Cung cấp dịch vụ pháp lý cần sự quang minh và tinh thần nghĩa hiệp

28/04/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam không cho phép người Luật sư được tạo ra hoặc lợi dụng các tình huống xấu, những thông tin sai sự thật, không đầy đủ, gây bất lợi cho khách hàng để gây áp lực nhằm ký được hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc tăng mức thù lao đã thỏa thuận hoặc có được lợi ích khác từ khách hàng.

Ảnh minh họa.

Trong quá trình hành nghề, khi tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, thường Luật sư sẽ phải tìm hiểu về nhân thân, pháp nhân và lịch sử hình thành, phát triển của công ty hay hoàn cảnh gia đình, quá trình công tác hoặc địa vị xã hội của khách hàng. 

Cùng với việc tiếp nhận những thông tin tích cực về khách hàng, Luật sư cũng có thể sẽ được tiếp nhận những thông tin trái chiều, bất lợi thậm chí là xấu về khách hàng, về công việc của khách hàng. Chẳng hạn, khi nhận bào chữa cho một quan chức có vị trí cao trong bộ máy nhà nước hay một doanh nhân nổi tiếng, thường không tránh khỏi những dư luận, thông tin không tích cực về khách hàng. Chính điều đó khiến cho ngay từ đầu, Luật sư khi nhận bào chữa cho khách hàng cũng đã phải lường đến nhưng yếu tố này thậm chí là cả sức ép với Luật sư khi tham gia vụ án. Một số trường hợp, nếu vụ án thuộc diện nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, đôi khi có những áp lực vô hình mà Luật sư không dễ vượt qua.

Điều đó đặt ra và yêu cầu người Luật sư khi quyết định tiếp nhận vụ việc phải tìm hiểu, cân nhắc đánh giá đầy đủ các yếu tố có liên quan đến vụ việc. Từ đó, quyết định  tiếp nhận hay không tiếp nhận vụ việc. Khi tiếp nhận vụ việc Luật sư phải dự liệu và thông báo đầy đủ về thù lao Luật sư, chi phí phát sinh đồng thời thể hiện trong hợp đồng. Khi đã tiếp nhận vụ việc Luật sư không được tạo ra hoặc lợi dụng các tình huống xấu, những thông tin sai sự thật, không đầy đủ hoặc bất lợi cho khách hàng để gây áp lực nhằm tăng mức thù lao đã thỏa thuận hoặc có được lợi ích khác từ khách hàng.

Việc tạo ra hoặc lợi dụng các tình huống xấu, không đầy đủ, gây bất lợi cho khách hàng để gây áp lực nhằm buộc khách hàng ký hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc buộc khách hàng phải thanh toán mức thù lao lớn cũng có thể xảy ra trên thực tiễn. Ví dụ trong một vụ án hình sự xảy ra tại một doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn, vị Chủ tịch Hội đồng quản trị cảm thấy lo lắng, đến cậy nhờ Luật sư tư vấn, chuẩn bị cho phương án có thể bị khởi tố bị can hoặc bắt tạm giam. Luật sư tìm hiểu thông tin qua báo chí, thấy phản ánh trong quá trình công tác thấy vị Chủ tịch Hội đồng quản trị này thường xuyên đi ăn nhậu trong các quán bia ôm, bị một đương sự chụp hình ảnh lưu lại. Mặt khác, vị Chủ tịch Hội đồng quản trị này lại có một công ty “sân sau”, sử dụng nguồn tiền chiếm hưởng không hợp pháp để mua nhà cửa, đất đai,… Biết được việc này, Luật sư úp mở thông tin cho khách hàng biết là Cơ quan điều tra đang nắm được một số bí mật, nếu không dựa vào mối quan hệ quen biết của Luật sư để tìm cách “giải tỏa” thì nguy cơ bị bắt tạm giam rất cao. Từ đó, Luật sư đặt khách hàng vào tình thế bắt buộc phải nhờ Luật sư.

Việc gây áp lực này là một điều rất đáng chê trách trong ứng xử đạo đức của Luật sư. Đến một thời điểm nào đó, khách hàng biết được Luật sư sử dụng thông tin bất lợi để buộc phải cậy nhờ Luật sư, sự đổ vỡ về niềm tin sẽ rất lớn. Khi đó, đối với khách hàng Luật sư không còn là người trợ giúp trong lúc khó khăn mà biến việc cung cấp dịch vụ trở thành “chợ búa”, mua bán, kỹ năng hành nghề như là một loại hàng hóa thông thường. 

Luật sư cần tránh suy nghĩ rằng khách hàng là người thiếu hiểu biết hoặc ở trong tình trạng khó khăn và Luật sư có thể “đạo diễn” thế nào cũng được. Luật sư phải là người biết động viên, chia sẻ, tận tâm thực hiện công việc hết sức mình để giúp đỡ khách hàng, cho dù công việc, kết quả sau này không thật sự đạt được như ý muốn ban đầu thì khách hàng vẫn luôn dành sự tôn trọng đối với Luật sư.

Luật sư TRẦN THỊ TUYẾT

Ủy viên Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Kiến nghị làm rõ nội dung bản lĩnh chính trị của Luật sư Việt Nam