Những cáo giác tại Công ty Việt Silk (Lâm Đồng): Cần được xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật

02/05/2024 17:09 | 2 tuần trước

(LSVN) - Sau vụ tranh chấp, kiện đòi giải thể công ty bất thành, những tưởng lãnh đạo Việt Silk sẽ cùng nhau đồng hành xây dựng, phát triển doanh nghiệp. Nào ngờ, các cơ quan chức năng lại tiếp tục nhận được cáo giác về những dấu hiệu chiếm đoạt tiền bạc tại nơi đây.

Công ty Dệt tơ tằm Việt Silk, nơi có những dấu hiệu tiêu cực, "lùm xùm".

Vụ phong tỏa 09 năm trước

Một buổi sáng giữa năm 2015, 06 đối tượng trong trang phục vệ sĩ cùng con trai ông Đ.T.T. - Chủ tịch HĐTV Công ty Dệt tơ tằm Việt Silk (TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã đến doanh nghiệp này khống chế bảo vệ, khóa cổng, ngăn cản không cho công nhân, kể cả giám đốc (lẫn cấp phó), vào làm việc. Nhóm đối tượng còn căng băng rôn với hàng chữ “Công ty tạm ngừng hoạt động” và dán thông báo (do ông T. ký, không đóng dấu), nội dung: “Với cương vị Chủ tịch HĐTV, tôi thông báo Công ty Việt Silk tạm ngưng hoạt động từ ngày 10/6/2015. Nhà xưởng chính thức khóa lại, không ai được phép vào...”.

Vụ phong tỏa đã khiến Công an TP. Bảo Lộc, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng phải có mặt can thiệp, sau 02 giờ giằng co, công nhân buộc phải phá cổng vào thì nhóm đối tượng mới chịu bỏ đi. Giải thích việc đóng cửa công ty, ông T. cho biết, ông là người góp vốn nhiều nhất nhưng giám đốc "cư xử không đàng hoàng..." nên ông "không cho hoạt động”.

Kiến nghị khẩn cấp của người lao động khi Việt Silk bị phong tỏa gần 09 năm trước.

Theo các cơ quan chức năng TP. Bảo Lộc (thể hiện tại biên bản), việc ông T. "ngăn cản người lao động vào làm việc đã ảnh hưởng quyền lợi của công nhân và gây mất an ninh, trật tự địa phương”. Còn ông Hồ Duy Mậu, Chủ tịch UBND phường 2: “Ông T. thuê người khóa cổng không cho công nhân vào là sai. Rất may chưa xảy ra ẩu đả”. Tập thể hơn 150 lao động của Việt Silk cũng ký văn bản khẩn cấp: “Chủ tịch HĐTV đã cố tình làm cho người lao động mất việc và sẽ gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, an ninh khu vực. Vì vậy, đề nghị HĐTV, Ban Giám đốc tạo điều kiện cho ông T. rút vốn càng sớm càng tốt để công ty tiếp tục duy trì sản xuất, đảm bảo cuộc sống cho người lao động và an ninh khu vực, đoàn kết nội bộ”...

Dấu hiệu chiếm đoạt tiền bạc

Đơn yêu cầu khởi tố hình sự của Giám đốc Công ty Việt Silk Phạm Xuân Sanh.

Văn bản báo cáo của lãnh đạo Công ty Việt Silk, vào cuối tháng 02/2024, cho hay: Sau vụ bất ngờ phong tỏa, chiếm giữ công ty bất thành, ông T. bỏ đi kiện cáo khắp nơi. Kết cuộc, cuối năm 2022 yêu cầu vô lý của nguyên đơn đã bị TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh bác bỏ. Thế nên, từ ngày 01/3/2023, ông trở lại công ty, tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐTV, phụ trách tài chính. Tuy nhiên, cho đến nay ông T. không hề xây dựng được kế hoạch phát triển doanh nghiệp, chăm lo đời sống công nhân mà chỉ tìm mọi cách chiếm đoạt tiền bạc, tài sản. Ngang ngược hơn, ông muốn cướp phần vốn của các thành viên khác...

