/ Trợ giúp pháp lý
/ Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu nếu tư vấn viên gây nhầm lẫn cho khách hàng

Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu nếu tư vấn viên gây nhầm lẫn cho khách hàng

12/04/2023 09:13 |

(LSVN) - Trước đây, tôi được một nhân viên của Công ty bảo hiểm M. tư vấn, nếu mua bảo hiểm của họ và đóng tiền bảo hiểm mỗi năm khoảng 700 triệu đồng thì sau 10 năm sẽ rút ra được cả gốc lẫn lãi khoảng 10 tỉ đồng. Do tin tưởng vào lời tư vấn này nên tôi đã đồng ý ký kết hợp đồng bảo hiểm mua gói bảo hiểm với phí bảo hiểm mỗi năm là 700 triệu đồng. Tuy nhiên, gần đây khi gặp sự cố cần đến bảo hiểm, tôi có liên hệ trực tiếp với bảo hiểm thì được thông tin rằng hợp đồng bảo hiểm tôi ký lên đến là 74 năm chứ không phải 10 năm. Đồng thời, số tiền tôi nhận lại sau khi hết hạn hợp đồng bảo hiểm là thấp hơn rất nhiều so với con số 10 tỉ đồng mà trước đây tôi đã được tư vấn. Vậy, trong trường hợp này, tôi cần làm gì để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hợp lý nhất. Bạn đọc N.L. hỏi.

Ảnh minh họa.

Theo Luật sư Lê Nguyên Hòa, Giám đốc Điều hành Công ty Luật TNHH LHLegal cho biết, có thể nhân viên tư vấn bảo hiểm đưa thông tin sai sự thật để ký kết được hợp đồng bảo hiểm hay chính bạn đã nhầm lẫn, hiểu sai nội dung tư vấn và sơ suất trong việc kiểm tra hợp đồng trước khi ký kết nên để xảy ra sự việc đáng tiếc này.

Trường hợp nhân viên tư vấn cố tình tư vấn sai sự thật để giao kết hợp đồng

Theo thông tin bạn cung cấp, thời điểm bạn giao kết hợp đồng bảo hiểm với công ty M. là vài năm trước, do đó thời điểm này pháp luật đang có hiệu lực điều chỉnh hoạt động bảo hiểm là Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019)[1].

Căn cứ Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019) quy định:

“Điều 19. Trách nhiệm cung cấp thông tin

1. Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Các bên chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đó. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm giữ bí mật về thông tin do bên mua bảo hiểm cung cấp.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm có một trong những hành vi sau đây:

a) Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường;

b) Không thực hiện các nghĩa vụ trong việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 của Luật này.

3. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm do việc cung cấp thông tin sai sự thật”.

Do vậy, trong trường hợp này, nếu công ty bảo hiểm M. cố tình cung cấp thông tin sai sự thật về thời hạn đóng bảo hiểm và số tiền lãi nhận lại thì bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và yêu cầu công ty bảo hiểm M. phải bồi thường thiệt hại phát sinh với bạn do đã cung cấp thông tin sai sự thật gây ra.

Ngoài ra, nếu tư vấn viên bảo hiểm đưa ra các thông tin gây sự nhầm lẫn cho khách hàng, làm cho khách hàng ngộ nhận một số quyền lợi nhất định của Hợp đồng hoặc về thời hạn bảo vệ và thời hạn đóng phí bảo hiểm thì Hợp đồng đó cũng có thể bị vô hiệu bởi các quy định pháp luật sau đây: 

- Điều 126 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“Điều 126. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn

1. Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được”.

- Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định:

“Điều 22. Trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin

1. Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

3. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm (nếu có)”.

- Điểm g khoản 1 Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022:

“Điều 25. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu

1. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp sau đây:

g) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng, trừ trường hợp mục đích giao kết hợp đồng của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc giao kết hợp đồng vẫn đạt được”.

Như vậy, với trường hợp của bạn nếu việc giao kết hợp đồng bảo hiểm mà có sự nhầm lẫn, gây hiểu sai về hợp đồng làm cho bạn không thể đạt được mục đích là nhận được 10 tỉ sau 10 năm của mình thì bạn có thể yêu cầu công ty bảo hiểm thỏa thuận lại, sửa đổi hợp đồng bảo hiểm mà bạn đã ký để phù hợp với mục đích của hợp đồng bảo hiểm theo quy định trên và theo Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019).

