Chánh tòa chuyên trách; các Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND; trưởng, phó các phòng chức năng PC01, PC03, PC04; các trưởng, phó Công an thuộc các quận, huyện, thị xã,... và các đại biểu đại diện cho hơn 5200 Luật sư thành viên của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Phát biểu chủ trì Hội nghị, Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc tăng cường phối kết hợp giữa các cơ quan trong hoạt động tố tụng theo Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về thực hiện án chỉ định và một số quy định khác của pháp luật về tố tụng nhằm phối hợp tốt có hiệu quả trong công tác, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phối hợp với TAND, VKSND, Công an thành phố Hà Nội triển khai tổ chức Hội nghị phối hợp trong công tác hoạt động tố tụng.
Thông qua các bài tham luận, ý kiến đóng góp của đại biểu để có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa trong hoạt động tố tụng giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các Luật sư tham gia tố tụng. Ngoài ra, Hội nghị cũng bước đầu mở ra những tố tụng khác cần được quan tâm và phối hợp trong thời gian tới, sao cho phối hợp nhiều hơn, cụ thể hơn, trực tiếp hơn, chặt chẽ hơn để đảm bảo chức trách nhiệm vụ của khối cơ quan tổ chức...
Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Tại dự Hội nghị, các tham luận đã tập trung làm rõ về công tác phối hợp thực hiện án chỉ định và các quy định khác trong hoạt động tố tụng. Theo đó, các trường hợp bắt buộc phải chỉ định, gồm:
- Người bị buộc tội dưới 18 tuổi: Việc quy định người dưới 18 tuổi được chỉ định Luật sư thể hiện quan điểm, chính sách nhân đạo của Nhà nước, tạo điều kiện tối đa bảo vệ quyền và lợi ích của người dưới 18 tuổi trong hoạt động tố tụng giải quyết vụ án hình sự. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định Luật sư nếu gia đình người bị buộc tội và bản thân người bị buộc tội không mời Luật sư. Trong các buổi làm việc, lấy lời khai phải có sự hiện diện của Luật sư.
- Người có nhược điểm về thể chất tâm thần: Người có nhược điểm về thể chất, tâm thần có thể hiểu đó là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, tức là người do tình trạng thể chất (như mù, câm, điếc, tàn tật,...) hoặc tinh thần không ổn định mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, nếu người bị buộc tội có các dấu hiệu trên thì vụ án bắt buộc phải có Luật sư. Nếu đại diện hợp pháp của người bị buộc tội không mời Luật sư thì trách nhiệm của cơ quan tố tụng là phải chỉ định Luật sư cho họ, đây là thủ tục bắt buộc; không có Luật sư tham gia các buổi hỏi cung sẽ dẫn đến vi phạm thủ tục tố tụng.
- Người có khung hình phạt cao: Căn cứ theo Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì người có khung hình phạt cao thuộc diện được chỉ định Luật sư là người phạm tội mà khung hình phạt cao nhất là hai mươi năm, chung thân, tử hình. Sự tham gia bắt buộc của người bào chữa trong trường hợp này quy định mang tính nhân đạo của pháp luật. Người phạm tội dù không phải là trẻ vị thành niên, hay không phải là người có nhược điểm về thể chất tâm thân nhưng pháp luật vẫn cho họ có quyền được hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí của Luật sư trong trường hợp họ không có điều kiện mời Luật sư.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng nêu ra một số khó khăn vướng mắc của Luật sư thực hiện án chỉ định như: Nhận thức về Luật sư chỉ định từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa đúng đắn, chưa thể hiện tính nhân văn; vai trò Luật sư chỉ định chưa thực sự được coi trọng; sự chưa vào cuộc đồng bộ, chưa có sự phối hợp liên ngành của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động thực hiện án chỉ định; quy định của pháp luật về thực hiện án chỉ định còn chưa đồng bộ, thống nhất.
Ngoài ra, tại Hội nghị cũng đưa ra các giải giáp nâng cao hiệu quả luật sư bào chữa theo chỉ định trong vụ án hình sự. Theo Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của Luật sư, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng về án chỉ định và vai trò của Luật sư trong vụ án chỉ định; cần có sự quán triệt và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chi trả thù lao Luật sư đúng theo đúng quy định của pháp luật; sự cần thiết ký quy chế phối hợp liên ngành trong hoạt động thực hiện án chỉ định giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội,...
Một số kiến nghị cho rằng, để làm tốt công tác thực hiện án chỉ định trong hoạt động tố tụng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cùng các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an cần thường xuyên phối hợp, khắc phục những khó khăn, hạn chế, kịp thời giải quyết khi có vướng mắc và làm tốt nhiệm vụ của mỗi cơ quan; phát huy những mặt tích cực. Mỗi cơ quan, đơn vị phải nhận thức rõ vị trí, vai trò và nhiệm vụ của mình; tuyên truyền, giáo dục trong toàn đơn vị hành động thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho nhau góp phần hoàn thành tốt công việc của cơ quan, đơn vị mình đồng thời cùng nhau góp phần giải quyết tốt công việc chung, hướng tới một xây dựng xã hội nhân văn, pháp luật nghiêm minh và công bằng. Cần đầu tư cho con người, cơ sở vật chất phù hợp của mỗi cơ quan, đơn vị đảm bảo thực hiện tốt công việc của mình cũng như phối hợp trong hoạt động tố tụng nói chung và án chỉ định nói riêng góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Thủ đô và cả nước trong tình hình mới.
Đại tá Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.
Bên cạnh đó, tại hội nghị Đại tá Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã nêu ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng của thành phố Hà Nội nói chung, cơ quan điều tra 2 cấp của thành phố Hà Nội nói riêng với Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phối hợp với Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nghiên cứu.
Theo Đại tá Nguyễn Xuân Trường, nên đề xuất UBND thành phố giao đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị khác xây dựng Quy chế phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng với Đoàn Luật sư, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc về cơ chế thực hiện “Chỉ định người bào chữa” trong các giai đoạn giải quyết vụ án hình sự.
Căn cứ chức năng nhiệm vụ, vị trí, vai trò của mình, các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hà Nội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tiến hành rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến việc thực hiện “Chỉ định người bào chữa” theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để đánh giá thực trạng, tập hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản giải đáp, hướng dẫn thống nhất thực hiện. Các cơ quan tiến hành tố tụng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội thường xuyên triển khai quán triệt các quy định của pháp luật về “chỉ định người bào chữa”. Đồng thời, ông đề nghị Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cử đơn vị, người có thẩm quyền làm đầu mối phía Đoàn Luật sư Hà Nội để cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp của thành phố Hà Nội liên hệ, phối hợp khi cần. Ngoài ra, có văn bản thông báo về tên, địa chỉ, số điện thoại của đơn vị, người được giao làm đầu mối để cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp của thành phố Hà Nội biết, chủ động liên hệ.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Ủy viên Hội đồng Khen thưởng - Kỷ luật, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phát biểu.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều bản tham luận liên quan đến mối quan hệ giữa Kiểm sát viên và người bào chữa khi tiến hành các hoạt dộng tố tụng hình sự khó khăn và vướng mắc; nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp giữa cơ quan điều tra với Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trong việc chỉ định người tham gia bào chữa; những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục trong việc chỉ định Luật sư bào chữa đối với các vụ án liên quan đến tội phạm ma tuý,...
SỸ THÀNH