Năm Thìn nói chuyện Rồng

14/02/2024 23:29 | 3 tháng trước

Ảnh minh họa.

Rồng từ lâu đã trở thành biểu tượng gần gũi, thân quen đối với mỗi người Việt Nam nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung. Rồng là một phần gắn liền với văn hóa tâm linh người Việt. Rồng được biết đến như một linh vật huyền bí, đại diện cho quyền lực, sự may mắn, thịnh vượng và thăng tiến. Đây cũng chính là con vật đứng đầu trong tứ linh “Long, Lân, Quy, Phượng” trong văn hóa dân gian và ứng với người đứng đầu thiên hạ thời phong kiến tức là vua của muôn dân.

Rồng hay còn được gọi là Long, có tên khác trong 12 con giáp là Thìn, là loài vật xuất hiện trong cả văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Trong văn hóa phương Đông, rồng được miêu tả là mang thân hình của rắn, vảy cá, bờm sư tử, sừng hươu, không có cánh và biết bay. Trong kinh Phật, rồng là linh vật nằm trong bát bộ Thiên Long. Trong phong thủy, rồng được coi là một trong bốn linh vật mang may mắn: Long, Lân, Quy, Phượng. Trong văn hóa Á Đông, trong đó có Việt Nam, thì rồng là linh vật mang trên mình sức mạnh thiên nhiên đại diện cho 4 yếu tố cấu tạo nên vũ trụ: nước, lửa, đất, gió.

Hình ảnh rồng trải qua các triều đại với những biến tướng khác nhau tùy theo vận nước. Hình ảnh của rồng được gắn liền với bậc đế vương, thể hiện quyền uy, mang năng lực tâm linh siêu nhiên. Ấn tín của vua chúa ngày xưa được chạm khắc hình tượng rồng vàng mang biểu trưng thể hiện cho sức mạnh và sự uy quyền của bậc đế vương, người đứng đầu. Ngoài ra, rồng còn được nhìn thấy trên hoàng bào, đồ dùng của vua và chỉ có vua mới được sử dụng hình tượng này để khẳng định vị trí tôn quyền của mình. Rồng chính là biểu trưng cho sự mạnh mẽ, bất bại trước kẻ thù. Trong văn hóa Việt Nam, rồng được coi là linh thú đứng đầu trong 4 linh vật thần thoại được dân gian tôn kính, thờ cúng. Hình ảnh rồng còn được nhìn thấy trong những không gian tín ngưỡng của người Việt như: chùa chiền, lăng tẩm, miếu thờ…

Trong phong thủy, rồng là linh vật hội tụ các yếu tố tự nhiên, do đó được coi như một linh vật của sự thịnh vượng, may mắn, trí tuệ, được gửi gắm những ước vọng trong đời: cầu nắng, cầu mưa, cầu phồn thực… Rồng là biểu tượng của mưa thuận gió hòa. Rồng xuất hiện là biểu tượng của chân thiện mỹ, điều tốt đẹp. Nơi có thế rồng uốn được coi là long mạch, vượng khí. Nếu nhà cửa, mồ mả tọa lạc trên những khu đất này sẽ được coi là đất đẹp, giúp nhiều đời con cháu phồn thịnh, mang thế đế vương.

Trong 12 con giáp, rồng đứng thứ năm. Những người sinh vào năm rồng thường được gọi là người tuổi Thìn. Dân gian ta tin rằng những người tuổi Thìn thường là những con người có tâm tính bộc trực, tốt bụng, thường giúp đỡ người khác. Người tuổi Thìn là người có trí tuệ, thông minh, sáng suốt, có tâm đạo, tự thân có mối liên kết sâu sắc với tâm linh. Chính vì vậy, cha ông ta thường tin rằng, năm Thìn là năm mang đến đại cát, đại lợi. Hình ảnh con rồng đã trở nên thân thuộc với mỗi người Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Rồng luôn là biểu tượng cao quý, được nhiều người yêu mến, cung kính và tôn thờ. Trong văn hóa Á Đông, Rồng được coi là hiện thân của thần linh, sự xuất hiện của Rồng mang đến cho người dân sự yên bình, phồn thịnh.

QUÝ THÍCH (t/h)

Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất

Từ khoá : lsvn.vn LSVN