/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Hợp đồng tiền hôn nhân – Lý luận và thực tiễn

Hợp đồng tiền hôn nhân – Lý luận và thực tiễn

24/05/2022 15:19 |

(LSVN) - Hợp đồng tiền hôn nhân(1) là một khái niệm khá mới trong khoa học pháp lý và chưa được các nhà lập pháp Việt Nam đưa vào trong luật mặc dù đã có một số quy định điều chỉnh về vấn đề này. Trong khi đó, loại hợp đồng này đã được nhiều quốc gia quy định cụ thể, điển hình như: Mỹ, Úc… Chính vì vậy, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến hợp đồng tiền hôn nhân để từ đó đề xuất việc thiết kế các quy định pháp luật phù hợp điều chỉnh loại hợp đồng này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn.

Ảnh minh họa.

Khái niệm và đặc điểm của hợp đồng tiền hôn nhân

Trên thế giới, cho đến nay đã có khá nhiều học giả nước ngoài nghiên cứu về hợp đồng tiền hôn nhân, mỗi học giả lại có cách tiếp cận và định nghĩa khác nhau về loại hợp đồng này. Theo đó, hợp đồng tiền hôn nhân là một thỏa thuận bằng văn bản được giao kết bởi một cặp vợ chồng trước khi kết hôn hoặc sự kết hợp dân sự cho phép họ lựa chọn và kiểm soát nhiều quyền hợp pháp mà họ có được(2), hoặc hợp đồng tiền hôn nhân là một văn bản chính thức được ký bởi hai người trước khi kết hôn, cho biết điều gì sẽ xảy ra với tài sản và/hoặc con của họ nếu ly hôn(3).

Trong khi đó, Từ điển Cambridge định nghĩa hợp đồng tiền hôn nhân là một loại hợp đồng do hai người lập ra trước khi tiến tới hôn nhân. Hợp đồng này có thể nêu rõ trách nhiệm và quyền tài sản của mỗi bên trong suốt thời gian hôn nhân. Thông thường, các thỏa thuận tiền hôn nhân phác thảo các điều khoản và điều kiện liên quan đến việc phân chia tài sản và trách nhiệm tài chính nếu ly hôn(4). Từ điển Britannica định nghĩa, hợp đồng tiền hôn nhân là một thỏa thuận chính thức mà hai người thực hiện trước khi kết hôn, trong đó họ nêu rõ mỗi người sẽ nhận được bao nhiêu tài sản của nhau nếu họ ly hôn hoặc nếu một trong hai người chết(5). Hợp đồng tiền hôn nhân, còn được gọi là thỏa thuận chung sống, thỏa thuận tiền hôn nhân, là một hợp đồng được ký kết trước hôn nhân đặt ra các điều khoản cho sự ly thân. Nói chung, các điều khoản có xu hướng khuyến khích ly hôn hoặc ly thân một cách bất hợp lý là không thể thi hành trên cơ sở chính sách công(6). Hợp đồng tiền hôn nhân là thỏa thuận giữa hai người sắp kết hôn về tài sản và quyền cấp dưỡng của họ khi chấm dứt hôn nhân do ly hôn hoặc chết, hoặc liên quan đến quyền tài sản trong thời kỳ hôn nhân(7).

Mặc dù có sự khác biệt trong các định nghĩa về hợp đồng tiền hôn nhân nêu trên nhưng tựu trung lại, các định nghĩa đã phản ánh được một số đặc điểm cơ bản của loại hợp đồng này như sau: là sự thỏa thuận của các chủ thể gồm hai người (chưa kết hôn hoặc từng kết hôn nhưng đã ly hôn); được giao kết trước khi kết hôn; nội dung thỏa thuận về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, con khi xảy ra sự kiện pháp lý như ly hôn hoặc một trong hai người chết. 

