Ảnh minh họa.
Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17/11/2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017. Sau hơn 05 năm triển khai thực hiện, Luật Đấu giá tài sản đã đạt nhiều kết quả cụ thể, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về đấu giá tài sản, góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản công...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Đấu giá tài sản đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc cụ thể như sau:
Thứ nhất, tình trạng gây mất an ninh trật tự (chèn ép, hù dọa, khống chế và mua chuộc… người tham gia đấu giá) trong các phiên đấu giá vẫn còn xảy ra, nhất là tổ chức các phiên đấu giá tài sản có giá trị lớn; tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá đã làm hạn chế người thực sự có nhu cầu tham gia đấu giá, làm giảm giá trị tài sản để trục lợi. Việc áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, bất cập nên chưa thu hút đông đảo người tham gia đấu giá. Tình trạng "trích phần trăm", "hưởng hoa hồng" hoặc "đi đêm" giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức bán đấu giá xảy ra phổ biến dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề đấu giá với nhau.
Thứ hai, quy định về thời hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá còn chưa hợp lý; chế tài xử lý chưa đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm, chưa mở rộng cơ chế hủy kết quả đấu giá trong một số trường hợp nhất định; quy định về trường hợp cấm tham gia đấu giá còn chưa đầy đủ...
Thứ ba, một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề còn yếu; việc cập nhật kiến thức pháp luật đội ngũ đấu giá viên còn chưa thường xuyên, liên tục. Vẫn còn tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến nhiều vụ việc bị hủy kết quả đấu giá do vi phạm về trình tự, thủ tục, thậm chí bị điều tra, truy tố, xét xử gây ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp và niềm tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động đấu giá tài sản.
Thứ tư, việc định giá tài sản, xác định giá khởi điểm để đấu giá, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa hợp lý, còn có trường hợp xác định giá khởi điểm rất thấp so với giá thị trường, dẫn đến tình trạng đầu cơ, trục lợi, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước… Lợi dụng sơ hở của các quy định về định giá và xác định giá khởi điểm, nên nhiều tài sản, nhất là quyền sử dụng đất đã bị tác động, can thiệp để hạ thấp giá trị so với giá thị trường nên nhiều khu đất "vàng" của Nhà nước rơi vào một số nhóm lợi ích mà thời gian qua nhiều vụ việc đã bị khởi tố và xử lý theo quy định.
Thứ năm, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu giá còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Cơ chế thành lập các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản còn dễ dàng, sơ hở, thiếu chặt chẽ, dẫn đến rất nhiều trường hợp, khi bị phát hiện có sai phạm thì các doanh nghiệp đấu giá làm thủ tục giải thể và thành lập mới doanh nghiệp đấu giá để né tránh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản là rất cần thiết, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá diễn ra hiệu quả, lành mạnh, công bằng và ngày càng chuyên nghiệp hóa, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá hiện nay.
Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN
Sở Tư pháp Kon Tum