/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Kẽ hở của của pháp luật và quản lý trong công tác phòng, chống rửa tiền

Kẽ hở của của pháp luật và quản lý trong công tác phòng, chống rửa tiền

29/04/2023 07:57 |

(LSVN) - Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã hình sự hóa hành vi rửa tiền qua Điều 299 tội “Khủng bố”, Điều 300 tội “Tài trợ khủng bố” và Điều 324 tội “Rửa tiền”,… góp phần giải quyết những hạn chế mà Bộ luật Hình sự năm 1999 và đáp ứng những yêu cầu của chuẩn mực quốc tế trong việc phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, Điều 324 về tội “Rửa tiền” theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 còn có một số hạn chế.

Ảnh minh họa.

Khái niệm

Theo Luật số 14/2022/QH15 ngày 15/11/2022, rửa tiền (money laundering) là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Theo Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 và Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP, tội phạm nguồn của tội “Rửa tiền” là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó được trở thành đối tượng của tội rửa tiền. 

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Rửa tiền” có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và không loại trừ việc quy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn. 

Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự sẽ không loại trừ trách nhiệm hình sự của thể nhân.

Thực trạng

Những năm gần đây, một số các vụ án đặc biệt nghiêm trọng với số tiền và tài sản chiếm đoạt rất lớn có xu hướng ngày càng gia tăng như: Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 3.986 tỉ đồng; vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm chiếm đoạt 15.264 tỉ đồng; vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm chiếm đoạt 15.899 tỉ đồng,… 

Mặc dù số lượng các vụ án tội phạm nguồn có rủi ro về rửa tiền là rất lớn (bình quân 11.000 vụ/năm) nhưng đến năm 2022, cơ quan điều tra mới chỉ khởi tố 19 vụ án về tội “Rửa tiền” và đưa ra xét xử 7 vụ án. Tuy  đã có những bước phát triển đáng kể trong công tác phòng, chống rửa tiền nhưng những nỗ lực này so với thế giới còn yếu kém, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm nảy sinh vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực này. Thực trạng này cũng xuất phát từ các nguyên nhân nội tại của Việt Nam như sau:

Thứ nhất, Việt Nam có đường biên giới đất liền dài, tiếp giáp với các nền kinh tế cũng sử dụng tiền mặt như Lào, Campuchia, Trung Quốc và nằm gần khu vực Tam Giác Vàng - trung tâm sản xuất ma túy lớn toàn cầu, nên dễ chịu ảnh hưởng bởi các hoạt động rửa tiền.

Thứ hai, Việt Nam là nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiền mặt, nhiều giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt, vàng, đô la. Theo thống kê, 69% người trưởng thành tại Việt Nam thanh toán sử dụng tiền mặt. Mặc dù những năm gần đây, Việt Nam đã có bước tiến đáng kể trong hệ thống, phương thức thanh toán qua hệ thống ngân hàng hay các nền tảng điện tử khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng người Việt Nam mua các mặt hàng giá trị lớn như bất động sản, xe ô tô, đồng hồ, trang sức hạng sang hay các tài sản có giá khác bằng tiền mặt. 

Điều này minh chứng cho việc Chính phủ chưa thực sự kiểm soát được các nguồn tiền trong dân. Việc thống kê, minh chứng nguồn tiền và tài sản hiện chỉ mới áp dụng cho các đảng viên mà chưa áp dụng cho các đối tượng khác và chưa có cơ quan chuyên trách kiểm tra tính xác thực của các tài sản này.

Kẽ hở từ phía luật pháp

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã hình sự hóa hành vi rửa tiền qua Điều 299 tội “Khủng bố”, Điều 300 tội “Tài trợ khủng bố” và Điều 324 tội “Rửa tiền”,… góp phần giải quyết những hạn chế mà Bộ luật Hình sự năm 1999 và đáp ứng những yêu cầu của chuẩn mực quốc tế trong việc phòng, chống rửa tiền. 

Tuy nhiên, Điều 324 về tội “Rửa tiền” theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 còn có một số hạn chế, cụ thể như sau:

Thứ nhất, chủ thể của tội “Rửa tiền” mà BLHS 2015 hướng tới là các cá nhân, pháp nhân thương mại mà bỏ qua các pháp nhân phi thương mại. Theo Điều 76 Bộ luật Dân sự, pháp nhân phi thương mại là tổ chức không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận, nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. 