Ở trong nước, tác giả nhận thấy “hợp đồng tiền hôn nhân” chưa được nhiều học giả nghiên cứu và rất ít được đề cập trong các tài liệu khoa học pháp lý. Cho đến nay, khái niệm này chưa được các nhà lập pháp Việt Nam quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình (LHNVGĐ) và các văn bản pháp luật liên quan nên thuật ngữ “hợp đồng tiền hôn nhân” chỉ là cách gọi thông thường, mang tính quy ước để chỉ một văn bản thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến việc giải quyết tài sản và/hoặc con khi vợ chồng ly hôn hoặc khi một trong hai người chết. Sở dĩ hiện nay Việt Nam chưa quy định loại hợp đồng này trong luật là do nhiều nguyên nhân khác nhau mà một trong số đó là do yếu tố đạo đức, yếu tố văn hóa - xã hội…

Khái niệm hợp đồng tiền hôn nhân chủ yếu được một số luật sư đưa ra trong các bài viết trên website. Ngay trong giới luật sư cũng có sự nhận thức, định nghĩa khác nhau về loại hợp đồng này. Về bản chất, hợp đồng tiền hôn nhân là một thỏa thuận ràng buộc về pháp lý, được xác lập nhằm tạo lập các nguyên tắc để giải quyết những bất đồng, tranh chấp phát sinh liên quan đến trách nhiệm và tài sản của các cặp đôi trong cuộc sống hôn nhân và đặc biệt là trong trường hợp ly hôn hoặc một bên chết(8). Hợp đồng tiền hôn nhân chỉ là cách gọi thông thường, mang tính chất quy ước của văn bản thỏa thuận về tài sản. Hợp đồng tiền hôn nhân là văn bản thỏa thuận của các cặp đôi nam nữ được lập trước khi kết hôn và có nội dung quy định chế độ tài sản của vợ chồng trong suốt thời kỳ hôn nhân(9). Có thể hiểu hợp đồng tiền hôn nhân là sự thỏa thuận giữa vợ và chồng về quan hệ hôn nhân giữa hai người. Trong đó, chế độ hôn nhân gồm toàn bộ những quy định về kết hôn; ly hôn; quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng, cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng…(10). Khái niệm hợp đồng tiền hôn nhân được nhiều người sử dụng để chỉ thỏa thuận về quan hệ hôn nhân bao gồm cả kết hôn, ly hôn, quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, cấp dưỡng...(11). Thực tiễn cho thấy, hiện nay thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng tồn tại dưới nhiều tên gọi khác nhau như:  hợp đồng tiền hôn nhân; hôn ước hay thỏa thuận trước hôn nhân(12).

Mặc dù còn có sự khác biệt về tên gọi và định nghĩa khác nhau về loại hợp đồng này ở cả bình diện trong nước và quốc tế, tuy nhiên, có thể hiểu một cách chung nhất thì hợp đồng tiền hôn nhân là một văn bản thỏa thuận giữa nam và nữ trước khi kết hôn, trong đó quy định các vấn đề pháp lý liên quan đến việc phân định tài sản chung; tài sản riêng; tài sản trước, trong và sau hôn nhân và các vấn đề xác định quyền nuôi con, phân chia tài sản nếu vợ chồng ly hôn hoặc trong trường hợp một bên chết.

Nghiên cứu về hợp đồng tiền hôn nhân, tác giả nhận thấy bên cạnh những đặc điểm chung vốn có như các loại hợp đồng truyền thống khác thì hợp đồng tiền hôn nhân còn có một số đặc điểm riêng biệt, điều này xuất phát từ đặc thù của quan hệ hôn nhân và gia đình, cụ thể:

- Hình thức của hợp đồng là văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của vợ và chồng.

- Nội dung của hợp đồng là sự thỏa thuận của nam và nữ về các vấn đề liên quan đến tài sản.

- Thời điểm giao kết hợp đồng được thực hiện trước khi nam và nữ kết hôn và hợp đồng này chỉ phát sinh hiệu lực khi hai bên được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

- Chủ thể của hợp đồng là nam và nữ, đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

Một số nội dung của pháp luật hợp đồng tiền hôn nhân

Chủ thể của hợp đồng tiền hôn nhân

Hiện nay, trên thế giới đã có 30 quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới hợp pháp, điển hình như: Hà Lan, Canada, Mỹ, Áo, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức(13). Như vậy, có thể thấy là bên cạnh chủ thể truyền thống là nam và nữ thì còn có trường hợp chủ thể của hợp đồng tiền hôn nhân là người đồng tính. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa cho phép kết hôn đồng tính nên chủ thể giao kết hợp đồng tiền hôn nhân chỉ là nam và nữ(14).

