/ Pháp luật - Đời sống
/ Khi nào quan hệ vay nợ trở thành quan hệ hình sự?

Khi nào quan hệ vay nợ trở thành quan hệ hình sự?

09/07/2023 06:25 |

(LSVN) - Có nhiều trường hợp người cho vay nợ vì không hiểu biết pháp luật hoặc có thể do không kiềm chế được cảm xúc, hành vi trong quá trình đi đòi khoản vay (khoản nợ) có thể do người vay khất nợ nhiều lần, thất hứa, khiêu khích người cho vay dẫn đến những vụ án hình sự như: Giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp, cố ý làm hư hỏng tài sản hoặc hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng… Không vụ việc, vụ án nào là giống nhau, nhưng kết cục của những hành vi đòi nợ trái pháp luật này có thể dẫn tới hậu quả chung là người vay tài sản trở thành bị hại trong vụ án hình sự và người cho vay nợ lại dính vào vòng lao lý (trở thành bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự).

Ảnh minh họa.

Quan hệ vay nợ là quan hệ dân sự hợp pháp được pháp luật thừa nhận, được điều chỉnh bởi các quy định về hợp đồng vay nợ trong Bộ luật Dân sự, việc vay mượn có thể được các bên lập thành văn bản hoặc thông qua lời nói, hành vi cụ thể được quy định Điều 119, Bộ luật Dân sự năm 2015 về hình thức giao dịch dân sự như sau:

Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể;

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản;

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Theo đó, trường hợp khi đã giao kết hợp đồng mà một trong các bên vi phạm nghĩa vụ dẫn đến phát sinh tranh chấp, thì nếu giải quyết tranh chấp phát sinh này sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND theo thủ tục tố tụng dân sự, các bên sẽ xuất trình các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp người cho vay nợ vì không hiểu biết pháp luật hoặc có thể do không kiềm chế được cảm xúc, hành vi trong quá trình đi đòi khoản vay (khoản nợ) có thể do người vay khất nợ nhiều lần, thất hứa, khiêu khích người cho vay dẫn đến những vụ án hình sự như: Giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp, cố ý làm hư hỏng tài sản hoặc hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng… Không vụ việc, vụ án nào là giống nhau, nhưng kết cục của những hành vi đòi nợ trái pháp luật này có thể dẫn tới hậu quả chung là người vay tài sản trở thành bị hại trong vụ án hình sự và người cho vay nợ lại dính vào vòng lao lý (trở thành bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự).

Hiểu theo cách khác, thì việc vay nợ hay vay mượn tài sản là quan hệ dân sự, vì vậy chế tài thu hồi tài sản vay chỉ có thể áp dụng hành động đòi nợ hợp pháp là thương lượng, thỏa thuận hoặc khởi kiện dân sự, không thể lấy hành vi vi phạm pháp luật khác để đáp trả lại việc vi phạm nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người vay nợ vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng vay nợ, nhưng có các dấu hiệu như: Chiếm đoạt (không trả lại) tài sản đã được giao bằng thủ đoạn gian dối; không trả lại tài sản được giao khi đến hạn mặc dù có điều kiện, khả năng trả; đã sử dụng tài sản được giao vào mục đích bất hợp pháp, thì người cho vay nợ hoàn toàn có đủ cơ sở để tố giác hành vi của người vay nợ lên cơ quan Công an về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, cũng có trường hợp hành vi đòi nợ trái pháp luật của người cho vay nợ đối với người vay dẫn đến bản thân vướng vào lao lý, bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì trong một số vụ án hình sự người cho vay lại trở thành người bị buộc tội (bị can, bị cáo), còn người vay lại là nạn nhân của hành vi đòi nợ trái pháp luật.

Theo đó, người cho vay là người thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật dẫn tới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ngoài việc bị xử lý bởi chế tài hình sự còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường về dân sự do có hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín của nạn nhân (là người vay nợ). Còn đối với trường hợp nạn nhân có dấu hiệu thông qua quan hệ vay mượn hợp pháp mà cố ý chiếm đoạt tài sản của người bị buộc tội (là người cho vay) thì có thể cơ quan tố tụng sẽ xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự người vay nợ về tội "Làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định pháp luật.

Việc người vay nợ trở thành bị hại của hành vi đòi nợ trái pháp luật không làm chấm dứt nghĩa vụ phải trả nợ. Người vay nợ vẫn phải trả nợ cho người cho vay nợ kể cả họ vướng lao lý, nếu chậm trả nợ vẫn phải chịu thêm lãi suất đối với khoản nợ đó theo thỏa thuận và theo quy định của Bộ luật Dân sự. Người cho vay nợ nếu không trực tiếp đòi nợ được thì vẫn có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc đòi nợ này.

Từ những phân tích trên cho thấy, chúng ta cần hết sức thận trọng trong các giao dịch dân sự hàng ngày, cần đọc kỹ các điều khoản hợp đồng vay mượn, thế chấp tài sản đảm bảo cho hợp đồng vay nợ được khả thi. Khi có tranh chấp hợp đồng vay nợ nếu không tự thu hồi được tài sản cần tư vấn Luật sư để có các biện pháp thu hồi tài sản một cách hiệu quả, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, người vay nợ cũng cần tôn trọng thỏa thuận trong hợp đồng đã giao kết, các quy định về lãi suất các bên cho vay cũng phải đúng theo quy định pháp luật, giải quyết tranh chấp một cách thấu tình đạt lý, tránh để xảy ra việc đòi nợ trái pháp luật dẫn tới hậu quả đáng tiếc.

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỒNG

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Một số kiến nghị hoàn thiện Luật Xử lý vi phạm hành chính

Nguyễn Hoàng Lâm