Pháp nhân phi thương mại gồm: Cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác. Mặc dù trước thời điểm BLHS năm 2015 được ban hành đã có các Nghị định như: Nghị định số 12/2012/NĐ-CP (Điều 15), Nghị định số 30/2012/NĐ-CP (Điều 37-38) và Nghị định số 45/2010/NĐ-CP (Điều 29) quy định và đưa ra chế tài với các tổ chức phi lợi nhuận trong nước và nước ngoài nếu có hành vi rửa tiền, song với chủ thể là các pháp nhân phi thương mại khác như quỹ từ thiện, tổ chức tôn giáo, quỹ xã hội… thì hiện chưa có luật điều chỉnh. 

Thứ hai, tội phạm nguồn của tội phạm rửa tiền có thể xuất phát từ nhiều tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự như tham nhũng trong lĩnh vực công, lừa đảo, đánh bạc, mại dâm, ma túy, sản xuất hàng giả, buôn bán người… và tài sản từ tội phạm đó đã trở thành đối tượng của tội rửa tiền. Đặc biệt, đối với tội “Rửa tiền”, việc phạm tội thường có tổ chức, có tính câu kết rất chặt chẽ giữa các đồng phạm, và số tiền thường rất lớn. Tuy nhiên, Điều 75 BLHS 2015 có quy định các điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại nhưng Điều 76 về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại chỉ giới hạn một số tội phạm quy định tại: Điều 188 tội “Buôn lậu”; Điều 189 tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”; Điều 190 tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”; Điều 191 tội “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”; Điều 192 tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”; Điều 193 tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”; Điều 194 tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh thuốc phòng bệnh”; Điều 195 tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi”; Điều 196 tội “Đầu cơ”; Điều 200 tội “Trốn thuế”; Điều 203 tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”; Điều 209 tội “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”; Điều 210 tội “Sử dụng thông tin nội bộ để mua sắm chứng khoán”; Điều 211 tội “Thao túng thị trường chứng khoán”; Điều 213 tội “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”; Điều 216 tội “Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho ngươi lao động”; Điều 217 tội “Vi phạm quy định về cạnh tranh”; Điều 225 tội “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”; Điều 226 tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”; Điều 227 tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”; Điều 232 tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”; Điều 234 tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã”; Điều 237 tội “Vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường”; Điều 238 tội “Vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai, vi phạm quy định về bảo về bờ, bãi sông”; Điều 239 tội “Đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam”; Điều 242 tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản”; Điều 243 tội “Hủy hoại rừng”; Điều 244 tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”; Điều 245 tội “Vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên”; Điều 246 tội “Nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại”; Điều 300 tội “Tài trợ khủng bố” và Điều 324 tội “Rửa tiền” mà không áp dụng đối với tất cả các loại tội phạm nguồn của tội rửa tiền. 

Do đó, các hành vi phạm tội nguồn của tội “Rửa tiền” như: Tham ô tài sản (Điều 352); Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép, chiếm đoạt chất ma túy (Điều 249-252); Mua bán người (Điều 150) và hầu hết các hình thức gian lận được thực hiện bởi các pháp nhân thương mại và phi thương mại sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Rửa tiền”. 

Thứ ba, Điều 324 tội “Rửa tiền” chưa quy định các hành vi chuyển nhượng hay chuyển đổi tài sản do tiền bất hợp pháp mà có vào hành vi và khung hình phạt tương xứng, dẫn tới một số đối tượng lợi dụng hành vi này để rửa tiền, gây khó khăn cho việc tìm nguồn gốc tài sản. Các đối tượng có thể rửa tiền thông qua việc mua bán vàng, kim cương,… bởi những tài sản này gọn nhẹ, có giá trị cao, có thể mua đi bán lại ở khắp nơi trên thế giới, cách thức thực hiện đơn giản. Bên cạnh đó, các đối tượng dùng tiền bất hợp pháp để mua tài sản như bất động sản, ô tô siêu sang dưới tên các thành viên trong gia đình và bản thân… sau đó mua đi, bán lại, chuyển nhượng, biếu tặng, thừa kế gây khó khăn cho công tác truy nguyên dòng tiền bất hợp pháp.