Chủ thể giao kết hợp đồng tiền hôn nhân bên cạnh việc phải thỏa mãn các điều kiện về chủ thể như các loại hợp đồng truyền thống khác thì còn phải thỏa mãn các điều kiện kết hôn theo luật định, điều này xuất phát từ tính chất đặc thù của loại hợp đồng này. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, để kết hôn, nam và nữ phải thỏa mãn các điều kiện sau: a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự; d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn sau: kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi, giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng(15).

Như vậy, chủ thể giao kết hợp đồng tiền hôn nhân được hiểu là chủ thể đặc biệt khi so sánh với chủ thể giao kết hợp đồng truyền thống. Tính chất đặc biệt được thể hiện ở chỗ hai bên giao kết hợp đồng, trong đó một bên là nam và một bên là nữ. Cả hai chủ thể này vừa phải thỏa mãn các điều kiện về chủ thể theo quy định chung của Bộ luật Dân sự (BLDS), vừa phải thỏa mãn cả điều kiện về chủ thể theo quy định riêng của Luật Hôn nhân và gia đình.

Hiệu lực của hợp đồng tiền hôn nhân và hợp đồng tiền hôn nhân vô hiệu

Hợp đồng tiền hôn nhân là một dạng hợp đồng đặc thù nên loại hợp đồng này được điều chỉnh bởi cả BLDS và Luật Hôn nhân và gia đình. Theo đó, để hợp đồng tiền hôn nhân có hiệu lực thì trước hết nó phải thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, cụ thể:

Thứ nhất, chủ thể giao kết hợp đồng tiền hôn nhân có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch được xác lập. Hơn thế nữa, chủ thể giao kết hợp đồng tiền hôn nhân chỉ là cá nhân mà không có pháp nhân. Tư cách chủ thể của cá nhân khi tham gia hợp đồng phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi dân sự của họ được quy định tại Điều 21, 22, 23, 24 BLDS 2015.

Thứ hai, chủ thể giao kết hợp đồng tiền hôn nhân hoàn toàn tự nguyện. Đây chính là việc cụ thể hóa nguyên tắc tự do ý chí của các bên tham gia hợp đồng. Tuy nhiên, để đánh giá có sự tự nguyện khi giao kết hợp đồng hay không, cần dựa vào nhiều yếu tố để xem xét, nhất là khi có tranh chấp phát sinh. Trường hợp các bên không có tranh chấp, đương nhiên có thể suy đoán là có sự tự nguyện. Theo BLDS 2015, các yếu tố sau là cơ sở xác định các bên không tự nguyện: hợp đồng xác lập do giả tạo; hợp đồng xác lập do bị nhầm lẫn; hợp đồng được xác lập do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép(16).

Thứ ba, mục đích và nội dung của hợp đồng tiền hôn nhân không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Đây là quy định mang tính chất khá chung nên việc xác định mục đích và nội dung của hợp đồng tiền hôn nhân có vi phạm điều cấm của luật hay không, phải căn cứ vào nhiều văn bản luật khác nhau để xem xét, đánh giá trên cơ sở nguyên tắc “Các bên có quyền thỏa thuận những gì mà pháp luật không cấm”. Chính vì vậy, các bên giao kết hợp đồng tiền hôn nhân cần phải am hiểu pháp luật bởi nếu không sẽ dẫn đến hệ quả là hợp đồng có thể vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.

Thứ tư, nội dung hợp đồng tiền hôn nhân phải phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 BLDS 2015; các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự quy định tại Điều 117, 118, 119 BLDS 2015; không vi phạm quy định tại Điều 29, 30, 31, 32 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và pháp luật có liên quan. Ngoài ra, còn phải thỏa mãn các điều kiện riêng như: hợp đồng phải được xác lập trước khi kết hôn; hình thức hợp đồng là văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của vợ chồng; hợp đồng phải có đầy đủ các điều khoản cơ bản theo quy định tại Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Thứ năm, hình thức của hợp đồng. Đây là điều kiện bắt buộc đối với một số loại hợp đồng nhất định. Chính vì vậy, trong trường hợp pháp luật không quy định hình thức của hợp đồng là điều kiện bắt buộc để hợp đồng có hiệu lực, các bên giao kết có quyền lựa chọn bất kỳ hình thức nào cho nội dung giao dịch của mình. Hình thức của hợp đồng tiền hôn nhân là văn bản và hợp đồng này phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của vợ chồng(17).