Nếu không nhận được sự thiện chí khắc phục hợp đồng bảo hiểm đã ký từ công ty bảo hiểm, bạn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng bảo hiểm này vô hiệu do bị nhầm lẫn, để được nhận lại phí bảo hiểm đã đóng.

Lời khuyên pháp lý cho những người tham gia bảo hiểm

Qua sự việc này, Luật sư Hòa khuyến cáo những người mua bảo hiểm cần rút ra cho mình những bài học, kinh nghiệm trong việc lựa chọn, giao kết hợp đồng bảo hiểm, cũng như cách giải quyết nếu gặp trường hợp tương tự.

Tìm hiểu kỹ sản phẩm bảo hiểm trước khi giao kết hợp đồng

Người mua bảo hiểm khi có ý định tham gia mua bảo hiểm nên tìm hiểu thật kỹ nhu cầu bản thân và các sản phẩm bảo hiểm phù hợp. Đồng thời, cần tìm cho mình một doanh nghiệp bảo hiểm và những tư vấn viên có uy tín, kinh nghiệm lâu năm với nghề để được tư vấn, giải thích rõ các sản phẩm, điều kiện, điều khoản hợp đồng trước khi ký kết. Điều này giúp làm giảm rủi ro nhầm lẫn khi đi đến ký kết hợp đồng bảo hiểm.

Trước khi đi đến quyết định ký kết, người mua cần dành thời gian đọc trước bản thảo hợp đồng của doanh nghiệp bảo hiểm để rà soát nhằm hiểu rõ hơn các quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân khi tham gia giao kết hợp đồng bảo hiểm. Mặc dù việc nghiên cứu, tìm hiểu hợp đồng khá tốn thời gian, nhưng việc này giúp đảm bảo quyền lợi lâu dài về sau nên người mua bảo hiểm cần nên thực hiện kĩ việc này.

Bên cạnh đó, ngay cả khi đã giao kết hợp đồng, người mua bảo hiểm vẫn nên tiếp tục rà soát, đọc kỹ lại hợp đồng bảo hiểm đã ký, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích cụ thể những điều kiện, điều khoản cần làm rõ. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:

“Điều 35. Thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm

Đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 01 năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm. Trường hợp bên mua bảo hiểm từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm sẽ bị hủy bỏ, bên mua bảo hiểm được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”.

Như vậy, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm. Từ đó, trong thời hạn này, người mua bảo hiểm vẫn nên tiếp tục kiểm tra lại hợp đồng bảo hiểm một lần nữa để bảo đảm người lợi cho chính mình.

Tham gia với số phí bảo hiểm phù hợp với điều kiện tài chính

Một điều quan trọng là không nên tham gia bảo hiểm với số phí quá lớn vì bảo hiểm là kênh bảo vệ khi gặp rủi ro chứ không nên được xem là kênh đầu tư. Người mua bảo hiểm nên tham gia với số phí phù hợp với điều kiện tài chính và thu nhập, thông thường chỉ nên tham gia bảo hiểm ở mức dưới 15% thu nhập là phù hợp nhất.

Trong trường hợp nhận ra có sự nhầm lẫn

Trong trường hợp, người mua bảo hiểm nhận ra mình đã có sự nhầm lẫn về nội dung hợp đồng bảo hiểm dẫn đến mục đích ban đầu khi giao kết hợp đồng không đạt được như sự việc xảy ra với bạn thì có thể thực hiện các bước như sau:

- Nếu sự nhầm lẫn bị gây ra do doanh nghiệp bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì người mua bảo hiểm có thể yêu cầu có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng và được bồi thường thiệt hại phát sinh.

- Nếu trong trường hợp sự nhầm lẫn bị gây ra do người mua bảo hiểm hiểu sai nội dung tư vấn khi giao kết hợp đồng thì người mua bảo hiểm nên liên hệ với doanh nghiệp bảo hiểm để được thỏa thuận, sửa đổi lại hợp đồng phù hợp với mục đích giao kết ban đầu của các bên.

Nếu doanh nghiệp bảo hiểm không đồng ý với yêu cầu trên người mua bảo hiểm thì người mua có thể yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng bảo hiểm vô hiệu do bị nhầm lẫn.

Khoản 1 Điều 157 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022:

“Điều 157. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết trước ngày Luật này có hiệu lực và còn thời hạn hợp đồng thì tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng để phù hợp với Luật này và để áp dụng quy định của Luật này”.

PV

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thế nào về đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị

Bùi Thị Thanh Loan