Đắk Lắk triển khai tháng hành động vì trẻ em năm 2024

23/04/2024 14:36 | 1 tuần trước

(LSVN) - Nhằm vận động xã hội thực hiện phong trào "Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em", quan tâm, tạo điều kiện và huy động mọi nguồn lực để trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em tỉnh Đắk Lắk năm 2024.

Với chủ đề "Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em", tháng hành động vì trẻ em năm 2024 được triển khai đồng bộ ở các cấp, các ngành, phù hợp theo Thông tư số 28/2019/TT-BLĐTBXH; 100% các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em phù hợp với thực tế của địa phương. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa nhân Tháng hành động vì trẻ em.

Huy động được sự tham gia của toàn hệ thống chính trị trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước; xâm hại, bạo lực; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm chăm sóc, hỗ trợ kịp thời; mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em được phát hiện đều được xử lý kịp thời, đúng pháp luật.

Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề "Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em".

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tổ chức đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn viên, hội viên trong việc chung tay chăm lo cho trẻ em nhằm vận động toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em với phương châm mỗi người một hành động vì trẻ em.

Tuyên truyền, phổ biến Luật trẻ em, văn bản hướng dẫn thi hành Luật trẻ em; pháp luật về xử lý hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; các khẩu hiệu, thông điệp, phóng sự, tin bài, tài liệu… về bảo vệ trẻ em, sử dụng mạng internet an toàn; công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là đuối nước; các chính sách về y tế, giáo dục, pháp lý, trợ giúp xã hội cho trẻ em.

Đồng thời, tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện. Hỗ trợ, chăm sóc trẻ em - Vận động tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và xã hội cùng Nhà nước hỗ trợ, chăm sóc trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em nghèo vượt khó học giỏi, trẻ em khuyết tật, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em bị xâm hại, bạo lực...

Tổ chức thăm, tặng quà, trao học bổng, đỡ đầu, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em buôn kết nghĩa. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, ngày 09/5/2017 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp với chủ đề "Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em" để trẻ em thảo luận, đề xuất các kiến nghị, sáng kiến. Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, đảm bảo quyền tham gia của trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em bày tỏ ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng thông qua các hoạt động diễn đàn, đối thoại, thăm dò, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em đối với các vấn đề về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em; lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.

Tổ chức việc bàn giao, tiếp nhận và quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí; tổ chức các lớp dạy bơi, trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, an toàn khi tham gia giao thông, kỹ năng cứu hộ và sơ cứu trẻ em bị tai nạn, thương tích để trẻ em có kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh.

Tổ chức các hoạt động câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em; các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện tại địa phương để trẻ em học các kỹ năng an toàn cá nhân, tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, phát hiện, tố cáo các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Bố trí kinh phí và vận động xã hội xây dựng các công trình dành cho trẻ em (khu vui chơi giải trí, bể bơi, nâng cấp trường, lớp học...).

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội, chủ động nắm tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm xâm hại trẻ em và có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn. Kiểm tra, rà soát những nơi không an toàn, có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em; việc sử dụng lao động trẻ em và có biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.

HƯƠNG TRẦN