Hợp đồng tiền hôn nhân vô hiệu và việc xử lý hợp đồng là một vấn đề pháp lý quan trọng của pháp luật. Tương tự như các loại hợp đồng truyền thống khác, hợp đồng tiền hôn nhân có thể bị tuyên vô hiệu bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp không thỏa mãn các điều kiện luật định. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của loại hợp đồng này nên để có hiệu lực thì ngoài việc phải tuân thủ các điều kiện mà giao dịch dân sự cần phải có, còn phải tuân theo các điều kiện khác, tức là không vi phạm những trường hợp được nhà làm luật thiết kế riêng cho loại hợp đồng này. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là hậu quả pháp lý và việc xử lý hợp đồng tiền hôn nhân vô hiệu như thế nào? Về cơ bản, việc xử lý hợp đồng tiền hôn nhân vô hiệu sẽ được giải quyết theo các nguyên tắc áp dụng đối với giao dịch dân sự vô hiệu, cụ thể: hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ các bên kể từ thời điểm giao kết; làm cho hợp đồng không có giá trị pháp lý kể từ thời điểm giao kết, cho dù hợp đồng đã được thực hiện trên thực tế hay chưa.

Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tiền hôn nhân

Việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tiền hôn nhân có ý nghĩa rất quan trọng bởi lẽ xác định được thời điểm có hiệu lực có nghĩa là xác định được thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa thực tiễn đối với việc giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến tài sản khi được quy đổi ra thành tiền bởi nguyên tắc xác định giá trị của tài sản đó sẽ được tính theo giá thị trường tại thời điểm hợp đồng có hiệu lực. Mặt khác, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng cũng là một trong những căn cứ để xem xét về tính hợp lệ và thời hiệu khởi kiện trong vụ án dân sự. Thực tiễn cho thấy, hợp đồng được coi là có hiệu lực khi thuộc vào một trong các trường hợp sau đây:

- Hợp đồng bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể có hiệu lực tại thời điểm các bên đã trực tiếp thỏa thuận với nhau về những nội dung chủ yếu của hợp đồng.

- Hợp đồng bằng văn bản có hiệu lực tại thời điểm bên sau cùng ký vào hợp đồng.

- Hợp đồng bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép có hiệu lực tại thời điểm hợp đồng đó được công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc cho phép.

- Ngoài ra, hợp đồng còn có thể có hiệu lực sau các thời điểm nói trên nếu các bên thỏa thuận, thống nhất với nhau về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng hoặc trong trường hợp pháp luật có quy định.

Do tính chất đặc thù nên thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tiền hôn nhân cũng có những điểm khác biệt nhất định, đó là ngoài việc thỏa mãn các yếu tố như đã nêu trên thì thời điểm phát sinh hiệu lực của loại hợp đồng này được bắt đầu từ khi UBND có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho nam và nữ và việc thỏa thuận của hai bên liên quan đến các điều khoản của hợp đồng này phải được thực hiện trước khi kết hôn.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có trường hợp nam nữ không đăng ký kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng, vậy hợp đồng mà họ đã giao kết có gọi là hợp đồng tiền hôn nhân không? Vấn đề hiệu lực và thời điểm hiệu lực của hợp đồng này như thế nào? Về vấn đề này, tác giả cho rằng đó không gọi là hợp đồng tiền hôn nhân vì họ chưa được UBND có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Quan hệ này được gọi là hôn nhân thực tế và để giải quyết các trường hợp này, pháp luật đã thiết kế quy định riêng cho nó tại khoản 1 Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: “Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của BLDS và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Nội dung hợp đồng tiền hôn nhân

