(LSVN) - Kê khai tài sản, thu nhập là một trong những hoạt động để thực hiện phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng. Nội dung này được quy định từ Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 về có nhiều nội dung sửa đổi bổ sung để tăng cường tính hiệu quả trong công tác quản lý cán bộ, phòng ngừa tham nhũng.
Những năm qua việc thực hiện quy định này còn mang tính chất hình thức, chưa thực sự mang lại hiệu quả. Mục đích của hoạt động kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn là để phòng và chống tham nhũng, phát hiện ra những tài sản do tham nhũng mà có. Tuy nhiên, tổng kết quá trình thực hiện luật phòng chống tham nhũng trong những năm vừa qua, theo thống kê những năm vừa qua thì thông qua hoạt động kê khai tài sản chưa phát hiện ra trường hợp nào tham nhũng, chỉ có một số trường hợp bị xử lý về hành vi kê khai không trung thực. Điều này gây ra nhiều băn khoăn, hoài nghi về hiệu quả của hoạt động này đối với việc phòng chống tham nhũng.
Theo thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm có hơn 1 triệu người phải kê khai tài sản nhưng chỉ có gần 4.900 trường hợp phải xác minh. Trong đó, 17 người bị xử lý kỷ luật do kê khai tài sản không trung thực, có 70 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về tổ chức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập.
Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi 2018 và Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính Phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị để có những quy định chi tiết, cụ thể hơn. Hi vọng rằng những quy định này sẽ được tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc góp phần phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.
Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi bổ sung năm 2018 đã quy định hoàn thiện hơn hệ thống cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tập trung, thu gọn đầu mối, bảo đảm tính chuyên nghiệp, độc lập trong kiểm soát tài sản thu nhập. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được bổ sung nhiều thẩm quyền hơn, trong đó có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm, như: Các ngân hàng, tổ chức tín dụng, cơ quan thuế, công an, hải quan, những cơ quan tổ chức khác phải cung cấp thông tin có liên quan để phục vụ cho việc xác minh tài sản, thu nhập.
Căn cứ xác minh, trình tự, thủ tục xác minh tài sản, thu nhập được quy định rõ ràng, mở rộng hơn; hình thức kê khai, phương thức kê khai tài sản cũng có đổi mới để bảo đảm tính hiệu quả cao hơn.
Có nhóm đối tượng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn, như: Nhóm giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên sẽ buộc phải kê khai hằng năm.
Những nhóm đối tượng tuy không giữ chức vụ cao nhưng công tác ở những vị trí dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng cũng sẽ phải kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập một cách ngặt nghèo hơn.
Theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP thì Việt Nam đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai tài sản và các trường hợp kê khai tài sản. Trước kia, diện kê khai chỉ là Trưởng phòng cấp huyện trở lên thì hiện nay tất cả cán bộ, công chức phải kê khai; riêng viên chức từ phó phòng. Nghị định nêu bốn nhóm phải kê khai gồm tất cả cán bộ, công chức; phó phòng trong các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước; sĩ quan công an, sĩ quan quân đội, quân nhân quốc phòng; những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Như vậy, số lượng người phải kê khai rất lớn. Số cán bộ, công chức kê khai lần đầu khoảng 4 triệu người, còn kê khai hàng năm sẽ giảm đi.
Điểm khác căn bản là trước kia năm nào cũng phải kê khai thì bây giờ, tất cả cán bộ, công chức chỉ kê khai lần đầu như là hoạt động rất bình thường trong hồ sơ cán bộ. Họ chỉ phải kê khai bổ sung khi tài sản tăng thêm 300 triệu đồng. Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi cũng mở rộng đối tượng đấu tranh phòng chống tham nhũng kể cả trong khối nhà nước và khối doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Điều 33: Luật Phòng chống tham nhũng quy định nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập như sau: “1. Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên theo quy định của Luật này. 2. Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập”. |
Luật cũng quy định những trường hợp kê khai tài sản không trung thực thì sẽ bị xử lý kỷ luật. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 51, cán bộ, công chức kê khai không trung thực về tài sản, thu nhập có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: Cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm.
