Toàn cảnh Hội nghị.
Hội nghị do ông Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp chủ trì.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, đại diện các cơ quan liên quan; đại diện các Đoàn Luật sư.
Theo đó, thực hiện nhiệm vụ được xác định tại Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19/KL-TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV ban hành kèm theo Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 và Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 07/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện tổng kết thi hành Luật Luật sư.
Để đánh giá toàn diện kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra giải pháp, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế, Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Luật sư tại Thủ đô Hà Nội.
Các Luật sư tham dự Hội nghị.
Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định về nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hành nghề, tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, quản lý Luật sư và hành nghề luật sư, hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, Luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Trải qua hơn 15 năm thi hành Luật Luật sư, số lượng Luật sư đã tăng nhanh, dịch vụ pháp lý mà Luật sư cung cấp ngày càng đa dạng, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng lên,công tác quản lý Luật sư và hành nghề luật sư đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần đẩy mạnh cải cách tư pháp và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các quy định của Luật Luật sư cũng đã dần bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nghề luật sư, dịch vụ pháp lý trong điều kiện hội nhập quốc tếvà yêu cầu quản lý nhà nước, tự quản của hiệp hội nghề nghiệp trong tình hình mới.
Ngoài ra nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó có nhiệm vụ hoàn thiện thể chế về Luật sư và hành nghề luật sư, Hội nghị tổng kết tạo diễn đàn thảo luận, góp ý của cơ quan quản lý nhà nước về Luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư và đội ngũ Luật sư trong cả nước, hướng đến hoạt động hành nghề luật sư chuyên nghiệp, hiệu quả; nâng cao tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, thực hiện việc tự quản theo quy định của pháp luật dưới sự quản lý của Nhà nước.
Kết quả của Hội nghị sẽ được Bộ Tư pháp tổng hợp, nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Luật sư, làm cơ sở để đề xuất xây dựng Luật Luật sư thay thế.
THANH LOAN-HOÀNG LÂM