Về cơ bản, pháp luật cho phép các bên tự thỏa thuận về nội dung của hợp đồng nói chung và hợp đồng tiền hôn nhân nói riêng theo những nguyên tắc của pháp luật. Tuy nhiên, đối với một số loại hợp đồng nhất định, pháp luật quy định những nội dung mà hợp đồng đó cần phải có. Thực tiễn cho thấy, hợp đồng tiền hôn nhân thường bao gồm các nội dung cơ bản sau đây: xác định các vấn đề về tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng tạo lập trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân; trách nhiệm của vợ chồng trong việc chia sẻ tài chính, chăm sóc con và cuộc sống hàng ngày hoặc đối với gia đình của bên kia; trách nhiệm của vợ chồng đối với các khoản nợ cá nhân; trách nhiệm của vợ chồng đối với con riêng của vợ hoặc chồng (nếu có); nguyên tắc phân chia tài sản giữa vợ chồng khi ly hôn; trách nhiệm nuôi dưỡng và trợ cấp cho con sau khi ly hôn; trách nhiệm của vợ hoặc chồng đối với tài sản, con khi một bên chết.

Thực trạng pháp luật hợp đồng tiền hôn nhân

Hiện nay, hợp đồng tiền hôn nhân chưa được các nhà lập pháp Việt Nam quan tâm đúng mực và khái niện này chưa được đưa vào trong văn bản pháp luật hiện hành. Do đó, không có quy định cụ thể điều chỉnh việc giao kết và thực hiện hợp đồng tiền hôn nhân mà chỉ có các quy định liên quan đến việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng (trước và trong hôn nhân). Mặc dù trong quan hệ hôn nhân, pháp luật Việt Nam chưa quy định về hợp đồng tiền hôn nhân nhưng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã đề cập đến thỏa thuận về tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn.

Thực tiễn cho thấy quy định điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hợp đồng tiền hôn nhân nằm rải rác trong nhiều văn bản luật khác nhau như: BLDS 2015; Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 mà chưa được pháp điển hóa cao, một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tính khả thi hoặc khó áp dụng trên thực tế. Trong đó, BLDS 2015 giữ vai trò trung tâm, quy định những vấn đề chung nhất về hợp đồng.

Các vấn đề chi tiết hơn liên quan đến loại hợp đồng này chủ yếu được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Điều 3 Luật này quy định “Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn”. Quy định nêu trên là cơ sở để xác định thời điểm hợp đồng tiền hôn nhân có hiệu lực bởi chỉ khi có sự kiện pháp lý kết hôn xảy ra thì quyền và nghĩa vụ của các bên thỏa thuận trong hợp đồng trước đó mới phát sinh hiệu lực. Khoản 1 Điều 28 quy định về việc áp dụng chế độ tài sản của vợ và chồng như sau: “Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận…”. Nội dung điều luật đã dẫn cho thấy chế độ tài sản của vợ chồng có hai hình thức là chế độ tài sản theo luật định và chế độ tài sản theo thỏa thuận (hay còn gọi là chế độ tài sản ước định). Đây là nội dung mới được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và đã được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp. Chế định tài sản ước định bao hàm các chế độ đặc thù mà vợ chồng thông qua hợp đồng hôn nhân, lựa chọn quan hệ tài sản tùy theo hoàn cảnh sống, ý chí chủ quan của chính mình(18). Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định chỉ được áp dụng trong trường hợp vợ chồng không lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận hoặc có thỏa thuận về chế độ tài sản nhưng thỏa thuận này bị tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định tại Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 7 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP.

Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng như sau “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”. Đây có thể coi là nền tảng cho việc thiết lập hợp đồng tiền hôn nhân, tạo hành lang pháp lý đầu tiên cho các cặp đôi giao kết hợp đồng tiền hôn nhân tại Việt Nam. Xét về bản chất, khi nam nữ thỏa thuận với nhau về các vấn đề tài sản trước hôn nhân và thỏa thuận đó được thể hiện ra bên ngoài bằng hình thức văn bản được công chứng hoặc chứng thực thì đây là một hợp đồng.