Trường hợp đã được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.
Trường hợp người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn hoặc cử vào chức vụ dự kiến.
Trường hợp người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà kê khai không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.
Kê khai tài sản thu nhập chỉ là một trong những thủ tục, hoạt động đầu tiên trong các giải pháp phòng chống tham nhũng. Trong trường hợp kê khai không trung thực, phát hiện ra có nghi vấn thì có thể tiến hành thủ tục xác minh về tài sản. Trường hợp xác minh phát hiện có sai phạm thì phải xem xét xử lý, truy tìm nguồn gốc tài sản, nếu phát hiện ra hành vi tham nhũng, rửa tiền, tiêu thụ tài sản do phạm pháp mà có thì phải xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật.
Việc kê khai tài sản thu nhập chỉ thực sự có hiệu quả, có ý nghĩa khi quản lý được các loại tài sản, minh bạch đối với các loại tài sản, đảm bảo việc quản lý nhà nước về các loại tài sản phải chính chủ, xác định được chủ sở hữu. Đồng thời, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo công khai, minh bạch, áp dụng công nghệ thông tin phổ biến trong đời sống xã hội và có thể học hỏi kinh nghiệm một số quốc gia phát triển như: Nghiêm cấm việc sử dụng tài khoản ngân hàng của người khác, xử lý nghiêm hành vi cho mượn tài khoản ngân hàng, xử lý mạnh tay với những hiện tượng đứng tên hộ, đứng tên giùm đối với bất động sản và các tài sản có đăng ký quyền sở hữu khác. Khi hạn chế sử dụng tiền mặt, yêu cầu mỗi công dân, cá nhân chỉ được phép sử dụng 1-2 tài khoản ngân hàng có đăng ký kê khai. Khi đó nếu số tiền trong tài khoản tăng lên thì cơ quan thuế và cơ quan chức năng có quyền yêu cầu giải trình. Nếu không giải trình được thì có thể thu hồi và xem xét trách nhiệm pháp lý. Khi chế sử dụng tiền mặt trong lưu thông thì sẽ hạn chế bớt được hiện được đưa nhận hối lộ và giấu diếm tài sản tham nhũng.
Hiện nay, theo quy định tại Chương 2, Luật Phòng chống tham nhũng thì có các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị như sau: Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (trong đó kê khai, xác minh tài sản thu nhập là một trong những hoạt động để kiểm soát tài sản).
Theo quy định tại Điều 2, Luật Phòng chống tham nhũng thì các hành vi tham nhũng xảy ra cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Các các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm 12 hành vi: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Phải xác định tham nhũng là hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi tham nhũng chủ yếu là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước. Nguyên nhân để xảy ra tham nhũng là xuất phát từ vấn đề xuống cấp đạo đức cán bộ, của người có chức vụ quyền hạn, nhu cầu về vật chất của họ lấn án đạo đức công vụ, những cám dỗ về vật chất mà họ không vượt qua nổi; sự yếu kém trong quản lý kinh tế và những cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ dẫn đến tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các hành vi tham nhũng xảy ra. Bởi vậy, các giải pháp đấu tranh phòng phòng chống tham nhũng là hướng đến nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn. Lựa chọn, bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cán bộ sao cho hiệu quả; nêu cao trách nhiệm của người có chức vụ quyền hạn và xây dựng cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ tài sản, công khai minh bạch và quản lý kinh tế hiện đại khoa học.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.
Để đấu tranh với tham nhũng đạt hiệu quả thì phải thực hiện được đồng thời 03 mục tiêu:
- Thứ nhất, là làm sao để người có chức vụ, quyền hạn - Chủ thể của tội phạm tham nhũng “không muốn tham nhũng”. Khi nhu cầu tham nhũng của những người là chủ thể của hành vi tham nhũng không còn hoặc nhu cầu tham nhũng giảm đi thì nguy cơ tham nhũng sẽ bị triệt tiêu hoặc giảm đi đáng kể.