Thứ tư, các mức tiền phạt về tội rửa tiền hiện còn thấp, chưa tương xứng với mức răn đe. Theo khoản 1 Điều 324, hình thức xử phạt cao nhất đối với cá nhân thực hiện hành vi rửa tiền là từ 10 đến 15 năm tù; đối với pháp nhân thương mại bị phạt cao nhất từ 1 tỉ đến 5 tỉ đồng. Dù khung hình phạt tiền và hình phạt tù được cho là cao nhưng chưa có tính răn đe bởi số tiền trong các vụ án rửa tiền thường rất lớn dẫn tới các đối tượng sẵn sàng đánh đổi, kể cả ngồi tù để thực hiện.

Kẽ hở về quản lý trong công tác phòng, chống rửa tiền

Rửa tiền bằng tiền ảo là phương thức, thủ đoạn mới mà các đối tượng sử dụng như một công cụ hữu hiệu để hợp pháp hóa tiền do phạm tội mà có bởi tính thuận tiện và các vướng mắc về quy định pháp lý khiến các cơ quan chức năng chưa thể xử lý triệt để được. Trước tiên, tiền ảo (cryptocurrency) còn được biết tới là tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số hay tiền số là một tài sản kỹ thuật, tiền trung gian trao đổi giữa các thành viên trong cộng đồng nhất định mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào. Đồng tiền ảo nổi tiếng có thể thấy như Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), Binance Coin (BNB), DigiByte (DGB)… 

Hiện tiền ảo được bán công khai trên sàn giao dịch kết nối Internet, việc giao dịch tiền ảo được các đối tượng rửa tiền ưa dùng bởi tính ẩn danh, tính xuyên biên giới và tính không kiểm soát. Hiện nay đồng Bitcoin thường được sử dụng để rửa tiền do tính thanh khoản cao, vốn hóa lớn khiến nó trở thành công cụ thích hợp để che dấu, ngụy tạo nguồn tiền bất hợp pháp. Trên thế giới, tiền ảo như Bitcoin được coi là một dạng tiền tệ, tài sản, hàng hóa có thể chuyển đổi, giao dịch như Anh, Mỹ, Mexico, Singapore, Thụy Sỹ. 

Tại Việt Nam, tiền ảo không được công nhận là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp, tuy nhiên, đầu tư mua bán tiền tệ thì chưa có quy định nào điều chỉnh hoặc ngăn cấm. Đây chính là kẽ hở mà các đối tượng lợi dụng để rửa tiền tại Việt Nam. Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung 2017 đã bỏ tội kinh doanh trái phép, điều này dẫn tới các giao dịch mua bán tiền ảo được coi như giao dịch các cá nhân (P2P), không thể quy vào tội danh nào mặc dù biết rõ từng đối tượng mua bán, số lượng tiền đi và đến ở trong và ngoài nước. 

Theo Báo cáo chống rửa tiền điện tử, trong năm 2018 đã có hơn 2,5 tỉ USD đã được rửa khi trao đổi qua đồng Bitcoin. Nhờ tính ẩn danh, các đối tượng chuyển đổi tiền phi pháp ra tiền điện tử, sau đó bán cho người khác và lấy tiền thật. 

Ngoài việc sử dụng tiền ảo để rửa tiền thì các đối tượng còn sử dụng tiền ảo để phục vụ cho các hoạt động tội phạm khác như tài trợ khủng bố, đưa nhận hối lộ... gây thách thức cho các quốc gia trong việc quản lý và giám sát.

Trên đây là một số những hạn chế trong khuôn khổ pháp lý mà cụ thể là Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và kẽ hở về quản lý trong công tác phòng, chống rửa tiền cần được nghiên cứu và khắc phục trong thời gian tới.

Đại úy PHẠM LÊ NGỌC TUYẾT, Thượng úy LÊ DUY THÁI

Học viện Cảnh sát nhân dân

Cung cấp dịch vụ pháp lý cần sự quang minh và tinh thần nghĩa hiệp

Bùi Thị Thanh Loan