Mặc dù Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không quy định về hợp đồng tiền hôn nhân nhưng lại quy định khá cụ thể, chi tiết về các vấn đề về nội dung của thỏa thuận liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng, đây có thể coi là những nội dung cơ bản mà hợp đồng tiền hôn nhân cần phải có. Theo đó, khoản 1 Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm: a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản; d) Nội dung khác có liên quan. 2. Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định”. Việc pháp luật quy định nội dung của thỏa thuận cần phải có nhằm cụ thể hóa các vấn đề liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng sau khi kết hôn.

Như vậy, nội dung của khoản 1 Điều 28 và Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đều cho phép vợ chồng được quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Có thể coi đây là các quy định pháp luật đầu tiên ghi nhận giá trị pháp lý của thỏa thuận tiền hôn nhân về tài sản, là tiền đề cho hợp đồng tiền hôn nhân hình thành và phát triển.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định vợ chồng được tự thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến tài sản trong hợp đồng tiền hôn nhân mà không quy định vợ chồng được thỏa thuận về các vấn đề khác như: con chung; con riêng (nếu có); quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong giai đoạn hôn nhân, sau khi ly hôn hoặc một bên chết.

Một số đề xuất hoàn thiện pháp luật hợp đồng tiền hôn nhân

Thứ nhất, cần xem xét đưa khái niệm hợp đồng tiền hôn nhân vào trong văn bản pháp luật.

Khi đưa khái niệm hợp đồng tiền hôn nhân vào trong bản pháp luật, cần định nghĩa loại hợp đồng này như sau: hợp đồng tiền hôn nhân là một văn bản thỏa thuận của nam và nữ, trong đó quy định các vấn đề pháp lý liên quan đến việc phân định tài sản chung, tài sản riêng, tài sản trước, trong và sau hôn nhân, các vấn đề xác định quyền nuôi con, cấp dưỡng nếu vợ chồng ly hôn hoặc trong trường hợp một bên chết.

Thứ hai, rà soát, pháp điển hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hợp đồng tiền hôn nhân và trong lần sửa đổi, bổ sung tiếp theo của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, các nhà lập pháp cần xem xét, xây dựng một mục riêng về hợp đồng tiền hôn nhân nhằm bảo đảm tính khoa học, khả thi, dễ áp dụng trên thực tế. Theo tác giả, mục này cần điều chỉnh được những nội dung cơ bản như sau: khái niệm hợp đồng tiền hôn nhân; hình thức của hợp đồng tiền hôn nhân; nội dung của hợp đồng tiền hôn nhân; nguyên tắc giao kết và trình tự giao kết hợp đồng tiền hôn nhân; quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng tiền hôn nhân; hiệu lực của hợp đồng tiền hôn nhân và hợp đồng tiền hôn nhân vô hiệu; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng tiền hôn nhân.

Thứ ba, pháp luật cần bổ sung các quy định liên quan đến con chung, con riêng, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong giai đoạn hôn nhân, sau khi ly hôn hoặc một bên chết.

Như đã phân tích, hiện nay pháp luật chỉ quy định vợ chồng được tự thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến tài sản mà không quy định vợ chồng được thỏa thuận về các vấn đề khác như con chung; con riêng (nếu có); quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong giai đoạn hôn nhân, sau khi ly hôn hoặc một bên chết. Do đó, đây là một “lỗ hổng” cần được xem xét bổ sung bởi lẽ quan hệ hôn nhân và gia đình không chỉ là quan hệ về tài sản mà còn là quan hệ liên quan đến con chung, con riêng. Ngoài ra, vấn đề quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong giai đoạn hôn nhân, sau khi ly hôn hoặc một bên chết cũng là một nội dung quan trọng của quan hệ hôn nhân và gia đình. Chính vì vậy, pháp luật cần mở rộng nội dung thỏa thuận của vợ và chồng liên quan đến con chung, con riêng, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong giai đoạn hôn nhân, sau khi ly hôn hoặc một bên chết nhằm bảo đảm tính điều chỉnh bao quát của pháp luật đối với quan hệ hôn nhân và gia đình chứ không chỉ dừng lại khía cạnh tài sản như hiện nay. 

