/ Pháp luật - Đời sống
/ Hướng dẫn thí điểm biện pháp nộp tiền bảo đảm trong xử lý vật chứng, tài sản trong vụ án hình sự

Hướng dẫn thí điểm biện pháp nộp tiền bảo đảm trong xử lý vật chứng, tài sản trong vụ án hình sự

04/03/2025 14:42 |1 tháng trước

(LSVN) - Thông tư liên tịch 01/2025/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC-BQP ngày 26/02/2025 hướng dẫn Điều 3 Nghị quyết 164/2024/QH15 về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự do Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao - Bộ trưởng Bộ Công an - Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên tịch ban hành.

Theo Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2025/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC-BQP thì việc nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa vật chứng, tài sản được hướng dẫn như sau:

Cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng quyết định áp dụng biện pháp nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa vật chứng, tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 164/2024/QH15 khi có đủ căn cứ, điều kiện:

- Đã xác định được vật chứng, tài sản thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan và không có tranh chấp;

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

- Có văn bản của người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng cho họ nộp tiền bảo đảm để nhận lại tài sản, vật chứng. Người đề nghị phải cam kết chịu trách nhiệm bảo quản vật chứng, tài sản; không được mua bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, đánh tráo, hủy hoại, cố ý gây thiệt hại vật chứng, tài sản đó;

- Đã có kết luận giám định, định giá tài sản theo trưng cầu, yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng phù hợp với thời điểm xử lý;

- Mức tiền nộp để bảo đảm không thấp hơn giá của tài sản, vật chứng theo kết luận định giá tài sản.

Về trình tự, thủ tục nộp tiền bảo đảm thì cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tài liệu để xác định căn cứ, điều kiện áp dụng biện pháp nộp tiền bảo đảm và thông báo cho người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan có văn bản đề nghị nộp tiền bảo đảm để nhận lại tài sản.

Trường hợp có nhiều chủ sở hữu tài sản mà không thể thực hiện việc thông báo trực tiếp cho các chủ sở hữu thì cơ quan tiến hành tố tụng thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Tố tụng hình sự, nội dung thông báo nêu rõ thời hạn gửi văn bản đề nghị.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn theo thông báo, nếu có văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức họp để thống nhất việc quyết định áp dụng biện pháp nộp tiền bảo đảm. Cuộc họp phải được lập biên bản có chữ ký của đại diện các cơ quan tham gia.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp theo quy định nêu trên, nếu thống nhất được thì người có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 7 Điều 3 Nghị quyết số 164/2024/QH15 ra quyết định áp dụng biện pháp nộp tiền bảo đảm; trường hợp không thống nhất thì cơ quan tiến hành tố tụng thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người có văn bản đề nghị biết.

Quyết định áp dụng biện pháp nộp tiền bảo đảm phải được ghi rõ trong kết luận điều tra, cáo trạng, bản án, quyết định của Tòa án. Quyết định áp dụng biện pháp nộp tiền bảo đảm, văn bản thông báo không áp dụng biện pháp được đưa vào hồ sơ vụ án.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định áp dụng hoặc văn bản thông báo không áp dụng biện pháp nộp tiền bảo đảm để xử lý thì quyết định hoặc văn bản thông báo đó phải được gửi cho Viện Kiểm sát và các cơ quan đã tham gia cuộc họp. Đồng thời, giao cho người bị buộc tội, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan đã nộp đủ số tiền bảo đảm vào tài khoản tiền gửi của cơ quan tiến hành tố tụng thì cơ quan tiến hành tố tụng ra ngay quyết định hủy bỏ biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đã áp dụng đối với vật chứng, tài sản đó và thực hiện việc bàn giao vật chứng, tài sản cho người được giao tài sản để khai thác, sử dụng. Việc giao, nhận vật chứng, tài sản giữa cơ quan tiến hành tố tụng và tổ chức, cá nhân được giao phải được lập thành biên bản theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó nêu rõ tình trạng vật chứng, tài sản.

Cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định áp dụng biện pháp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để theo dõi vật chứng, tài sản sau khi giao cho người nhận.

Tiền nộp để bảo đảm được xử lý theo quy định tại Điều 4 hoặc Điều 5 Thông tư liên tịch này. Trường hợp hủy bỏ biện pháp nộp tiền bảo đảm thì cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu ngân hàng trả lại tiền nộp bảo đảm cho người đã nộp và áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa vật chứng, tài sản đó theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

TRẦN MINH

Các tin khác

LSVN