Không còn là chuyện trẻ con

29/03/2024 22:17 | 1 tháng trước

(LSVN) - "Đám mây đen nào cũng có ánh bạc", đáng mừng là giới Luật sư đã vào cuộc một cách kịp thời trong vụ việc này. Không chỉ là phân tích tình tiết, dẫn chiếu pháp luật, đưa ra cảnh báo, tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất giả pháp, các Luật sư còn tình nguyện làm người bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân miễn phí. Đồng hành với người mẹ bất hạnh là các Luật sư, đứng về phía nạn nhân là dư luận xã hội, vụ án này giải quyết thấu đáo thì không chỉ lẽ công bằng được xác lập đối với nạn nhân mà còn góp phần làm giảm thiểu đáng kể những vụ việc đau lòng và thương tâm tương tự.     

Ảnh minh họa.

Xảy ra xích mích trong khi chơi bóng rổ giữa hai thiếu niên 14 tuổi và 12 tuổi. Em 12 tuổi về nhà gọi anh 16 tuổi tìm em 14 tuổi để dằn mặt. Hai anh em họ đánh em 14 tuổi chết não, tiên lượng rất xấu, khó qua khỏi.

Đây không phải trường hợp hy hữu mà khá phổ biến trong cách giải quyết những mâu thuẫn, xích mích giữa các trẻ em với nhau thường dùng vũ lực. Không chỉ là xô xát hoặc đánh lộn đơn thuần mà còn là “đánh hội đồng”, tìm mọi cách để hạ nhục đối phương. Thậm chí, có trường hợp tụ tập thành một nhóm, trang bị hung khí, diễu võ dương oai, hẹn nhau quyết chiến, gây náo loạn và kết cục là thương tích và cả những cái chết thương tâm. Ở cái tuổi vị thành niên mà các em hành xử như băng nhóm giang hồ, thể hiện tính côn đồ hung hãn. Bạo lực không chỉ ở những ở những thiếu niên nam mà còn là cách xử sự của các thiếu nữ, những vụ đánh đấm, giật tóc, xé áo,... không phải chuyện hiếm gặp.

Để tình trạng đáng lo ngại này xảy ra liên tục và có chiều hướng gia tăng thuộc về trách nhiệm của người lớn. Thiếu sự giáo dục, răn đe và không quan tâm, coi như “chuyện trẻ con” chỉ là một phần của nguyên nhân trẻ em ưa dùng bạo lực để “nói chuyện” với nhau mà cái chính, chủ yếu là người lớn đã tạo ra môi trường để trẻ em hành xử như vậy. Người lớn xử sự như thế nào với nhau thì trẻ con bắt chước như thế, cái quan niệm “già đòn non lý sự” để dạy dỗ con cái khiến trẻ em áp dụng trong các trường hợp xung đột mà không cần đến lý lẽ hoặc sự phân tích phải trái. Đơn giản, ngay cả những tác động xấu đến trẻ em như phim ảnh, ấn phẩm văn hóa kích động bạo lực, cổ súy sức mạnh cơ bắp cũng chính do người lớn tạo ra chứ đâu phải các em tự nghĩ ra.

Trở lại với vụ việc thương tâm và đau lòng gây nên sự phẫn nộ và xót xa trong dư luận xã hội kể trên để minh chứng cho trách nhiệm của người lớn. Chính ông bố của hai đứa trẻ 12 và 16 tuổi đã chở con mình tìm gặp em 14 tuổi để giải quyết mâu thuẫn. Đúng ra, ông bố phải tìm hiểu cặn kẽ, có gặp nhau cũng là dùng lời lẽ mà phân tích phải trái, đúng sai, hóa giải xích mích giữa trẻ con với nhau, nhưng ông đã làm khác và ông sẽ phải trả giá cho cái cách mà ông xử sự. Trước hết ông là đồng lõa cho hành vi sai trái của các con ông, sau đó, nếu án mạng xảy ra, ông trở thành đồng phạm.

Vụ án này đã khởi tố và được dư luận chú tâm theo dõi. Nhưng, nếu biết được gia cảnh của nạn nhân chế não thì sự thương cảm của cộng đồng sẽ càng xót xa hơn. Bố mẹ em rời quê Phú Thọ về Hà Nội thuê nhà tìm kế sinh nhai đã hơn 10 năm. Người bố bị tai nạn chết năm 2021, mẹ tần tảo kiếm sống nuôi con. Thảm cảnh đã rơi vào người phụ nữ nghèo khổ, “thấp cổ, bé họng”, “thân cô, thế cô” trong cuộc sống tiềm ẩn đầy bất trắc và liệu chị có đòi được công lý cho con mình?

"Đám mây đen nào cũng có ánh bạc", đáng mừng là giới Luật sư đã vào cuộc một cách kịp thời trong vụ việc này, không chỉ là phân tích tình tiết, dẫn chiếu pháp luật, đưa ra cảnh báo, tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất giả pháp, các Luật sư còn tình nguyện làm người bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân miễn phí. Đồng hành với người mẹ bất hạnh là các Luật sư, đứng về phía nạn nhân là dư luận xã hội, vụ án này giải quyết thấu đáo thì không chỉ lẽ công bằng được xác lập đối với nạn nhân mà còn góp phần làm giảm thiểu đáng kể những vụ việc đau lòng và thương tâm tương tự.     

NHỊ NGỌC

Giải pháp trị "tham nhũng vặt"