Cùng với sự phát triển của xã hội, hợp đồng tiền hôn nhân đã và đang được các đôi nam nữ giao kết nhiều hơn, điều đó cho thấy sự phù hợp của loại hợp đồng này đối với nhu cầu của xã hội nói chung và các đôi nam nữ nói riêng. Tuy nhiên, cho đến nay, các quy định pháp luật liên quan đến loại hợp đồng này còn thiếu, một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tính khả thi và khó áp dụng trên thực tế. Chính vì vậy, việc nghiên cứu các vấn đề lý luận về hợp đồng tiền hôn nhân và thực trạng các quy định pháp luật hợp đồng tiền hôn nhân có ý nghĩa thực tiễn to lớn.

(1) Hiện nay, khái niệm hợp đồng tiền hôn nhân chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam mà chỉ tồn tại trong khoa học pháp lý. Do tiếp cận ở góc độ khoa học để nghiên cứu về loại hợp đồng này nên tác giả thống nhất dùng thuật ngữ “hợp đồng tiền hôn nhân”.

(2) From Wikipedia, the free encyclopedia. “prenuptial agreement”. https://en.wikipedia.org/wiki/Prenuptial_agreement, access at 9: 15 AM, date April 17th, 2022.

(3) The Cambridge Dictionary. “prenuptial agreement”. https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/prenuptial-agreement, access at 11: 15 AM, date April 18th, 2022.

(4) Investopedia. “prenuptial agreement”. https://www.investopedia.com/terms/p/prenuptialagreement.asp, access at 14: 15 PM, date April 19th, 2022.

(5) The Britannica Dictionary. “prenuptial agreement”. https://www.britannica.com/dictionary/prenuptial-agreement, access at 11: 25 AM, date April 20th, 2022.

(6) Legal Information Institute (Cornell Law School). “prenuptial agreement”. https://www.law.cornell.edu/wex/prenuptial_agreement, access at 14: 05 PM, date April 20th, 2022.

(7) The Dictionary.com. “prenuptial agreement”. https://www.dictionary.com/browse/prenuptial-agreement, access at 14: 20 PM, date April 20th, 2022.

(8) An Law Liability Firm, Hợp đồng tiền hôn nhân - giải pháp an toàn cho các đôi ở Việt Nam, https://anlaw.vn/luu-y-khi-lap-hop-dong-tien-hon-nhan-tai-viet-nam/, truy cập 20/4/2022.

(9) Jes.edu.vn, Hợp đồng tiền hôn nhân là gì? Có hợp pháp không?, https://jes.edu.vn/hop-dong-tien-hon-nhan-la-gi-co-hop-phap-khong, 20/4/2022.

(10) H.M, Hợp đồng tiền hôn nhân có hợp pháp ở Việt Nam?, https://www.nguoiduatin.vn/hop-dong-tien-hon-nhan-co-hop-phap-o-viet-nam-a513151.html, truy cập 22/4/2022. 

(11) Nguyễn Hương, Hợp đồng hôn nhân là gì? Có hợp pháp không?, https://luatvietnam.vn/dan-su/hop-dong-hon-nhan-568-21717-article.html,  22/4/2022.

(12) Nguyễn Nam Hưng - Viện 2 (2022), Một số kiến nghị về công tác áp dụng pháp luật đối với các vụ án tranh chấp hôn nhân, gia đình, https://vkscapcaohcm. gov.vn/tin-tuc/mot-so-kien-nghi-ve-cong-tac-ap-dung-phap-luat-doi-voi-cac-vu-an-tranh-chap-hon-nhan-gia-dinh-4558.html, 28/4/2022.

(13) Quỳnh Chi (theo France24), 30 quốc gia trên thế giới công nhận hôn nhân đồng giới hợp pháp, https://vtv.vn/the-gioi/30-quoc-gia-tren-the-gioi-cong-nhan-hon-nhan-dong-gioi-hop-phap-20211208200419667.htm, 23/4/2022.

(14) Khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

(15) Khoản 1 Điều 8 và khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

(16) Điều 124, 126,127 BLDS 2015.

(17)  Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Tiến sĩ, Luật sư NGÔ VĂN HIỆP 

Trưởng Văn phòng Luật sư Hiệp và Liên danh (Half)

Vai trò của Luật sư trong vụ án ly hôn và nguyên tắc tự định đoạt của đương sự

Loan B T Thanh