Kiến nghị làm rõ nội dung bản lĩnh chính trị của Luật sư Việt Nam

27/04/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Thời gian gần đây, trên các diễn đàn và tại nhiều Văn kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước đề cập nhiều đến vấn đề bồi dưỡng, nâng cao, phát triển phẩm chất chính trị, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ Luật sư Việt Nam. Xây dựng, phát triển phẩm chất chính trị, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức được coi là nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu chính trong việc xây dựng và phát triển nghề Luật sư tại Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới tại khoản 7 Mục IV quy định: “Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế”.

Ngày 26/12/2022, tại Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, ông Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước đã có bài Diễn văn phát biểu quan trọng, trong đó có đoạn: “Luật sư phải luôn có ý thức giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phải biết nói không với tiêu cực, tuyệt đối không tiếp tay, không tham gia chạy án, không có hành vi trái với quy định pháp luật”.

Chủ đề Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III có nội dung: “Đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương, quyết tâm xây dựng đội ngũ Luật sư Việt Nam trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trước đó, năm 2019, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam thay thế Bộ Quy tắc ban hành năm 2011 mặc dù không trực tiếp đề cập đến phẩm chất chính trị, đến bản lĩnh chính trị của Luật sư Việt Nam. Nhưng tại Lời nói đầu của Bộ Quy tắc đã đề cập đến một số nội dung đề cập về phẩm chất chính trị, bản lĩnh chính trị của Luật sư Việt Nam: “Nghề Luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của Luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Nghị quyết số 27-NQ/TW quy định: “Đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng”. Nghị quyết đưa yêu cầu về bản lĩnh chính trị lên trước cầu về đạo đức, am hiểu pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp đối với người Luật sư và nghề Luật sư trong giai đoạn mới.

Vậy hiểu thế nào bản lĩnh chính trị của Luật sư? Thế nào là phẩm chất chính trị của người Luật sư? Bản lĩnh chính trị, phẩm chất chính trị của Luật sư được thể hiện như thế nào trong cuộc sống và trong hành nghề? Khi nào, tiêu chuẩn nào để đánh giá một Luật sư được coi là có phẩm chất chính trị, có bản lĩnh chính trị và đáp ứng yêu cầu “có bản lĩnh chính trị vững vàng”. Việc luận giải, làm rõ và đưa ra các tiêu chí cụ thể để mỗi cá nhân Luật sư tự nhìn nhận, soi xét và hoàn thiện bản thân là rất cần thiết. 

Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cùng Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về vấn đề này. Đây cũng là cơ sở quan trọng để thể chế hóa, tiêu chuẩn điều kiện trở thành Luật sư khi xây dựng Luật Luật sư mới.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Một số tiêu chuẩn của nghề Luật sư trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW