Một số tiêu chuẩn của nghề Luật sư trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW

26/04/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết có nhiều quy định về nghề Luật sư và hoạt động Luật sư Việt Nam. Trong đó quy định về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển chất lượng đội ngũ Luật sư Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, khoản 7, Mục IV Nghị quyết số 27-NQ/TW quy định: “Hoàn thiện thể chế về Luật sư và hành nghề Luật sư, bảo đảm để Luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với Luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề Luật sư. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Củng cố hội luật gia các cấp, nâng cao vai trò, trách nhiệm của thành viên hội luật gia trong thực hiện nhiệm vụ đúng quy định pháp luật”.

Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra các tiêu chuẩn quan trọng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư nghề Luật sư tại Việt Nam trong giai đoạn mới bao gồm nhưng không giới hạn bởi các nội dung sau:

Thứ nhất, tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị vững vàng của người Luật sư. Nghị quyết đã đưa tiêu chuẩn, yêu cầu, đòi hỏi về bản lĩnh chính trị vững vàng của người Luật sư.

Thứ hai, tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp trong sáng của người Luật sư. Nghị quyết chỉ rõ người Luật sư phải có Đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Đạo đức nghề nghiệp của người Luật sư đã được quy định và đề cập tương đối rõ ràng, đầy đủ, chi tiết tại Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành năm 2019. Đồng thời, một số quy định của pháp luật cũng đã thể chế hóa và làm rõ tiêu chuẩn về đạo đức để có thể trở thành Luật sư được quy định tại Điều 10 Luật Luật sư.

Thứ ba, tiêu chuẩn về am hiểu pháp luật của người Luật sư. Luật sư là “thầy cãi”, “Thầy trong lĩnh vực pháp luật”, Luật sư là người dùng kiến thức và sự am hiểu về pháp luật, vận dụng kỹ năng nghề nghiệp trên cơ sở đạo đức và ứng xử nghề nghiệp có đạo đức để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, đương nhiên người Luật sư phải am hiểu và tinh thông về pháp luật. Hiểu đúng, đủ toàn diện quy định của pháp luật; áp dụng và giữ tính công minh, liê chính của nghề nghiệp.

Thứ tư, tiêu chuẩn giỏi về kỹ năng hành nghề của Luật sư. Luật sư là một trong các nghề được gắn với chữ thầy, tranh tụng là một nghệ thuật. Luật sư là nghề dùng kiến thức pháp luật để đấu tranh tìm ra công lý bằng lý lẽ, lập luận và kỹ năng nhuần nhuyễn của mình.

Thứ năm, tiêu chuẩn giỏi về ngoại ngữ của Luật sư. Hiện nay với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, sư hội nhập sâu, rộng của Việt Nam vào Quốc tế, sự xâm nhập của Quốc tế vào chúng ta. Nghề Luật sư đã là một nghề không biên giới, nghề mang tính chất toàn cầu. Yêu cầu về ngoại ngữ là yêu cầu, đổi hỏi thiết yếu.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Bàn về tiêu chuẩn nhân sự giới thiệu bầu giữ chức danh Chủ nhiệm Đoàn Luật sư