Theo Giám đốc Công ty Việt Silk Phạm Xuân Sanh, dẫu không phải là người sử dụng lao động nhưng ông T. vẫn nhận kế toán trưởng, không thông qua HĐTV. Và rồi, ngày 25/12/2023, ông tự ký hợp đồng mua hơn 6,6 tấn tơ thô, trị giá 9,9 tỉ đồng, với con dâu của mình, là C.T.T.T. trong khi Việt Silk không hề có nhu cầu mua tơ nguyên liệu và thẩm quyền giao dịch là của Giám đốc, không phải Chủ tịch HĐTV (cần nói thêm, bà T. là nhân viên Việt Silk, cách đây 02 tháng lãnh đạo công ty đã phát văn bản yêu cầu bà trả lại gần 96 triệu đồng, gồm tiền lương - 14,5 triệu/tháng cùng các khoản khác đã nhận của công ty trong nửa năm, từ tháng 07/2023 đến hết tháng 01/2024 song lại "không làm việc một ngày nào".

Ngay sau khi ký hợp đồng mua tơ, ông T. chuyển 4,6 tỉ đồng vào tài khoản riêng của con dâu, đáng nói hơn quá hạn giao hàng nhưng bà T. không giao tơ và mới chỉ trả lại 04 tỉ đồng, cố chiếm giữ gần 600 triệu, bất chấp văn bản hối thúc từ đầu năm đến nay của Giám đốc. Không chỉ thế, trước khi dọn đồ rời công ty, cuối tháng 01/2024 vị Chủ tịch HĐTV còn cùng Kế toán trưởng rút toàn bộ 8,2 tỉ đồng trong tài khoản Việt Silk chuyển vào tài khoản của mình. "Điều này, khiến doanh nghiệp và người lao động khốn đốn, không có lấy một xu khi Tết đến xuân về, buộc chúng tôi phải vay mượn người thân để trang trải, thưởng Tết cho công nhân", Giám đốc Sanh cho biết.

Cũng theo ông Sanh, trước đó (ngày 29/6/2023) ông T. đã cho con trai (nhân viên văn phòng) tạm ứng 400 triệu đồng, nhưng đến nay mới chỉ trả được 300 triệu. Tương tự, ngày 24/01/2024, con trai ông T. còn rút 300 triệu đồng trong quỹ tiền mặt để sử dụng vào mục đích cá nhân...

Ngân hàng liệu có tiếp tay?

Ngoài việc tùy tiện tuyển Kế toán trưởng, ký hợp đồng mua tơ với con dâu... theo Giám đốc Công ty Việt Silk, ông T. còn chuyển 300 triệu đồng tiền mặt của công ty cho ông N.N.T., một người không hề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Chưa hết, Chủ tịch HĐTV còn đứng ra vay "hộ" Việt Silk 02 tỉ đồng từ con gái mình với lãi suất lên đến 30%/năm trong lúc công ty không hề có nhu cầu vay vốn. Ngoài ra, Công ty Việt Silk đã có xe ô tô 07 chỗ, song con trai ông T. vẫn cho doanh nghiệp của cha thuê chiếc xe 04 chỗ, đời 2008. Dẫu thế, đi đâu vị Chủ tịch HĐTV cũng dùng xe 07 chỗ mới hơn, còn phương tiện thuê của con chỉ nằm 01 góc. "Vậy mà con ông T. đã nhận 150 triệu đồng, gồm tiền thuê xe (15 triệu/tháng - từ giữa 2023 đến đầu 2024) cùng 30 triệu đồng tiền bảo dưỡng, sửa chữa. Tháng 03/2024, chúng tôi đã ra văn bản yêu cầu phải hoàn trả tất cả số tiền trên", bà Đ.T.Y., Phó Giám đốc Công ty Việt Silk cho hay.

Văn bản yêu cầu hoàn trả 02 tỉ đồng tiền "chạy" hợp đồng thuê đất.

Một điều cũng cần lưu tâm, để ngăn chặn việc "rút ruột" công ty, ngay từ ngày 26/01/2024, Công ty Việt Silk đã gửi văn bản cho 01 chi nhánh ngân hàng tại Bảo Lộc về việc ông T. đã bị bãi nhiệm phụ trách tài chính, không còn là chủ tài khoản, đồng thời kế toán trưởng cũng buộc phải ngưng chức. Cẩn thận hơn, sáng 29/01/2024 đích thân Giám đốc Sanh cùng Kế toán trưởng mới của công ty gặp trực tiếp lãnh đạo chi nhánh này đề nghị không cho ông T. giao dịch. Tuy nhiên, ngay sau đó, ngày 30 và 31/01/2024 vị Chủ tịch HĐTV vẫn 04 lần rút đến đồng bạc cuối cùng trong tài khoản Công ty Việt Silk (8,2 tỉ đồng) khiến doanh nghiệp và công nhân lao đao. Cho mãi đến 28/02/2024 - tức 23 ngày sau, đơn vị tín dụng nói trên mới ra văn bản "thông báo với Quý khách hàng về trạng thái của tài khoản Công ty Việt Silk như sau: Tạm ngưng giao dịch khi có đề nghị của Quý khách hàng". "Vậy, phải chăng lãnh đạo chi nhánh ngân hàng đã đồng lõa, tiếp tay cho hành vi chiếm đoạt tiền bạc của ông Đ.T.T.? Hành vi này rất cần phải xử lý", bà Y. gay gắt.

"Vác" 02 tỉ đồng đưa cho... "dịch vụ"

Chủ nhân chiếc Mazda này đã nhận 02 tỉ đồng tiền "dịch vụ" 

Lãnh đạo Công ty Việt Silk cho biết, do tùy tiện, vô nguyên tắc và cố tình lợi dụng chức vụ, quyền hạn để biển thủ tiền bạc của công ty (tính đến nay, riêng ông T. vẫn còn chiếm giữ 1,8 tỉ đồng) nên tháng 02/2024, người đảm nhiệm trọng trách trong HĐTV đã bị bãi miễn tất cả các chức vụ. Và, không phải chỉ khi rời khỏi công ty ông T. mới mang theo con dấu cùng 02 bản chính giấy phép thành lập doanh nghiệp. Thực tế trước đó, con trai ông T. đã trực tiếp "tay hòm chìa khoá" thay cho nhân viên văn thư (thậm chí, cậu này còn không cho đóng dấu vào một số văn bản của công ty). "Chúng tôi buộc phải khắc con dấu mới và đăng ký lại doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông T. vẫn tự nhận mình đương chức, rồi cho rằng con dấu hiện tại của Công ty Việt Silk là giả. Tiếp đó, ông ta thảo văn bản, ký tên, đóng con dấu cũ (đang chiếm giữ) gửi ngân hàng đề nghị không cho giao dịch, nhằm tiếp tục gây khó khăn cho công ty", ông Sanh thông tin, đồng thời cũng cho biết, từ ngày thành lập, năm 2012, đến nay Công ty Việt Silk vẫn chưa được Nhà nước cho thuê đất. Sau bao năm bỏ công ty kiện cáo bất thành, khi trở lại ông T. quả quyết mối dịch vụ trên tỉnh rất uy tín nên "nếu làm" chắc chắn chỉ 01 tháng sẽ xong, trường hợp không được "tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm". Bởi vậy, ngày 13/7/2023 ông Sanh và ông T. tạm ứng công ty 02 tỉ đồng, bỏ vào bịch mang lên Đà Lạt đưa cho 01 người tên N., đi chiếc ô tô Mazda màu đỏ, biển số 49A-36x.xx tại nhà hàng May, đường Huỳnh Thúc Kháng (trong 02 tỉ, có thoả thuận 500 triệu là tiền cho khâu đo vẽ, lên hồ sơ... thuộc "dịch vụ" của Sở TN&MT). "Nhưng, tiền đã đưa tận tay và gần 10 tháng trôi qua, mọi việc vẫn chẳng thấy gì, chúng tôi đã 03 lần phát thông báo yêu cầu ông T., nếu không làm được sổ đất thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền. Song, cả 03 lần đều không được hồi âm", Giám đốc Sanh bức xúc.

Được biết, lãnh đạo Công ty Việt Silk đã có đơn cáo giác, yêu cầu cơ quan điều tra xác minh, làm rõ hành vi của ông T. để xử lý nghiêm theo pháp luật hiện hành.

MẠC HỒNG KỲ - LÊ HỮU QUẾ

Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An 'xét một đằng, xử một nẻo'