Có ý kiến cho rằng “lòng tham là vô đáy”, không biết bao nhiêu tài sản cho vừa nên dù người có chức vụ, quyền hạn, các chủ thể có thể thực hiện hành vi tham nhũng giàu có, nhiều tiền, nhiều của thì họ vẫn tiếp tục tham nhũng. Điều này có thể đúng đối với một số người. Tuy nhiên, khi đời sống vật chất tinh thần khó khăn thì cám dỗ về vật chất sẽ lớn hơn, khi nghèo khó mà đạo đức xuống cấp thì tiền bạc rất dễ hạ gục, làm biến chất người có chức vụ quyền hạn đẩy họ trở thành tội phạm tham nhũng. Bởi vậy, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đồng thời với nâng cao đạo đức, phẩm chất của cán bộ, công chức. Khi điều kiện vật chất, tinh thần đã được đảm bảo, danh dự, đạo đức được đề cao thì "nhu cầu" tham nhũng và nguy cơ tham nhũng sẽ giảm đi. Khi cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ quyền hạn không bị áp lực bởi kinh tế, thu nhập ổn định và đạo đức cán bộ, vị thế của họ trong xã hội được nâng cao, được xã hội tôn trọng, ghi nhận thì nguy cơ tham nhũng sẽ giảm đi đáng kể. Trong điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, nhà nước chưa đủ điều kiện để trả một mức lương cao, ổn định cho cán bộ, công chức, viên chức thì vấn đề cải cách tiền lương là cấp thiết đồng thời phải nâng cao đạo đức cán bộ, dùng đạo đức để chi phối lợi ích về vật chất và làm sao để người có chức vụ quyền hạn cảm thấy tự hào, thấy yêu công việc họ đang làm và xã hội nể trọng, quý mến họ.
- Thứ hai, là làm sao để người có chức vụ, quyền hạn “không thể tham nhũng”. Khi đã thực hiện tốt mục tiêu làm cho người có chức vụ quyền hạn không muốn tham nhũng thì vẫn có một số trường hợp họ vẫn tham nhũng khi có thời cơ, mong muốn, lòng tham sẽ nổi lên khi cơ hội tham nhũng đến trước mặt họ. Bởi vậy, bước thứ hai để tiếp tục hạn chế nguy cơ tham nhũng là làm sao để người có nhu cầu tham nhũng có muốn tham nhũng cũng không được.
Để người có chức vụ không thể tham nhũng thì cần tăng cường quản lý kinh tế chặt chẽ, ứng dụng khoa học, tăng cường cơ chế quản lý tài sản khiến tài sản tham nhũng không có chỗ để tiêu thụ (nhà đất phải chính chủ, những người trẻ tuổi hoặc thu nhập thấp mà đứng tên tài sản lớn thì truy xuất nguồn gốc số tiền mua, không giải trình được thì thu hồi, khởi tố. Ít sử dụng tiền mặt, mỗi cá nhân chỉ được sử dụng 1-2 tài khoản ngân hàng. Tiền trong tài khoản tăng lên mà không giải trình được thì thu hồi, khởi tố...).
Thứ ba, là làm sao để người có chức vụ, quyền hạn “Không dám tham nhũng”. Để người có chức vụ quyền hạn không dám tham nhũng thì phải xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, đảm bảo công bằng trong việc xử lý.
Đây là giải pháp cuối cùng khi hai giải pháp trên chưa đạt hiệu quả hoặc còn có những hành vi đó là cách mà chúng ta đang làm hiện nay, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh người thực hiện 12 hành vi tham nhũng được liệt kê tại Điều 2 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 đối với khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
Phải thực hiện đồng thời ba mục tiêu này thì mới chống tham nhũng hiệu quả.
Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp