Toàn cảnh khóa bồi dưỡng.
Khóa bồi dưỡng được tổ chức theo hình thức trực tiếp (tại Trụ sở Liên đoàn Luật sư Việt Nam), và trực tuyến tại điểm cầu các tỉnh/thành.
Tham dự khóa bồi dưỡng có Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Nhà báo Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam.
Khóa bồi dưỡng được các chuyên gia, nhà báo trực tiếp trình bày, trao đổi: Nhà báo Lê Quốc Vinh, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Le (LeGroup); PGS. TS. GVCC. Nguyễn Văn Dững, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tham dự trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội có các Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Đoàn Luật sư tỉnh Hưng Yên; các phóng viên, biên tập viên Tạp chí Luật sư Việt Nam, cán bộ phụ trách truyền thông, Văn phòng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Khóa bồi dưỡng còn có sự tham dự trực tuyến của các Luật sư, cán bộ phụ trách truyền thông của 57/63 Đoàn Luật sư trên cả nước, các ủy ban, đơn vị trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Khóa đào tạo bồi dưỡng kỹ năng truyền thông, kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông là một trong những hoạt động quan trọng của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, được tổ chức lần đầu tiên, trong nỗ lực tăng cường hoạt động truyền thông, thực hiện đề án truyền thông và nâng cao chất lượng hành nghề của đội ngũ Luật sư. Khóa đào tạo nhằm mục đích triển khai và đẩy mạnh hoạt động truyền thông về Liên đoàn Luật sư Việt Nam, về hoạt động của các Đoàn Luật sư và hoạt động hành nghề của đội ngũ Luật sư.
Đối tượng tham dự khóa bồi dưỡng là các Luật sư phụ trách công tác truyền thông của các Đoàn Luật sư. Đây cũng là một trong những hoạt động mang tính chất đổi mới, cập nhật kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực chuyên môn cho các Luật sư phụ trách công tác truyền thông của các Đoàn Luật sư.
Phát biểu khai mạc khóa bồi dưỡng, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2023 của Cơ quan Truyền thông đã được Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam phê duyệt ngày 13/01/2023, và nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng truyền thông, cách xử lý các tình huống, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác truyền thông, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức khóa tập huấn kỹ năng truyền thông cho các Luật sư, cán bộ phụ trách truyền thông của các Đoàn Luật sư, các ủy ban, đơn vị trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Khóa tập huấn được tổ chức tập trung vào 02 chuyên đề chính: Chuyên đề 01: "Đào tạo về kỹ năng truyền thông", do Nhà báo Lê Quốc Vinh, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Le (LeGroup) trình bày; Chuyên đề 2: "Tập huấn nghiệp vụ báo chí và quản lý truyền thông", do PGS. TS. GVCC. Nguyễn Văn Dững trình bày.
Tại Chuyên đề "Đào tạo về kỹ năng truyền thông", Nhà báo Lê Quốc Vinh đã nêu vai trò của truyền thông trong thời kỳ công nghệ số; sự tương tác giữa mạng xã hội với các loại hình báo chí; khái quát một số đặc điểm giúp nhận diện các vấn đề về khủng hoảng truyền thông; các giải pháp xử lý khủng hoảng truyền thông...
Về vai trò của Luật sư đối với công tác truyền thông nói chung, theo Nhà báo Lê Quốc Vinh, Luật sư đóng vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực này. Bởi, Luật sư không chỉ tham gia hành nghề bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thân chủ; mà còn tham gia các hoạt động xã hội như: Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, các hoạt động thiện nguyện..., từ đó giúp người dân hiểu biết pháp luật, nhận diện đúng vấn đề mình đang quan tâm.
Đồng thời, quá trình tham gia, tương tác trên mạng xã hội, các Luật sư cũng có thể đưa ra những quan điểm dựa trên cơ sở quy định pháp luật nhằm giải thích cho người dùng mạng xã hội đúng bản chất vấn đề mà người dùng mạng xã hội đang quan tâm...
Về vai trò của báo chí trong đời sống đương đại và cách tác nghiệp để tạo nên tác phẩm báo chí, theo PGS. TS. GVCC. Nguyễn Văn Dững, báo chí có vai trò to lớn trong việc định hướng dư luận, nhận diện bản chất của vấn đề đang được xã hội quan tâm thông qua các tác phẩm báo chí.
Muốn có tác phẩm báo chí chất lượng, đòi hỏi các nhà báo phải có kỹ năng cơ bản, như: Săn tin, thẩm định nguồn tin, đề tài; phân tích, đánh giá thông tin, đề tài, chủ đề; khai thác tài liệu; viết bài... Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số thì việc tìm kiếm các thông tin thông qua các nền tảng mạng xã hội là rất quan trọng. Tuy nhiên, đòi hỏi các nhà báo phải thật sự tỉnh táo trong việc nhận diện vấn đề, khai thác thông tin, kiểm chứng thông tin, xây dựng mạng lưới thông tin...
Đối với các vấn đề về truyền thông, PGS. TS. GVCC Nguyễn Văn Dững đã tập trung làm rõ các dấu hiệu nhận diện khủng hoảng truyền thông, một số giải pháp cơ bản nhằm giải quyết vấn đề khủng hoảng truyền thông; vai trò của truyền thông, mạng xã hội đối với báo chí hiện đại...
Phát biểu tại buổi tập huấn, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh đánh giá cao việc Cơ quan Truyền thông và Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức khóa tập huấn. Thông qua hoạt động này đã giúp các Luật sư, cán bộ phụ trách truyền thông của Liên đoàn, các Đoàn Luật sư... nhận diện được vai trò của truyền thông trong đời sống đương đại nói chung và giới Luật sư nói riêng.
Theo Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, thời gian tới Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ có kế hoạch cụ thể cùng Cơ quan truyền thông tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu về công tác truyền thông cho các Luật sư.
Phát biểu bế mạc khóa bồi dưỡng, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam đánh giá những chuyên đề tại khóa bồi dưỡng ngày hôm nay rất hữu ích, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng truyền thông cho các Luật sư, cách xử lý các tình huống, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác truyền thông.
HỒNG HẠNH - LÂM HOÀNG
Bắc Giang: Đoàn Luật sư tỉnh cử thành viên tham gia Đoàn Giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh