/ Tin nổi bật
/ Hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm

Hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm

20/02/2025 18:43 |1 tháng trước

(LSVN) - Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm vì về nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tại hội nghị giao ban báo chí Trung ương tháng 02/2025, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi xây dựng Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT nhằm thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 cùng các quy định pháp luật khác có liên quan, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương. 

Thông tư nhằm quản lý tốt hơn hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ không cấm, không “siết” hoạt động này. Việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường, chương trình môn học của giáo viên. Tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh, không ép buộc; giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo.

Dạy thêm, học thêm phải phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, học sinh được phát huy tính chủ động, sáng tạo, thói quen tự học; giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Về các điểm mới của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Thứ nhất, Thông tư mới quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 02 buổi/ngày.

Thứ hai, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 03 đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm vì về nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ ba, đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư mới quy định, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện một cách công khai, minh bạch, đúng các quy định của pháp luật; giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình.

Sau khi ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 07/2/2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Trong Công điện, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận thời gian qua, toàn ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Đồng thời yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT và hoạt động dạy thêm, học thêm.

Để Thông tư sớm đi vào thực tiễn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu một số giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới để quản lý hiệu quả việc dạy thêm, học thêm gồm:

- Ban hành các quy định cụ thể để quản lý việc dạy thêm, học thêm.

- Nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của nhà giáo; phát huy năng lực tự học của học sinh.

- Kiểm tra, đánh giá, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; không ra đề ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh học theo đúng chương trình; tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

- Cần có đủ trường học để đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh; tăng số trường, lớp dạy học 02 buổi/ ngày. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước cả ở trung ương và địa phương trong việc chấp hành quy định về quản lý dạy thêm, học thêm; tăng cường sự giám sát của phụ huynh và toàn xã hội đối với hoạt động này.

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự trọng của giáo viên để nói “không” với dạy thêm không đúng với quy định; vận động phụ huynh đồng thuận, ủng hộ các giải pháp quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm nhằm đảm bảo quyền lợi và sự phát triển toàn diện của học sinh.

THU HƯƠNG

Các tin khác