Chống tham nhũng tiêu cực: Dấu ấn năm 2023

08/02/2024 14:35 | 3 tháng trước

(LSVN) – Năm 2023 với rất nhiều sự kiện pháp lý gây chấn động trong lĩnh vực xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật đã phản ánh đúng phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong lĩnh vực chống tham nhũng, tiêu cực.

Ảnh minh họa.

Ngay những ngày đầu tiên của năm 2024, một cán bộ nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương vừa về hưu được 3 ngày đã bị khởi tố, bắt giam. Sự khởi đầu năm mới này là sự tiếp tục chứ không phải khép lại một năm với rất nhiều sự kiện pháp lý gây chấn động trong lĩnh vực xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, dù đã về hưu hay đang đương chức, thực hành phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong lĩnh vực chống tham nhũng, tiêu cực.

Một trong những minh chứng rõ ràng nhất xảy ra ngay trước thềm Tết Nguyên đán Quý Mão là việc tự nguyện xin thôi làm nhiệm vụ, rút khỏi cương vị của một số lãnh đạo cấp cao. Sự việc này chưa từng có tiền lệ, lần đầu tiên xảy ra từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra một năm mà việc chống tham nhũng, tiêu cực đẩy mạnh đến mức cao trào và mở rộng biên độ “không có vùng cấm”.

Một loạt các cán bộ cao cấp, thuộc hàng ngũ bộ trưởng, thứ trưởng hoặc cấp tướng trong quân đội, công an vi phạm pháp luật trong đại dịch Covid-19 đã bị xử lý hình sự trong các vụ án Việt Á và “chuyến bay giải cứu” được dư luận cả nước quan tâm, theo dõi và ủng hộ, tin tưởng vào việc trừng phạt thích đáng của pháp luật. Song song với quá trình xét xử là hàng loạt các vụ việc tiêu cực, tham nhũng bị phanh phui, sau kiểm tra, thanh tra là điều tra, khởi tố, sau những hình thức kỷ luật đảng, xử lý hành chính là những việc làm tiếp theo của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Đáng lưu ý là trong số các cán bộ, đảng viên vi phạm đó có không ít các Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh đương chức hay đã về hưu, có thể kể đến các địa phương như Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Ninh... hay mới đây, bắc cầu qua hai năm là các trường hợp ở An Giang, Lâm Đồng.

Một dấu ấn nữa trong năm 2023 là việc cơ quan phòng chống, tham nhũng tiêu cực ở các địa phương hiện diện với công việc của mình. Có khoảng hơn 700 vụ án ở các địa phương khác nhau được các cơ quan này chỉ đạo, theo dõi. Theo đó, không ít các  bị cáo là nguyên Giám đốc các Sở tại địa phương, chiếm phần lớn là các ngành Tài chính, Tài nguyên và môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Y tế… Mới đây nhất là trường hợp của nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, dù “hạ cánh an toàn” đã vài năm nhưng vẫn lâm vào vòng tố tụng.

Bên cạnh “tham nhũng vặt” có tính hệ thống như các cơ quan đăng kiểm trong cả nước thì xuất hiện (và bị phát hiện mới đây) các hành vi của cán bộ, công chức bao che hoặc thông đồng với việc trốn thuế của các doanh nghiệp lớn. Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, nguyên là Cục trưởng Cục Thuế đã bị khởi tố, bắt giam vì hành vi này. Qua đó, lộ diện việc trốn thuế, nợ thuế, sử dụng thuế sai mục đích lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và người dân rất bất bình khi thấy tiền của mình nộp vào Quỹ bảo trì đường bộ hay thuế môi trường thu qua xăng dầu bị rơi vào túi những kẻ tham nhũng. Số người dân bị móc túi nào đông đảo hơn tất cả các nạn nhân bị các ngân hàng hay tổ chức tín dụng lừa đảo theo kiểu trái phiếu hay mua bảo hiểm, sự việc gây phẫn nộ và chán nản cho các "nhà đầu tư" trong năm qua.

Không thể không nhắc đến một sự kiện để khẳng định không có vùng cấm trong lĩnh vực thực thi pháp luật, đó là vụ án đình đám, chưa từng có với số tiền khổng lồ bị chiếm đoạt ở một tập đoàn kinh doanh thuộc hàng số 1 Việt Nam Vạn Thịnh Phát. Cũng chưa có tiền lộ khi tội danh Tham ô tài sản được quy kết cho một người không thuộc công chức nhà nước mà là chủ một doanh nghiệp tư nhân.

Một việc khác cũng đáng ghi nhận đã trở thành tiền lệ và được nhiều các bị can áp dụng khi bị khởi tố là tự nguyện nộp tiền "khắc phục hậu quả" với mục đích rõ ràng là giảm nhẹ hình phạt. Cặp bài trùng Thanh Hóa nộp ngay 45 tỷ đồng, cựu Điều tra viên cao cấp khẳng định mình vô tội một cách ngạo nghễ trước Tòa trong vụ án chuyến bay giải cứu cũng vội vã nộp 18 tỷ đồng sát ngày phiên phúc thẩm mở ra và mới đây một tên tuổi tiếng tăm trong ngành lập pháp cũng "khắc phục hậu quả" 300.000 đôla.

"Khắc phục hậu quả" là cụm từ quen dùng, tuy nhiên có vẻ không đúng lắm, một tên ăn cắp trả lại tiền móc túi khi bị phát hiện hoặc một tên kẻ cướp trả lại tài sản khi bị bắt thì có thể coi đó là "khắc phục hậu quả" được không?

Năm 2024 mới bắt đầu mà đó có những sự kiện pháp lý trong đời sống pháp luật hoặc trong đời sống xã hội đã được dư luận chú tâm theo dõi. Năm Rồng ngự trị này hẳn có những chuyển biến theo chiều hướng tốt đẹp cả trong đời sống kinh tế - xã hội nói chung và trong đời sống pháp luật nói riêng nhưng tựu trung lại, có diệt trừ được sâu bọ thì hoa màu mới xanh tốt và mùa màng mới bội thu.   

NHỊ NGỌC

Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất

Từ khoá : lsvn.vn LSVN